TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Thánh Gio-an là tác giả duy nhất tường thuật cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Sa-ma-ri bên bờ giếng Giacóp. Trình thuật này mang nhiều ý nghĩa. Chúng ta đã biết về hình ảnh người Samari nhân hậu chăm sóc người bị nạn được ghi lại trong Tin Mừng theo Thánh Lu-ca. Hôm nay, chúng ta lại thấy một người phụ nữ Sa-ma-ri. Chị là đại diện cho những người đang đi tìm Chân lý và đang khao khát những giá trị thiêng liêng vĩnh cửu.
Như nội dung trình thuật cho thấy, Chúa Giêsu đã chủ động “bắt chuyện” với người phụ nữ, khi chị này đến giếng để múc nước. Trong đời thường, không bao giờ một người Do Thái lại nói chuyện với một người Sa-ma-ri. Vì thế, người phụ nữ vẫn luôn giữ khoảng cách và cảnh giác.
Dưới ngòi bút tài tình của tác giả Gio-an, nội dung cuộc đối thoại này diễn biến từng bước, để rồi từ bầu khí nghi ngờ trở thành sự thân thiện; từ một người bất mãn trở thành một người lạc quan; từ một người vô tín, trở thành một tín hữu; và nhất là từ một người dửng dưng, nay trở thành một nhân chứng năng động nhiệt thành giới thiệu Chúa Giêsu cho những người đồng bào.
Qua cuộc đối thoại với người phụ nữ Sa-ma-ri, Chúa Giêsu khẳng định: Thiên Chúa là Cha của mọi người. Giáo huấn này không chỉ được thể hiện trong câu chuyện người phụ nữ Sa-ma-ri, mà được dàn trải trong suốt Tin Mừng. Chúa Giêsu đến để nói với con người về dung mạo đầy lòng thương xót của Chúa Cha. Chính Người là hình ảnh sống động của Chúa Cha. Qua đời sống và sứ vụ của mình, Đức Giêsu minh chứng Chúa Cha là Đấng nhân hậu. Những ai thờ phượng Chúa, cũng phải thờ phượng trong tinh thần và Chân lý.
Việc thờ phượng Chúa không bị tuỳ thuộc vào một không gian, như ở Giê-ru-sa-lem hay ở trên đồi Ga-ri-zim, nhưng bất cứ ai kêu cầu Thiên Chúa với trái tim chân thành, dù ở nơi đâu, đều được Chúa nhận lời. Sau này, thánh Phê-rô can đảm tuyên bố trong bài giảng tại nhà ông Cornêliô: “Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận. Thiên Chúa đã sai Lời Người đến cùng con cái Israel, loan tin bình an, nhờ Chúa Giêsu Ki-tô là Chúa muôn loài” (Cv 10,34-36).
Lưu ý là ông Phê-rô tuyên bố những lời này sau khi được thấy thị kiến về một tấm khăn lớn từ trời thả xuống, trong đó có đủ mọi loài sinh vật. Đây là hình ảnh diễn tả tính phổ quát của ơn cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện trong Đức Giêsu. Điều này ngược lại với quan niệm truyền thống của người Do Thái, vì họ cho rằng chỉ có dân riêng Chúa chọn mới được hưởng ơn cứu độ của Ngài.
Trong Mùa Chay, phụng vụ nhắc chúng ta: Chúa Giêsu là suối nguồn ơn phúc. Bài Tin Mừng cũng chứng minh cho thấy niềm khát vọng vô biên của con người. Một xã hội phát triển và giàu có về vật chất, chưa hẳn đã là hạnh phúc. Ngoài những nhu cầu vật chất, con người còn cần đến những nhu cầu tinh thần. Người phụ nữ Sa-ma-ri đã năm đời chồng, nhưng vẫn không thấy hạnh phúc. Điều đó chứng minh sự dồi dào về vật chất và buông thả về luân lý không phải bao giờ cũng đem lại cho con người niềm vui. Chị vẫn đang trăn trở đi tìm ý nghĩa của cuộc đời. Khởi đi từ nước giếng, là nước thường dùng trong cuộc sống thường ngày, Đức Giêsu đã từng bước giúp chị hiểu nước của ân sủng, nước thiêng liêng. Đó chính là giáo huấn và ơn cứu độ mà Đức Giêsu mang đến cho nhân loại ở mọi nơi mọi thời.
Bài đọc I kể cho chúng ta về một sự kiện liên quan đến nước. Trong cuộc lữ hành sa mạc, dân Israel đã kêu cầu Chúa, và Ngài đã làm phép lạ để nước chảy ra từ tảng đá. Nước sa mạc vừa nhắc nhở lòng thương xót của Chúa, và cũng như một kỷ niệm buồn, vì dân phản loạn kêu trách Chúa. Thiên Chúa nhân hậu bao dung. Ngài không chấp tội con người. Ngài sẵn sàng tha thứ những lỗi phạm, và sửa dạy họ, để họ nên tốt hơn.
Những người dân thành Samari đóng vai trò “diễn viên phụ”, nhưng cũng rất quan trọng. Thánh Gioan đã viết: “Số người tin vì lời Đức Giêsu nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ: Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng: Người thật là Đấng cứu độ trần gian” (Ga 4, 41-42). Cuộc trò chuyện thân thiện giữa Chúa Giêsu với người phụ nữ đã đem lại những kết quả không ngờ. Qua hình ảnh mùa gặt, Đức Giêsu nói với chúng ta: xung quanh chúng ta, rất nhiều người có trái tim chân thành. Họ như những mảnh đất tốt sẵn sàng đón nhận hạt giống Lời Chúa và làm cho Lời ấy nảy mầm, đâm bông kết trái. Trình thuật của thánh Gio-an đã chứng minh điều đó.
“Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa. Người phán: “Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mê-ri-ba, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc.” Hành trình mùa Chay nhắc lại cuộc lữ hành trong sa mạc của dân Israel tiến về đất hứa. Trong hành trình này, nhiều người đã ngã gục, vì kiêu ngạo, tội lỗi, bất trung hoặc vì thiếu nghị lực, không có lòng cậy trông. Đức Giêsu là Đấng dẫn đường về đất hứa vĩnh cửu, tức là Quê Trời. Thánh Phaolô khẳng định: theo lẽ thường, hầu như không ai chết vì người công chính, thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Noi gương Chúa Giêsu bên bờ giếng Gia-cóp, chúng ta hãy cố gắng thực thi những việc thiện, trân trọng và bác ái với những người xung quanh, để dỡ bỏ khoảng cách, kết nối yêu thương và xây tình huynh đệ.
TGM Giuse Vũ Văn Thiên
From: Langthangchieutim