Le Tu Ngoc
Ai đã đọc “CUỐN THEO CHIỀU GIÓ” của bà Margaret Mitchell hẳn sẽ biết cuộc Nội Chiến của Mỹ đã diễn ra khốc liệt thể nào, khi nó kết thúc vào mùa xuân năm 1865 thì đã có hơn sáu trăm ngàn chiến sĩ của cả hai phe không thể trở về gặp mặt bạn bè lẫn người thân.
Những năm sau cuộc chiến, cứ đến độ hoa nở rộ trong vườn thì người Mỹ ở khắp nơi lại mang hoa ra cắm và cầu nguyện nơi mộ chí của những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến này bất kể là lính Nam hay lính Bắc. Người dân thành phố Waterloo của tiểu bang New York vào ngày 5 tháng 5 năm 1866 đã đóng cửa các tiệm bán buôn trong thành phố để mọi người có thể mang hoa và cờ đến cắm lên các ngôi mộ của những người lính tử trận, sự kiện này sau đó được tổ chức hàng năm ở nơi đây.
Ngày 5 tháng 5 năm 1868, Tướng John A. Logan, người đứng đầu một tổ chức cựu chiến binh miền Bắc đã kêu gọi một ngày tưởng nhớ trên toàn quốc để mọi người có thể mang hoa và cờ đi trang điểm những ngôi mộ chiến sĩ, ông chọn ngày 30 tháng 5 và gọi nó là “Ngày làm đẹp các ngôi mộ để tưởng nhớ và ghi ơn” (Decoration Day).
Trong Ngày Decoration Day được tổ chức lần đầu tiên ở nghĩa trang quốc gia Arlington, hơn 5 ngàn người gồm những goá phụ, cựu chiến binh cùng bạn bè lẫn người thân đã đến để đặt hoa và các dải ruy băng lên 20 ngàn ngôi mộ của những người chiến sĩ của cả hai phe.
Sau Thế Chiến thứ I thì ngày 30 tháng 5 dần được biết đến với cái tên Memorial Day (Ngày Tưởng Niệm) và là dịp để người Mỹ tưởng nhớ đến tất cả các chiến sĩ đã ngã xuống trong các cuộc chiến chứ không riêng gì cuộc Nội Chiến. Năm 1968 Quốc Hội thông qua đạo luật Uniform Monday Holiday Act, đạo luật này quy định lấy ngày thứ hai làm ngày nghỉ mỗi khi có dịp lễ lộc với mục đích giúp dân chúng được nghỉ liên tục 3 ngày cuối tuần đặng ăn chơi cho nó đã. Kể từ đó thì Ngày Tưởng Niệm (Memorial Day) hàng năm ở Mỹ sẽ rơi vào ngày thứ hai cuối cùng của tháng năm.
Kể sơ sơ chuyện xứ Mỹ để nói đến cái ngày 30 tháng 4 của xứ mình. Nếu tôi mà là ông tổng Trọng thì tôi sẽ gọi tên cái ngày cuối cùng của tháng tư này là ” Ngày Tiếc Thương”. Tôi sẽ khuyến khích người dân cả nước trong ngày đó đi đến tất cả các nghĩa trang lớn nhỏ mà cắm những bông hoa lên trên mộ của bất cứ ai đã bỏ mình vì những cuộc chiến tương tàn trên xứ Việt mà chẳng cần phân biệt phe nào.
Nếu tôi mà là ông tổng Trọng, tôi sẽ cách chức bất cứ quan chức nào cho phép đốt pháo hoa hay treo cờ phướng loè loẹt khắp phố phường vào cái ngày này, tôi sẽ cho người vả vào miệng bất cứ quan chức nào vẫn còn bô bô những từ “Giải Phóng, Chiến Thắng, Bản Anh Hùng Ca, Vô địch với Vĩ Đại”.
Bởi cho dù đối với người dưng kẻ lạ thì cũng chẳng có một sự phỉ báng nào vô liêm sĩ cho bằng chính vào cái ngày mà người ta tiếc thương cho thân bằng quyến thuộc đã ngã xuống của người ta còn mình lại cứ bắn pháo hoa ăn mừng, cứ lên gân hò hét lải nhải những từ ngữ mất dạy như thể cố khoét cho sâu thêm nỗi đau của những người có thân nhân chết trận, cũng như khoét cho sâu thêm những mối thù mà bất cứ một chính quyền tử tế nào cũng phải quan tâm xoa dịu.
Kiểu cách đó đối với người dưng kẻ lạ đã là hạ tiện, huống hồ gì giữa người mình mang ra để đối với người mình.
Fb Thuc Tran