Việt Nam liên tiếp xảy ra các vụ học sinh tự vẫn, rơi lầu

Việt Nam liên tiếp xảy ra các vụ học sinh tự vẫn, rơi lầu

April 1, 2022

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ngày 1 Tháng Tư, các báo ở Việt Nam ghi nhận liên tiếp hai vụ học sinh tự tử do áp lực học hành đè nặng.

Theo báo Tuổi Trẻ, em LNNM, 16 tuổi, ở tầng 28 V1 chung cư Văn Phú Victoria và là học sinh lớp 10 Trường Chuyên Hà Nội-Amsterdam, được phát hiện rơi xuống đất tại chung cư này, thiệt mạng.

Chung cư Văn Phú Victoria là nơi một nam sinh Trường Chuyên Hà Nội-Amsterdam nhảy lầu tự tử và để lại thư tuyệt mệnh. (Hình: Dân Trí)

Vụ việc xảy ra vào khoảng 3 giờ rưỡi sáng cùng ngày.

Báo này cho biết thêm, công an có mặt tại hiện trường để điều tra nguyên nhân sự việc.

Trong khi đó, báo Dân Trí cho hay, trước khi nhảy lầu, nam sinh xấu số “có biểu hiện trầm cảm” và “để lại thư tuyệt mệnh.”

Trường Chuyên Hà Nội-Amsterdam được ghi nhận là một trong những trường trung học có tỉ lệ “chọi” cao (số thí sinh dự thi cao nhưng định suất ít) và việc có một suất học ở trường này là niềm tự hào của học sinh và phụ huynh ở Hà Nội.

Cũng trong hôm 1 Tháng Tư, theo báo Zing, em NKV, 14 tuổi, nữ sinh lớp 8 trường trung học cơ sở Đại Phúc ở thành phố Bắc Ninh, được gia đình phát hiện trong tư thế treo cổ một ngày trước.

Báo này dẫn lời ông Nguyễn Cương Nghị, trưởng Phòng Giáo Dục Đào Tạo thành phố Bắc Ninh, cho biết thêm em V. “là học sinh có ý thức học tập và tu dưỡng, không có biểu hiện bất thường về tâm lý.” Tuy nhiên, dựa vào nhật ký và thư em để lại, mọi người suy đoán nữ sinh này “có dấu hiệu trầm cảm.”

Ngoài hai vụ nêu trên, theo báo Dân Trí hồi trung tuần Tháng Ba, em NKL, 15 tuổi, học sinh lớp 9, quê ở Tuyên Quang, được phát hiện chết sau khi rơi từ tầng 26, chung cư T3 ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Áp lực học hành, thi cử khiến nhiều học sinh ở Việt Nam chịu sức ép tâm lý nặng nề (Hình minh họa: Dân Trí)

Sau khi vụ rơi lầu xảy ra, nhà trường cho biết nữ sinh này “có học lực bình thường” và trước đó “vẫn đi học như mọi ngày.”

Các vụ tự tử của học sinh được ghi nhận diễn ra trong bối cảnh trường học tại các tỉnh thành mở cửa lại sau thời gian dài học sinh phải học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Báo Dân Trí dẫn bình luận của ông Trần Thành Nam, chủ nhiệm khoa Các Khoa Học Giáo Dục, Đại Học Giáo Dục thuộc Đại Học Quốc Gia Hà Nội: “Nhiều em [học sinh] cảm thấy mất ý nghĩa cuộc sống, cảm thấy bị người lớn ứng xử thô bạo, bất công. Từ đó, các em thể hiện muốn chấm dứt cuộc sống… qua những thái độ, lời nói mà bố mẹ lại coi thường, bỏ qua trong giao tiếp hằng ngày… Trong khi trầm cảm, tổn thương nặng, cá nhân thu mình lại gặm nhấm nỗi đau… Nhưng khi chuyển từ ‘pha trầm’ sang ‘pha hưng cảm,’ đây là thời điểm bệnh nhân dễ tự tử nhất vì họ cảm thấy có năng lượng để thực hiện những kế hoạch tự tử đã được lên kế hoạch trong khi trầm cảm và tuyệt vọng nhất.” (N.H.K)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay