Mariupol – thành phố bị thảm sát:
Chính quyền PUTIN muốn chối đến cùng các tội ác tại Ukraina
@@@
“Chiến dịch quân sự đặc biệt” mà chính quyền Putin tiến hành từ bốn tuần qua, với danh nghĩa tiêu diệt các lực lượng “phát xít” đe doạ người nói tiếng Nga vùng Donbass, đang ngày càng trở thành một cuộc chiến tranh huỷ diệt tàn bạo chống lại người dân Ukraina.
Mariupol, thành phố cảng đông nam Ukraina, là một minh chứng rõ ràng. Bệnh viện phụ sản, nhà hát thành phố, trường nghệ thuật nằm trong số các cơ sở dân sự bị oanh kích. Tổng lãnh sự Hy Lạp Manolis Androulakis tại Mariupol, người rời khỏi thành phố hôm 15/03, trở về nước ngày 19/03, ví thành phố thuộc hàng đẹp nhất Ukraina này, giờ đây như thành phố Tây Ban Nha Guernica (một biểu tượng của sự huỷ diệt do chiến tranh).
Ít nhất 2.000 người thường dân chết vì bom đạn, theo chính quyền thành phố. Một số nhà quan sát đưa ra con số hàng chục nghìn người trên tổng số hơn 400.000 dân cư trước chiến tranh. Ngày 21/03, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Joseph Borell khẳng định cuộc tấn công của quân đội Nga vào Mariupol là “một tội ác chiến tranh lớn”.
Mariupol – bị vây hãm ba tuần nay – tiếp tục kháng cự lại quân Nga. Kể từ ngày 19/03, một số nhóm quân Nga đã lọt vào trung tâm thành phố. Cho đến hôm nay, 23/03/2022, ước tính còn khoảng 100.000 người dân kẹt lại trong thành phố Mariupol nơi chiến sự tiếp diễn.
Ngày 21/03/2022, tức ngày thứ 26 của cuộc xâm lăng, quân đội Nga ra tối hậu thư cho chính quyền Ukraina tại thành phố cảng đầu hàng trước 5 giờ sáng. Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky bác bỏ.
***
CHÍNH QUYỀN PUTIN TRÊN GHẾ BỊ CÁO
Vừa đánh, vừa đàm. Vừa xâm lăng, vừa tỏ ra nhân đạo. Hồi tuần trước, chính quyền Nga đã cố gắng vận động đưa ra Hội Đồng Bảo An một dự thảo nghị quyết yêu cầu mở các “hành lang nhân đạo” tại nhiều thành phố Ukraina, trong đó có Mariupol. Rút cục Matxcơva phải huỷ bỏ ý định này do không được thành viên nào ủng hộ. Dự thảo nghị quyết của Nga bị lên án là giả dối, khi Matxcơva không chấp nhận nói đến các bên xung đột, cuộc tấn công Ukraina – nguyên nhân của các bạo lực.
Cuộc xâm lăng Ukraina của Nga đã bị cộng đồng quốc tế lên án dữ dội. Bảy ngày kể từ khi quân đội Putin mở màn cuộc tấn công, Đại Hội Đồng LHQ đã ra nghị quyết với 141 phiếu thuận, đòi Nga chấm dứt cuộc xâm lăng. Chính quyền Nga đã phớt lờ nghị quyết không mang tính cưỡng chế của cộng đồng quốc tế.
Ngày 04/03, Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, có trụ sở tại Genève thông qua một nghị quyết yêu cầu điều tra về các xâm phạm nhân quyền tại Ukraina, kể từ khi Nga quyết định tấn công Ukraina.
Ngày 16/03, Toà án Công lý Quốc tế của LHQ, trụ sở tại La Haye, ra phán quyết yêu cầu Nga chấm dứt “chiến dịch quân sự” phi pháp tại Ukraina, nhân danh chống Diệt chủng.
***
Đại sứ Nga tuyên bố Quân đội NGA NÉM BOM “KHÉO LÉO”
Cho dù đang bị cô lập trên trường quốc tế, do cuộc chiến tranh chống lại Ukraina càng ngày càng bị cộng đồng quốc tế lên án là phi nghĩa, chính quyền Putin dường như không từ bỏ quyết tâm dùng bạo lực đến cùng tại Ukraina, để đạt mục tiêu.
Theo nhiều nhà quan sát, quân Nga – bị sa lầy ở nhiều nơi tại Ukraina – đang coi việc chiếm được Mariupol, thành phố cứng đầu ven biển Azov, là một bằng chứng để khẳng định chiến thắng.
Để che giấu mức độ tàn bạo do quân đội Nga gây ra tại Ukraina, tại thành phố cảng Mariupol, ngành ngoại giao Nga tiếp tục tung ra các tuyên truyền chống chế.
Hôm 21/03, Gennady Gatilov, đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, ở Genève, tuyên bố Nga đang cố gắng “ủng hộ việc chấm dứt thảm sát”. Đại sứ Nga quy lỗi cho truyền thông phương Tây đã dùng nhiều cách để “bóp méo” sự thật, đồng thời trấn an, “chúng tôi đang cố gắng (ném bom) một cách hết sức khéo léo, để không làm thường dân bị thương”.
***
Hai phóng viên chuyên nghiệp cuối cùng đã rời khỏi thành phố
Thảm kịch của người dân thành phố Mariupol được nhiều nhà báo dũng cảm ghi lại. Hai nhà báo Mstyslav Chernov và Evgeniy Maloletka là hai phóng viên chuyên nghiệp cuối cùng rời khỏi Mariupol hôm 15/03. Đây là hai nhân chứng hiếm hoi của truyền thông quốc tế đưa được ra ngoài các hình ảnh về thành phố bị tàn phá, cùng cuộc sống gian khổ của người dân. Hình ảnh do Mstyslav Chernov và Evgeniy Maloletka (*) thu được đã được truyền ra ngoài, xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông khắp thế giới. Hai phóng viên Mỹ ẩn trong một xe hơi của người tị nạn, rốt cuộc đã vượt ra được bên ngoài, qua 15 trạm gác của lính Nga, bảo vệ được các hình ảnh, tư liệu về những tuần Mariupol bị vây hãm và oanh kích.
Rất ít thông tin về bạo lực tại Mariopul những ngày gần đây, sau khi các nhà báo cuối cùng rút đi. Tội ác của quân đội Nga tại Mariupol có nguy cơ bị các thông tin một chiều của truyền thông Nga che giấu. Theo phóng viên của đài Pháp France Télévison, Stéphanie Perez từ Odessa, không còn các phóng viên, “những hình ảnh duy nhất đến với thế giới là đến từ các binh sĩ Chechnya, tay chân của chính quyền Nga”, điện Kremlin giờ đây có thể “toàn quyền kể lại cuộc chiến tại Mariupol”. Các tội ác sẽ có thể tiếp tục diễn ra đằng sau “những cánh cửa đóng kín”.
***
(*) Bài giới thiệu “20 days in Mariupol: The team that documented city’s agony” / “20 ngày tại Mariupol : ê kíp phóng viên ghi lại sự hấp hối của một thành phố”
https://apnews.com/…/russia-ukraine-europe…
Ảnh trên : người dân Mariupol chôn xác người chết ngay trong thành phố (Reuters)
Ảnh dưới: Một khu nhà tại thành phố bị tàn phá
Ảnh dưới: Mariupol trước cuộc xâm lăng Nga (Wikipedia)