Bang Uong
Tàn Phá, Chết Chóc và Tình Yêu Trong Chiến Tranh
Bùi Phạm Thành
(Đặc San Lâm Viên)
Chiến tranh, theo định nghĩa thông thường là “sự xung đột vũ trang giữa những phe khác nhau”. Những phe khác nhau không nhất thiết là phải khác quốc gia, khác chủng tộc… Với một định nghĩa thật đơn giản, nhưng hậu quả của chiến tranh thì không thể tưởng tượng được. Chiến tranh đồng nghĩa với chết chóc và tàn phá. Một thí dụ điển hình, theo ghi nhận của lịch sử thì thế chiến thứ nhì (1939-1945), tổng số người chết (quân và dân) của tất cả các quốc gia tham chiến là khoảng từ 70 đến 85 triệu người. Một con số lớn ngoài sự tưởng tượng của bất cứ ai đọc về lịch sử của chiến tranh!
Trong lịch sử của nhân loại, từ thời sơ khai đến nay, thì chiến tranh đã xảy ra ở khắp nơi. Khi nền văn minh phát triển thì sự thiệt hại do chiến tranh gây nên lại càng tăng vọt. Với vũ khí thô sơ như cung tên, đao kiếm thì sự tàn phá có giới hạn, thế nhưng với nền văn minh hiện tại, con người đã chế tạo ra các loại vũ khí “giết người hàng loạt”, thế cho nên thiệt hại về nhân mạng tăng lên gấp bội. Đó là chưa kể đến các loại vũ khí nguyên tử (hạt nhân) hay vũ khí sinh học (vi trùng), có thể đưa nhân loại đến chỗ tận diệt.
Nguyên nhân của chiến tranh thì gần như thu gọn vào lòng tham của con người. Mà trên đời này thì có rất nhiều thứ khích động lòng tham, và hai thứ hàng đầu là quyền lực và tài sản. Một quốc gia có thể gây chiến với quốc gia khác để chiếm đoạt tài nguyên thiên nhiên, hoặc xâm lăng để chiếm tài sản, hay chỉ muốn phô trương sức mạnh và bành trướng lãnh thổ…
Trong lịch sử chiến tranh thì chỉ cần một kẻ hung hăng, tham lam là đủ yếu tố tạo nên chiến tranh. Hiện nay thì, không cần nêu tên, chúng ta cũng biết thế giới đang có nhiều hơn là hai kẻ với lòng tham có thể gây nên chiến tranh. Ngày 24 tháng 2 năm 2022, Vladimir Putin, tổng thống Nga, đã xua quân tấn công Ukraine, khởi đầu cho chiến tranh ở châu Âu ở đầu thế kỷ thứ 21.
Trong ngày đầu tiên của cuộc xâm lăng, hình ảnh một chiếc xe tăng của Nga bị phá huỷ và xác của một binh sĩ Nga đang bị tuyết phủ được phổ biến trên báo chí và các trang báo điện tử đã cho thấy cảnh tượng bi thảm của chiến tranh. Người lính Nga này sẽ không thể biết, trong trận chiến này, ai sẽ thắng và ai sẽ thua? Thế nhưng có điều chắc chắn là anh ta đã thua, đã thiệt mạng. Những viên đạn nào đã xé gió, gim vào thân thể để lấy đi mạng sống của anh ta. Hy vọng rằng cái chết đến với anh thật nhanh, không kịp nhận thấy đau đớn. Anh đã hoàn tất nhiệm vụ của người lính. Nhưng đau đớn thay, nghịch lý thay, đó lại là nhiệm vụ của kẻ xâm lăng! Anh đã thua! Cha mẹ, người thân, nơi quê nhà cũng sẽ mang nỗi đớn đau của kẻ thua cuộc, mất mát. Nếu anh đã có gia đình hoặc người yêu thì họ sẽ là người thua thiệt nặng nề hơn, với tương lai mờ mịt, vì người cột trụ trong gia đình đã mất…
Hình ảnh những ngôi nhà đổ nát vì bom đạn, tự nó, không mang ý nghĩa gì ngoài ý nghĩa về sự tàn phá của chiến tranh. Thế nhưng những ngôi nhà đó, mới ngày hôm qua, là ngôi nhà thân yêu, là tổ ấm gia đình, nơi mà những đứa trẻ có giấc ngủ êm đềm hằng đêm, và trở về nhà sau giờ học trong vòng tay đón chờ của người mẹ, rồi được thưởng thức bữa cơm chiều êm ấm cùng cha mẹ, bỗng chốc đã trở thành đống gạch vụn! Bút mực nào có thể diễn tả được nỗi lòng của người mẹ trước đống gạch vụn của căn nhà yêu thương, mái ấm gia đình vừa bị đạn bom tàn phá! Rồi mai này cuộc sống sẽ ra sao?
Và những trẻ em Ukraine ngày mai sẽ không đến trường, vì lớp học của các em đã bị phá vỡ bởi một trái bom hay viên đạn bắn đi từ chiếc xe tăng của kẻ xâm lăng. Ngày mai sân trường không còn tiếng trẻ nô đùa, hò reo chạy đuổi theo những trái banh trên sân cỏ xanh mướt. Hy vọng rằng những hình ảnh đổ nát này không dạy cho các em một bài học về hận thù, mà là một bài học về sự tàn phá, mất mát, đau thương do chiến tranh gây ra.
Còn hình ảnh nào bi tráng hơn cảnh người vợ bồng đứa con thơ trên tay hôn từ giã người chồng lính chiến trước khi lên đường chạy qua Ba Lan để tị nạn chiến tranh. Có thể đây là chiếc hôn cuối cùng của đôi vợ chồng trẻ này. Đứa bé thơ vẫn yên ngủ trên tay người mẹ nào biết gì về tương lai, cha của em đã quyết định ở lại để chống quân xâm lăng, bảo vệ quê hương, bảo vệ người dân, trong đó có mẹ, có em. Ngày mai nào ai biết sẽ ra sao? Đứa bé có lớn lên trong sự yêu thương của cha mẹ, hay trở thành côi cút với tấm hình của người cha mà, khi đó, em chưa đủ trí khôn để nhìn rõ mặt…
Danh từ “chiến tranh” có lẽ không chỉ được định nghĩa bằng câu văn, chữ viết, mà phải kèm theo hình ảnh, bởi vì “một bức ảnh có giá trị hơn ngàn câu văn, lời nói.”
Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky
Một biểu tượng oai hùng của Ukraine, hôm thứ Bảy ngày 26 tháng 2 năm 2022, toà đại sứ của Ukraine ở Anh quốc cho biết là ông Volodymyr Zelensky, tổng thống Ukraine, từ chối lời đề nghị của chính phủ Mỹ, muốn đưa ông di tản ra khỏi Kyiv, thủ đô của Ukraine, nơi mà Putin tuyên bố là quân Nga sẽ chiếm được trong vài ngày nữa. Ông nói: “Cuộc chiến đang xảy ra ở nơi đây, Tôi cần đạn dược chứ không cần phương tiện di chuyển – The fight is here; I need ammunition, not a ride.”
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ông Ned Price, hôm thứ Năm cho biết rằng theo tin tình báo thì quân Nga có ý định phá tan nền chính trị của Ukraine bằng cách giết hại người lãnh đạo; trong đó ông Volodymyr Zelensky là mục tiêu số một, và gia đình ông là mục tiêu số hai.
Trong một video được đăng vào sáng thứ Bảy với tựa đề “đừng nghe những tin giả”, ông Zelensky cho biết rằng ông vẫn đang có mặt ở Kyiv:
“Chúng tôi vẫn còn đang ở tại đây. Chúng ta không buông súng. Chúng ta sẽ bảo vệ đất nước của chúng ta, bởi vì vũ khí của chúng ta là sự thật, và sự thật của chúng ta là: đây là lãnh thổ, là quốc gia, cùng với con cái của chúng ta, và chúng ta sẽ bảo vệ những điều này cho đến cùng. Chỉ có thế. Đó là tất cả những gì tôi muốn nói với toàn dân và toàn quân. Vinh quang cho Ukraine.”
Tối thứ Năm, ngày 24 tháng 2 năm 2022, trong cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo của Liên Minh Châu Âu, tổng thống Volodymyr Zelensky đã nói
Đây có thể là lần cuối cùng quý vị thấy tôi còn sống
This might be the last time you see me alive.
Trên trang báo điện tử The Atlantic, dưới tựa đề “Lời cầu nguyện cho Volodymyr Zelensky – A Prayer for Volodymyr Zelensky”, nhà bình luận Franklin Foer đã viết:
Khi ông Zelensky từ chối lời đề nghị lưu vong của Washington, ông ta đã đưa ra một quyết định khác với lệ thường so với những nhà lãnh đạo khác. Sau khi Đức xâm lược Pháp, Charles de Gaulle đã chạy qua London. Hoặc lấy một ví dụ gần đây hơn: Tổng thống Afghanistan, Ashraf Ghani, lên trực thăng rời Kabul ngay khi mới nghe tin đồn rằng quân Taliban đã vào thành phố. Thực ra, ai có thể đổ lỗi cho họ? Hầu hết con người đều không muốn xác của họ bị kẻ thù treo trên cọc nhọn, một tiền lệ kinh hoàng trong lịch sử, khó có thể xoá nhoà khỏi tâm trí của những nhà lãnh đạo, hay cấp chỉ huy. Trong một video quay bằng điện thoại ngay trên đường phố của thủ đô Kyiv, ông Zelensky nói với dân chúng: “Chúng tôi vẫn còn đang ở tại đây. Chúng ta không buông súng.” Tôi, Franklin Foer, và chúng ta, những người đang đọc bài viết này, chỉ biết cầu nguyện rằng điều đó vẫn đúng ở ngày mai.
Anh hùng thay lời nói của một nhà lãnh đạo trong lúc nguy khốn nhất; không bỏ binh lính, không bỏ dân chúng quả là hiếm hoi trong lịch sử. Đáng được làm gương cho hậu thế.
Kết quả của cuộc chiến Nga-Ukraine ra sao? Mạng sống của ông Zelensky sẽ thế nào? Câu trả lời sẽ được ghi vào lịch sử của Ukraine và lịch sử chiến tranh của nhân loại. “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng,” câu nói của tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ mãi mãi khắc ghi trong lịch sử cũng như trong lòng người dân Ukraine, sẽ in đậm nét vào tâm trí của những nhà lãnh đạo của Liên Minh Châu Âu và các quốc gia tự do, trong đó có Hoa Kỳ. Với một nhà lãnh đạo như ông Zelensky cùng với quyết tâm chống xâm lăng của quân và dân Ukraine, thì Ukraine sẽ là miếng gân gà của Putin; bỏ thì tiếc, nhưng nhai không nổi, nuốt khó trôi.
oOo
Trong đổ vỡ, giết chóc của chiến tranh, cũng có những câu chuyện tình, đẹp như bản tình ca, đem hy vọng đến cho loài người, như ánh sáng ở cuối đường hầm, như đoá sen vươn cao khỏi bùn lầy để nở rộ, toả hương thơm ngát. Đó là câu chuyện của cô Yaryna Arieva và anh Sviatoslav Fursin, đôi tình nhân Ukraine trong giờ phút nguy hiểm nhất, lúc quân Nga đang tấn công vào Ukraine.
Sviatoslav Fursin (trái) và Yaryna Arieva (phải) trong lễ thành hôn ngày 24 tháng 2 năm 2022
Đôi tình nhân trẻ, cùng 24 tuổi, gặp nhau lần đầu vào tháng Mười năm 2019, đã có dự tính cho một cuộc hôn nhân theo nghi thức truyền thống, cùng với đầy đủ cha mẹ, thân quyến và bạn hữu vào tháng Năm năm 2022. Thế nhưng quyết định của Putin xua quân xâm lăng Ukraine ngày 24 tháng 2 đã khiến họ phải thay đổi dự tính. Cô Arieva nói:
Tình hình thật nghiêm trọng. Chúng tôi phải chiến đấu để bảo vệ quê hương. Chúng tôi có thể sẽ bị chết trong cuộc chiến này, và chúng tôi chỉ muốn được ở bên nhau trước khi điều đó có thể xảy ra.
“The situation is hard. We are going to fight for our land. We maybe can die, and we just wanted to be together before all of that.”
Một câu nói có thể trở thành danh ngôn về tình yêu trong chiến tranh, trong đó bao gồm cả tình yêu nam nữ và tình yêu tổ quốc.
Bức hình ở đầu bài viết là hình ảnh của Yaryna Arieva và Sviatoslav Fursin, ngay sau lễ cưới ở giáo đường, họ cùng với rất đông người dân Ukraine trong mọi thành phần của xã hội, đã tình nguyện gia nhập “dân quân tự vệ” để được trang bị vũ khí, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương, vì quân Nga đã tiến vào Ukraine. Những cột khói, ngọn lửa, và tiếng nổ của đạn bom đang ầm vang trong thành phố, chung quanh họ.
Với sự chiến đấu anh dũng của quân và dân Ukraine cùng với chí anh hùng của tổng thống Volodymyr Zelensky, có thể đây là trận chiến sau cùng để quyết định vận mạng của Ukraine: là một quốc gia độc lập, tự quyết, hay dưới quyền kiểm soát của Nga. Hoặc một giải pháp ôn hoà nào đó có thể sẽ được đôi bên chấp thuận, để tránh cuộc chiến này trở thành cuộc kháng chiến trường kỳ chống Nga của người dân Ukraine.
Bùi Phạm Thành
(Đặc San Lâm Viên)