Trần Dạ Từ, Khánh Ly, Thương Linh cùng ‘Gội Đầu/Bay’

Trần Dạ Từ, Khánh Ly, Thương Linh cùng ‘Gội Đầu/Bay’
Nguoi-viet.com

Sổ tay phóng viên

Ngọc Lan/Người Việt

COSTA MESA, California (NV) – “Dòng sông biết bay. Biển khơi biết bay…” cái gì cũng có thể “bay” trong thế giới của thi nhân để rồi thành ca từ trong bao nhiêu bài hát.

Nhưng “Gội đầu” mà thành ca từ, rồi thành tên của ca khúc, tên của CD, và hơn nữa, tên của cả một chương trình được dày công tập luyện thì quả là… khó tưởng tượng được.

Tôi nghĩ, không ít người như tôi, cũng băn khoăn, cũng thắc mắc, cũng tò mò, nhưng mà ngại nói huỵch toẹt ngay ra là “Tên gì kỳ vậy, chẳng có hơi hướng nhạc nhí lãng mạn hay vui tươi gì hết!” khi mới thấy poster “Gội đầu/Bay”

Nhưng, nghe, rồi mới hiểu, mới thấm sâu, tại sao Khánh Ly nói “Tôi muốn hát Gội Đầu, bởi vì lời của nó chạm đến trái tim tôi.”

Và đâu chỉ có Khánh Ly, “Gội Đầu” – Gội cái đầu chua lè. Gội cái đầu cay sè. Đầu sạch rồi đi đâu. Đầu sạch rồi về đâu – còn chạm đến trái tim bao người khác nữa, với những gì vừa trần trụi, gần gũi, vừa khắc khoải, bàng hoàng.

***

Khánh Ly trong đêm ra mắt CD của thi sĩ/nhạc sĩ Trần Dạ Từ “Gội Đầu/Bay” (Hình: Nina Lê Hòa Bình cung cấp)

“Gội Đầu/Bay” là tên một CD mới nữa của thi sĩ/nhạc sĩ Trần Dạ Từ qua hai giọng ca chính là Khánh Ly và Thương Linh, sau CD đầu tiên, “Nụ Cười Trăm Năm,” ra mắt cách nay hơn bốn năm.

Nếu Khánh Ly cho rằng: “Một ông làm thơ mà đi làm nhạc thì những bài hát của ông chẳng bài nào giống bài nào, chẳng khúc nào giống khúc nào, khiến chúng tôi muốn chết luôn theo ông,” thì nhạc sĩ Hoàng Công Luận, người đứng mũi chịu sào cho việc dàn dựng hòa âm phối khí toàn chương trình chỉ thốt lên được mỗi câu “Nhạc của anh khó quá!”

Đó là nhận xét của người chuyên môn, người trong cuộc. Còn tôi, một kẻ ngoại đạo, đến với đêm ra mắt CD “Gội Đầu/Bay” trong tâm trạng vừa háo hức – bởi vì Samueli Theater lộng lẫy và sang trọng quá, vừa hồi hộp – liệu mình có nghe được, có cảm được những bài hát lạ huơ lạ hoắc của ông nhạc sĩ/thi sĩ này không. Nói đúng hơn, sự rộn ràng, sự công phu cho một quá trình dàn dựng và luyện tập khiến tôi thấy… lo dùm nhà tổ chức, bởi vì cái nhìn của người một nhà thì bao giờ cũng rộng lượng hơn cái nhìn của công chúng. Tôi thuộc về công chúng, mà công chúng thì đông hơn người nhà đến nhiều nhiều lần của một cấp số nhân.

Bỏ qua cái hớp hồn của khung cảnh vừa đài các vừa ấm cúng của khán phòng với ánh nến lung linh, với thái độ nghe khởi đi từ lòng tôn trọng lẫn ngưỡng mộ, từ bài hát thứ ba, “Thành Phố Tuyết,” khi tôi thoáng thấy có lúc mình chợt nổi da gà cũng là lúc tôi hiểu rằng những lời thơ, những dòng nhạc của Trần Dạ Từ đã đánh thức được một cõi nào đó, sâu thẳm, trong tôi.

Tình yêu trong thơ, trong nhạc Trần Dạ Từ có cái bàng bạc của một thời xa lắm nhẹ nhàng, có cái trải dài theo năm tháng, với những khắc nghiệt, những bể dâu, giông tố của cuộc đời, nhưng trước sau vẫn có “anh đi bên em” đơn giản chỉ vì “Anh yêu em, vậy thôi.”

“Nắng cháy da người, anh đi bên em.

Đêm đen gió hú, anh đi bên em.

Mặt đất đầy hoa nở, anh đi bên em.

Mặt đất đầy gai lửa, anh đi bên em”

Ca sĩ và khách mời đặc biệt trong đêm ra mắt CD “Gội Đầu/Bay” (Hình: Nina Lê Hòa Bình cung cấp)

Thơ vốn đã cô đọng, đã là một dạng “ý tại ngôn ngoại,” mà thơ của người đã thành danh thi sĩ thì chất “ngôn ngoại,” cái để người nghe thả hồn bay bổng trong suy tư, trong tưởng tượng, càng phong phú hơn. Điều này có thể bắt gặp được trong hầu hết ca khúc của Trần Dạ Từ, mà điển hình nhất là bài hát “Gội Đầu.”

“Gội Đầu” vừa có cái vẻ dí dỏm, têu tếu: “Gội đầu. Gội đầu thôi. Gội đầu thôi.” Rõ ràng không phải người ca sĩ đang hát, mà đang kêu, đang gọi, đang năn nỉ ai đó, hay chính mình đi “gội đầu.”

“Bê bết lâu rồi. Ơi cái đầu xấu xí

Cay cú, cuồng si.

Gội đầu. Gội đầu đi. Tử biệt. Sinh ly.

Gội đầu bằng bão tố. Gội đầu bằng nắng lửa

Ôi cái đầu bể dâu…”

Đến đây thì rõ ràng không chỉ đơn giản là chuyện đi gội cái đầu cái tóc nữa rồi, mà là “Gội cho ngày sau nhìn ra nhau.”

Giọng hát Khánh Ly, của một người đã ngoài 70, có cái ma lực của sự từng trải, có sự chất chứa của những nỗi niềm, có cái bình thản xen trong sự thảng thốt của người đã được 3/4chặng đường đời để có thể chuyển tải hết được sự thẫn thờ khi chợt nhận ra:

“Đầu sạch rồi đi đâu

Đầu sạch rồi về đâu”

Tôi nhớ có lần cách đây đã vài năm, trong một lần trò chuyện, cô nói: “Khánh Ly như trở thành một kỷ niệm của một thế hệ, chứ không còn là một cá nhân nào nữa. Họ đến nghe là để tìm về những kỷ niệm.”

Tôi không được là người cùng thế hệ Khánh Ly, để đến nghe cô và tìm về kỷ niệm không thuộc về mình.

Tôi nghe Khánh Ly là một Khánh Ly của hiện tại, cuốn hút, đam mê, với chất giọng khàn từ từ lôi tôi đến những ngóc ngách của cuộc đời, để hiểu hơn về ý nghĩa nhân sinh, về những được mất trong cõi ta bà này, qua thơ, qua nhạc Trần Dạ Từ.

Ca sĩ Thương Linh. (Hình: Nina Lê Hòa Bình cung cấp)

“Gọi Tên Dòng Sông” có thể xem là một sáng tác khá độc đáo của nhạc sĩ/thi sĩ Trần Dạ Từ.

Trong lời dẫn dắt chương trình, MC Lê Đình Y Sa cho rằng, “Bài này như một niệm khúc dành cho các văn nghệ sĩ Việt Nam. Đây là một phối hợp rất tài tình của các dòng thơ Mai Thảo, Nguyên Sa, Du Tử Lê, Trần Dạ Từ hòa quyện cùng dòng nhạc của Trần Dạ Từ và Phạm Duy”.

Bài hát được mở đầu bằng bốn câu thơ cuối đời của Mai Thảo qua giọng đọc ồ ề của Trần Dạ Từ:

“Thế giới có triệu điều không thể hiểu

Càng hiểu không ra lúc cuối đời

Chẳng sao, khi đã nằm trong đất

Ðọc ở sao trời sẽ hiểu thôi”

Để rồi phần nhạc trỗi lên là lời bài thơ “Tiễn Bạn” của Nguyên Sa, đi liền theo là “Tôi Trôi Theo Tôi – Con Sông” của Du Tử Lê và “Gọi tên dòng sông” của Trần Dạ Từ. Xen giữa đoạn ngừng nghỉ là giai điệu từ ca khúc “Chiều Về Trên Sông” của Phạm Duy.

Tôi nghĩ, Tuấn Ngọc, với một bài hát vẫn hãy còn quá mới với công chúng như thế này, đã thể hiện được trọn vẹn những gì khán giả mong đợi.

Tôi nhắm nghiền mắt chỉ để tai mình thả cùng những giai điệu ngân nga và để thấy mình trôi đâu đó trong bảng lãng hư không, trong chốn vô cùng: “Về đâu ôi giấc mơ. Chàng thi sĩ ngu ngơ. Và năm tháng bơ vơ/ Bờ nắng bờ mưa. Mẹ già khô héo/Nợ nần kêu réo. Ân oán mè nheo/ Xương máu hò reo… Bài ca sự sống. Trời đất mênh mông/Mảnh vỡ. Cơn giông. Anh nhớ gì không/ Gọi mãi dòng sông. Tình yêu của tôi/ Một đóa hư không. Về với vô cùng.”

Với bài “Bay,” có cảm tưởng như Trần Dạ Từ đo ni đóng giày sẵn cho riêng Thương Linh.

Bài hát có cái chơi vơi thanh thoát, vút lên. Và giọng hát Thương Linh cũng lãng đãng, bay lên, như cánh diều cứ lửng lơ giữa trời, chỉ cần chờ một cơn gió thổi tới là lại vút lên, soải cánh tự do giữa mênh mông trời.

“Dòng sông biết bay

Biển khơi biết bay

Chúng bay lên thành mây

Mây tím mây vàng mây xanh mây trắng mây bay vào mắt chàng

Em cười và mắt anh chàng bay bay theo em

Và em bay lung linh như giấc mơ”

Thương Linh, theo tôi, cũng là một giọng hát có chất gây nghiện. Nét đặc biệt ở người ca sĩ trẻ này là cô vừa khiến người nghe cảm nhận được chất jazz, blues huyền hoặc, ma quái, man dại, vừa có thể đưa lòng người vào dòng nhạc trữ tình thổn thức, mướt rượi.

“Lòng Ta Ở Với Người” qua tiếng hát Phạm Hà, “Ném Con Cho Giông Tố,” “Vầng Trăng Xưa” qua giọng ca Quang Tuấn cũng góp phần làm đậm thêm hương vị cho buổi yến nhạc tại đây.

Ca sĩ Lê Uyên trong “Tấm Lòng Phan Rang” (Hình: Nina Lê Hòa Bình cung cấp)

Riêng tôi, “Tấm Lòng Phan Rang” qua giọng ca Lê Uyên lại là bài hát khiến tôi rơi nước mắt. Đó là một câu chuyện, câu chuyện của năm 1977, những người tù cải tạo bị nhốt trong đoàn xe bít bùng, dừng lại đổ xăng ở Phan Rang, và họ chợt nhận ra những thứ mà người dân nơi đây đang cố gắng ném vào họ:

“Ném lên. Ném lên. Ném lên nữa

Từng điếu thuốc. Từng lát đường

Ném lên. Ném lên. Ném lên nữa

Từng gói bắp. Từng vắt cơm”

Giọng hát rất Lê Uyên, phong cách rất Lê Uyên khiến tôi nhận ra sự vỡ òa trong mình, không kìm được trong từng câu chữ cô buông ra:

“Ném cả gánh hàng rong. Ném tràn như nước mắt

Ném hết. Ném hết. Ném cho người đi đầy tấm lòng Phan Rang”

Trong tiếng hát nghe như có tiếng khóc. Câu chuyện của cha anh tôi, của người dân đất nước tôi. Đau thương, tê tái mà thấm đẫm tình người đến thấu buốc tim gan. Nước mắt tôi rơi khi mắt vẫn nhìn như hút hồn lên sân khấu. Cám ơn người ca sĩ từng làm tôi ngẩn ngơ với “Dạ Khúc Cho Tình Nhân” ngày nào.

Xin mượn lời phát biểu của nhạc sĩ Đăng Khánh thay cho lời kết cho đêm nhạc “Gội Đầu/Bay”:

“Người viết ca khúc là người suốt đời đi tìm tòi và đuổi bắt giai điệu. Giai điệu Trần Dạ Từ trong những khuôn nhạc của ông hôm nay là những giai điệu tuyệt vời mà tôi tìm ra. Tôi cảm giác như âm nhạc Trần Dạ Từ đi trước thời gian sống của ông, âm nhạc mới trước thời đại mà ông viết ra nó. Tôi nghĩ có lẽ đó là do nhịp đập của trái tim trẻ mãi không giờ, không bao giờ già trong người thi sĩ/nhạc sĩ Trần Dạ Từ.”

Liên lạc tác giả: Ngoclan@nguoi-viet.com

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay