From facebook: Hoang Le Thanh‘s post.
Việt Nam cần thay đổi gì?
Trúc Giang (VNTB).
Thay một ông tổng bí thư? Thay một chủ tịch Nước, một chủ tịch Quốc hội hay một Thủ tướng?
Câu trả lời khá bất ngờ của ông Nguyễn Phú Hoà, phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương:
– “Thay đổi nền kinh tế giáo điều, bằng nền kinh tế thực sự là thị trường tự do, không định hướng nhiệm vụ chính trị”.
Ảnh 1: Ông Nguyễn Phú Hoà, phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương.
Ảnh 2: Hội trường “Diễn đàn xuất khẩu 2017”, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (FICCI) tổ chức vào chiều ngày 8/8/2017 tại khách sạn Rex, Sài Gòn.
Cái bất ngờ ở đây là ông Nguyễn Phú Hòa tuy được mời lên phát biểu với tư cách đại diện Cục Xuất nhập khẩu, nhưng đan xen trong phát biểu, có nhiều đoạn ông nói rõ rằng đây là quan điểm cá nhân.
Báo chí Nhà nước đã không đưa tin chi tiết về những ý kiến công khai và khá sốc của ông Nguyễn Phú Hòa tại “Diễn đàn xuất khẩu 2017”, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (FICCI) tổ chức vào chiều ngày 8/8/2017 tại khách sạn Rex, Sài Gòn.
Tiếp tục niềm tin giáo điều là tiếp tục lao xuống vực thẳm
“Mọi chính sách, mọi bài phát biểu đều trở nên vô nghĩa nếu như không giúp ích cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa. Vì các doanh nghiệp không chỉ đang gánh vác trọng trách trả lương, nuôi sống hàng triệu gia đình người Việt Nam, mà quan trọng hơn, các anh các chị đang nuôi dưỡng ước mơ, khát vọng của dân tộc Việt Nam, ngẩng cao đầu, sánh vài cùng bè bạn năm châu thông qua các thương hiệu xuất khẩu”.
Ông Nguyễn Phú Hòa đã… đánh bài ngửa như vậy khi ông vừa bước lên bục phát biểu theo lời mời của ban tổ chức.
Cú vổ mặt tiếp theo là ông Nguyễn Phú Hòa nhấn mạnh ngay rằng quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức đang nổi lên một số bất đồng. Ông nói (trích băng ghi âm):
– “Kinh tế toàn cầu đã chứng kiến những diễn biến khó lường, khi thị trường Châu Âu với sự ra đi quyết liệt của nước Anh đã đặt ra nhiều cầu hỏi về sự điều chỉnh chiến lược của Liên minh Châu Âu, chưa kể hiện nay quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức đang nổi lên một số bất đồng”.
Ông Nguyễn Phú Hòa nói rằng Việt Nam cần nhìn thẳng vào thực tế nước Mỹ với tổng thống đắc cử Donald Trumph đã quay lưng với thương mại tự do, ông Trumph đã thẳng thừng bác bỏ TPP và nêu quan điểm rõ rệt về bảo hộ thị trường, sản xuất trong nước.
Phía Trung Quốc thì đang tái cơ cấu, tập trung vào thị trường nội địa, và có những chiến lược hết sức mạnh mẽ để cạnh tranh với Nhật, Hàn Quốc, và cả với Mỹ trong lĩnh vực chất lượng và năng suất. Không phải ngẫu nhiên mà người Trung Quốc ganh đua với Mỹ trong việc tạo ra siêu máy tính, hay trí thông minh nhân tạo.
Còn nước Nhật đang lặng lẽ trở thành quốc gia mà ở đó robot từng bước làm việc bên cạnh con người. Năng lực sản xuất của Nhật sắp tới sẽ gia tăng theo cấp số nhân!
Hàn Quốc đi vào năng lực thiết kế, sáng tạo, định ra xu hướng và tạo dựng thế lực dẫn đầu ở nhiều chuỗi sản xuất.
– “Còn Việt Nam thì vẫn mang tài nguyên ra để bán, và sẵn sàng bán bất kỳ thứ gì mà chúng ta có… Chỉ cần bước chân ra khỏi hội trường này, chúng ta sẽ chứng kiến thành phố không còn lối đi, hàng hoá tắt nghẽn trên đường ra cảng, người người xếp hàng để rồi trễ chuyến bay, cây xanh bị triệt hạ, biển đang dần ô nhiễm, con cái học thêm phờ phạc cả người, và hiếm có doanh nghiệp nào là không biết nghiệp vụ lót tay, … Và
” Tất yếu một bộ phận người dân Việt Nam đã bỏ ra 3 tỷ USD mua nhà xứ khác… mà thật ra là mua lại môi trường sống và cơ hội để con cái phát triển!
Nhìn sang Trung Quốc, giờ đây, dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình đang chạy đua để thay đổi, họ đang thực hiện ước mơ về những thành phố sinh thái hoàn toàn, và làm trong sạch bộ máy theo cách của họ, từ đó nâng tầm thương hiệu Quốc gia và hàng hoá Trung Quốc. Còn chúng ta?”. Ông Nguyễn Phú Hòa dường như phát biểu trong tâm thế không tiết chế được cảm xúc.
*
Thể chế thay đổi và cần những con người thích hợp thể chế đó
Ông Nguyễn Phú Hòa cho rằng (trích băng):
– “Điều đáng quan ngại nhất, là cả xã hội Việt Nam đang sống trong sự hoài nghi cực độ, từ nguồn gốc hàng hoá, chất lượng sản phẩm cho đến lòng tin giảm sút vào thể chế. Nói không quá, Việt Nam đang trong hoàn cảnh: thập diện mai phục, đang thách thức ghê gớm sự phát triển của dân tộc, đất nước. Chúng ta có thể thuê chuyên gia, hoặc nhờ Tổ tư vấn kinh tế cho Thủ Tướng viết nên những kế sách thật trúng. Nhưng ai sẽ là người thực hiện kế sách đó? điều kiện để thực hiện? Một kế sách cần cả một xã hội để vận hành. Đây là câu chuyện thể chế và con người thực hiện thể chế!”.
Thể chế cần thay đổi ấy là gì, và những con người thích hợp cho thể chế cần kíp thay đổi ấy là ai?
Những vấn đề này ông Nguyễn Phú Hòa đã kịp tiết chế cảm xúc, và rất khéo ngay sau đó ông đề xuất – vẫn với tư cách cá nhân, rằng:
– “Để giữ chế độ, phát triển đất nước chọn cách tiếp tục trả lương thấp nhưng nuôi được nhiều biên chế. Đó là một bất cập. Vì chính một bộ phận không nhỏ trong số đó lại làm hại chế độ, mất lòng tin của dân vào chế độ, cản trở sự phát triển, vô hiệu hoá các chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Nên mạnh dạn, giảm sâu tổng biên chế các cơ quan, đoàn thể, các đơn vị bấu víu vào bầu sữa ngân sách, tăng lương lên gấp 3 lần, và đặt ra các chế độ đãi ngộ lớn sau khi về hưu, đặt ra trách nhiệm bị giám sát và năng lực hoàn thành trách nhiệm. Tập trung biên chế ở những nơi phục vụ trực tiếp nhân dân. Các đơn vị khác cần có cơ chế hoạt động như những đơn vị sự nghiệp, ít nhân sự, nguồn lực được khai thác từ ưu đãi bước đầu về đất đai, thực hiện xã hội hoá. Ví dụ: có thể được giao một số mặt bằng cho thuê, lấy tiền hoạt động, đồng thời phải xã hội hoá các hoạt động phục vụ xã hội thiết thực, từ đó có thu để phát triển.
Hoàn thiện, ủng hộ năng lực giám sát, phản biện chính sách của Mặt trận Tổ Quốc, và đặc biệt là các cơ quan báo chí, theo những nguyên tắc dựa trên bằng chứng và năng lực chứng minh, phản biện. Đề xuất cá nhân tôi, Mặt trận nên là cơ quan thống lĩnh báo chí. Các cơ quan khác của Chính phủ làm công tác giám sát hoạt động báo chí đúng pháp luật. Tất cả mục đích chỉ để tạo ra năng lực phản biện, giám sát khách quan giúp đất nước phát triển”.
Thẳng thắn phản biện, cần chấm dứt chụp mũ những tiếng nói phản biện bằng các điều luật hình sự, biết lắng nghe và thay đổi vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Đó là những điều mà nhiều người có mặt tại “Diễn đàn xuất khẩu 2017” cho rằng ông Nguyễn Phú Hòa đã rất khéo léo đặt ra, và ông rất khôn ngoan trước khi kết thúc phát biểu của mình bằng “ve vuốt” rất ư… tuyên giáo: “Kính thưa quý vị, để giúp doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng, và nền kinh tế Việt Nam nói chung, toàn thể doanh nghiệp, và nhân dân cần đồng lòng, thẳng thắn, phản biện và đoàn kết ủng hộ Đảng, Chính phủ để tạo ra xung lực vượt qua khó khăn và như thế may ra chúng ta theo kịp sự bứt phá nhanh chóng của thời đại. Toàn bộ bài phát biểu là quan điểm cá nhân tham gia thảo luận. Kính mong đoàn kết, và đồng lòng”.
Trúc Giang.
VNTB gửi BVN