“CON CÁI KHÔNG BAO GIỜ LÀ MỘT ‘LẦM LỖI’”!
Chuyển ngữ: Trần Mỹ Duyệt
Vatican City, April 08, 2015 (Zenit.org)
Trích từ bản dịch của ZENIT huấn từ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong buổi triều yết chung tại quảng trường Thánh Phêrô
Mến chào toàn thể anh chị em!
Hôm nay, kết thúc loạt bài giáo lý về gia đình, chúng ta hướng về
con cái, những hoa quả tuyệt vời
do phúc lành mà Thượng Đế đã ban cho người nam và người nữ. Chúng ta đã nói về hồng ân cao cả của con cái.
Tuy nhiên, hôm nay chúng ta bắt buộc phải nói về
“những câu chuyện buồn” mà nhiều em đang phải trải qua.
Có quá nhiều trẻ em bị loại bỏ ngay từ trong trứng nước, bị coi thường, bị tước đoạt tuổi thơ và tương lai của các em.
Một số, có thể nói là, hầu hết đã tự biện minh rằng đem chúng vào thế giới này là một lầm lỗi.
Điều này rất đáng xấu hổ!
Làm ơn, xin đừng trút bỏ những lỗi lầm của chúng ta trên con cái!
Con cái không bao giờ là một “lầm lỗi”.
Sự đói khát của các em không phải là một sai lầm, cũng như sự nghèo túng của các em. Sự mỏng dòn của các em, tình trạng bị bỏ rơi các của em cũng vậy — quá nhiều em bị bỏ rơi trên các đường phố.
Cả tình trạng dốt nát hoặc thiếu khả năng của các em cũng thế — có nhiều em không biết đến trường học là gì.
Đó là những lý do để chúng ta thương các em hơn, với lòng quảng đại lớn lao hơn.
Chúng ta đang làm gì trong những tuyên ngôn long trọng về nhân quyền của con người và của các trẻ em, nếu chúng ta trừng phạt các em vì những lỗi lầm của người lớn?
Đối với những người có trách nhiệm để điều hành, giáo dục — nhưng theo cha, tất cả chúng ta là những người lớn có trách nhiệm đối với các em, và mỗi người trong chúng ta hãy làm những gì mà anh chị em có thể làm để thay đổi tình trạng này.
Cha đang nói đến “cuộc khổ nạn” của các em.
Mỗi một em bị bỏ rơi, gạt ra ngoài lề xã hội, sống trên vỉa hè ăn xin và bằng với tất cả phương cách, không học hành, không có sự săn sóc thuốc men, đang kêu lên đến Chúa và tố cáo hệ thống mà những người lớn chúng ta đã xây nên.
Và, bất hạnh thay, những trẻ em này là mồi ngon cho tội ác,
cho những kẻ khai thác các em vào những đường dây bất chính hoặc trục lợi, hoặc huấn luyện các em cho chiến tranh và bạo động.
Trong các nước được gọi là giầu có, dù thế, trẻ em cũng đang sống trong những thảm kịch khiến các em gặp phải khó khăn do thảm họa của gia đình, thiếu giáo dục và những điều kiện sống nhiều lúc vô nhân đạo.
Trong những trường hợp này, các em bị xúc phạm đến thân xác và linh hồn!
Tuy nhiên, Chúa Cha là cha trên trời không bỏ quên một em nào trong các em! Không giọt nước mắt nào của các em bị lãng quên.
Và Ngài cũng không bỏ qua những trách nhiệm của chúng ta, trách nhiệm xã hội của con người, của mỗi người chúng ta, và của các quốc gia.
Một lần Chúa Giêsu đã trách mắng các tông đồ vì các ông đã xua đuổi các trẻ em mà cha mẹ chúng đã dẫn đến với Ngài, để Ngài chúc lành cho các em.
Đoạn Tin Mừng đầy xúc động:
“Bấy giờ các em được mang đến với Người để Người đặt tay trên chúng mà cầu nguyện. Các môn đệ lên tiếng trách móc dân chúng; thế nhưng Chúa Giêsu đã nói: ‘Hãy để trẻ em đến cùng Thày, đừng ngăn cản chúng; vì nước trời thuộc về những ai giống như chúng’. Và Người đã đặt tay trên chúng rồi ra đi” (Mathêu 19:13-15).
Sự tin tưởng của những cha mẹ này và câu trả lời của Chúa Giêsu dễ thương biết bao!
Cha mong ước biết bao cho đoạn Tin Mừng này trở nên câu truyện thường ngày của các em!
Điều xác thực là, cảm ơn Chúa, những trẻ em gặp những khó khăn trầm trọng thông thường có những cha mẹ phi thường, quảng đại sẵn sàng hy sinh.
Dù vậy, không nên để những phụ huynh này bị cô đơn. Chúng ta phải nâng đỡ nỗ lực của họ, chia sẻ với họ những giây phút vui vẻ và cái hạnh phúc được quan tâm, để họ không trở nên mồi ngon cho những phương thức trị liệu lập đi lập lại.
Trong bất cứ trường hợp nào, khi đó là vấn đề liên quan đến trẻ em, chúng ta không chỉ nghe những luận điệu bao che của luật pháp, thí dụ:
“Dù sao, chúng tôi không phải là một cơ quan an sinh duy nhất”;
hoặc “Một cách riêng tư, mỗi người được tự do hành động theo ý mình”;
hoặc “Chúng tôi không chấp nhận điều này, nhưng chúng tôi cũng không thể làm gì hơn.”
Những lời lẽ như vậy không đúng trước một câu hỏi liên quan đến các em.
Rất thường xuyên những hệ quả của đời sống bị căng thẳng bởi sự bấp bênh hoặc công việc rẻ mạt, của những giờ giấc khác thường, của phương tiện di chuyển hạn hẹp, đều đổ trên các em…
Nhưng các em cũng trả giá cho những cuộc phối hợp thiếu trưởng thành, và những chia rẽ vô trách nhiệm:
Các em đã trở thành những nạn nhân đầu tiên.
Các em đau khổ do thành quả của nền văn minh bởi những quyền lợi chủ quan quá khích,
và rồi khiến các em trở nên những đứa trẻ ranh mãnh nhất.
Các em thường xuyên hấp thụ sự bạo động mà các em không thể “tiêu hóa” nổi, và dưới cặp mắt của những người lớn tuổi,
các em bị bắt buộc để trở thành dầy dạn với sự suy đồi.
Ở thời đại chúng ta cũng như trong quá khứ, Giáo Hội lấy tình từ mẫu mà phục vụ các em và gia đình các em. Giáo Hội đem lại cho cha mẹ và con cái của thế giới chúng ta phép lành của Thiên Chúa, sự dịu hiền từ mẫu, kiên định chối từ và kết án mạnh mẽ.
Chúng ta không nên đùa giỡn với các em.
Hãy nghĩ xem xã hội hội sẽ ra sao để quyết định thiết lập một và tất cả những nguyên tắc này:
“Sự thật là chúng ta bất toàn và rằng chúng ta có nhiều khuyết điểm.
Tuy nhiên, khi một nghi vấn về trẻ em đến với trần gian, thì không có sự hy sinh nào của người lớn được xem là quá đắt đỏ hoặc lớn lao,
nhằm tránh cho một em khỏi phải nghĩ rằng
em là một lầm lỗi, rằng em không có giá trị
và rằng em bị bỏ rơi trước những vết thương của cuộc đời và của sự ngạo mạn của con người.”
Tuyệt vời biết bao một xã hội như thế! Một xã hội như vậy đáng được tha thứ, những lỗi lầm vô số kể — nhiều lắm, thật vậy.
Thiên Chúa phán xét đời sống chúng ta bằng cách lắng nghe những gì các thiên thần trình lại cho Ngài về các trẻ em, các thiên sứ mà “hằng chiêm ngưỡng nhan Chúa Cha Đấng ngự trên trời” (xem Mátthêu 18:10).
Chúng ta phải luôn luôn tự hỏi:
Các thiên thần của các em sẽ nói gì với Thiên Chúa về chúng ta?
[Original text: Italian]
[Translation by ZENIT]
http://www.zenit.org/en/articles/general-audience-on-the-passion-suffered-by-children
Mời tiếp tục vào thăm trang nhà: www.giadinhnazareth.org