23-9-2023
Mẹ tử tù Lê Văn Mạnh (thứ 4 từ trái qua) sau khi biết tin con mình bị thi hành án hôm 23/9. Ảnh: FB Đặng Bích Phượng
Tử tù Lê Văn Mạnh đã bị thi hành án tử hình vào sáng ngày 22/9 sau hơn 18 năm kêu oan trong một vụ án có nhiều tình tiết, bằng chứng không rõ ràng mà theo các luật sư là không đủ để kết tội.
Luật sư Lê Văn Luân, thuộc Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long ở Hà Nội – nơi gia đình tử tù Lê Văn Mạnh đã đến nhờ nộp đơn kêu oan hôm 20/9 – vừa đăng dòng trạng thái trên Facebook cá nhân với nội dung: “Tin và văn bản chính thức cho biết, bị án Lê Văn Mạnh đã bị thi hành án tử hình vào sáng ngày 22/9/2023.”
Trên các trang mạng Facebook đồng thời đăng tải một văn bản “Trích lục khai tử” đề ngày 22/9/2023 của UBND xã Thu Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình cho biết tử tù Lê Văn Mạnh (sinh năm 1982) đã chết vào 8 giờ 45 phút ngày 22/9/2023 tại nhà thi hành án tử hình, Công an tỉnh Hòa Bình, xã Thu Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình.
Trích lục khai tử. Ảnh trên mạng
Trước đó, vào ngày 18/9, gia đình tử tù Lê Văn Mạnh đã nhận được giấy báo có chữ ký của Chánh án Toà án Nhân dân tỉnh Thanh Hoá về việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc đối với Lê Văn Mạnh.
Ngay sau khi nhận được tin này, gia đình tử tù Lê Văn Mạnh đã nói họ không chấp nhận bản án vì đây là án oan sai và tiếp tục ra Hà Nội để kêu oan cho con.
Năm 2005, khi mới 23 tuổi, Lê Văn Mạnh bị kết tội tử hình về hành vi “hiếp dâm và giết” một nữ sinh ở cùng thôn 4, xã Yên Thịnh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá trong vụ án xảy ra hồi đầu năm đó.
Mẹ của Mạnh là bà Nguyễn Thị Việt cho biết, trong đúng ngày xảy vụ án, bà cùng Mạnh giúp chuyển đồ cho con gái bà cả ngày, và khi trở về nhà vào chiều muộn thì mới nghe tin thiếu nữ ở cùng thôn tên Lan bị giết chết. Bà đã giục con trai và chồng ăn cơm rồi cùng bà con trong thôn đi mò xác của người xấu số trên con sông ở làng.
Bà cho biết vì quần áo của con trai mình đã đem đi giặt trước đó nên Mạnh buộc phải mặc quần đùi rách để đi phụ giúp.
Người trong thôn mò được xác, Mạnh lên bờ với cái quần rách đó nhưng sau đó cởi ra vứt vào bụi cây để mặc quần khác vì bị trêu.
Khi công an về khám nghiệm tử thi và khám nghiệm hiện trường, họ tìm thấy cái quần đùi rách của Mạnh cách đó không xa, cho rằng đó là quần của thủ phạm và từ đó họ bắt người thanh niên này.
Vụ án xảy ra từ ngày 21/3/2005 nhưng đến ngày 20/4 công an Thanh Hóa mới bắt Mạnh về cáo buộc “cướp tài sản” trong một vụ án khác xảy ra ở Đồng Nai.
Sau bốn ngày bị tạm giam, Lê Văn Mạnh tiếp tục bị khởi tố bị can về cáo buộc “giết người, hiếp dâm trẻ em” vì một lá thư gửi cho gia đình thú nhận hành vi phạm tội.
Bà Việt cho biết, con trai bà kể lại là bản thân đã bị điều tra viên tra tấn, đánh vào chỗ hiểm để buộc phải nhận tội, và Mạnh phải viết giấy nhận tội theo ý của điều tra viên nếu không khó có thể bảo toàn tính mạng.
Trong các phiên toà, Mạnh liên tục kêu oan. Luật sư của Mạnh yêu cầu giám định thân thể của bị cáo để xác định liệu có bị tra tấn trong quá trình điều tra không nhưng toà bác bỏ.
Hôm 21/9, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) cùng với Đại Sứ quán của Canada, Vương quốc Anh và Vương quốc Na Uy tại Việt Nam ra tuyên bố chung kêu gọi Hà Nội dừng việc thi hành án đối với ông Lê Văn Mạnh.
Tuyên bố chung đăng tải trên trang Facebook của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, đại diện ngoại giao của khối 27 quốc gia và ba quốc gia khác viết:
“Chúng tôi cực lực phản đối việc áp dụng hình phạt tử hình trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh, đây là một hình phạt tàn ác, vô nhân đạo, hạ thấp nhân phẩm và không bao giờ có thể biện minh được, đồng thời vận động Việt Nam hoãn thi hành tất cả các án tử hình.”
Đây là tuyên bố chung thứ hai của EU và Anh quốc, Na Uy và Canada về án tử hình ở Việt Nam trong hai tháng gần đây. Cuối tháng trước, các quốc gia trên đã ra tuyên bố kêu gọi nhà chức trách Việt Nam dừng thi hành án tử hình đối với Nguyễn Văn Chưởng, người cũng bị kết tội giết người trong một vụ án hình sự ở Hải Phòng năm 2007.