Xây Dựng Xã Hội Từng Mảnh Một (Piecemeal Social Engineering)
Tác Giả: Đoàn Thanh Liêm |
Câu chuyện của sư phụ Karl Popper và môn đệ George Soros
Năm 1996, tôi đến định cư tại California, thì được anh bạn Đỗ Quý Toàn tức là nhà báo Ngô Nhân Dụng mách bảo cho biết là : “Anh cần tìm đọc về tư tưởng của Karl Popper là một vị đại sư vốn từng dậy học tại trường Kinh tế Luân Đôn, mà ở Việt nam trước năm 1975 ít người được biết đến, kể cả các giáo sư về môn triết học tại các đại học ở Saigon”. Nghe theo lời khuyên của anh bạn, tôi đã đi tìm cuốn sách nổi danh “ The Open Society and its enemies” xuất bản lần đầu tiên tại Anh quốc năm 1945 của tác giả này. Và sau đó tìm đọc thêm nhiều tài liệu khác liên hệ đến đề tài do giáo sư Popper nêu ra, nhất là về nhà tài chánh khét tiếng George Soros là một môn sinh của sư phụ K Popper. Các tài liệu này đã soi sáng rất nhiều cho tôi trong quá trình nghiên cứu về Xã hội Dân sự trong nhiều năm gần đây. Sau trên 10 năm theo dõi và nghiền ngẫm, tôi xin trình bày một số điều tôi đã học hỏi được từ nơi hai nhân vật nổi danh này.
Để cho bài viết được sáng sủa gọn gàng, tôi xin giới thiêu về thân thế và sự nghiệp của mỗi vị trước (bài 1). Và tiếp theo sẽ thảo luận về chủ trương đường lối của hai nhân vật này (bài 2- 3).
Bài 1 – Karl Popper & George Soros
Thân thế và Sự nghiệp
A / Karl Raimund Popper (1902- 1994)
Karl Popper sinh trưởng tại Vienna thủ đô của Áo quốc. Vào tuổi 30, ông thường sinh hoạt với các nhà tư tưởng theo trường phái Vienna về triết học và xã hội học. Nhưng vào năm 1937, vì bất đồng với chế độ độc tài Đức quốc xã, ông đã phải rời quê hương để sang dậy về môn triết học tại trường Đại học Tân Tây Lan. Và sau đó, khi chiến tranh chấm dứt ông lại qua Anh quốc dậy học tại trường đại học nổi danh thế giới “ London School of Economics “ (LSE) trong một thời gian khá dài trước khi về nghỉ hưu.
Giáo sư là người đương thời với nhiều nhân vật nổi danh trong giới học thuật và tư tưởng của thế giới như Andre Malraux, Jean Paul Sartre, Raymond Aron ở Pháp, Gunnar Myrdal ở Thụy Điển, Friedrick Hayek ở Áo quốc. Và đặc biệt ông sống rất thọ, tới tuổi 92. Các sách của ông viết về triết học, đặc biệt là cuốn “ The Open Society and its enemies” đã gây ra những cuộc tranh luận sôi nổi trong học giới. Năm 1982, vào lúc ông bước vào tuổi bát tuần, các học giả đã hợp với nhau để cùng viết chung một cuốn sách nhan đề là : “In pursuit of Truth” do Paul Levinson biên tập gồm những bài tiểu luận về “Triết học của K. Popper (Essays on the Philosophy of K. Popper on the occasion of his 80th Birthday).
Vào năm 1965, vị giáo sư còn được Nữ hoàng Anh quốc phong tước hiệu “Hiệp sĩ nước Anh” (Knight of England), nên người ta thường xưng tụng gọi ông là Sir Karl Raimund Popper. Ông còn được một môn sinh cũng rất nổi danh là nhà tài chánh George Soros vinh danh là sư phụ của mình bằng cách đặt tên cho cơ sở hoạt động xã hội của ông là “Open Society Institute” có trụ sở chính tại New York. Từ ngữ “Open Society” này nhằm ứng dụng chủ trương của K Popper như được trình bày trong cuốn sách thời danh nói trên. Ta sẽ bàn về nội dung cuốn sách này trong một bài tiếp theo.
Nhân tiện, xin liệt kê một số đầu sách quan trọng của giáo sư Karl Popper như dưới đây theo thứ tự thời gian xuất bản :
The Logic of Scientific Discovery (1934), bản dịch tiếng Anh 1959
The Open Society and its enemies (1945)
Utopia and Violence (1947)
On Freedom (1958)
Conjectures and Refutations : The Growth of Scientific Knowledge (1963)
Unended Quest : An Intellectual Autobiography (1976)
In Search of a Better World (1994)
Hình như chưa có mấy cuốn trong số sách trên đây mà đã được dịch sang tiếng Việt.
B/ George Soros (1930)
George Soros sinh trưởng trong một gia đình Do thái tại Budapest thủ phủ của nước Hungary, vào năm 1930. Trong thời kỳ Đức quốc xã xâm chiếm nước Đông Âu này và tiến hành cuộc tàn sát người Do Thái từ năm 1943, thì George thoát nạn vì nhờ được một gia đình người Hung chính hiệu nhận làm con nuôi. Sau chiến tranh, ông tìm cách đào thoát khỏi khu vực do Hồng quân Liên Xô chiếm đóng để sang phương Tây và đến được nước Anh vào năm 1947. Tại đây, George theo học và tốt nghiệp vào năm 1952 ở trường London School of Economics. George rất tâm đắc với chủ trương về “Xã hội Mở” (Open Society) của giáo sư Karl Popper. Và sau này khi đã rất thành công về tài chánh rồi, thì G Soros đã công khai tôn vinh giáo sư Karl Popper là vị sư phụ đáng kính của mình, bằng cách đặt tên cho Quỹ Từ Thiện cũng như cơ sở hoạt động xã hội của mình là “Open Society Foundation” và “Open Society Institute” (OSI).
Theo sự xếp hạng của tạp chí tài chánh Forbes, thì G Soros được coi là người giàu có thứ 80 trên thế giới với tài sản vào khoảng 8.5 tỷ mỹ kim (8,500 triệu). Ông chuyên môn kinh doanh trên thị trường tài chánh và chứng khoán và bằng những thủ thuật mạnh dạn khôn khéo đến độ phiêu lưu liều lĩnh nên có năm ông kiếm được một số lời khổng lồ hàng ngàn triệu dollar. Tính ra ông đã kiếm được đến 11 tỷ dollar (11,000 triệu) trong thời gian có mười mấy năm hoạt động sôi nổi trên thị trường tài chánh. Báo chí đặt cho ông cái danh hiệu “người bẻ gẫy Ngân hàng Anh quốc” (the man who broke the Bank of England) trong Ngày thứ Tư đen tối năm 1992 (Black Wednesday, September 16, 1992). Và riêng trong mỗi một vụ mạo hiểm này thôi, thì Soros đã kiếm được một số lời lên đến 1.1 tỷ dollar!
Hồi năm 1997, nhân cuộc khủng hoảng tài chánh ở Á châu, G Soros bị Thủ tướng Mahathir của Mã lai tố cáo đích danh là một thủ phạm đã gây ra sự việc tồi tệ đó thông qua những vụ “sử dụng tài sản của mình để trừng phạt khối ASEAN vì đã nhận nước Myanmar vào làm thành viên”. Ông Thủ tướng này còn gọi Soros là một người đần độn(moron). Người Thái lan còn gọi Soros là “ tên tội phạm trong cuộc chiến tranh kinh tế, chuyên hút máu người dân (an economic war criminal who sucks the blood from the people).
Nhưng Soros lại rất nổi danh khắp thế giới, đặc biệt là tại nước Nga và cả khu vực Đông Âu, vì đã góp một phần rất quan trọng vào sự phục hồi chế độ dân chủ ở các nước “cựu cộng sản “ này. Cụ thể như ngay từ đầu thập niên 1980, ông đã yểm trợ rất mạnh cho phong trào “Đoàn kết” ở Ba lan, cho Nhóm “Hiến chương 77” ở Tiệp khắc, cho nhà bác học đối lập thời danh ở Liên Xô là Andrei Sakharov v.v…Chi tiết về các hoạt động này rất nhiều, sẽ được trình bày đày đủ hơn trong một bài sau. Mỗi năm quỹ của Soros đã chi ra đến 500 triệu dollar cho các dự án trên khắp thế giới, đặc biệt tại Đông Âu
G Soros lại còn gây sôi nổi trong dư luận vào năm 2004, khi ông bỏ ra một số tiền khá lớn đến trên 15,000,000 dollar để nhằm hạ bệ Tổng Thống George W Bush trong cuộc bàu cử năm đó.
Ngoài ra ông còn viết nhiều bài báo và cả mấy cuốn sách về kinh tế tài chánh trên quy mô toàn cầu. Thật là con người đa tài, đa dạng, nhiều tiền lắm bạc mà cũng thật là đa đoan nữa.
Trong bài tiếp theo, người viết sẽ trình bày chi tiết hơn về chủ trương “Xây dựng xã hội từng mảnh một” về cả hai phương diện lý thuyết và thực hành của cặp sư phụ Karl Popper và môn sinh G eorge Soros này. Xin độc giả đón đọc nhé.
Bài 2 – Luận điểm của Karl Popper
Công trình nghiên cứu về triết học của giáo sư Karl Popper trong suốt cuộc đời lâu dài vừa miệt mài nghiên cứu giảng dậy, vừa bền bỉ biên soạn sáng tác của ông thật là phong phú vĩ đại. Chuyên môn của ông là lãnh vực triết lý của khoa học (philosophy of science). Và ông đã dậy học tại trường Kinh tế Luân Đôn (LSE) suốt 23 năm với chức danh chính thức là vị Giáo sư về môn Luận lý và Phương pháp Khoa học (Professor of Logic and Scientific Method). Việc giới thiệu cho đày đủ công trình triết học đồ sộ đó rõ ràng là vượt ra ngoài khả năng rất hạn hẹp của người viết bài này. Do đó, như trong nhan đề của bài viết, tôi chỉ xin giới hạn việc giới thiệu về cái chủ trương “Xây dựng xã hội từng mảnh một”, mà vị đại sư đã trình bày rất khúc chiết tại nhiều trang rải rác trong cuốn sách thời danh “The Open Society and its enemies” (Xã hội Mở và những kẻ thù của nó) được xuất bản lần đầu tiên năm 1945 tại Anh quốc, rồi sau đó lại được tái bản nhiều lần và phổ biến rộng rãi tại Hoa kỳ, cũng như tại khắp nơi trên thế giới qua các bản dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nữa.
Và trong một bài tiếp theo (bài 3), người viết sẽ trình bày chi tiết hơn về sự ứng dụng chủ trương này, thông qua chương trình hoạt động văn hóa xã hội và từ thiện nhân đạo có tầm vóc toàn cầu của George Soros là một môn đệ kiệt xuất của giáo sư.
1 – Giới thiệu sơ lược về cuốn sách “ Xã hội Mở và những kẻ thù của nó”
Cuốn sách này được nhiều học giả đánh giá là một công trình quan trọng nhất nghiên cứu về môn xã hội học đương đại, một thứ tác phẩm “kinh điển” (a classic). Vị đại sư Bertrand Russell thì ca ngợi tác phẩm như là một bênh đỡ vững mạnh và sâu sắc cho nền Dân chủ (a vigorous and profound defence of Democracy). Quả thật, Popper đã vận dụng triệt để cái vốn kiến thức uyên bác, vững vàng trong lãnh vực triết lý khoa học cuả mình để tìm cho ra được một lối thoát về chính trị xã hội cho thế giới lúc đó đang bị kềm kẹp khốn khổ dưới chế độ độc tài tàn bạo Đức quốc xã. Và rồi qua cuốn sách thời danh này, Popper đã được đánh giá cao là một triết gia về chính trị và xã hội nưã (political and social philosopher).
Sách dài tổng cộng trên 700 trang được phân bố trong 2 tập, với tổng cộng 25 chương, mà 10 chương đầu được dành để phân tích và bác bỏ các luận điểm của đại triết gia Plato là một thứ ‘núi Thái sơn” của nền triết học Tây phương và cả của kho tàng triết học của nhân loại nữa. Còn các chương tiếp theo, thì tác giả dành để phê phán Marx và Hegel. Mặc dầu rất kính phục vị đại sư Plato, Karl Popper vẫn thẳng thừng phê phán quan điểm của triết gia này đến nơi đến chốn, đặc biệt về quan điểm có tính chất “ không tưởng” (utopian social engineering) của Plato trong việc điều hành và lãnh đạo xã hội. Popper rất kiên quyết, triệt để chống lại cái lý luận của Plato khi chủ trương rằng “ quyền lợi cuả nhà nước được đặt trên quyền lợi cuả cá nhân “ và “cần phải dành quyền cai trị cho nhà độc tài sáng suốt, một thứ “vua kiêm triết gia” (philosopher-king).
Dĩ nhiên là Popper cũng nặng nề phê phán chê trách quan điểm của Hegel đặc biệt là thuyết “định mệnh lịch sử” (historical determinism). Nói vắn tắt là : Popper hoàn toàn bác bỏ cái chủ trương “kế hoạch hóa toàn diện” (Total Planning) của Plato và Hegel, Marx, mà thay vào đó bằng chủ trương “Xây dựng Xã hội từng mảnh một” (Piecemeal Social Engineering). Chủ trương này sẽ được bàn thảo phân tích chi tiết rành rọt hơn trong phần sau của bài viết này.
Ta nên chú ý đến thời gian và bối cảnh lúc tác giả viết cuốn sách này. Đó là từ năm 1938 đến 1943, lúc chế độ phát xít Hitler đang chiến thắng ròn rã ở khắp Âu châu, kể cả tại nước Nga. Tình hình bi thảm này trên khắp Âu châu đã khiến cho Popper phải ngày đêm lăn xả vào việc truy tìm tận gốc rễ đã phát sinh ra chế độ độc tài chuyên chế toàn trị. Vì thế mà ông đã “rất nặng lời trong việc phê phán Plato, Hegel” là những bậc thức giả được tác giả coi như chủ xướng cổ võ cho hệ thống “xã hội khép kín” (closed society) do chế độ độc tài gây dựng và duy trì. Vào thời đó, chưa có cuộc chiến tranh lạnh như trong giai đoạn sau này, kể từ khi thế chiến thứ hai chấm dứt. Nên trong cuốn sách này, Popper đã” rất nhẹ tay ” đối với Karl Marx, và cũng lại không hề đả động gì đến chế độ độc tài cộng sản sắt máu cuả Stalin.
Ngày nay vào đầu thế kỷ XXI, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ ở nước Nga và Đông Âu để nhường chỗ cho một thể chế dân chủ thông thoáng cởi mở hơn, cùng với sự thăng tiến về nhân phẩm và nhân quyền thông qua sự phục hồi và phát triển cuả xã hội dân sự, thì lời kêu gọi “xây dựng một xã hội cởi mở”, mà Popper đã mạnh dạn gióng lên từ 60-70 năm trước, lại càng có tính cách thực tiễn thời sự và được sự hưởng ứng cuả số đông quần chúng cũng như tầng lớp trí thức khắp nơi trên thế giới.
Tóm tắt lại, cuốn sách “The Open Society” cuả Karl Popper đã góp phần gây ra được một nguồn cảm hứng nồng nhiệt, phấn khởi cho công cuộc tìm kiếm một thể chế chính trị xã hội nhân bản, văn minh tiến bộ xứng hợp với điạ vị cao quý cuả con người trong một thế giới đang mỗi ngày càng phát triển mạnh mẽ theo chiều hướng toàn diện và toàn cầu hiện nay vậy.
2 – Thảo luận về vấn đề “ Xây dựng xã hội từng mảnh một”.
Luận điểm cốt lõi của Popper có thể tóm gọn lại như sau : Công việc chính yếu của bất kỳ một xã hội con người nào thì cũng chỉ là phải “giải quyết vấn đề” xảy đến cho xã hội đó (problem solving). Mà phương pháp khoa học có hiệu quả nhất là sử dụng “ giải pháp thử nghiệm” (trial solution). Giải pháp thử nghiệm như vậy đòi hỏi một sự “phê phán, kiểm tra thường xuyên” và tìm cách” loại bỏ những sai lầm” (error elimination). Nhờ quá trình hoạt động nghiêm túc như vậy, mà lần hồi con người tìm ra được giải pháp tối ưu cho các vấn đề nhân sinh (optima solution).
Popper xác định : “Trong thực tế chưa hề có một mô hình mẫu mực nào cho việc “xây dựng xã hội đại quy mô” (large-scale engineering). Đó chỉ là sản phẩm tưởng tượng của những nghệ sĩ, của loại người “không tưởng” (utopian). Mà cũng không hề có một thứ “ lý thuyết định mệnh lịch sử “ nào đã được chứng minh có giá trị chính xác tuyệt đối, như mấy nhà “tiên tri” thường rêu rao…” Lời phát biểu chắc nịch của ông được nhiều người nhắc đến, đó là : “ Thay vì đứng ra như là vị tiên tri, chúng ta phải là người tạo ra số phận cho chính mình” (Instead of posing as prophets, we must become makers of our fate).
Popper đi đến một kết luận dứt khoát là : “Chỉ có một xã hội dân chủ, cởi mở, sẵn sàng tiếp nhận những phê phán, chỉ trích những sai lầm và có tinh thần phục thiện để mà điều chỉnh sửa chữa những bất cập đó, thì xã hội mới có cơ được lần hồi cải thiện. Ông nêu rõ là không thể có một “mẫu thiết kế” (blueprint) có sẵn cho bất kỳ một quốc gia nào, như các nhà độc tài thường hay áp đặt bắt buộc thần dân trong nước phải răm rắp tuân theo, mà không hề được nêu lên ý kiến phê phán thế này, thế nọ. Ông còn nói rõ hơn : Vì chúng ta không có cách nào đem lại hạnh phúc tối đa cho người dân được ( maximize happiness), nên chúng ta chỉ còn có mỗi một cách là “giảm đến mức tối thiểu sự đau khổ của quần chúng” (minimize suffering). Phương thức “ Xây dựng Xã hội từng mảnh một” chính là giải pháp tối ưu mà chúng ta có thể thực hiện được, hầu giải quyết thỏa đáng cho những vấn đề mỗi ngày một thêm phức tạp khó khăn của xã hội ngày nay vậy.
Chủ trương “Piecemeal Social Engineering “ này làm chúng ta nhớ đến quan điểm của kinh tế gia E F Schumacher trong cuốn sách nổi danh “Small is Beautiful” xuất bản hồi thập niên 1970, cũng bắt đầu tại nước Anh. Người viết đã có dịp giới thiệu tư tưởng của Schumacher từ hồi đầu năm 2009 vừa qua. Rõ ràng là quan điểm của triết gia Karl Popper có nhiều điểm tương đồng với chủ trương của kinh tế gia Fritz Schumacher, dù hai người theo đuổi hai lãnh vực hoàn toàn khác nhau, với phương pháp lý luận cũng khác nhau.
Ta hãy nghe thêm lời biện giải chi tiết hơn của Popper : “ Phương pháp “từng mảnh một cho phép ta thực hiện liên tiếp nhiều thực nghiệm và những điều chỉnh liên tục (repeated experiments and continuous adjustments). Điều này có nghĩa là ta đem phương pháp khoa học vào trong lãnh vực chính trị, bởi vì toàn thể bí quyết của phương pháp khoa học thì chính là sự sẵn sàng học hỏi được từ những sai lầm” (a readiness to learn from mistakes).Thí dụ cụ thể như mô hình của từng định chế như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hay tòa án hòa giải, cải cách giáo dục, cải tổ thuế khóa… thì cũng đơn giản thôi. Nếu những cái đó có sai sót, thì sự thiệt hại gây ra cũng chẳng có gì trầm trọng lắm, mà việc điều chỉnh sửa sai lại cũng sẽ chẳng quá khó khăn. Bởi lẽ những thử nghiệm “từng mảnh một” như vậy, thì không làm đảo lộn tòan thể trật tự của tất cả xã hội, như trong một thứ “cách mạng đai quy mô và triệt để” mà nhà lãnh đạo độc tài chuyên chế thường gây ra.
Có thể nói lập trường” công kích chống lại độc tài chuyên chế toàn trị” (anti-totalitarian thrust) như thế của Popper rất ăn khớp với tư tưởng của các tác giả nổi danh đương thời sau thế chiến thứ hai, điển hình như Friedrick Hayek với tác phẩm “The Road to Serfdom” (Con đường dẫn tới Nô lệ), như Ludwig von Mises với tác phẩm “ Omnipotent Government “ (Chính quyền Vạn năng). Trào lưu tư tưởng này đã ngăn cản, kềm bớt chủ trương của trường phái phát sinh từ vị đại sư John Maynard Keynes cũng của nước Anh, vốn cổ võ sự can thiệp mạnh mẽ quá trớn của chánh quyền trong việc điều hành nền kinh tế tại các quốc gia vốn đã có truyền thống dân chủ vững chắc lâu năm như ở Âu Mỹ.
Trước tình trạng sôi động, cuồng tín quá khích về tôn giáo ngày nay tại nhiều nơi trên thế giới, cũng như chủ trương hạn chế quyền tự do và tiếng nói của các cá nhân do chính quyền Tổng thống George W Bush theo đuổi gần đây ngay tại chính nước Mỹ, thì chủ trương kêu gọi “liên tục cải thiện xã hội từng mảnh một”, do Karl Popper khởi xướng từ trên 60 năm nay, càng có tác dụng thúc đảy mọi công dân trong khu vực xã hội dân sự phải tích cực năng động và sáng tạo hơn nữa, để tự cứu lấy mình và cứu vãn toàn thể xã hội đang có nguy cơ khủng hoảng suy thoái rất ư là trầm trọng hiện nay vậy./
Bài 3 – George Soros và công cuộc Xây dựng Xã hội Mở Toàn cầu
(The Global Open Society)
Năm 2010 này George Soros đã bước vào tuổi 80. Ông quả là một con người ngoại hạng, đa tài, đa năng, lại nhiều tiền lắm bạc, mà lại cũng rất ư là đa đoan năng nổ. Đã có rất nhiều sách báo viết về ông, khen ngợi ca tụng cũng có, mà chê bai chỉ trích cũng nhiều. Ngay cái chuyện làm ăn kinh doanh kiếm tiền của ông trên thị trường tài chánh và chứng khoán với món tiền kếch xù thu nhập được đến cả hàng chục ngàn triệu dollar qua mấy chục năm kinh doanh của ông, thì đã là đề tài cho báo chí và công luận khắp thế giới bàn tán từ bao nhiêu năm tháng nay rồi. Ông lại còn xông xáo tham gia vào bao nhiêu chuyện chính trị, ngoại giao này nọ, mặc dầu không hề giữ một chức vụ gì trong chính quyền nước Mỹ. Ông còn hay viết báo, viết sách bàn luận về chuyện kinh tế tài chánh có tầm quan trọng toàn cầu. Cũng như ưa thích nghiên cứu đàm đạo về chuyện triết lý cao siêu nữa.
Nhưng bài viết này lại không bàn về những chuyện rất hấp dẫn đó, mà chủ tâm của người viết là muốn giới thiệu với bạn đọc các hoạt động của George Soros để nhằm xây dựng một Xã hội Mở trên phạm vi toàn cầu, theo đường hướng của vị sư phụ nổi danh Karl Popper, mà ông có dịp được thụ giáo với trong thời gian theo học tại trường Kinh tế Luân đôn hồi cuối thâp niên 1940 qua đầu thập niên 1950, lúc vào tuổi 20.
Soros khởi sự tham gia công tác thúc đảy sự phát triển “các xã hội mở” ngay từ cuối thập niên 1970. Điển hình là từ năm 1979, ông đã cấp ngân khỏan để giúp các sinh viên da đen theo học tại đại học Cape Town ở Nam Phi, vì hồi đó người dân ở nước này vẫn còn bị nạn kỳ thị chủng tộc (Apartheid) hoành hành.Tiếp theo ông lập một sáng hội (foundation) tại Hungary nhằm yểm trợ về văn hóa, giáo dục và thúc đảy tiến trình chuyển biến dân chủ cho quốc gia là quê hương bản quán của mình. Tại đây, một trong những dự án độc đáo nhất là ông đã nhập cảng vào trong nước rất nhiều máy photocopy, để giúp giới tranh đấu dân chủ phổ biến tin tức và in ấn những tài liệu bị chánh quyền cộng sản cấm đoán. Soros cũng tìm cách khôn khéo gửi khá nhiều tiền giúp phong trào Đòan kết đang hoạt động bí mật ở Balan, cũng như cho Nhóm Hiến chương 77 ở Tiệp khắc. Và đặc biệt là yểm trợ nhà bác học – đối kháng hàng đầu ở Liên Xô là Andrei Sakharov.
Năm 1982, nhân dịp mừng sinh nhật thứ 80 của giáo sư Karl Popper, Soros đã đặt tên cho tổ chức từ thiện của mình là “Open Society Foundation” để vinh danh vị sư phụ quý mến của ông. Và ông bắt đầu cấp học bổng cho các sinh viên du học từ Đông Âu. Phấn khởi trước sự thành công của các dự án này, Soros thành lập thêm nhiều dự án khác nhằm giúp đỡ việc tự do phổ biến thông tin tại những quốc gia trong khối cộng sản. Ông còn yểm trợ những chương trình giáo dục qua radio tại Mông cổ. Và sau này đóng góp đến cả 100 triệu dollar để cung cấp dịch vụ internet cho các đại học cấp miền ở nước Nga.
Nói chung những hoạt động nhân đạo từ thiện của Soros thì đều kết hợp với nguyên tắc cốt lõi của sự cổ võ xây dựng cho xã hội mở. Như vậy, nên ông đã không chịu để cho các loại hoạt động này lại bị ràng buộc hay bị hạn chế bởi một chánh quyền nào, hoặc một định chế quốc tế nào. Trong thập niên 1980,Soros tài trợ cho các nhà kinh tế trẻ tuổi tại một “think tank” ở Trung quốc qua trao đổi với một đại học chuyên về môn kinh doanh tại Budapest. Soros còn giúp thiết lập quỹ trợ cấp việc cổ võ cho xã hội dân sự và tính minh bạch tại Trung quốc. Năm 1991, Soros góp phần thành lập Đại học Trung Âu tại Budapest (Central European University), chuyên dậy bậc cao học trong lãnh vực phát triển xã hội và chính trị. Tính ra ông đã dành riêng cho đại học này đến số tiền tổng cộng lên đến trên 500 triệu dollar. Ông cũng đã bỏ ra 50 triệu dollar để cứu trợ các nạn nhân trong cuộc chiến ở Bosnia. Và cũng chi ra 50 triệu dollar khác để yểm trợ dự án Millenium Villages cho các làng nghèo túng hẻo lánh ở Phi châu nữa. Thật không thể nào kê khai cho hết được những ngân khoản do G Soros cấp phát cho các dự án xã hội- văn hoá- giáo dục rải rác khắp nơi trên thế giới được, nhất là tại các quốc gia cưụ cộng sản ở Đông Âu và cả nước Nga.Tính gộp lại, trong mấy chục năm liên tục tham gia công việc từ thiện nhân đạo và xây dựng “Xã hội Mở”, George Soros đã chi ra đến 6 tỷ dollar cho các dự án khắp thế giới.
Sau này, kể từ ngày thiết lập OSI tức là Viện Xã hội Mở vào năm 1993 (Open Society Institute), thì Soros đã lần hồi hệ thống hoá các chương trình hoạt động cho có quy củ lớp lang nhịp nhàng ăn khớp với nhau. Dưới đây, ta sẽ tìm hiểu chi tiết về sinh hoạt cuả tổ chức OSI này.
Viện Xã hội Mở (The Open Society Institute = OSI)
Là con người thực dụng, Soros không bao giờ chấp nhận cái lối điều hành theo kiểu hành chánh quan liêu thư lại nơi các cơ quan nhà nước, mà người Âu Mỹ gọi là “bureaucracy” (guồng máy thư lại). Vì thế ban đầu văn phòng do ông điều khiển để phụ trách công việc từ thiện nhân đạo, thì gần như rất “tuỳ hứng, không hề có sự kỷ cương gò bó” gì cả. Nhưng sau này, lúc công việc quá nhiều với sự cộng tác cuả những nhân vật kiệt xuất từ khắp các nơi trên thế giới, thì bó buộc Soros phải thay đổi cái lề lối quản lý và điều hành “tuỳ hứng, lỏng lẻo” này. Đó là vào đầu thập niên 1990, khi ông đã thiết lập được nhiều cơ sở gọi là “sáng hội tại từng quốc gia” (national foundation) với nhân viên phụ trách điều hành hoàn toàn là người điạ phương với thẩm quyền và sáng kiến riêng cuả họ, kể cả với danh xưng khác với tổ chức “Open Society” cuả ông, thì tại cơ quan trung ương đầu não cuả OSI đặt tại New York đã bắt đầu phát triển thành một bộ phận “ phối hợp các hoạt động cuả các national foundation” này. Hoạt động của OSI mỗi ngày một mở rộng, mà hiện nay đã gồm các “đối tác” (partner) ở trên 30 quốc gia, phần lớn là trong các nước Đông Âu và các nước tách ra từ Liên Xô kể từ đầu thập niên 1990, khi hệ thống cộng sản sụp đổ tan rã.
Hoạt động của OSI rất là đa dạng, phong phú vì được phát xuất từ sáng kiến rất cụ thể và độc đáo của bao nhiêu nhân vật xuất chúng của các quốc gia sở tại, mà lại rất ư là khác biệt nhau về truyền thống văn hóa lịch sử, cũng như tôn giáo. Tất cả chỉ có chung một mẫu số, đó là : Cùng nhắm vào công cuộc xây dựng và phát triển “Xã hội mở” dựa trên cơ sở dân chủ, khai phóng và nhân bản theo tinh thần tiến bộ, bất bạo động đã được giáo sư Karl Popper khai mở cổ võ mạnh mẽ từ 70 năm trước như được ghi trong tác phẩm “The Open Society and its enemies”, cuốn sách này vừa mới được giới thiệu trong bài 2 trước bài viết này. Vì thế, ta có thể nói : George Soros là một nhân vật tiên phong của phong trào kiến tạo “một Xã hội Mở trên quy mô toàn cầu” (the pioneer of the Global Open Society). Hay nói khác đi, Soros là tiêu biểu của một thứ “kiến trúc sư của Xã hội Dân sự Toàn cầu” (an architect of the Global Civil Society), mà đang nỗ lực cổ võ phát động cho “Phong trào Xã hội mới” của thế kỷ XXI hiện nay vậy (The New Social Movement).
Quý bạn đọc có thể mở website của “Open Society Institute”, thì sẽ tìm được vô vàn thông tin chi tiết và cập nhật hóa thường ngày về sinh hoạt của cả một hệ thống các foundation tại tất cả các quốc gia liên hệ. Điển hình như vừa đây, sau trận động đất kinh hoàng ở Haiti vào đầu năm 2010 này, thì OSI đã khẩn cấp chi ra ngay 4 triệu US dollar, phân phối cho 4 tổ chức nhân đạo như Medecins Sans Frontieres, Save The Children, Catholic Relief Services, CARE đẻ tham gia cứu trợ giúp đỡ các nạn nhân. Và trước đây Soros cũng đã chi ra 50 triệu để giúp riêng cho dân chúng tại thành phố thủ đô Port-au Prince của Haiti nữa.
Người viết bài này đã có dịp đến viếng thăm trụ sở cuả OSI tại trung tâm khu Manhattan ở New York vào muà hè năm 2008. Nhờ sự giới thiệu cuả chị luật sư Dinah Pokempner thuộc tổ chức Human Rights Watch, nên tôi đã được hai chuyên viên cuả OSI phụ trách về Đông Âu và Nga tiếp đón rất thân tình chu đáo. Đó là vì tôi cần tham khảo kinh nghiệm thực tiễn cuả OSI hoạt động tại Đông Âu, để bổ túc cho sự nghiên cứu cuả tôi về “Sự phục hồi Xã hội Dân sự tại Đông Âu sau khi chế độ cộng sản sụp đổ vào năm 1989”. Tôi cần kinh nghiệm chuyên môn cuả OSI (technical expertise), chứ không phải đến trụ sở này để xin ngân khoản trợ cấp cuả họ (grant) cho việc nghiên cưú dài ngày này nói trên. Và họ tỏ ra thật hoan hỉ, phấn khởi khi nghe tôi trình bày rằng : Người Việt nam cũng như người Trung hoa, người Triều tiên chúng tôi ở Á châu hiện còn đang phải sống dưới ách độc tài chuyên chế cộng sản, thì rất mong rút được bài học hưũ ich cuả các quốc gia cựu cộng sản như ở Nga và Đông Âu, để còn chuẩn bị cho giai đoản “hậu cộng sản” (post-communist) sắp tới trong tương lai không bao xa cho đất nước chúng tôi nưã đấy.
Niềm say mê khác nữa của George Soros.
Như đã trình bày trước đây, Soros là người đa tài, đa dạng đa đoan, nên ông tham gia vào nhiều loại công việc trong những lãnh vực rất khác biệt nhau. Là người có trí thông minh vượt trội, lại trải qua nhiều nỗi truân chuyên của gia đình gốc Do thái dưới thời tàn bạo của phát xit Đức quốc xã, và sau này của chế độ cộng sản, nên Soros có được cái tầm nhìn và suy nghĩ toàn cầu (global vision /thinking). Nhưng Soros lại có cả tham vọng về thứ “ hoạt động tòan cầu “ (global action) nữa, chứ không như người ta thường tình chỉ có thể hành động hạn chế tại địa phương nhỏ bé “trong tầm tay” của mỗi cá nhân mà thôi (Act locally). Cái chí lớn “muốn xẻ núi lấp song” như thế đã thôi thúc ông lăn xả vào trong nhiều loại hoạt động, mà vì nhờ có phương tiện tài chánh dồi dào Soros dễ tạo được môi trường, để cùng chung với các bạn hữu thân thiết đưa ra thực hiện các sáng kiến độc đáo và mạnh dạn của mình. Có lần ông tâm sự với bạn : “Tôi không hề muốn thiên hạ chỉ coi tôi như là một nhà tỷ phú nhiều tiền lắm bạc, mà rộng tay ban phát ân huệ cho người này người khác như là một vị ân nhân theo cái ‘lối cha chú” (paternalism). Vì thế, tôi miệt mài tìm kiếm học hỏi thêm về triết học, về kinh tế tài chánh, về xã hội học v.v…” Chính cái tinh thần “cầu tiến” này đã khiến cho Soros thâu lượm được một số vốn kiến thức rất vững chắc, để theo kịp được với nhịp độ văn minh tiến bộ của thời đại.
Các ký giả quen biết theo dõi đường đi nước bước của Soros trong nhiều năm, thì đều nhận ra cái sự biến chuyển trong nhận thức mỗi ngày một thêm phong phú, sung mãn và vững chãi hơn. Trước đây, giới chính trị ngoại giao cấp cao các nước văn minh thường đánh giá thấp mấy nhà tài phiệt, mà họ coi như là loại “trọc phú” với trình độ văn hóa thấp kém. Nhưng từ ngày Soros được gán cho cái danh hiệu “ con người đã bẻ gãy Ngân hàng Anh quốc” vào ngày Thứ tư Đen 16 September 1992, thì người ta không thể xem thường con người này được nữa. Do vậy mà lần hồi Soros đã có thể tiếp cận được với các nhân vật quan trọng cuả thế giới trong mọi lãnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, xã hội, văn hoá, tôn giáo để trao đổi kinh nghiệm và bàn thảo về đường lối hoạt động có tầm vóc toàn cầu. Cứ như vậy, cái vòng quen biết thân tình cuả George Soros mỗi ngày càng mở rộng, bành trướng mãi ra, và tầm vóc hoạt động mỗi ngày một phát triển rất ư là hiệu quả và bao quát.
Nhân tiện, tôi cũng xin ghi ra đây một số sách có tính cách tiêu biểu do chính Soros biên soạn và phổ biến cho công chúng trong thời gian gần đây :
*The Crisis of Global Capitalism : Open Society Endangered (1998)
*Open Society : Reforming Global Capitalism (2000)
*The Buble of American Supremacy : Correcting the Misuse of American Power (2003)
*The Age of Fallibility : Consequences of the War on Terror (2006)
*The New Paradigm for Financial Markets : The Credit Crisis of 2008 and What It Means (2008).
Ngoài ra Soros còn thường xuyên viết rất nhiều bài báo phổ biến trên diễn đàn các tờ báo lớn ở Mỹ và cả ở Âu châu nưã. Điển hình như 2 bài báo này :
*Europe as a Prototype for a Global Open Society (Nov. 20, 2006),
*Op-Ed : A New Bargain for UN Reform (May 4, 2006).
George Soros còn nhận được nhiều cấp bằng danh dự từ các đại học danh tiếng trên thế giới, cụ thể như Oxford, Yale, Budapest University. Đặc biệt vào năm 1995, đại học Bologna ở Ý Đại Lợi đã cấp cho Soros bằng danh dự cao nhất “the Laurea Honoris Causa” vinh danh những nỗ lục cuả G Soros nhằm cổ võ các “Xã hội Mở” trên toàn thế giới.
Về cuộc sống gia đình riêng tư, thì báo chí ghi nhận : Soros có hai đời vợ và có tất cả 5 người con nay đều đã trưởng thành. Cả hai bà vợ đều đã ly dị, và hiện nay không còn người đàn bà nào mà còn sống chung với ông nưã./
California, Tháng Giêng 2010
Đoàn Thanh Liêm