4-10-2022
Công cuộc sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraine vào Nga xem như hoàn tất, trên phương diện pháp lý của Nga. Tòa Bảo hiến Nga phán rằng các hiệp ước về sáp nhập là “hợp hiến”, đồng thời Quốc hội Nga cũng đã phê chuẩn các hiệp ước và thông qua. Các hiệp ước sáp nhập có hiệu lực từ ngày 3 tháng 10 năm 2022. Trên “nguyên tắc”, 4 vùng lãnh thổ Donetsk, Lugansk, Zaporijjia và Kherson từ ngày này là “lãnh thổ của nước Nga”.
Putin và các cộng sự diều hâu từ đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” đã nói đi nói lại rằng Nga sử dụng mọi thứ vũ khí hiện có để bảo vệ lãnh thổ của mình. Mọi người đều hiểu lời hăm dọa này bao gồm việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Vấn đề là địa danh Lyman, một cứ điểm quan trọng về chiến lược đối với quân Nga (thuộc Donetsk) đã bị quân Ukraine giải phóng vào ngày 1 tháng 10. Chiến thắng không ai dám nghĩ tới vào đầu năm nay.
Trở lại câu hỏi “Lãnh thổ Nga đã bị Ukraine xâm phạm. Putin có dám chơi vũ khí hạt nhân hay không ?”
Theo tôi, ở thời điểm này, câu trả lời là “không”.
Cán cân lực lượng 1:10 giữa quân Ukraine và quân Nga từ đầu cuộc chiến đến nay có thể là 50:50.
Cán cân lực lượng sẽ còn có thể thay đổi. Quân Nga ngày càng mất tinh thần chiến đấu trong khi quân Ukraine thì ngược lại. Quân Nga, ngay cả người dân Nga, không thấy đâu là lợi ích của việc chiếm đất Ukraine. Còn người Ukraine tất cả đều có ý thức rằng “mất nước là mất tất cả”.
Vì vậy nhiều khả năng quân Nga sẽ không giữ được lâu dài các vùng đất vừa sáp nhập.
Putin mới lên tiếng hôm qua đại khái rằng sẽ “hỏi ý kiến người dân” để biết rõ ranh giới của các vùng đất vừa sáp nhập.
Rõ ràng là một chiến thuật luồn lách, câu giờ. Các vùng lãnh thổ vừa sáp nhập, giấy tờ ký chưa ráo mực, có nơi đã bị quân Ukraine chinh phục lại. Putin không dám “bấm nút hạt nhân” trả đũa, mặc dầu địa bàn Lyman là nơi lý tưởng để tiêu diệt quân Ukraine bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật (bom N).
Nói rằng ranh giới các vùng này chưa xác định chỉ là một cái cớ. Hoặc là vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga không (hay chưa) sẵn sàng. Hoặc Putin bị Biden hăm dọa (bằng đường dây riêng giữa hai bên) trả đũa.
Nhưng ta không thể loại trừ khả năng Putin dành một “không gian đàm phán” với Zelensky.
Ta có thể hiểu là biên giới các vùng lãnh thổ này sẽ “co giãn”, Putin có thể nhượng bộ cho đến khi Zelensky chấp nhận một đường biên giới mới. Điều này tôi có nói vài hôm trước, Putin có thể “trả” lại cho Ukraine hai vùng Kherson và Zaporijjia. Ta cũng không thể loại trừ khả năng Putin chấp nhận cho Ukraine gia nhập NATO.
Ý chí “bảo vệ lãnh thổ quốc gia” chỉ có thể được thể hiện khi ranh giới lãnh thổ quốc gia được xác định rõ rệt, bằng các hiệp ước phân định biên giới, có hiệu lực pháp lý và được cộng đồng quốc tế nhìn nhận. Điều này đúng với cả hai bên Nga và Ukraine.
Khó khăn của Ukraine khi gia nhập NATO, ngoài thái độ chính trị của các quốc gia thành viên, là đường biên giới của Ukraine phải được xác định và biên giới này phải được sự nhìn nhận của quốc tế. Điều cốt lõi của Minh ước Bắc đại tây dương là “bảo toàn lãnh thổ các quốc gia thành viên”. Biên giới Ukraine chưa xác định, trong khi chiến tranh bùng nổ mà nguyên nhân do tranh chấp lãnh thổ. Vì vậy ý kiến của Mỹ là “khoan hãy nói chuyện này vào lúc này”, khi đề cập đến đơn gia nhập NATO của Zelensky.
Cho dầu thế nào thì kết quả trên chiến trường sẽ quyết định những gì trên bàn hội nghị (nếu có một hội nghị). Quân Ukraine đang tiến “như chẻ tre”, trong khi Putin có thể bị phiền phức do xáo trộn xã hội vì các quyết định “động viên từng phần”. Chắc gì Zelensky chịu ngồi vào đàm phán ?
Và Zelensky có lý khi yêu sách “sẽ đàm phán nhưng không nói chuyện với Putin”. Đây là một đòn “chiến tranh tâm lý” có thể hạ bệ Putin. Không phải người Nga nào cũng đứng về phía Putin, nhứt là vào lúc này, con thuyền Putin đang bị ngấm nước, không biết chìm khi nào.