Vai trò xã hội dân sự và ứng cử viên độc lập
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2016-02-26
Các đại biểu tới dự lễ khai mạc Đại hội đảng lần 12 tại Hà Nội ngày 21 tháng 1 năm 2016.
AFP photo
Your browser does not support the audio element.
Xã hội dân sự là các hội nhóm dân sự góp phần tạo dựng đời sống xã hội thăng tiến qua việc xây dựng, thúc đẩy tiến trình dân chủ mà một trong những hình thái quan trọng nhất là ứng cử và bầu cử. Tại Việt Nam trước phong trào tự ứng cử trong thời gian qua chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 5 sắp tới, vai trò của các hội nhóm xã hội dân sự hiện nay còn quá rời rạc và thiếu sự phối hợp với nhau khiến sức mạnh tập thể không phát huy được để có thể hổ trợ hữu hiệu phong trào này.
Báo Quân đội Nhân dân số ra ngày 22 tháng 2 có bài viết: “Cần tỉnh táo trước những thủ đoạn phá hoại cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV” tập trung lên án các cá nhân tự ứng cử vào quốc hội khóa này. Với những lập luận quen thuộc tờ báo nhắc lại “việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử và tự ứng cử phải bảo đảm theo đúng quy trình, trong đó phải bảo đảm việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật”
Lập luận trên cho thấy tờ báo Đảng đã tỏ ra lo ngại về phong trào người dân tự ứng cử ngày một nghiêm túc và bài bản hơn mặc dù ai trong số những người tự ứng cử cũng biết chắc một điều khó mà qua được ba cửa ải hiệp thương để có tên trên lá phiếu cử tri. Lo ngại này cho thấy phong trào nói không với chính sách Đảng cử dân bầu tuy còn yếu ớt nhưng đã thành hình một cách rõ nét trong một bộ phận người dân, bắt đầu từ xã hội dân sự, nơi tập hợp những con người cùng chung mục đích.
TS kinh tế Phạm Chí Dũng, một nhà báo tự do trong Hội nhà báo độc lập Việt Nam cho biết nhận xét của ông về khó khăn và thuận lợi của người ứng cử độc lập qua hệ thống mạng xã hội, ông nói:
Hiện nay các nhóm ứng cử viên độc lập không có truyền thông nhà nước mà họ chỉ có truyền thông mạng xã hội hay là nói nôm na là truyền thông lề dân. Nhưng dù sao thì nó cũng phản ảnh một phần cái ưu thế của truyền thông độc lập. Chúng ta cũng nên tận dụng cái ưu thế trước, trong, và sau đại hội 12 thì mạng xã hội đã chiếm một vai trò nổi bật không ngờ tới và thậm chí một số phe phái trong đảng đã phải dùng mạng xã hội để tung ra các đòn triệt hạ lẫn nhau.
Từ đó vai trò của mạng xã hội không chỉ trong việc ủng hộ cho các nhóm ứng cử viên độc lập mà còn giúp cho về mặt truyền thông và làm cho anh chị em ứng viên độc lập được nhiều người biết tới.
Vai trò của xã hội dân sự có lẽ đậm nét nhất trong việc cáo giác vi phạm luật ứng cử và bầu cử cho cộng đồng. Trường hợp của Mục sư Nguyễn Trung Tôn là điển hình cho hành vi cưỡng bức có chủ đích ngăn cản người tự ứng cử, Mục Sư Nguyễn Trung Tôn kể lại việc ông nộp đơn tự ứng cử mới đây:
Hai nhân viên đem hồ sơ lại và nói lãnh đạo không ký vì hồ sơ anh khai lý lịch như vậy không được. Cái mẫu lý lịch không phải mẫu này mà anh ra ngoài chợ anh mua mới được. Khai lý lịch thì khai tôn giáo: không, đừng khai là Tin lành đừng khai là mục sư khia lý lịch đơn giản thì bọn em xác nhận. Còn cái đơn xin ứng cử thì nói thật với anh là theo quy định thì phải tốt nghiệp đại học mới được.
“ Nếu như có bị chính quyền tổ chức những thủ đoạn, kỹ thuật chơi xấu thì truyền thông độc lập cần lên tiếng ngay để bảo vệ.
– TS Phạm Chí Dũng “
Ông Nguyễn Huy Vũ, người có nhiều bài viết đóng góp cho phong trào tự ứng cử cho biết nhân xét của ông:
Lực lượng ứng cử tự do hiện nay ngoài những vấn đề những khó khăn về truyển thông, về cơ chế, về tổ chức thì cái rào cản lớn nhất hiện nay họ chưa được sự ủng hộ rộng rãi của các trí thức lớn của chế độ. Nếu họ có được một sự ủng hộ rộng rãi và vận động ủng hộ của các trí thức nhằm đòi hỏi một cuộc bầu cử nghiêm túc và ủng hộ họ ra ứng cử thì tôi nghĩ tình hình nó sẽ thay đổi nhanh chóng bởi vì tiếng nói của trí thức lớn của chế độ sẽ giúp lập ra tính chính danh của phong trào tự ứng cử. Dù sao nó chỉ đòi hỏi một cái quyền bầu cử và ứng cử vốn đã được hiến đinh trong hiến pháp Việt Nam.
Khi người ta thấy được rằng ra ứng cử và được sự ủng hộ có tính chính danh của xã hội thì sẽ có nhiều người ra ứng cử hơn và lúc đó nó sẽ phá vỡ cơ chế hiện nay. Cho nên cái điểm mấu chốt nhất hiện nay giúp cho phong trào là có được sự ũng hộ rộng rãi hơn và lên tiếng mạnh mẽ hơn của các trí thức lớn trong chế độ.
Vai trò của truyền thông độc lập
Sự ủng hộ của xã hội dân sự quan trọng như vậy nhưng khó mà tập trung trong hoàn cảnh hiện nay. Tuy nhiên nếu kết hợp được với truyền thông ngoài luồng thì vẫn có thể đánh động được quần chúng, ông Phạm Bá Hải, điều phối viên của hội Cựu tù nhân lương tâm cho biết:
Xã hội dân sự người ta có thể đóng vai trò cử tri để ủng hộ ứng cử viên độc lập. Những người mà chúng ta ủng hộ họ rất cô đơn vì hệ thống truyền thông là lực lượng của nhà nước đều bị kiểm soát cả. Các tổ chức xã hội dân sự chúng ta nên vận động những thành viên và dùng truyền thông để ủng hộ cổ xúy cho các quan điềm của ứng cử viên tạo nên cái lực truyền thông để dân chúng người ta biết quan điểm là lập trường xây dựng đất nước của ứng cử viên nhằm tác động vào quần chúng nói chung và đất nước.
TS Phạm Chí Dũng cũng cùng chung quan điểm về truyền thông mạng, một kênh quan trọng bậc nhất hiện nay đối với xã hội dân sự:
Với tình hình một nửa dân số Việt Nam đang có Internet mà trong đó có khoản 10 % quan tâm đến vấn đề dân chủ nhân quyền thì tôi hy vọng rằng trong số 10 % đó, khoảng gần 5 triệu người Việt Nam họ sẽ quan tâm tới vấn đề ứng cử viên độc lập và nó có lợi ích thế nào đối với quốc hội Việt Nam, đối với việc cải cách Việt Nam trong tương lai và họ sẽ ủng hộ một phần cho ứng cử viên độc lập.
Tôi nghĩ rằng đó là những vấn đề chính ngay trước mắt mà giới truyền thông, giới luật sư cũng như các ứng cử viên độc lập cần phải thực hiện ngay để có thể thúc đẩy quá trình ứng cử độc lập. Đồng thời một việc nữa là để đối phó với những tình huống bất trắc của các ứng cử viên độc lập thì từng ứng cử viên độc lập nên thường xuyên thông báo cho các cơ quan truyền thông độc lập về tình trạng an ninh rủi ro của mình. Nếu như có bị chính quyền tổ chức những thủ đoạn, kỹ thuật chơi xấu thì truyền thông độc lập cần lên tiếng ngay để bảo vệ.
Cho dù còn quá sơ khai và tập trung không đồng bộ, xã hội dân sự vẫn là một giải pháp cần thiết cho ứng viên độc lập vì xã hội dân sự là số đông, nếu tập trung được những khối óc và sức mạnh tập thể cũng như biết sử dụng, khai thác sức mạnh ấy thì phong trào tự ứng cử sẽ đạt được những thành công nhất định ban đầu, để từ đó làm bước đệm cho các hoạt động dân chủ sau này.