VỤ XỬ EM NGUYỄN MAI TRUNG TUẤN: CHUÔNG NGUYỆN HỒN AI

VỤ XỬ EM NGUYỄN MAI TRUNG TUẤN: CHUÔNG NGUYỆN HỒN AI

FB Tèo Ngu Khìn

Em Nguyễn Mai Trung Tuấn. Nguồn: internet

Từ hôm qua đến giờ người cứ bần thần, mãi không viết được. Cảm thấy đau lòng, bức bối xen lẫn phẫn nộ cho cái án 4 năm 6 tháng tù dành cho em trai 15 tuổi Nguyễn Mai Trung Tuấn.

Những điều luật cụ thể trong Bộ Luật Hình Sự Việt Nam 1999 (viết tắt BLHS 1999, sửa đổi bổ sung 2009) cùng những thủ tục tố tụng với những qui định gia giảm dành cho người vị thành niên, đặc biệt từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, đề cập trong Bộ luật Tố Tụng Hình Sự Việt Nam 2003 (BLTTHS 2003) cùng với thông tin về giám định tỷ lệ thương tật của những bị hại là công an không đủ thuyết phục tôi rằng cái án kia là công bằng, công tâm, khách quan, mang tính giáo dục, và vì con người.

Tôi chán không muốn nói đến luật lệ, nhất là mảng luật hình sự và tố tụng, của xứ này nữa. Biết bao người đã nói đến tính “phi lý” và “phi nhân” của một số điều trong BLHS 1999, những trình tự thủ tục “làm khó” và “cản trở” cả bị can/bị cáo lẫn luật sư bào chữa trong BLTTHS 2003 và những văn bản dưới luật liên quan.

Tôi chỉ muốn nghĩ đến căn nguyên nguồn cội dẫn đến những hành xử tuyệt vọng của gia đình em Nguyễn Mai Trung Tuấn. Vì sao gia đình em phải đi đến những hành động này? Vì sao cả gia đình, chỉ trừ một em gái của Tuấn mới gần 14 tuổi giờ bơ vơ một mình ngoài đời, còn lại cả gia đình lâm cảnh tù tội? Vì sao thảm cảnh như gia đình em không phải là riêng biệt ở đất nước này? Vì sao rất đông dân oan hàng ngày bám trụ hết cơ quan này đến cơ quan khác để khiếu kiện, kêu oan? Việc gì họ phải vật vạ ngày này qua tháng nọ ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng chịu cái nóng đổ lửa của mùa hè, cái lạnh cắt da xé thịt của mùa đông, mà không nằm nhà cho êm ấm? Hầu hết đều liên quan đến đất đai và những hệ lụy từ đất đai liên quan đến thu hồi, giải phóng mặt bằng, bồi thường khuất tất.

Ai kết tội tôi là thành phần “phản động” tôi sẵn sàng vui vẻ chấp nhận, nhưng tôi vẫn cứ thẳng thừng mà nói: căn nguyên cho mọi điều trên là từ cái vòng kim cô “sở hữu toàn dân” về đất đai nhưng lại do nhà nước làm đại diện chủ sở hữu. Dù có sửa bao nhiêu cái hiến pháp như mới vừa làm với Hiến Pháp 2013 mà không công nhận sở hữu tư nhân về đất đai bên cạnh các loại hình sử hữu khác (phải có sở hữu nhà nước), cùng với luật trưng thu trưng mua minh bạch, thì khiếu kiện đông người liên quan đến đất đai sẽ không bao giờ hết được, dân oan Mai Xuân Thưởng sẽ vẫn là hình ảnh quen thuộc đến buồn nản ở Hà Nội. Cái gốc vấn đề nằm ở hình thức Sở Hữu!

Tôi chỉ muốn nghĩ về khía cạnh giáo dục trong vụ án của em Nguyễn Mai Trung Tuấn. Tự đặt mình vào hoàn cảnh của em khi cha mẹ mình bị thế, chứng kiến những gì đang xảy ra với gia đình mình như thế, tôi cũng sẽ hành động như em dù biết là liều lĩnh, tuyệt vọng, nhưng “chỉ có súc vật mới ngoảnh mặt lại với nỗi đau của đồng loại mà chăm lo cho bộ da của mình”. Chả có đứa con ngoan nào mà chấp nhận ngồi im nhìn người ta đối xử với cha mẹ và người thân ruột thị của mình đau lòng như vậy. Phải đứng về phía cha mẹ, vì như thế mới đúng là con người.

“Mở thêm một trường học là đóng cửa bớt một nhà tù”. Văn hào Victor Hugo đã đúc kết như thế. Nhưng một khi người ta muốn nhà tù mọc lên nhiều hơn trường học, một khi thay vì tận tâm và nhẫn nại với những biện pháp giáo dục nhân văn nhưng cực nhọc, người ta chỉ đơn giản tống bạn vào tù thì người ta sẽ không những không đạt được mục đích cải tạo, giáo dục đi trước trừng trị. Thậm chí người ta cũng sẽ không đạt được mục đích trừng trị và khuất phục, vì dù có hành hạ được bạn về thể xác nhưng người ta đã thất bại khi làm thế tức là cũng giúp hun đúc một tinh thần bất khuất, trui rèn thêm bản lĩnh đối đầu & đấu tranh trong bạn. Người ta sẽ chỉ “gặt” thêm được những dân oan, thành phần chống đối, chuốc thêm hận thù từ bạn.

Được xem 2 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay