- BBC News Tiếng Việt,
Trung Quốc gây sức ép lên Nga về quan hệ với Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông, theo lời một số chuyên gia.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu từ Hà Nội nêu ví dụ với BBC hôm 7/4, cho đến năm 2017, đã có ít nhất ba lần Trung Quốc hỏi Nga về các dự án khai thác dầu và khí mà Nga làm với Việt Nam.
Theo đó, sự leo thang căng thẳng năm 2019 ở gần bãi Tư Chính vừa là gây sức ép lên Nga lẫn Việt Nam.
Ông Hợp nhấn mạnh, trong vòng khoảng một tháng trở lại đây, theo nguồn AMTI (Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á – một tổ chức thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược CSIS bên Mỹ) và các nguồn khác, trong đó có các nguồn từ chính phủ Việt Nam, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã nhiều lần tiến gần, có lúc rất gần các điểm khai thác khí đốt do Zarubezhneft điều hành.
“Đây là một bước leo thang mới, tạo rủi ro xung đột cao chưa từng có của Trung Quốc” vì chưa bao giờ, tàu hải cảnh Trung Quốc đến gần khu vực khai thác khí đốt do Zarubezhneft điều hành ở gần bãi Tư Chính như thế, ông Hợp đánh giá.
Nga chống lại sức ép của Trung Quốc?
Hôm 6/4, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, theo thông tin từ các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam, tàu Hải dương địa chất 4 của Trung Quốc đã rời khỏi vùng biển của Việt Nam.
Cùng thời điểm này, Phó thủ tướng Nga Chernyshenko đến Việt Nam ba ngày từ 5 đến 7/4 để đồng chủ trì Khóa họp lần thứ 24 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Nga về hợp tác kinh tế – thương mại và khoa học – kỹ thuật.
Trong đó có các dự án hợp tác khai thác dầu khí cùng với Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở biển Đông.
Trang Thông tin chính phủ nêu, trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Nga D. Chernyshenko khẳng định Chính phủ Liên bang Nga coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của mình tại khu vực.
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp cho rằng, có một khả năng thực tế là Nga và Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng các dự án khai thác dầu khí theo kế hoạch có từ trước, và kế hoạch mới.
“Chỉ cần quan sát các vụ tàu hải cảnh Trung Quốc vào gần khu khai thác, đã thấy rõ phía Việt Nam đã kiên quyết ngăn chặn và đẩy các tàu đó ra xa, với các thao tác chuyên nghiệp, phù hợp với luật pháp quốc tế.”
Nga xâm lược Ukraine đã gây ảnh hưởng đến kế hoạch hiện đại hóa quân sự và mua vũ khí trong tương lai, khiến nước này phải đa dạng nguồn cung và tránh lệ thuộc vào Nga-vốn chiếm 80% đơn đặt hàng quân sự của Việt Nam.
Giáo sư Carl Thayer nhận định, trong năm qua, Việt Nam đã tạm dừng mua sắm vũ khí trong khi đánh giá lại môi trường địa chiến lược của mình vì Nga không có khả năng đáp ứng các cam kết trong hợp đồng quốc phòng do nhúng sâu vào cuộc chiến ở Ukraine. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng e ngại nguy cơ bị phương Tây hay Mỹ áp lệnh trừng phạt thứ cấp khi mua số lượng lớn vũ khí từ Nga.
Ông Hợp nêu ý kiến, quan hệ hai nước Việt- Nga không giảm mức độ hữu nghị và hợp tác dù Việt Nam tìm các nguồn cung cấp vũ khí khác. Việt Nam có chiến lược trung hạn về công nghệ, công nghiệp quốc phòng, để sau năm 2030, Việt Nam có thể tự sản xuất phần lớn các loại vũ khí, thiết bị quân sự cho quân đội Việt Nam.
Giáo sư Carl Thayer nói với BBC rằng, trước cuộc chiến ở Ukraine, Nga đã chống lại sức ép của Trung Quốc để giới hạn các hoạt động khai thác dầu của Rosneft trong vùng gần Bãi Tư Chính.
“Tuy nhiên, áp lực từ Trung Quốc đã khiến Rosneft rút lui. Những quyền lợi của Rosneft đã được Zarubezhneft tiếp nhận. Hiện nay, còn phải chờ xem các hoạt động của Trung Quốc ở khu vực này có dẫn đến việc Nga ngừng hoạt động hay không.
“Zarubezhneft, hoạt động tại lô Tuna ở vùng biển của Indonesia, muốn xây dựng một đường ống dẫn dầu đến Việt Nam. Khi mà Việt Nam và Indonesia hiện đã đạt được thỏa thuận về ranh giới biển của họ, Trung Quốc có khả năng sẽ hành động để khẳng định quyền chủ quyền của mình,” theo ông Carl Thayer.
Và nếu Trung Quốc mạnh tay, ông Thayer dự đoán Việt Nam có khả năng sẽ làm theo tiền lệ đã đặt ra trong năm 2017 và 2018 bằng cách ra lệnh cho các công ty và nhà thầu nước ngoài ngừng các hoạt động của họ.
TS Hợp thì khẳng định, về vấn đề chủ quyền biển đảo, Việt Nam chưa từng nhượng bộ Trung Quốc. Ông lấy ví dụ việc Việt Nam nêu đích danh tàu Hải dương địa chất 4 của Trung Quốc cũng như điều tàu kiểm ngư để giám sát, rượt đuổi và chặn đầu tàu Trung Quốc.
Trước đó, năm 2018, Việt nam gửi thư đến Liên Hiệp Quốc phản đối Trung Quốc. Năm 2014, bằng mọi cách, Việt Nam làm cho Trung Quốc phải rút giàn khoan HD981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Ông Hợp dự đoán, trong trường hợp dự án đường ống dẫn dầu đến Việt Nam chính thức được công bố và khởi động, Trung Quốc sẽ phản ứng bằng cách đẩy mạnh chiến thuật vùng xám nhằm ngăn cản dự án của Nga, Indonesia, Việt Nam.
“Khi đó có rủi ro xung đột sẽ cao hơn nữa và nếu không quản trị tốt, trong trường hợp xấu nhất, có thể xảy ra đụng độ bằng vũ khí sát thương.”
Chiến thuật vùng xám của Trung Quốc
“Chiến thuật vùng xám” là một kiểu chiến tranh phi quân sự được Trung Quốc sử dụng để mở rộng lãnh thổ và tăng cường ảnh hưởng đối với các khu vực biển tranh chấp và các lãnh thổ của các quốc gia láng giềng của Trung Quốc, ông Hợp diễn giải với BBC.
Theo chiến lược này, Trung Quốc sử dụng các phương tiện phi quân sự như tàu cá, tàu buôn, tàu khảo sát, các tàu cứu trợ, du lịch, trang trại bè… để thâm nhập vào các vùng biển tranh chấp.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng tạo ra các đơn vị tổ chức bí mật để thu thập thông tin và làm tăng sức ép đối với các quốc gia trong khu vực.
Đặc biệt, Trung Quốc cũng triển khai Chiến thuật vùng xám trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam được TS Hợp tóm tắt như sau:
- Thăm dò dầu khí: Trung Quốc đã tham gia vào các hoạt động thăm dò dầu khí trong EEZ của Việt Nam, mà Việt Nam tuyên bố là lãnh thổ có chủ quyền của mình. Tàu Trung Quốc đã nhiều lần đi vào vùng biển Việt Nam để tiến hành các hoạt động thăm dò, dẫn đến tình trạng bế tắc căng thẳng giữa hai nước
- Can thiệp vào các dự án năng lượng của Việt Nam: Trung Quốc đã bị cáo buộc can thiệp vào các dự án năng lượng của Việt Nam ở Biển Đông, bao gồm cả việc hủy bỏ một dự án khoan dầu lớn vào năm 2017. Các tàu Trung Quốc cũng đã được báo cáo là có liên quan đến việc quấy rối và đe dọa các tàu Việt Nam tham gia thăm dò năng lượng trong khu vực.
- Dân quân biển: Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc đã hoạt động ở Biển Đông, bao gồm cả EEZ của Việt Nam. Các tàu dân quân này thường hoạt động với số lượng lớn và có thể được sử dụng để đe dọa tàu của các nước khác hoặc phong tỏa các vùng lãnh thổ tranh chấp
- Tàu thực thi pháp luật: Trung Quốc đã gửi tàu bảo vệ bờ biển và các tàu bán quân sự khác để thực thi các yêu sách của mình trong EEZ của Việt Nam. Các tàu này đã tham gia vào một số vụ quấy rối và đe dọa các tàu Việt Nam hoạt động trong vùng biển của họ
- Xây dựng đảo nhân tạo: Trung Quốc đã xây dựng một số đảo nhân tạo ở Biển Đông, bao gồm cả trong EEZ của Việt Nam. Những hòn đảo này đóng vai trò là căn cứ quân sự và dân sự, cho phép Trung Quốc thể hiện sức mạnh và kiểm soát của mình trên một khu vực rộng lớn hơn
- Công sự quân sự: Ngoài việc xây dựng đảo nhân tạo, Trung Quốc cũng đã củng cố các vị trí quân sự của mình ở Biển Đông, bao gồm cả trong EEZ của Việt Nam. Điều này liên quan đến việc triển khai các hệ thống tên lửa, radar và các thiết bị quân sự khác, điều này đã làm dấy lên lo ngại giữa các nước láng giềng về khả năng xung đột và gây bất ổn.
- Áp lực ngoại giao: Trung Quốc đã sử dụng đòn bẩy kinh tế và ngoại giao của mình để cô lập và làm suy yếu các yêu sách của Việt Nam ở Biển Đông. Trung Quốc đã xây dựng liên minh với các nước khác trong khu vực và sử dụng ảnh hưởng kinh tế của mình để thuyết phục họ ủng hộ lập trường của Trung Quốc
Ngoài ra, Trung Quốc cũng tăng cường hoạt động không gian mạng như đánh cắp thông tin nhạy cảm từ mạng chính phủ và quân đội của các quốc gia khác, hoặc sử dụng các cuộc tấn công mạng để làm gián đoạn hoạt động của cơ sở hạ tầng quan trọng của các quốc gia khác.
“Nhìn chung, chiến thuật vùng xám của Trung Quốc trong EEZ của Việt Nam được thiết kế để khẳng định sự thống trị của mình trong vùng biển tranh chấp mà không cần dùng đến lực lượng quân sự truyền thống,” ông Hợp kết luận.