Cụm từ “ngụy quyền Sài Gòn” vẫn được báo chí chính thống Việt Nam sử dụng, trong các bài đánh dấu sự kiện 30/4/1975 năm nay.
Trong vài năm qua, thỉnh thoảng lại có ý kiến ở Việt Nam dè dặt cho rằng không nên gọi chính quyền Việt Nam Cộng hoà là ngụy quân, ngụy quyền như trước.
Tuy vậy, điểm qua báo chí tháng Tư 2022, người ta thấy chữ “ngụy quyền” vẫn được sử dụng chính thức tại Việt Nam.
Ví dụ, một bài của Thông tấn xã ngày 30/4/2022 viết: “ Trên chiến trường miền Nam, mặc dù ngụy quân, ngụy quyền và đế quốc Mỹ dùng mọi thủ đoạn chia rẽ nhân dân với bộ đội, du kích nhưng mối quan hệ đoàn kết quân dân luôn được củng cố, ngày càng gắn bó.”
Tạp chí Tuyên giáo hôm nay 30/4 viết: “Nhân dân các địa phương toàn miền Nam kiên cường bất, khuất suốt cuộc kháng chiến, khi cuộc tổng tiến công nổ ra, đã dũng cảm nổi dậy phối hợp cùng các lực lượng vũ trang đập tan bộ máy ngụy quyền, thiết lập chính quyền cách mạng, giải phóng quê hương.”
Báo Quân đội Nhân dân ngày 28/4 viết: “Như thế cần khẳng định rằng, chính quyền Việt Nam cộng hòa hoàn toàn là tay sai của Mỹ, thực hiện mưu đồ của Mỹ là biến Việt Nam trở thành thuộc địa kiểu mới. Dưới sự chỉ đạo của Mỹ, cùng với quân Mỹ, quân đội ngụy quyền Sài Gòn đã thực hiện nhiều chiến dịch thảm sát đồng bào miền Nam.”
Báo Tuổi Trẻ Thủ đô ngày 30/4 viết: “Vào lúc 11h30 ngày 30/4/1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc dinh Độc Lập – sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn.”
Báo Long An ngày 30/4 có bài viết: “Sự sụp đổ của Ngụy quyền Sài Gòn là tất yếu vì chính quyền đấy đi ngược lại lợi ích của nhân dân, lợi ích của quốc gia, dân tộc.”
Như vậy có thể thấy cụm từ “ngụy quyền Sài Gòn” vẫn là ngôn ngữ chính thức được sử dụng để chỉ các chính phủ Việt Nam Cộng hòa trước đây.