VOA tiếng Việt
Việt Nam bắn đại bác, ‘trang trọng’ chào đón Chủ tịch Trung Quốc

Lễ đón ông Tập Cận Bình tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hôm 12/12.
Cổng thông tin chính phủ Việt Nam (VGP News) đưa tin rằng lễ đón ông Tập và phu nhân được tiến hành “với nghi thức trang trọng nhất dành cho nguyên thủ quốc gia, trong đó có nghi thức bắn 21 phát đại bác chào mừng”.
Theo VGP News, trước đó, đích thân Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cùng các quan chức cấp cao khác, trong đó có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc và Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung đã ra sân bay quốc tế Nội Bài đón ông Tập…
Trong một bình luận chia sẻ trên trang Facebook, chuyên gia từ Australia về các vấn đề liên quan tới Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer, nói rằng chuyến thăm của ông Tập cộng với việc Trung Quốc mong Việt Nam gia nhập cái gọi là “cộng đồng chung vận mệnh” cho thấy “Trung Quốc muốn chứng tỏ một mối bang giao đặc biệt với Việt Nam, tách biệt khỏi mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”.
HÀ NỘI – Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hôm thứ Ba đã nhất trí rằng hai nước sẽ xây dựng một “tương lai chung” và tăng cường mối quan hệ song phương.
Ba mươi sáu văn kiện đã được ký kết khi các nhà lãnh đạo gặp nhau tại Hà Nội, trong đó có bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác viện trợ trong phát triển đường sắt xuyên biên giới Việt – Trung.
Chuyến đi của ông Tập diễn ra chỉ ba tháng sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm quốc gia Đông Nam Á này vào tháng 9. Với chuyến thăm của ông Tập, Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới mà cả ông Biden và ông Tập đến thăm trong năm nay, cho thấy tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng của Việt Nam – một trung tâm sản xuất quan trọng của châu Á – khi sự cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gia tăng.
Trong một bài viết đăng trên báo Đảng Cộng sản Việt Nam trước chuyến thăm, ông Tập nói rằng “tương lai chung” giữa hai nước sẽ mang ý nghĩa chiến lược. Ông Tập cũng cho biết hai nước nên mở rộng hợp tác về kết nối, cải cách doanh nghiệp nhà nước, năng lượng xanh và khoáng sản quan trọng.
Trong chuyến đi đầu tiên tới Việt Nam sau sáu năm, ông Tập sẽ gặp các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam vào thứ Tư, bao gồm Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Hà Nội đang chào đón ông Tập với sự tôn trọng và chấp nhận ở mức độ cao nhất mà các nhà lãnh đạo các nước khác không thường có được. Trong số các buổi lễ đã được lên kế hoạch, Trọng sẽ tổ chức một sự kiện chia tay để tiễn ông Tập vào thứ Tư.
Mặc dù hai nước có tranh chấp trên Biển Đông , nhưng truyền thông nhà nước của cả Việt Nam và Trung Quốc đều đăng tải nhiều bài viết ca ngợi mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước và các đảng cộng sản hai nước.
Giới quan sát trong nước cho rằng Hà Nội đang chịu áp lực sau khi nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất với Mỹ và Nhật Bản trong năm nay. Động thái tương tự sẽ sớm được công bố với Australia. Một số người cho rằng Hà Nội sẽ không thể cưỡng lại những lời đề nghị của Bắc Kinh trong chuyến công du của ông Tập, bao gồm cả việc chính thức công nhận “tương lai chung” và nhiều dự án khác thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Báo cáo bổ sung của Kim Dung Tông tại TP.HCM.