CHÚA LÀM GÌ Ở HỎA NGỤC

CHÚA LÀM GÌ Ở HỎA NGỤC

            “Đức Giêsu đáp: ‘Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy.  Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy.  Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.  Ai không yêu mến Thầy thì không giữ lời Thầy.  Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.

Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em.  Nhưng Đấng bảo trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy.  Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.  

            Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.  Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian.  Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.  Anh em đã nghe Thầy bảo: Thầy ra đi và đến cùng anh em.  Nếu anh em yêu mến Thầy thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy.  Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.’” (Ga 14, 23-29)

*****

            Đoạn Tin Mừng của Thánh Gioan trên đây rất sâu sắc và phong phú.  Để hiểu rõ đoạn Phúc Âm đó, thiết tưởng nên nhờ vào nguồn mạch minh triết của Thánh Tôma Aquinô

            Thiên Chúa ở trong hỏa ngục? 

            Thánh Tôma Aquinô trong sách “Summa Contra Gentiles” (“Tổng Luận Về Việc Đối Phó Với Dân Ngoại”) đã đặt câu hỏi: “Thiên Chúa ở khắp nơi không?”  Rồi tiếp theo đường lối luận lý khúc chiết như thường lệ, ngài đã hỏi thêm: “Thiên Chúa có ở trong hỏa ngục không?”  Và thánh nhân hỏi tiếp: “Thiên Chúa làm gì ở trong hỏa ngục?”  Sau cùng ngài tự trả lời: “Thiên Chúa ở trong hỏa ngục để yêu thương những kẻ bị đọa đày.” 

            Những người bị đọa đày ở trong hỏa ngục có thể từ chối việc yêu mến Thiên Chúa nhưng họ không thể làm gì để ngăn chặn Thiên Chúa yêu thương họ, bởi vì Thiên Chúa là Thiên Chúa và “Thiên Chúa là tình yêu.”  Giờ đây, nếu chúng ta ngạc nhiên và tự hỏi tiến trình suy luận đó có liên hệ gì đến đoạn Phúc Âm của Thánh Gioan trên đây không?  Câu trả lời là có.

            Thánh Tôma chỉ làm chứng về sự kiện Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta và yêu thương mãi mãi, bất kể chúng ta là ai hay chúng ta làm gì, và cho dù chúng ta sống trên đời nầy, lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục. 

            Thánh Grêgôriô Nyssa sống vào cuối thế kỷ thứ tư ở miền Trung nước Thổ-Nhĩ-Kỳ, đã đặt câu hỏi như sau: “Các bạn có muốn biết sự khác biệt giữa sự cứu rỗi và kiếp đọa đày, giữa thiên đàng và hỏa ngục không?

            Và đây là thí dụ mà Thánh Grêgôriô đã trưng dẫn: Bạn hãy nghĩ tới một ngày đẹp trời nào đó, với ánh nắng rực rỡ.  Khi bạn đi ra ngoài đường, dưới ánh nắng chói lọi, bạn sẽ có kinh nghiệm về ánh nắng mặt trời như là cái gì dễ chịu, thích thú, kỳ diệu, hứng khởi.  

            Rồi ngài nói tiếp: Giờ đây bạn thử tưởng tượng một người nào đó bị đau mắt nặng và cũng đi ra ngoài nắng như vậy.  Vì con mắt bị bệnh, người đó lại có kinh nghiệm về ánh nắng mặt trời một cách khác hẳn: ánh nắng mặt trời như là cái gì khó chịu, nhức nhối, tai hại, làm cho lòa mắt… và họ không thể chịu đựng được, chỉ muốn đi xa hẳn ánh nắng mặt trời.

           Và Thánh Grêgôriô kết luận: Đó, thiên đàng và hỏa ngục cũng hoàn toàn giống như thế đó.  Thiên đàng và hỏa ngục cũng là một.  Cả hai hoàn toàn giống nhau.  Sự khác biệt giữa hai thực thể đó là có người muốn thiên đàng và có người không muốn.

            Nếu bạn muốn thiên đàng, bạn sẽ run lên vì cảm động.  Nếu bạn không muốn thiên đàng – và điều đó thật tai hại – bạn vẫn sẽ được Thiên Chúa âu yếm nhưng trái với ý muốn của bạn, bởi vì bạn không thể ngăn cản Thiên Chúa yêu thương bạn được.  Thiên Chúa là tình yêu.  Bạn không thể ngăn cản Thiên Chúa là Thiên Chúa của tình yêu.  Hỏa ngục chỉ có đối với Satan vì Satan được Thiên Chúa âu yếm trái với ý muốn của nó.” 

            Ân sủng 

             Chúng ta có một cụm từ đặc biệt để diễn tả tình yêu Thiên Chúa.  Đó là cụm từ “ân sủng” (“grace”).  Cụm từ đó xuất phát bởi tiếng La-tinh ‘gratis‘ có nghĩa là “cho không” (free).  Ân sủng là một tặng phẩm “nhưng không” của Thiên Chúa.  Chúng ta không thể làm gì để được hưởng hay đáng được ân sủng.  Người ta bảo mọi sự là ân sủng của Thiên Chúa.  Người ta nói ân sủng của Thiên Chúa ở khắp nơi.  Chúng ta không thể xa rời ân sủng được.  

            Và người ta cũng thường nói là mọi sự hiện hữu được bởi vì Thiên Chúa yêu thương.  Tình yêu Thiên Chúa là lý do mà chúng ta tồn tại.  Cái ghế mà chúng ta đang ngồi trên đó cũng là ân sủng của Thiên Chúa.  Nếu Thiên Chúa không còn yêu thương cái ghế đó nữa tức thì sự hiện hữu của nó bị chấm dứt ngay.  

            Thực phẩm chúng ta ăn vào, những người chúng ta yêu thương… là những ân sủng của Thiên Chúa.   Mỗi một sinh vật hay sự vật đều được Thiên Chúa sáng tạo và Ngài yêu thương hết mọi tạo vật của Ngài, bởi vì Thiên Chúa đã cấu trúc toàn bộ hệ thống đó!

            Khi đề cập như trên, một vấn nạn được đặt ra, có tính cách siêu hình.  Chúng ta là chúa tể về việc lãng quên những thực tại kỳ diệu ở chung quanh chúng ta.  Chúng ta thật đáng trách vì thường xuyên quên bẵng những hồng ân Thiên Chúa ở trong đời sống chúng ta. 

            Cái nháy mắt và nhịp tim đập

             Khi chúng ta khởi đầu đọc bài suy niệm nầy, mắt chúng ta đã chớp liên hồi.  Và cho đến giây phút nầy đây, chúng ta đã không đếm số lần mắt mình đập là bao nhiêu, trừ khi chúng ta cảm thấy bài viết nầy vô vị, nhàm chán.  Nhưng biết đâu có người sẽ nói: “Tôi đã đếm được con số 5,666 cái chớp mắt!!!”  Đúng hay sai, chúng ta không rõ.  

            Vấn đề là khi chúng ta chớp mắt – cho dẫu chúng ta đã làm việc đó thường xuyên – chúng ta đã không nhận ra điều đó.  Chúng ta đã chớp mắt một cách tự động.  Chúng ta không nhận thấy mắt chớp, cho tới khi chúng ta không thể chớp mắt được nữa.  Chính khi chúng ta không thể chớp mắt được thì sự chớp mắt trở nên quan trọng.  Nếu chúng ta bị bệnh tê liệt Bell thì chúng ta không thể chớp mắt được.

            Cũng thế, con tim chúng ta đập không ngừng.  Nhưng chúng ta không bao giờ nhận ra nhịp đập của con tim cho tới khi tim đập nhanh lên, hay chậm lại, hoặc ngừng đập.  Nếu tim ngưng hẳn, chúng ta cũng không nhận ra nhịp tim đập nữa.  Đã quá trễ rồi!  Nhưng người khác sẽ nhận ra điều đó khi chúng ta ngã quỵ trên sàn nhà.  

           Đối với dưỡng khí cũng thế.  Không ai để ý cho tới khi dưỡng khí đã cạn kiệt và không còn khí thở nữa.  Chúng ta không để ý tới những gì luôn luôn có mặt ở đó, nơi bản thân chúng ta hay bên cạnh chúng ta.

            Thời gian linh thánh

             Có những thời gian được chúng ta gọi là “thời gian linh thánh.”  Dĩ nhiên, mọi thời gian là linh thánh hết.  Và nếu thế, tại sao có một số thời gian được chúng ta gọi là “thánh.”  Chúng ta gọi Chúa nhật là thánh.  Chúng ta có những ngày nghỉ lễ (“holidays = “ngày thánh”) bắt buộc.  Chúng ta có Thứ Năm tuần Thánh, Thứ Sáu tuần Thánh và Thứ Bảy tuần Thánh.  Chúng ta có mùa Chay Thánh.  Ý nghĩa như thế nào khi chúng ta nói Bốn Mươi Ngày Chay Thánh là mùa thánh?

            Chắc chắn điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa hiện diện trong bốn mươi ngày mùa Chay nhiều hơn trong ba trăm hai mươi lăm ngày kia còn lại trong năm.  Tuy nhiên, chúng ta vẫn gọi Chúa nhật là ngày thánh.  Chúng ta gọi ngày đó là “ngày của Chúa.  Nhưng chúng ta không nói thứ năm là ngày của Chúa.  Chúng ta không nói Chúa tới văn phòng Chúa nhật mà không tới ngày thứ năm.  Nhiều người tưởng Chúa vắng mặt ở văn phòng từ thứ hai đến thứ bảy và Chúa chỉ xuất hiện vào Chúa nhật.  Thiên Chúa ở trong văn phòng chúng ta mỗi ngày bởi vì mỗi ngày là ngày của Chúa, và mỗi mùa là mùa thánh. 

            Nhưng chúng ta không thấy sự thật như vậy.  Đó là vấn đề của chúng ta và chúng ta phải chấp nhận điều đó.  Chúng ta không chú ý đến điều đang xảy ra với chúng ta và điều đó vẫn luôn luôn là vậy.  Vì lý do đó, chúng ta đã để Chúa nhật riêng ra ngõ hầu chúng ta là những thành phần của cộng đồng dân Chúa có thể quan tâm đến sự kiện kỳ diệu là mỗi ngày và mỗi mùa là những hồng ân của Thiên Chúa.

            Đó cũng là lý do tại sao chúng ta tề tựu ở trong nhà thờ để tạ ơn Chúa và gọi thánh đường là một nơi thánh.  Nhưng đó không có nghĩa là Thiên Chúa hiện diện ở trong nhà thờ nhiều hơn và Ngài hiện diện ít hơn ở bãi đậu xe, trên xa lộ, trong siêu thị, nơi quán rượu, ở phòng khách và tất cả những chỗ khác mà chúng ta thường lui tới?  Không, điều đó không hợp với sự hiểu biết về linh đạo Kitô giáo.

            Không gian thánh 

             Những địa điểm nói trên cũng là những nơi thánh, bởi vì hồng ân của Chúa ban phát khắp nơi.  Dĩ nhiên, chúng ta cần thánh hiến một nơi chốn riêng biệt, không phải vì Chúa ở nơi đó mà thôi, nhưng đúng hơn và kỳ diệu thay, Thiên Chúa ở khắp nơi trên quả địa cầu, trên thiên đàng hay dưới hỏa ngục.  Đó là điểm tuyệt hảo đối với lối suy tư và linh đạo Kitô giáo.  Đó là tư duy và linh đạo nhằm nhào nắn chúng ta trở thành cộng đồng dân Chúa mà chúng ta được mời gọi.

            Elizabeth Barrett Browning đã đặt câu hỏi: “Nếu trái đất bừng cháy bởi ngọn lửa của Thiên Chúa, tại sao chúng ta ngồi đó đây để nhặt những quả dâu chín?”  Nữ sĩ muốn hỏi tại sao chúng ta đã mất ý niệm về ân sủng, ý niệm về thế giới là thánh, về mọi sự là thánh và mọi sự là một bí nhiệm?  Đó là những vấn nạn lớn lao.  

            Chúng ta rất cần một nhãn quan và một linh đạo gây cảm hứng cho chúng ta để sống một cuộc sống cao quí hơn.  Chúng ta cần tề tựu ở một nơi riêng biệt được gọi là thánh đường hay nhà thờ, từ Chúa nhật nầy sang Chúa nhật khác, để chúng ta có thể tán tụng hết mọi hồng ân Thiên Chúa và đặc biệt thay, chỗ độc nhất của Ngài là ở trong đời sống chúng ta và trong tạo vật của Ngài là chính chúng ta.

LM Vincent Travers, OP,

Nguyên Tác IN STEP WITH GOD

Hương Vĩnh chuyển ngữ

From: Lanthangchieutim

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay