Các Kitô hữu “không Công giáo” có là anh chị em với chúng ta không?
Chúc bạn một weekend vui vẻ hạnh phúc bên cạnh những người thân thương. Đừng quên cầu nguyện cho chiến tranh được chấm dứt bên nước Ukraine nhé.
Cha Vương
Thứ 6: 08/07/2022
GIÁO LÝ: Các Kitô hữu “không Công giáo” có là anh chị em với chúng ta không? Tất cả những ai đã được Rửa tội đều thuộc về Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô. Vì thế, những người đã được rửa tội, dù không hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh Công giáo, họ cũng được gọi cách chính đáng là Kitô hữu, và do đó họ là anh chị em với chúng ta. (YouCat, số 130)
SUY NIỆM: – Những đổ vỡ trong Hội Thánh duy nhất của Chúa Kitô đều xuất phát từ những bóp méo giáo huấn của Chúa Kitô, từ những lầm lỗi của con người và từ những thiếu sót trong ý muốn hòa giải, nhất là nơi các vị hữu trách trong Hội Thánh. Ki tô hữu ngày nay không chịu trách nhiệm về những chia rẽ trong lịch sử Hội Thánh. Tuy nhiên vì muốn cả nhân loại được cứu rỗi, Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động trong các Hội thánh và các cộng đồng đã ly khai khỏi Hội Thánh công giáo. Tất cả những ân sủng sẵn có, như Kinh Thánh, các bí tích, đức tin, cậy, mến, và các đặc sủng khác đều do Chúa Kitô mà đến. Ở đâu có Thánh Thần Chúa Kitô, ở đó có một năng lực nội tại thúc đẩy phải “khôi phục lại sự hiệp nhất”, bởi vì ai thuộc về Thánh Thần đều khao khát tập họp lại với nhau.
❦Các Hội Thánh và các cộng đồng Hội Thánh. Nhiều cộng đồng Kitô hữu khắp thế giới lấy tên là Hội Thánh. Đối với người Công giáo, chỉ là Hội Thánh khi trong cộng đồng đó các bí tích của Chúa Giêsu Kitô được duy trì nguyên vẹn. Điều này đúng với các cộng đồng Chính thống và các Hội Thánh Đông phương trước hết. Trong những cộng đồng Hội Thánh phát xuất từ cuộc cải cách của Tin lành, các bí tích không được duy trì nguyên vẹn. (YouCat, số 130 t.t.)
LẮNG NGHE: Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. (Ga 15:7)
CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, Chúa luôn ao ước sự hiệp nhất Ki-tô giáo giữa những người tin vào Chúa Giêsu, xin giúp con vượt qua những gương xấu của sự chia rẽ, biết gạt sang một bên những ưu tiên riêng để thúc đẩy những gì mang lại sự hiệp nhất và công ích chung cho Giáo Hội.
THỰC HÀNH: Đọc chậm và suy niệm Kinh Chúa Thánh Thần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Ki-tô giáo.
From: Đỗ Dzũng