“TÔI CHẲNG HÃNH DIỆN VỀ ĐIỀU GÌ…”

“TÔI CHẲNG HÃNH DIỆN VỀ ĐIỀU GÌ…”

Lm. VĨNH SANG, DCCT,

Trích EPHATA 659

Tôi có quen với một ông là đảng viên đảng Công Sản Việt Nam, ông làm việc trong lãnh vực Y Tế, là một nhà khoa học, trí thức, ông du học và lấy bằng tiến sĩ ở Liên xô. Trong những năm gần đây ông có dịp tiếp xúc nhiều với các thành phần khác, trong đó có các Linh Mục thuộc Giáo Hội Công Giáo.

Trong một lần trò chuyện và khi những cuộc gặp gỡ đã củng cố tình thân quen giữa hai chúng tôi, ông mạnh dạn hỏi tôi một câu hỏi: “Giáo Hội Công Giáo của các vị có nhiều môn phái lắm phải không ?” Tôi không ngạc nhiên với câu hỏi này, vì nhìn qua chúng ta cũng thấy ngay trong nội bộ những người tin vào Chúa chúng ta cũng có nhiều khuynh hướng khác nhau khiến người ngoài ngỡ tưởng chúng ta có nhiều “giáo phái”, nhưng thật sự tôi ngạc nhiên và buồn vì lý do ông hỏi không phải là vậy.

Ông cho biết: “Tôi có nhà ở gần một Nhà Thờ nọ, để giao lưu, tôi có mời các cha đến nhà dùng cơm khi nhà tôi có việc, các cha cũng đến, rất cởi mở, nhưng trong câu chuyện tôi thấy các cha có nhiều kiểu khác nhau, một số các cha hay nói chuyện về những chuyến đi nước ngoài, có khi chỉ là du lịch, các cha ấy nói chuyện về rượu Tây, rồi trao đổi như là xem ai sành rượu nhất. Tôi không hề thấy các cha ấy nói về con người, về xã hội, về các vấn đề đạo đức giáo dục… Ngược lại, tôi cũng có gặp một số các cha khác, họ luôn thao thức về công lý, về những bất công trong xã hội, về người nghèo, người bệnh tật… Khi có dịp gặp lại các cha kia, tôi có gợi ý về các vấn đề này thì họ bảo rằng: đó không phải là việc của chúng tôi !?!”

Tôi cố giải thích cho ông ta hiểu là các cha có nhiều nhiệm vụ khác nhau, và vấn đề xã hội là một vấn đề nhạy cảm, khó có thể đề cập đến trong các buổi gặp gỡ nói chuyện giao lưu, vì rất nhiều quan điểm, rất nhiều suy nghĩ trái chiều nhau, hơn nữa, biết ông là đảng viên nên các cha không muốn bàn về vấn đề xã hội gắn liền với chế độ và ý thức hệ như hiện nay. Nhưng tôi biết, ông là một nhà trí thức thì không dễ gì mình tránh né quanh co được trước mặt ông. Ông buông một câu như thể muốn knock out tôi, ông bảo: “Tôi nhận ra mối bận tâm của các cha ấy trong các câu chuyện, chứ không phải nội dung câu chuyện !” Sau đó ông nhẹ nhàng tránh sang chuyện khác.

Có một thực trạng mà có lần tôi đã chia sẻ. Một ngày tôi có việc đi xa, ngang qua một nơi thấy rất nhiều xe cộ lũ lượt đổ về, tôi mới biết Giáo Phận đó chọn một Giáo Xứ gần đây để làm lễ Truyền Dầu, khi xe đến Nhà Thờ nơi sẽ làm lễ Truyền Dầu, một cảnh tượng gây cho tôi cảm giác nặng nề, đó là, một bãi giữ xe riêng cho các cha, toàn là xe 4 bánh loại nhỏ, dĩ nhiên không thiếu xe đời mới, đắt tiền cỡ Lexus, còn lại là một bãi giữ xe của các bà Sơ và của Giáo Dân toàn là xe bus… Đáng tiếc rằng ngay trong các cuộc gặp gỡ họp mặt thì các cha cũng hay khoe nhau về xe hơi của người này người kia và những chuyến du lịch nước ngoài. Có Linh Mục trẻ vừa chịu chức về làm cha phó mà dám xin cha xứ cho tiền mua xe hơi, cho có bạn có bè !

Tuần qua, ngày 14 tháng 9, Giáo Hội kính việc suy tôn Thánh Giá, trong bài gẫm số 1 Kinh Sách trích trong thư gửi các tín hữu ở Galát có câu: “Tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta ! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” ( Gl 6, 14 ). Điều làm chúng ta hãnh diện hiện nay là điều gì, bậc thang nào định giá mà chúng ta đã chọn ? Có chỗ nào cho thập giá cắm vào không ?

Chia sẻ đôi điều trong ý thức chính mình là kẻ hèn mọn và tội lỗi, Chúa đã tin và trao cho mình sứ mạng làm chứng, chúng ta cần nhủ bảo nhau sao cho người ngoài không có cái nhìn méo mó về Thiên Chúa của chúng ta. Chúng ta cầu nguyện cho nhau trong tình thương mến để hoàn thiện nhau mỗi ngày trên bước đường đi theo Chúa.

Lm. VĨNH SANG, DCCT,

 16.9.2015

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay