Giáo xứ Cần Giờ – DCCT
Thưa Thầy, Thầy đi đâu
Cách đây chừng 20 năm, người ta đã dựa vào cốt truyện trong tác phẩm “Quo vadis?” (Thầy đi đâu?) của văn hào Công giáo Ba Lan Sienkiewez (1846-1916), giải Nobel 1905 để đóng một cuốn phim nổi tiếng khắp thế giới cũng mang tựa đề ấy.
Từ đâu có cốt truyện ấy ? Ai đã nói tiếng Thầy đi đâu ?
Theo truyền khẩu giáo dân thời Hội Thánh sơ khai người ta biết được rằng, vào các thế kỷ I-IV, các hoàng đế Roma đã ra công bách hại đạo Chúa hết sức hung hãn: nào là đâm chém, nào là đóng đinh thập tự, nào là cho thú dữ ăn thịt ở nơi hí trường Colisê để nhân dân thỏa thích thưởng ngoạn, nào là buộc vào cột trụ, tẩm dầu rồi đến đêm châm lửa đốt cháy vùn vụt như bó đuốc. Thật muôn phần khủng khiếp !
Phêrô, thủ lãnh của Hội Thánh, lúc ấy cũng bị truy nã gắt gao theo lệnh của hoàng đế Nêron. Vì thế người có ý định tạm lẩn trốn ra khỏi thành Roma một thời gian, cho qua cơn sóng dữ. Một đêm nọ, người ta trông thấy một bóng dáng đàn ông đang hồi hộp lần bước trên con đường Appia. Lúc gần đến cửa Capena, bỗng nhiên ông ta đứng khựng lại ! Từ xa một người đang tiến thẳng về phía ông. Ông dụi mắt rồi quá đỗi vui mừng, Phêrô ôm chầm lấy người ấy và hỏi:
– “Thưa Thầy, Thầy đi đâu ?
Thì ra người ấy là Chúa Giêsu, tội nhân bị xử mấy mươi năm về trước. Đáp lại câu hỏi của Phêrô, Người ôn tồn nói:
– Phêrô vì con sợ gian khổ, con định đào tẩu, nên Thầy phải vào thành Roma để chết thay cho con”.
Nói xong Chúa Giêsu biến mất… Phêrô hiểu ý Thầy bèn quay gót trở lại thành Roma, chấp nhận mọi gian khổ, củng cố đức tin của anh em giáo hữu, xông pha giữa muôn nghìn nguy hiểm cho đến năm 67 thì bị bắt và bị tống giam ở nhà ngục Tullianum. Theo lưu truyền, Phêrô đã cảm hoá được hai người lính canh ngục tên là Processô và Martinian, cả hai đều được rửa tội và được tử vì đạo. Rồi sau đó, thánh nhân cũng được diễm phúc đi lại con đường thập giá của Thầy, không phải đường lên Núi Sọ ở Giêrusalem mà là đường đến hí trường Caligula, trên đồi Vatican. Nhưng khi đến nơi, vì cảm thấy mình không xứng đáng được chết như Thầy, nên ngài xin phép cho được đóng đinh ngược, đầu chúi xuống đất.
Để kỷ niệm nơi Chúa hiện ra cho Phêrô, giáo hữu đã xây cất ngay tại chỗ đó một nhà thờ mang tên: “Quo vadis, Domine?”