“Trả lại anh, câu yêu mà anh đã tặng,”
Trả lại anh, nhớ nhung mặn nồng cay đắng.
Trả lại anh thư xanh, màu xanh ái ân.
Dĩ vãng buồn, giống nghĩa trang.
Cô đơn, như mộ không tên.”
(Đức Quỳnh – Trả Lại anh)
(1 Phêrô 5: 1-4)
Trần Ngọc Mười Hai
Anh hay em, mà lại hát câu ca này, rõ ràng như thể bảo: thôi “anh đường anh, tôi đường tôi; tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi!, cho rồi.” Bởi, có hát những câu hay ho/đẹp đẽ như thế, nay đâu còn hợp thời-trang, tình-tự được nữa đâu, cơ chứ!
Không tin ư? Mời bạn/mời tôi, ta nghe tiếp đôi ba ca-từ đến “phát khiếp” như sau:
“Trả lại anh câu yêu em, tình yêu bất diệt.
Trả lại anh với câu xây nhà bên suối.
Trả lại anh hoa khô cài bên bướm xanh.
Đây trang nhật ký đôi ta.
Đang ghi sao đành dở dang.
Khi em yêu anh còn cô gái thơ ngây.
Nay em xin anh trả em lúc ban đầu.
Yêu anh em đâu ngờ duyên kiếp ba sinh.
Van anh quên đi như khi ta chưa hề quen.”
(Đức Quỳnh – bđd)
Quả là, rất đúng. Hôm nay đây, ở thời buổi này, lại vẫn có những sự thể, thật dễ nói câu “van anh quên đi khi ta chưa hề quen”. Bởi, có quen nhau cho lắm, rồi cũng thấy rối-rắm như trang-huống đang xảy ra ở nhà Đạo.
Trang-huống hôm nay, lại đã có những lời/lẽ rất thương đau như tin tức được loan-truyền trên báo/đài truyền-thông, như sau:
“Đức Tổng Giám-mục Charles Chaput cảnh-giác việc phân-cấp cho các Hộ-đồng Giám-mục có được một số quyền-về kỷ-luật bí-tích, đã phát-biểu:
Giáo-hội là ‘Công-giáo’ còn gọi là ‘phổ quát’. Đúng là chúng ta cần tôn-trọng sự khác-biệt về tính-cách văn-hoá giữa các tín-hữu. Nhưng, ta đang sống sống trong thời-đại có nhiều đổi-thay trên qui-mô toàn-cầu có những rối-loạn và bất-ổn. Nhu-cầu cấp-thiết của ta là sự đoàn-kết. Và nguy-hiểm lớn nhất của ta là sự phân-cấp.
Hỡi anh em,
Ta cần phải rất thận-trọng về việc phân-cấp các vấn-đề về kỷ-luật và tín-điều quan-trong cho phép các Hội-đồng Giám-mục ở các quốc-gia và khu-vực, đặc-biệt khí có áp-lực buộc ta theo chiều-hướng đó kèm một tinh-thần tự khẳng-định và đề-kháng…
500 năm trước, ở vào thời-điểm giống hệt hôm nay, Erasmus của Rotterdam đã viết rằng: sự hiệp-nhất của Hội-thánh là đặc-trưng quan-trọng vào bậc nhất. Ta có thể tranh-luận về những gì Erasmus tin-tưởng thực-sự; và, những gì ông nói trong bài viết của ông. Nhưng, ta không thể tranh-luận về những hậu-quả xảy đến khi sự hiệp-nhất cần-thiết của Giáo-hội bị bỏ qua. Trong những ngày sắp tới đây, xin chúng ta nhớ rằng: tầm quan-trọng của sụ hiệp-nhất và những gì nó đòi hỏi nơi ta, và những gì mất đoàn-kết trong các chuyện nghiêm-trọng như thế có thể mang lại. ” (X. www.Tâmlinhvaodoi.net, Tóm-lược diễn-tiến Thượng Hội-đồng Giám-Mục về Gia-đình, 17/10/15)
Thật ra thì, Thượng Hội Đồng Giám Mục 2015 diễn-tiến cũng không tệ. Chỉ mỗi điều, là: các nghị-phụ nhà mình, nay có quyền phát-biểu/tỏ-bày ý-kiến tư-riêng của các phe/nhóm khác nhau trong Hội-thánh thế giới. Không chia rẽ hoặc phân-biệt mà chỉ mỗi khác nhau về chánh-kiến/lập-trường. Và, khi đã đi vào hiện-thực, thì phe/nhóm nào cũng sẻ-san đường-lối cũng rất chung, thôi.
Đó là điều, mà nhiều đấng bậc lâu nay vẫn tỏ-bày ý-kiến về các khó-khăn của Giáo hội khi tiếp-cận các vấn-đề nhức-nhối về người Đồng-tính luyến-ái.
Giám mục Geoffrey Robinson từng viết nguyên cuốn sách để bàn về vấn-đề này, vào lúc trước khi Thượng Hội Đồng Rôma khai mạc hồi tháng 10/2015 mà Chuyện Phiếm Đạo Đời đã trích-dịch nhiều qua các bài phiếm lai rai, đây đó. Nay, lại xin tiếp tục triển-khai thêm một số lý-chứng từng tạo khó-khăn cho Giáo-hội khi cần thay-đổi giáo-huấn mình vẫn dạy.
Để bà con có thể bàn-bạc chuyện gay-go theo chiều-hướng nhẹ-nhàng, xin mạo muội, đề-nghị bạn và tôi, ta nghe câu chuyện tiếu-lâm chay ở dưới, khi kể về những cái khó trong chung sống:
Lão vốn mang tiếng cả khu chung cư là sợ vợ và đang di căn sang giai đoạn cuối là khiếp vợ, thế mà tối nay thấy tiếng lão quát vợ rung chuyển các tầng. Kính trọng quá đi. Đàn ông là phải thế chứ.
Nhà cháu chạy sang đứng ngoài cửa.
-Choang!Choang! (Tiếng bát vỡ kinh quá)
-Bụp! (Một cú đá chéo góc).
– Im mồm, tôi bảo cô im đi cơ mà…Im để cho tôi nói, cô đã làm nhơ cái mặt tôi ở khu chung cư này rồi, ai cũng bảo là: tôi sợ vợ, ngay cả lão Vinh kia hễ gặp tôi là nói kháy, là đá đểu rằng tôi sợ vợ. Bây giờ thì đừng hòng. Hôm nay tôi phải dạy cô một lần cho biết.
– Choang! Rắc! Ùm! (tiếng bát vỡ, và cả tiếng ly/cốc, chân bàn gãy, nghe kinh khủng quá)
– Tôi đi ra khỏi nhà là cô la, về muộn một tí thì cô chửi, gặp phụ nữ thì cô cho là tôi đã cặp bồ, cái ví của tôi cô xẻo hết từng đồng tiền lẻ, cái máy điện thoại của tôi mang về, là cô kẹp chặt trong nách, cô một vừa hai phải thôi, nhớ rõ chưa? Nhớ chưa? Há miệng ra mà vâng trước mặt tôi ngay, há ngay ra!
– Bốp. Bốp. Bốp. (Rõ ràng có tiếng đánh từ bàn tay phải của lão đập vào má trái người vợ).
– Cô ngó lên tầng 15 mà xem, cái lão dê già ấy đấy, ai không biết là lão sát gái, vợ lão cũng biết mà có dám hó hé gì, đâu? Tôi nói thế có đúng không? Thế mà, mới thấy tôi búng vào má em nào một phát, vỗ lưng, vuốt tóc một cái thì cô lồng lộn lên là thế nào? Cô chửi tôi cứ như đảng và nhà nước chửi bọn phản động, thế nghĩa là thế nào? Từ giờ trở đi, chừa ngay cái thói bắt nạt chồng nghe chưa, chồng thay cha thay mẹ, hễ nói một câu là vợ phải dạ một câu, nghe chưa?
Viu…viu…viu…(Ôi giời đá gió đây, gọi là song phi đấy!
– Cô đưa con dao cho tôi, đưa đây! Tôi sẽ chặt ngón tay của cô để cô luôn nhớ rằng, cô là vợ, tức là ở dưới cơ chồng, cô hiểu chưa, đưa dao đây!
Nhà cháu hoảng quá, phải cứu cô ấy chứ, nhà cháu xô cửa lao vào trong. Lão hàng xóm đằng đằng sát khí đứng giữa phòng, bát chén, cốc ly vỡ tung tóe cứ như trung tâm thủ đô Kiev. Nhà cháu ôm ghì lấy lão:
-Ấy… Bình tĩnh đã… Ai lại đánh mắng vợ con như thế hả giời?…
-Nhưng em không thể chịu được, điên lắm rồi, phải dạy vợ cho ra dạy bác ạ.
-Thế cô ấy đâu, cô ấy đâu?
-Cô ấy về quê hôm qua rồi bác ạ.” (trích truyện kể của Nguyễn Quang Vinh)
Kể truyện tiếu-lâm chay như thế, chỉ để nói lên điều này, là: trong đời người, vấn-đề nào cũng có mặt phải/mặt trái của nó, hết. Việc gì đề ra, cũng có người thuận, có người chống lại ý-tưởng của người khác, có khi cả ý-tưởng của chính mình vừa nói xong cũng chống hết.
Để chuyện phiếm hôm nay thêm phần đa-dạng, xin bạn và tôi, ta nghe thêm đôi điều về một nhân-vật lỗi lạc ở trời Tây nuớc Nga, đó là nhà văn Leon Tolstoy cũng có ý-kiến rất “thực” về nền thần-học Hội-thánh rất chung, như sau:
“Cuối thời mình, đặc-biệt là vào lúc ông viết truyện giả-tưởng nổi tiếng hồi thập niên 1860 và 1870, lúc ấy ông cho xuất-bản cuốn “Chiến-tranh và Hoà-bình” cũng như cuốn “Anna Karina”, tác-giả Leon Tolstoy đã bị rung-động bởi cơn khủng-hoảng cá-thể và về tinh-thần, đến độ ông đã phải dừng lại không viết tiểu-thuyết nữa. Khi ấy, tưởng chừng như ông đang rơi vào nỗi rã-rờituyệt-vọng, đến khủng-hoảng, cứ bận-tâm nhiều với chuyện chết choc và tự vẫn. Và khi ấy, ông lại đã trải-nghiệm một hiện-hữu rất đơn-huầnvề một niềm tin vô-vọng, cứ nghĩ mình chỉ là mớ bòng bong, hỗn-tạp, sống không mục-đích. Và khi ấy, ông thấy cuộc đời con người đích-thị là ác-thần/sự dữ, rất không sai. Trong nỗi hốn-cùng sâu lắng về hiện-sinh, Leon Tolstoy đã nhớ về Đạo Chúa mà ông từng sống vào thời thơ-ấu. Và rồi, ông tìm lại được một vài hy-vọng nhỏ trong liên-tưởng đến tín-hữu chân-phương, giản-dị mà ông đã cùng sống cũng như lớn lên với họ, trong quá-khứ.
Ông nhìn thấy nơi tín-hữu bình-dị ở quê nhà, một gương sáng sống đời người đích-thực, đầy đặn. Và, nỗi nhớ này đã khích-lệ ông khởi-đầu suy-tư/học-hỏi sâu-sắc về giáo-huấn trong Đạo mà ông gặp được ở Tin Mừng. Khủng-hoảng về linh-đạo và hệ-quả nó dẫn đến được ông ghi lại từng chi-tiết trong các tác-phẩm không giả-tưởng chút nào, được ông dùng để làm lực đẩy cho các bài viết cùng các sách về cuộc sống tâm-linh cụ-thể, như: Một lời xưng thú: Những gì tôi tin” và “Vương Quốc Nước Trời, ở bên trong con người quí vị.” (x. Leon Tolstoy, The Life of Jesus The Gospel in Brief, Harper Perennial 2011, Foreword, tr. Vii)
Sau đến, là ý-kiến của Gm Geoffrey Robinson khi ông nói đến khó-khăn trong giải-quyết vấn-nạn/đòi hỏi phải có thay-đổi trong chính-sách đối xử và suy-tư về người đồng tính luyến-ái, lý thừ như sau:
“Lý-do khác khiến ta cần đổi thay giáo-huấn Hội-thánh Công-giáo, là vì giáo-huấn ấy chỉ là những tuyên-ngôn mang tính khẳng-định từ trên hơn là chú-trọng vào bàn-luận, thương-thảo.
Yếu-tố hiệp-thông và cộng-sinh, là khía-cạnh thiết-yếu làm nền cho hôn-nhân giữa hai người, miễn là họ theo-đuổi những điều sau đây:
– chúng phải là yếu-tố thiết-yếu cho từng cuộc hôn-nhân riêng-rẽ, không cần biết hoàn-cảnh của mỗi cặp có ra thế nào đi nữa, phải thế chứ?
– chúng phải là những yếu-tố thiết-yếu cho mỗi động-tác xác-thịt chứ? Động-tác thực-hiện dựa trên căn-bản nào?
Như, trường-hợp cặp hôn-nhân đặc-biệt nọ được các chuyên-gia y-tế khuyên can đừng nên có con, nếu không trẻ bé sẽ phải bị bệnh nghiêm-trọng và tật nguyền bảm-sinh/di-truyền, nên họ đi đến quyết-định nuôi con nuôi hơn là có con do mình sinh. Làm thế, họ có chống lại ý Chúa không? Có cặp khác nghĩ rằng mình đã có khá nhiều con rồi, nên không có khả-năng tài-chánh và tâm-lý để có thêm con nữa sợ rằng sẽ nặng gánh gia-đình. Dựa trên căn-bản nào ta khẳng-định rằng họ làm thế là chống lại ý Chúa, đây?
Rất nhiều trường-hợp khó-khăn khi nhiều người vẫn tuyên-bố là họ biết ý của Chúa, nữa. Vậy thì, nếu ta khẳng-định rằng đó là ý của Chúa và cũng là trật-tự thiên-nhiên, vậy thì cả hai khía-cạnh hiệp-thông và cộng-sinh đều nhất-thiết phải có mặt trong mỗi động-tác ăn-nằm xác thịt như một hành-xử được chứng-thực hoặc là khẳng-định chân-phương, giản-dị chứ? Nếu đó là hành-động được chứng-tực, thì đâu là chứng-cớ? Thế, tại sao tài-liệu của Giáo-hội lại không đưa chứng-cứ nào như thế? (*6) Phải chăng bất kỳ chứng-cứ nào cũng phải bao gồm kinh-nghiệm từng-trải của hàng triệu người trong cố-gắng phối-hợp dục-tình, thương-yêu và việc cộng-tác sản-sinh cuộc sống mới trong bầu khí hỗn-độn của dục-tính con nguời và tính phức-tạp nơi sự sống con người chứ? Phải chăng lý-tưởng bao giờ cũng lẫn lộn với thực-tại?
Nếu giáo-huấn của Hội-thánh chỉ là khẳng-định từ trên ban xuống, thì có chăng lý-do hỏi rằng tại sao ta lại không được phép áp-dụng nguyên-tắc hợp lý cứ luôn bảo: những gì dễ khẳng-định cũng dễ dành bị bác-bỏ, không? Nếu chuyện ấy không hơn gì một khẳng-định, thì việc thực-sự quan-trọng là: ai là khẳng-định hoặc làm sao mà việc ấy lại được khẳng-định ras61t thường như thế? Đâu là lý-sự có lợi cho sự việc khẳng-định rằng việc ấy sẽ thuyết-phục được một lương-tâm cởi mở và lương-thiên, đây? (Xem thêm Gm Geoffrey Robinson, The 2015 Synod: The Crucial Questions: Divorce and Homosexuality, ARF 2015, tr.15-16)
Nói cho cùng, có bàn-thảo nhiều về vấn-đề sống cùng và sống với những người đồng-tính luyến-ái và/hoặc chuyệnvợ-chồng đã ly-dị rồi tái-giá, có được hiệp-thông rước lễ hay không vẫn là luật lệ có từ một khẳng-định từ trên phán xuống.
Nói cho cùng, thì có đụng chuyện trong chung sống hoặc phải giải-quyết những nố khó-khăn trong sống đời thực-tế hôn-nhân, luyến ái, mới thấy rằng: chuyện đời thật không dễ. Không dễ hiểu, cũng chẳng dễ cảm-thông nếu mình không ở cùng một hoàn-cảnh, với người trong cuộc hoặc bị-động.
Nói cho cùng kỳ lý, thì: tất cả chỉ để bạn và tôi, ta có cơ-hội đểm phiếm ba điều bốn chuyện, không phải của do mình hoặc thiết-thân với chính mình, gia-đình mình.
Nói cho cùng và chon gay, chi bằng ta cứ vào vườn hoa Lời Chúa có những Tin Mừng để đời như tác-giả người Nga ở trên từng trải-nghiệm.
Nói cho cùng, cũng nên nhìn về quá-khứ trong đó mình từng được nghe nhiều và học nhiều, những điều do bậc thánh-hiền vẫn từng bảo:
“Cùng các bậc kỳ mục trong anh em,
tôi xin có mấy lời khuyên nhủ,
vì tôi cũng thuộc hàng kỳ mục,
lại là chứng-nhân những đau khổ của Đức Kitô
và được dự phần vinh quang sắp tỏ hiện trong tương lai.
Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em:
lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng,
nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn,
không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn,
nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ.
Đừng lấy quyền mà thống-trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em,
nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên.
Như thế, khi Vị Mục Tử tối cao xuất hiện,
anh em sẽ được lãnh triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát.”
(1 Phêrô 5: 1-4)
Nói theo nhà Đạo, thì như thế. Như thế, tức làm sao để các bậc kỳ-mục/thủ-lãnh cũng như dân-gian dưới trướng được sống đời thoải-mái trong yêu thương. Chứ không chỉ câu-nệ luật lệ, mà thôi. Dù luật ấy có là giáo-luật. Dù điều ấy có là giáo-huấn rất “khẳng-định” từ trên phán xuống.
Nói theo kiểu người ngoài luồng, ngoài đời là nói bằng cung-giọng/điệu hát có lời ca rất âm-thầm, nhè nhẹ đầy chất thương yêu như người thường ở huyện, vẫn cứ hát những câu như:
“Trả lại anh câu thơ người em tóc thề
Trả lại anh khóc thương cho phận con gái
Trả lại anh tương tư mà anh đã trao
Bên nhau tình nhớ với thương
Xem như cơn mộng mà thôi
Coi nhau như bạn mà thôi.”
(Đức Quỳnh – bđd)
Hát thế rồi, ta lại tìm đến những truyện kể do bạn-bè/người thân những sưu-tầm để ta viết phiếm. Viết cho đời thêm phấn-chấn. Nghe kể, cho đời mình được nhiều tiếng cười vẫn quẩn quanh đâu đó, những muốn vui, như sau:
“Cô sinh viên nọ, bận tâm về chuyện bồ-bịch và gia-đình, nên đã biên thư hỏi ý mẹ như sau:
-Kính thưa mẹ, mọi việc đang diễn ra tốt đẹp ở trường. Con đã gặp một anh sinh-viên tuyệt-vời nhất từ trước tới nay. Anh ấy học năm thứ ba. Anh ấy chơi bong đá, đang học để chuẩn-bị ra trường làm bác-sĩ, đạt hạng xuất-sắc, dáng người cao ráo, đẹp trai. Con đã hẹn đi chơi với anh ấy 8 bận rồi và đã mặc 8 chiếc áo đầm mà con có. Giờ, thì con cần thêm một chiếc áo nữa, để cho buổi hẹn sắp tới, bởi vì anh ấy đã mời con đi xem hát với anh ấy. Mẹ có vui lòng gửi cho con 25 đôla, để con mua một chiếc áo mới được không, hả mẹ?
Bà mẹ trả lời:
-Đâu cần phải mua áo mới làm chi cho rắc rối thế con. Hãy tìm một bạn trai mới và làm lại từ đầu, thế thôi!” (truyện kể trên mạng, không ghi tên tác-giả)
Truyện kể ở trên mạng, có thể cũng là chuyện đời người rất kinh-nghiệm. Kinh-nghiệm của người mẹ ở trên chưa chắc đã là “giáo-huấn” ở đời, như một khẳng-định từ trên xuống. Cũng có thể, chỉ là chuyện thời xưa thích-hợp cho thế-hệ già nua, tuổi tác, rất khô-cứng. Chí ít, là chuyện luật và lệ ở nhà Đạo, dành cho người đi Đạo, sống đời thực-tế rất lâụt-lệ, mà thôi.
Nói thì nói thế, chứ cũng tùy bạn tùy tôi, ta đứng từ góc độ nào mà nhìn đời, rồi xử-thế.
Nói thì nói thế, nay xin bạn và tôi, ta cứ hiên-ngang bước vào giòng đời dù đổi-thay hay vẫn thế, cũng cứ mặc. Cứ hát lên, câu ca/điệu nhạc dù buồn phiền hay phấn khởi, vẫn cứ hát cho đời lên hương. Để rồi, ta sẽ cùng sống với mọi người, suốt những ngày còn lại trong cõi đời đầy đổi thay, như thế này:
“Trả lại anh câu yêu em, tình yêu bất diệt.
Trả lại anh với câu xây nhà bên suối.
Trả lại anh hoa khô cài bên bướm xanh.
Đây trang nhật ký đôi ta.
Đang ghi sao đành dở dang.
Khi em yêu anh còn cô gái thơ ngây.
Nay em xin anh trả em lúc ban đầu.
Yêu anh em đâu ngờ duyên kiếp ba sinh.
Van anh quên đi như khi ta chưa hề quen.”
(Đức Quỳnh – bđd)
Trần Ngọc Mười Hai
Cũng đã trải-nghiệm những ngày buồn
Có câu ca, bài hát rất không vui
Như mọi ngày.