CHỌN CHỖ CUỐI
TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Sống khiêm tốn là một lời khuyên thường thấy trong kho tàng văn hoá Đông cũng như Tây, kim cũng như cổ. Sống giữa trời đất mênh mông, con người thật nhỏ bé, cần phải thành thật nhận ra sự nhỏ bé ấy. “Khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ, tự kiêu một chút cũng là thừa” – người xưa nói thế. Cuộc đời chính là sự tôi luyện để biết học khiêm tốn và tránh xa tự kiêu. Chỉ một chút tự kiêu cũng có thể làm người ta danh bại thân liệt đổ vỡ sự nghiệp không thể cứu vãn. Lão Tử lấy hình ảnh nước để nói về sự khiêm tốn: “Bậc trọn lành giống như nước. Nước khéo làm ích cho muôn loài mà không tranh giành, ở chỗ mọi người đều ghét, cho nền gần Đạo” (Đạo Đức Kinh, chương 8). Bậc thánh nhân cũng phải như vậy, phải sống cuộc đời khiêm cung từ tốn, quên mình vì người, không tự cao tự đại, có như thế mới gần Đạo gần Trời.
Sống khiêm tốn cũng là chủ đề chính của các bài đọc Lời Chúa hôm nay, dù mỗi bài đọc khai thác đề tài này ở một góc nhìn khác nhau. Sách Huấn Ca của người Do Thái là một cuốn sách thuộc thể loại “văn chương khôn ngoan.” Nội dung sách này cũng tựa như những ca dao tục ngữ của người Việt chúng ta. Điều khác biệt ở chỗ đây là Sách Thánh, tức là được Thần Linh Chúa soi sáng cho các tác giả viết ra. Tác giả vừa như một bậc thầy khôn ngoan giáo huấn, vừa như một người cha nhẹ nhàng khuyên răn, với mục đích giúp con cái nên người. Những lời khuyên chân tình này sẽ đi cùng với các con trải dài suốt năm tháng, để góp phần hình thành nhân cách và giúp con nên người hoàn thiện. “Càng làm lớn, con càng phải tự hạ.” Lời khuyên này sẽ được nhắc lại trong giáo huấn của Chúa Giêsu: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20, 27). Nét độc đáo được nêu trong sách Huấn Ca, là “Thiên Chúa được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường.” Hãy chiêm ngưỡng Chúa Giêsu, Người là Thiên Chúa cao sang đã hạ mình sống thân phận con người như chúng ta, và Thiên Chúa đã được tôn vinh qua sự khiêm nhường, nhất là qua cuộc khổ nạn và phục sinh vinh quang của Người. Khi sống khiêm nhường, chúng ta nên giống Chúa Giêsu, để rồi nhờ Người mà đến cùng Chúa Cha. Thiên Chúa được nhận biết, được yêu mến và được tôn vinh qua sự khiêm nhường của chúng ta là những con cái của Ngài.
Khiêm nhường là gì? Thánh Tôma Aquinô trả lời: “Đó là một nhân đức đặc biệt, hệ tại ở sự tuân phục của con người đối với Thiên Chúa, và vì Thiên Chúa, hạ mình vâng phục những người khác.” Theo Thánh Tôma, cách đối xử với tha nhân chỉ được gọi là khiêm nhường đích thực, khi nó được thực hiện “vì Thiên Chúa.”
Trong truyền thống Kinh Thánh, người khiêm nhường cũng là người khó nghèo và là người công chính. Họ luôn tín thác cậy trông nơi Thiên Chúa. Tác giả Thánh vịnh 67 đã diễn tả niềm vui và hạnh phúc của người công chính (Đáp Ca). Họ là những người được Chúa chúc phúc và nâng đỡ chở che. Cuộc đời họ sẽ luôn thư thái và an bình. Họ sẽ dễ dàng vượt qua những gian nan thử thách, vì có Chúa luôn ở cùng.
Thánh Luca đã kể lại sự việc Chúa Giêsu đi dự tiệc. Nhân dịp này, Chúa giáo huấn các tông đồ về sự khiêm nhường. Trong xã hội Việt Nam, xưa cũng như nay, chỗ ngồi dự tiệc còn quan trọng hơn cả thực phẩm trên bàn tiệc, vì nó khẳng định vị thế của người được mời. Thực ra, Chúa dùng hình ảnh chỗ ngồi trong bữa tiệc để giáo huấn chúng ta về sự khiêm nhường trong cuộc sống. Trong thực tế, đôi khi chúng ta giả bộ khiêm nhường, mà chưa chắc đã thực tâm sống nhân đức ấy.
Trong phần cuối của bài Tin Mừng, Chúa Giêsu còn dẫn chúng ta đi xa hơn, với lời mời gọi thực thi bác ái và quan tâm đến những người bất hạnh, những người bị lãng quên. Những của cải làm phúc cho người nghèo sẽ không bị rơi vào quên lãng, nhưng được Thiên Chúa ghi nhận và Ngài sẽ thưởng công cho người nào rộng rãi đối với tha nhân.
Khuynh hướng tự nhiên nơi con người bao giờ cũng muốn thể hiện mình. Ngày nay, nhiều người khoe khoang học thức và bằng cấp (nhiều khi lại là bằng cấp mua!). Thực tế, “con người không giá trị ở cái mình có, nhưng giá trị ở điều mình là” (ngạn ngữ Pháp). Giá trị đích thực không ở bằng cấp, nhưng là ở con người có kiến thức và biết sử dụng kiến thức đi liền với bằng cấp ấy. Khiêm tốn bao nhiêu cũng không đủ, tức là còn phải khiêm tốn suốt đời. Cũng vậy, người tín hữu không bao giờ tự cho là đã đạt được sự hoàn hảo nơi bản thân, nhưng còn phải gắng sức phấn đấu để đạt tới mức “hoàn hảo như Cha trên trời” như Chúa Giêsu mời gọi.
Ông John Wooden (1910-2020), huấn luyện viên nổi tiếng môn bóng rổ người Mỹ, đã viết như sau:
Tài năng do Chúa Trời cho, hãy khiêm tốn.
Danh tiếng do người khác cho, hãy biết ơn.
Tính tự phụ do tự ta cho, hãy cẩn thận
“Chọn chỗ cuối” là một cách nói gợi hình, không chỉ là một vị trí hoặc một không gian, nhưng đúng hơn là một thái độ sống trong cuộc đời. Một cách thiết thực, chọn chỗ cuối là biết thu mình lại để Chúa được tôn vinh, và cũng giúp anh chị em được hạnh phúc. Xin Mẹ Maria giúp chúng ta biết sống khiêm tốn, để có thể thân thưa với Chúa lời “xin vâng” như Mẹ.
TGM Giuse Vũ Văn Thiên