Tưởng Niệm Cha Nguyễn Văn Lập (1911-2001)
Tưởng Niệm Cha Nguyễn Văn Lập (GS. Ngô Tằng Giao) (Hồi ký)
TƯỞNG NIỆM CHA NGUYỄN VĂN LẬP
Nguyên Viện Trưởng Viện Đại Học Đà Lạt
Cha Nguyễn Văn Lập qua đời tính đến tháng 12 năm 2014 thời đã 13 năm trời trôi qua.
Nhân dịp kỷ niệm này nơi đây ghi lại 2 bài tưởng niệm về Cha của Giáo sư Ngô Tằng Giao:
1. Đất trời Đà Lạt mãi còn ghi (2002)
2. Bài nói chuyện trong buổi giới thiệu tập sách “Tưởng Niệm Đức Ông Nguyễn Văn Lập”
do Hội Ái Hữu Đại Học Đà Lạt tổ chức tại Mason District Center, Virginia, USA, ngày 1-6-2003.
Bài viết:
ĐẤT TRỜI ĐÀ LẠT MÃI CÒN GHI
Thủ đô Hoa Thịnh Ðốn đang chuyển mùa. Những ngày nóng bức sắp trôi qua. Trên bầu trời đã thấy lờ lững những đám mây Thu. Người Ðà Lạt cũ cảm nhận được ngay cái lạnh đang ve vuốt trên đôi má, trên làn da, cái lạnh dễ thương chi lạ của núi đồi Lâm Viên thuở nào…
Từ khi qua tới đất Hoa Kỳ hình như tôi chỉ mới trông thấy được mặt trăng từ khi dọn về ở tại căn nhà này. Một căn nhà nhỏ bé, xa nơi phố thị. Tôi vui vì chỉ cần bước đi ít bước là đã có thể hòa mình vào thiên nhiên. Tôi đã nhiều lần mải mê đứng lặng nhìn về những dãy núi chập chùng nơi chân trời xa mà thả hồn nhớ về Ðà Lạt thân thương, nơi tôi đã chất chồng bao nhiêu là kỷ niệm trong gần một phần tư thế kỷ sống liên tục tại chốn này… Hơn một chục năm trước 1975 và hơn một chục năm nữa sau 1975.
Kỷ niệm vui buồn lẫn lộn. Nhưng những hình ảnh về Viện Ðại Học Ðà Lạt thì đối với tôi vẫn muôn đời thi vị, khó mà phai lạt… Tôi có dịp “làm quen” với Viện Ðại Học này vài năm sau khi tôi lên lập nghiệp tại Ðà Lạt. Ðó là lúc tôi tham gia vào Ban Giảng Huấn của trường Chính Trị Kinh Doanh. Vị khoa trưởng lúc đó là Giáo sư Trần Long. Qua sự giới thiệu của Giáo sư Trần Long mà tôi được hân hạnh gặp Linh Mục Nguyễn Văn Lập. Ngài là Viện Trưởng.
Cha Lập hay mời các giáo sư dùng cơm. Ðây là dịp để gặp gỡ và chuyện trò. Tôi và các vị khác trong ban giảng huấn thường vui vẻ nhận lời vì Cha Lập rất thoải mái và vui tính. Cha cho uống rượu lễ và câu chuyện nổ như bắp rang. Cha có vẻ là một “nhà ngoại giao” hơn là một thầy giáo hoặc thầy tu. Có lần thấy tôi thích rượu lễ Cha đã cho mấy chai mang về (nghe nói rượu này được nhập cảng nguyên thùng lớn từ Vatican qua).
Tôi cũng đã có dịp “làm báo” cho Cha. Hình như tờ báo cũng mang tên “Thụ Nhân”. Báo khổ lớn và được gửi in ở nhà in Lâm Viên trên khu Hòa Bình. Tôi lo bài vở, hình ảnh và ấn loát. Hôm phát hành là một ngày đại hội gì đó của Viện. Báo ra được vài số thì trao cho người khác lo tiếp hay “đình bản” tôi không còn nhớ rõ nữa…
Cha Lập lúc đó trông “bệ vệ” với cái bụng của Ngài tỏ ra rất “có tư thế”, chúng tôi thường nói đùa như vậy. Nụ cười lúc nào cũng nở trên môi Cha. Ðã lâu lắm tôi không có dịp gặp Cha từ khi Cha rời Viện Ðại Học Ðà Lạt để lãnh nhiệm vụ khác. Mãi sau này tôi mới có dịp xem hình Cha chụp khi Cha qua thăm anh chị em Thụ Nhân bên Pháp. Hình chụp tại quán Ðào Viên (quận 13 – Paris) vào ngày 16-10-1994. Sau này được xem thêm những bức hình chụp Cha trong dịp xây cất Nhà Hưu Dưỡng cho Cha tại Việt Nam, thấy Cha già đi nhiều. Khuôn mặt khắc khổ, phong sương và… đầy vẻ suy tư. Tuy nhiên Cha vẫn giữ được nụ cười đầy nhân hậu, cởi mở như thuở nào!
Thời gian sau này nghe tin Cha bệnh nặng. Ðến khi nghe tin Cha qua đời thì anh chị em trong gia đình Thụ Nhân Ðà Lạt tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Ðốn bèn có ý định thực hiện một cuốn sách để tưởng niệm Cha, muốn ghi lại những kỷ niệm lâu dài về cuộc đời của vị Cha già khả kính, bác ái đã dâng trọn đời mình cho giáo dục cũng như cho giáo hội. Công việc sắp tiến hành thì được biết hội Thụ Nhân Âu Châu cũng đã có ý định này từ trước và đang chuẩn bị thực hiện. Nhóm Thụ Nhân ở vùng thủ đô Hoa Kỳ bèn quyết định hủy bỏ ý định thực hiện cuốn sách ở vùng này để tập trung bài vở, hình ảnh và tài liệu… vào cuốn tưởng niệm bên Paris. Thế mới biết Cha Lập đã chiếm trọn cảm tình của đại gia đình Thụ Nhân ở khắp nơi trên thế giới rồi!
Ở vùng thủ đô Hoa Kỳ này ba người chủ chốt trong nhóm thực hiện đặc san về Cha Lập là tôi, chị Lê Tống Mộng Hoa và anh Nguyễn Tường Cẩm. Tôi nhớ lại lời Chị Hoa nói qua điện thoại: “Hay thật! Cả ba người chủ chốt này đều là tín đồ Phật Giáo cả!”. Càng thêm phần quý hóa! Bên Phật Giáo luôn quan niệm cuộc sống là “vô thường”. Thì cũng khác gì đâu. Tôi nhớ lại lời của Cha Lê Văn Lý thường nói với các học trò của Cha ở Viện Ðại Học Ðà Lạt: “Mọi sự đều là giả trá!”. Ðúng vậy! Chẳng có gì vĩnh cửu, mọi thứ đều chóng qua, chóng hết… Trần gian quả là quán trọ.
Hôm nay trời Hoa Thịnh Ðốn đang bắt đầu trở lạnh. Ngôi ấm cúng trong nhà, xem cuốn video về đám tang Cha Lập ở Việt Nam do anh Nguyễn Tường cẩm gửi cho, tôi quả thật lại nhớ nhiều về Ðà lạt, nhớ về Cha Viện Trưởng Nguyễn Văn Lập. (…)
Ðại gia đình Thụ Nhân trên toàn thế giới xin vĩnh biệt Cha! Những “cây Thụ Nhân” Cha vun trồng chắc nguyện sẽ cố gắng vươn lên hùng vĩ giữa trời cao để khỏi phụ lòng Cha!
(Virginia, Hoa Kỳ, tháng 9-2002) Bài nói chuyện:
CÁC CỰU GIÁO SƯ TƯỞNG NIỆM
CHA NGUYỄN VĂN LẬP
Cha Nguyễn Văn Lập là Viện Trưởng Viện Đại Học Đà Lạt từ năm 1961 tới năm 1970. Tháng 11 năm 1998 Cha được phong Đức Ông, Giám chức Danh dự của Tòa Thánh Vatican. Cha qua đời vào tháng 12 năm 2001 tại Bình Triệu, Việt Nam, hưởng thọ 91 tuổi. Cha làm Linh Mục trong 63 năm. Cha qua đời để lại sự thương tiếc của những người từng cộng tác với Cha, trong đó có các cựu giáo sư của Viện Đại Học Đà Lạt ở khắp nơi trên thế giới. Biết bao nhiêu là kỷ niệm đẹp đẽ từ thuở xa xưa lại ào ạt trở về …
KỶ NIỆM VUI
– Giáo sư Nguyễn Phú Đức nhớ lại phương cách mà cha Lập mời các Giáo sư thuộc các Trường Đại học ở Saigon và những chuyên gia nhiều ngành từ Saigon lên Đà Lạt giảng dạy: “…việc tổ chức tiếp đãi rất chu đáo: tại Saigon, xe hơi của Viện đến tận nhà các Giáo Sư, đưa ra phi trường Tân Sơn Nhất, rồi khi phi cơ đến Liên Khàng thì đã có xe của Viện chờ sẵn để đưa đến nhà Trường. Tại đó mỗi giáo sư được dành riêng một phòng tại Nhà Nguyện, và mấy bữa ăn trong mấy ngày giảng dạy đều dùng cơm chung với Linh Mục Viện Trưởng và các giáo sư khác. Vì vậy, giữa các Giáo sư và Cha Viện Trưởng có những tiếp xúc thường xuyên, ấm áp và cởi mở.”
– Giáo Sư Phạm Cao Dương cũng phát biểu tương tự: “Đó là sự gần gũi và thân mật Cha đã dành cho những người từ xa đến giảng dạy ở Đại Học Dalat của Cha…” Giáo sư nhấn mạnh là cách đối xử của Cha “làm cho các giáo chức thỉnh giảng từ xa đến cảm thấy ấm áp, dễ chịu như ở nhà…”
– Giáo Sư Nguyễn Như Cương không quên những kỷ niệm vui: “…mỗi giáo sư sử dụng một phòng riêng trong những ngày cư trú, có đủ trang bị để soạn giảng văn nếu cần. Ẩm thực tại nhà ăn khang trang của Viện, cạnh đó có một phòng khách lớn để các giáo sư họp, thảo luận hay đọc sách báo. Nhớ lại ngay buổi đầu đã thấy vui…”
– Sư huynh Nguyễn Văn Kế ghi nhận rằng Cha Lập: “…đại lượng hảo tâm đối với giáo sư” … “Ngài có khiếu gợi chuyện, rồi thì các giáo sư tiếp tục kể chuyện liên miên thích thú, thành tâm như anh em một nhà.”
– Giáo Sư Ngô Đình Long nhớ lại thời gian gia đình giáo sư cư ngụ ở Đà Lạt: “…chúng tôi được Ngài xem như con em trong gia đình. Có món ngon vật lạ, Ngài cũng ban phần cho chúng tôi. Khi có khách, như nhiều giáo sư ở Saigon lên giảng dạy, mỗi bữa cơm tối tại phòng ăn tư thất Viện trưởng là một dịp cho chúng tôi chứng kiến sự đãi ngộ, lòng hiếu khách và tính rộng rãi vị tha của Ngài”
– Giáo sư Lê Hữu Mục còn bổ túc thêm ý kiến rằng đó là: “…những món ăn ngon và sang trọng không kém gì các nhà hàng lớn ở ngoài phố, có khi lại còn hơn nữa, nhất là về các thứ rượu vang hảo hạng mà ngài mua sắm một cách đặc biệt cho các giáo sư sành rượu”.
– Giáo Sư Lê Xuân Khoa thích thú kể chuyện cũ: “…kỷ niệm được lưu lại rõ nhất trong tâm trí của tôi là thỉnh thoảng sau bữa ăn tối, Cha rủ mấy anh em Giáo Sư ở Saigon đi ra phố uống cà phê Tùng. Và nói đủ mọi thứ chuyện thời sự vui buồn. Cà phê này đặc biệt lắm! Vì Cha còn đem theo một chai Cognac để châm thêm vào cà phê cho thêm hương vị. Cha cũng đem thêm một nắm Cigarillos để cho anh em ai biết hút thì thưởng thức cho đầy đủ”.
– Giáo Sư Nguyễn Sỹ Tế khó mà quên được dịp ‘du hí’ rất đặc biệt với Cha Lập: “Ngài rủ tôi đi chơi một vòng ngoài phố. Ngài tự tay cầm lái xe. Đường đất quanh co, lên xuống. Lúc sau, chiếc xe Viện ngừng bánh trước một phòng trà ca nhạc ở trung tâm thị xã. Đủ trai thanh gái lịch, nhạc tiền chiến, nhạc đương thời hùng cũng có nhưng ủy mỵ, lãng mạn thì nhiều”.
– Giáo sư Nguyễn Khắc Dương cũng được đi theo Cha bữa đó, sau này vui vẻ tiết lộ với giáo sư Tế: “Dịp may hy hữu cho chúng tôi đó. Nhờ có giáo sư mà chúng tôi được ‘ăn theo’, đi ‘hộp đêm’ với Cha Viện Trưởng!”
HÌNH ẢNH TUYỆT VỜI
– Frère Nguyễn Văn Kế nhớ lại hình ảnh Cha Lập là: “…một con người cởi mở, tính tình dễ dãi, ăn nói thành tâm. Ngài quen đứng ở cửa chính nhà hành chính của viện đại học. Có con chó nằm dưới chân quen hơi chủ nó lắm. Một điếu cigare bốc khói trên môi với trời Dalat vào sáng chiều lành lạnh ngọt. Coi ngài thật ấm áp. Ngài đứng thẳng người, tay khoác sau lưng trong tư thế tự tin, bụng ông địa giầu sang…”
– Giáo Sư Nguyễn Cao Hách chẳng quên hình ảnh một thần tượng: “Lúc còn sinh thời, Linh mục Nguyễn Văn Lập tính tình hào hiệp, độ lượng cao cả, với một trí óc cực kỳ thông minh” … “Những người nào đã giảng dạy tại Viện tất không thể quên được hình ảnh của một vị Viện trưởng, tuy tuổi cao, đầu bạc, nhưng cực kỳ nhũn nhặn và khéo léo. Chưa từng bao giờ để mất lòng ai.”
– Giáo sư Trần Long nhận xét rằng: “Cha có tài hùng biện” …”tôi đã học được nhiều ở nơi Cha về lối tín nhiệm và ủy quyền cho các nhân viên thuộc hạ. Tôi mãi mãi nhớ ơn cha Lập”…
– Giáo Sư Lê Hữu Mục lên tiếng ca ngợi: “Về tài lãnh đạo của Cha Lập, ai cũng thấy là tuyệt luân. Nói như Lão Tử, ngài vô vi, nghĩa là ngài điều khiển mà như không điều khiển”.
– Giáo Sư Nguyễn Văn Thạch tâm tình: “Ấn tượng sâu đậm Cha để lại nơi tôi là lối ăn nói nhẹ nhàng và cách đón tiếp ân cần của Cha, phản ảnh của một tâm hồn đơn sơ, hiền hậu và như luôn có một niềm vui và tin tưởng vào mọi người, vào mọi sự ở trong Cha”.
– Giáo Sư Vương Văn Bắc ca tụng “Một thái độ tinh thần đáng ghi nhớ” của Cha Lập: “Tôi có thể xác quyết không một chút dè dặt nào là chưa bao giờ Linh mục Viện trưởng Nguyễn Văn Lập tìm cách chỉ thị, kiểm soát, gợi ý hay ảnh hưởng đến nội dung hay cung cách diễn giảng của tôi trong giảng đường. Linh mục đã tuyệt đối tôn trọng tự do tư tưởng của người giảng dạy, chắc chẳng vì lòng tín nhiệm một cá nhân mà vì ý thức sâu sắc rằng tự do tư tưởng chính là bản chất tinh túy, là động lực vạn năng của ngành đại học”.
KHÔNG KỲ THỊ TÔN GIÁO
– Giáo sư Nguyễn Khắc Dương nhắc lại lời Cha Lập từng nói với ông: “Khi mời một giáo sư, giữa hai vị mà chuyên môn và tư cách ngang nhau, tôi có xu hướng mời giáo dân hơn là linh mục hoặc tu sĩ, một người ngoài kitô giáo hơn là một người công giáo. Như vậy để giữ tính cách ‘không tuyên giáo’ của nền học vấn nhân bản”. Giáo sư nhấn mạnh thêm: “Điều làm tôi sở đắc nhất là Cha Lập là người đã góp phần chủ yếu trong cái tự trị (đương nhiên là tương đối) của Viện Đại Học Dalat.”… Cha Lập không “biến nó thành một công cụ tuyên truyền cho bất cứ gì: kể cả truyền giáo cũng không!”
– Giáo sư Lê Hữu Mục vẽ lại chân dung Cha Lập là: “…một vị viện trưởng không kỳ thị, ‘No discrimination’ là khẩu hiệu của ngài. Không bao giờ ngài phân biệt giáo lương… Có khi ngài lại tỏ ra ‘thiên vị’ người lương là đằng khác…” Giáo sư không quên một kỷ niệm về sự cởi mở của Cha Lập: “Tôi đã hướng dẫn sinh viên Đại Học Sư Phạm lên nghỉ hè tại Đại Học Dalat. Chúng tôi đã xây một pháp luân trên một ngọn đồi. Ngài đã cho xây thêm một vài kiến trúc phụ để biến khu này thành một công viên nhỏ rất ngoạn mục. Mỗi lần lên dạy học, đi qua khu vực này, tôi lại thán phục tinh thần tôn giáo rất tốt đẹp của cha Viện Trưởng”. Cái bánh xe Pháp của Phật giáo này quả có nhiều ý nghĩa trong khuôn viên Viện.
MỘT TẤM LÒNG VỊ THA NHÂN ÁI
– Giáo sư Trần Long viết một bài lấy tiêu đề là “Hiện thân của lòng nhân” trong đó giáo sư phát biểu là: “Tôi rất kính phục Cha vì lòng rộng lượng đối với sinh viên nghèo khó và những người túng thiếu cần sự giúp đỡ” … “Cha Lập là một tấm gương sáng về lòng nhân ái vị tha giúp đỡ những kẻ khốn cùng”.
– Giáo Sư Lê Văn xác nhận thêm: “Cha rất thương sinh viên nghèo, hằng giúp đỡ rất nhiều về phương diện vật chất, nhưng đến lúc thi cử thì Cha nhất thiết không can thiệp với hội đồng để vớt người này hay cho thêm điểm người khác. Điều này khiến tôi càng quý mến Cha hơn nữa”.
XƯA VÀ NAY
– Giáo Sư Hoàng Ngọc Thành kể lại chuyện cũ. Năm 1956 khi ông đang dạy học tại Huế thì: “…có nhân viên văn phòng đến lớp mời lên gặp soeur bề trên. Tôi liền đến văn phòng soeur hiệu trưởng. Trong văn phòng ngoài soeur hiệu trưởng có một vị tu sĩ mặc áo đen, cao ráo và phương phi đẹp trai. Tôi được giới thiệu đấy là Linh Mục Nguyễn Văn Lập, hiệu trưởng trường trung học tư thục Bình Minh”. Rồi đôi bên xa cách nhau 12 năm. Vào năm 1968 giáo sư kể tiếp: “Tôi vui mừng gặp Cha Lập trở lại. Cha cũng rất hân hoan gặp lại tôi lần đầu tôi lên dạy tại Đại Học Dalat. Tay bắt mặt mừng… Tôi thấy Cha phương phi và bắt đầu có ‘bụng’ vì mập”. Giáo sư kể tiếp là khoảng năm 1979 hay 1980 “hai vợ chồng chúng tôi có đi xe lam lên nhà thờ Bình Triệu thăm Cha. Chúng tôi đã nói chuyện khá lâu, có tặng Cha một số tiền nhỏ. Khi đi về cha tiễn khá xa.”
– Giáo sư Lê Hữu Mục kể chuyện về Cha Lập khoảng năm 1952 rằng: “Ngài rất đẹp trai với làn da trắng mát, môi lúc nào cũng đỏ thắm như ăn trầu (không như môi các cô có bôi son), miệng hay cười tủm tỉm nhưng cũng đủ để lộ ra một làn da trắng nõn. Chúng tôi thường ví Cha như Clark Gable trong phim Autant en emporte le vent (Cuốn theo chiều gió) nhưng là một Clark Gable không ria. Giọng ngài không mạnh lắm, Ngài hát không hay, nhưng ngài có biệt tài kể chuyện”.
– Giáo sư Phó Bá Long cho rằng các hoạt động của Cha Lập từ trước cho tới nay luôn là một tấm gương sáng: “Từ đó đến nay, mỗi lần về nước hầu như hàng năm, tôi đều có dịp thăm hỏi cha Lập và lại học được cách ‘nghỉ hưu’ của Cha trong những năm cuối của cuộc đời”.
– Giáo Sư Lê Xuân Khoa kể lại chuyến về nước và có dịp ghé thăm Cha Lập sau ba mươi năm xa cách: “Cuộc ‘hội ngộ’ thật là thân tình và cảm động. Cha Lập đã ngồi chờ sẵn trong phòng khách của nhà thờ khi có người đưa tôi vào. Chúng tôi bắt tay nhau bằng cả hai bàn tay và Cha rất xúc động khi tôi ôm chặt lấy Cha một lúc lâu. Tôi thấy Cha ốm đi và già hơn nhiều so với hồi còn ở Dalat, nhưng sức khỏe còn tốt và giọng nói vẫn còn sang sảng”
– Cuối cùng tôi dành lại nơi đây để đặc biệt đề cập đến một sự kiện mà tôi nghĩ là “thật tuyệt vời” trong cung cách của Cha Lập do Giáo sư Lê Hữu Mục nhắc lại: “Với Chúa Kitô được tôn thờ như một kiểu mẫu, Cha Lập cư xử với mọi người như một người Cha hiền lành, nhân từ. Với các giáo dân, Ngài là một Chủ Chiên đã hy sinh vì đàn chiên. Ngài không di cư, không di tản khi đàn chiên của Ngài bị đe dọa về an sinh, về đời sống. Điều này chính Ngài đã thổ lộ với tôi…” Giáo sư nhấn mạnh thêm rằng: “Gần một nửa thế kỷ sống bên cạnh Ngài, được chứng kiến những việc làm và những tính tốt có thể nói là siêu phàm”.
VĨNH BIỆT GIA TRƯỞNG
Tôi đã lược ghi lại một số những kỷ niệm và tâm tư tình cảm của các cựu giáo sư Viện Đại Học Đà Lạt dành cho cha Lập, đa số là các vị đều từ nơi khác tới xứ hoa đào.
Riêng phần tôi thì gia đình tôi cư ngụ ngay tại thành phố Đà Lạt và tôi có hân hạnh cộng tác trong ban giảng huấn của Viện dưới thời hai Khoa Trưởng của phân khoa Chính Trị Kinh Doanh từ khoảng năm 1966 tới năm 1975 là Giáo sư Trần Long và Giáo sư Phó Bá Long. Những hình ảnh và kỷ niệm về Cha Lập của các giáo sư khác hầu như cũng ghi đậm nét trong cõi lòng tôi như vậy. Thật đẹp! Thật quý hóa! Thật đáng nhớ!
Nhưng có lẽ không phải chỉ có vậy mà thôi. Rất tiếc là nhiều vị giáo sư đã qua đời trước Cha Lập. Nhiều vị khác chưa có dịp phát biểu cảm tưởng của mình và nhất là chưa có cơ hội góp mặt trong cuốn sách tưởng niệm Cha Lập. Tâm tư và tình cảm của quý vị đó chắc chắn còn đa dạng hơn nữa… Là một phật tử tôi quan niệm cuộc đời là ‘vô thường’. Có chi lạ đâu! Cha Lê Văn Lý (thay thế Cha Lập làm Viện Trưởng về sau này) cũng thường nói với các sinh viên của Viện rằng ‘mọi sự đều là giả trá’. Ý Cha muốn nói là không vĩnh cửu, không thật, không trường tồn!
Nhớ đến cái vẻ đẹp mong manh của sương mù đất Lâm Viên giăng phủ nơi cây thánh giá trên nóc giáo đường của Viện Đại Học thuở nào tôi chỉ xin ghi lại đây một bài thơ họa của tôi. Tôi họa thơ của một cựu sinh viên tưởng niệm đến Cha.
Bài xướng:
Tiễn Cha
Cuối cùng Cha cũng đã ra đi
Đau đớn đàn con biết nói chi.
Chín chục tuổi trần, đời mãi nhớ,
Sáu mươi năm thánh, Chúa luôn ghi.
Lâm Viên Trường cũ buồn xa cách,
Bình Triệu xóm nghèo khóc biệt ly.
Dẫu biết Cha về nơi cõi phúc,
Nhưng sao nước mắt vẫn tràn mi.
Trần Văn Lương
Bài họa (nguyên vận)
Tiễn Cha
Kiếp người ai cũng một lần đi
Quy luật ngàn năm chẳng lạ chi
Khi ở tiếng đời luôn vẫn nhắc
Lúc về bia đá mãi còn ghi,
Xưa nơi Đà Lạt vừa xum họp
Giờ chốn Thành Đô đã cách ly
Trần thế dù hay là cõi tạm
Tiễn Cha lệ vẫn ứa bờ mi.
Ngô Tằng Giao
– Và có lẽ lời sau đây của Giáo sư Vũ Quốc Thúc có thể coi như là lời chung của toàn thể các cựu giáo sư của Viện nhớ về Linh Mục Nguyễn Văn Lập, nguyên Viện Trưởng Viện Đại Học Đà Lạt: “Giờ đây Đức Ông Nguyễn Văn Lập đã vĩnh biệt chúng ta. Trong niềm thương tiếc một vị Gia Trưởng từ nay vắng bóng, tôi xin kính cẩn cầu nguyện anh linh Ngài được hưởng An Bình nơi nước Chúa”.
(Giáo Sư NGÔ TẰNG GIAO / 1-6-2003)
* Hôm nay là Rằm Tháng 8 Âm lịch (nhằm ngày 21.9.20121) tức là ngày Tết Trung Thu (仲 秋) hay Tết Nhi Đồng. Đọc lại 2 bài hồi ký của GS Ngô Tằng Giao về Cha Lập, lòng tui bồi hồi xúc động, tưởng nhớ đến vị Cha già nhân hậu, từ thiện, luôn cho nhiều hơn nhận…
Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là đúng 20 năm ngày Cha từ bỏ trần gian điên dại này để lên Thiên Đàng, vui hưởng bình an, tĩnh lặng. Các quý Cha, quý Thầy thuộc VDH Dalat đã dành những lời lẽ đẹp đẻ để khen ngợi, ca tụng Cha. Đối với riêng tui, từ lâu Cha Lập chính là hình ảnh Đức Phật Di Lặc với nụ cười luôn nở trên môi, với giọng nói trầm ấm, bao dung, thân thiết…
Còn nhớ khoảng 2 năm trước ngày Cha Lập rời xa dương thế, trong dịp đến Lễ Phật ở Chùa Bạch Y Quan Âm(Byakui Kannon Otera) ở Tỉnh Gunma, tui đã kể sơ lược về Cha với vị sư trụ trì, đặc biệt nhấn mạnh ưu điểm là Ngài(Cha Lập) không bao giờ phân biệt Tôn giáo, vị sư đã vỗ tay khen ngợi đức hạnh của Cha và nói thêm: “Thiệt là may mắn cho những ai đã được gần bên Cha !”
Mong linh hồn Cha luôn An Vui nơi Nước Trời vinh hiển.
TNK3 (Thái Minh Thông).