Tình huống của ông Trump ngày càng không sáng sủa

Tình huống của ông Trump ngày càng không sáng sủa

Nguoi-viet.com

Ứng cử viên Donald Trump. (Hình: AP Photo/ Evan Vucci)

Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)

Ông Donald Trump chưa thua, nhưng trong cuộc tranh luận lần thứ ba giữa ông và bà Clinton, ông đã chê trách hệ thống bầu cử Mỹ hư hỏng, gian lận và công khai hăm dọa sẽ không công nhận kết quả bầu cử ngày 8 Tháng Mười Một.

Ông trông mong tạo nên một thành tích xuất sắc ở lần tranh luận cuối cùng hầu cứu vãn tình thế yếu kém của cuộc tranh cử, nhưng đã không khai thác được cơ hội này. Các quan sát viên đều đồng ý bà Hillary Clinton là người thắng, còn nếu muốn biết rõ nhận định của cử tri như thế nào thì phải chờ các thăm dò dư luận mấy ngày tới, mà quan trọng hơn hết là thăm dò ở các tiểu bang chiến trường tranh chấp (swing state).

Khi tỏ ra không muốn chấp nhận kết quả bầu cử, dường như ông Trump đã dự kiến mình sẽ thua nên mới phải nói trước như vậy. Nhưng không đơn giản là thế, phê phán hệ thống bầu cử Mỹ là chiến thuật ông dùng để kích động thành phần dân chúng mang nặng tâm lý hoài nghi và bất mãn chiếm đa số trong những cử tri ủng hộ ông.

Bài viết này chú ý về chuyện ấy, một sự kiện rất bất thường trong lịch sử hơn 240 năm ở nước Mỹ. Không công nhận người thắng cuộc là việc chưa bao giờ xảy ra, khi điều hợp viên Chris Wallace hỏi tới, ông Trump đáp: “Ðể lúc ấy tôi sẽ xem. Tôi dành bất ngờ cho ông.”

Ngày hôm sau, ông tuyên bố với các ủng hộ viên: “Tôi sẽ chấp nhận kết quả bầu cử, nếu tôi thắng.”

Ðó không phải lời giải thích, có lẽ chỉ là lối nói nhằm động viên những người ủng hộ, chứ ông Trump không diễu dở đến như vậy.

Ðiều nguy hại là có một số không ít cử tri gắn bó với ông Trump bằng mọi giá, tin tưởng điều ông nói và có thể sẵn sàng đi tới những phản ứng ngoài dự đoán.

Truyền thông quốc nội và quốc tế coi thái độ này của ông Trump là vấn đề quan trọng nhất trong cuộc tranh luận lần thứ ba, thể hiện sự rủi ro của nền dân chủ Mỹ vẫn được xem là mẫu mực toàn thế giới.

Tiến Sĩ Alex Vines, giám đốc ban địa phương thuộc cơ quan nghiên cứu Chatham House ở London, Anh, nói: “Rất nhiều nước đã chứng kiến những sự phản đối, biểu tình, nổi loạn chống kết quả bầu cử bị coi là gian lận, nhưng đó là ở Châu Phi, Châu Á, chứ không phải nước Mỹ.”

Ông David Boies, luật sư bênh vực cho ông Al Gore trong vụ tranh chấp với ông George W. Bush trước Tối Cao Pháp Viện, bác bỏ lập luận của ông Trump khi nói bầu cử Mỹ gian lận và đem so sánh với kỳ bầu cử tổng thống năm 2000.

Ông Boies nói: “Năm 2000, cả Bush và Gore đều minh định tôn trọng và tuân hành kết quả bầu cử dù như thế nào.”

Nói chuyện ở Miami, Florida, trong một chuyến vận động cho bà Hillary Clinton hôm Thứ Năm, Tổng Thống Barack Obama phê phán ông Trump rằng hệ thống bầu cử Mỹ là căn bản cho sự tồn tại ổn định và tiến bộ của quốc gia này qua lịch sử, không phải là chuyện để đùa giỡn hay nói đến cái bất ngờ.

Thượng Nghị Sĩ John McCain cho biết ông không bằng lòng với kết quả bầu cử năm 2008, nhưng đã gọi điện thoại đến chúc mừng ông Barack Obama thắng cử. Ông nói: “Ðây là truyền thống sinh hoạt dân chủ Mỹ, không phải để biểu lộ thái độ lịch sự bề ngoài, mà là sự xác định tôn trọng tiếng nói của cử tri.”

Từ trước đến nay, ông Trump từng dọa kiện rất nhiều người nói ra những điều trái ý ông, nhưng thực tế rất ít khi ông thực hiện như lời hứa hẹn. Vậy thì nếu ông thất cử vào ngày 8 Tháng Mười Một, ông có thể có hành động gì?

Những đại diện của ông Trump lập luận rằng đến bây giờ cử tri chưa đi bầu và nếu kết quả là chênh lệch sít sao thì sẽ phải duyệt xét kỹ trước khi quyết định. Cựu thống đốc Alaska, bà Sarah Palin, nói: “Nếu là kết quả hợp lệ thì mới chấp nhận được. Ông Trump khôn ngoan khi trước hết đòi hỏi mọi chuyện phải hợp lệ.”

Thuần túy trên bình diện pháp lý, ông Trump được quyền khiếu nại kết quả bầu cử ở một số tiểu bang, kêu gọi biểu tình trên đường phố, nhưng không thể phủ nhận ứng cử viên đắc cử hay tổ chức đảo chính. Là công dân Mỹ, ông phải tôn trọng Hiến Pháp và tuân hành những luật lệ quy định việc giải quyết những trường hợp xảy ra tranh chấp.

Ngay cả trường hợp ông Trump thắng phiếu cử tri toàn quốc (phổ thông), nhưng thua phiếu cử tri đoàn, không chiếm được đủ 270 phiếu đại cử tri, ông cũng không có lý do để khiếu kiện. Trong lịch sử bầu cử Mỹ, tình trạng ấy đã ba lần xảy ra, gần đây nhất là năm 2000, ông George W. Bush hơn ông Al Gore số phiếu đại cử tri toàn quốc (271/266), nhưng lại thua ông Gore số phiếu phổ thông. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, hoàn cảnh này khó có thể xảy tới để phải lo ngại về việc ông Trump viện cớ tiếp tục gây rắc rối kéo dài.

Ông Trump nói rằng ông có quyền hiến định để kiện kết quả bầu cử chứ không đầu hàng trước. Thủ đoạn này ông đã dùng trong bầu cử sơ bộ khi ông gợi ý là có thể ứng cử với tư cách độc lập nếu không được đảng Cộng Hòa chấp nhận làm ứng cử viên chính thức. Nhưng trong tổng tuyển cử bây giờ, lời đe dọa này lại trở thành đe dọa dân Mỹ chứ không phải đe dọa đảng Cộng Hòa, và như vậy ông ngầm cho biết là sau ngày bầu cử sẽ còn nhiều rắc rối lộn xộn kéo dài.

Vậy ông Trump có thể kiện cáo ra sao? Tình huống thuận lợi nhất cho ông là nếu chênh lệch phiếu đại cử tri với bà Clinton không nhiều – ví dụ chỉ vài chục – thì ông có thể khiếu nại kết quả ở vài ba tiểu bang là không công bằng. Lúc đó các tiểu bang này phải hoàn tất mọi thủ tục cần thiết như đòi hỏi để xác định kết quả, bao gồm không có trường hợp cử tri bị ngăn trở đi bỏ phiếu, không có phiếu bất hợp lệ, và đếm lại phiếu nếu kết quả chênh lệch dưới 1%.

Sau khi tiểu bang đã xác định, vẫn có thể kiện ra tòa, tiểu bang rồi liên bang và cuối cùng lên tới Tối Cao Pháp Viện nếu chưa đồng ý phán quyết của các tòa dưới. Hiện nay, Tối Cao Pháp Viện chỉ có tám thẩm phán nên rất có thể biểu quyết không đi đến đến kết luận. Trong trường hợp này, không biết mọi việc sẽ được giải quyết thế nào.

Một trường hợp đặc biệt, rất khó xảy ra, nhưng vẫn có thể có. Ðó là hai ứng cử viên cùng được 269 phiếu đại cử tri. Lúc đó, căn cứ theo Hiến Pháp, Hạ Viện Mỹ sẽ bầu ra tổng thống, và mỗi tiểu bang chỉ được một phiếu. Trong khi đó, Thượng Viện Mỹ bầu phó tổng thống, mỗi thượng nghị sĩ được một phiếu.

Chiến thuật hiệu quả nhất của bên đảng Dân Chủ là tích cực vận động để giành một chiến thắng lớn chiếm tuyệt đại đa số trong đại cử tri đoàn. Các nhân vật chính bên phía Dân Chủ từ Tổng thống Obama và Ðệ Nhất Phu Nhân Michelle đến Phó Tổng Thống Joe Biden, Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders đều đang liên tục đi đến nhiều nơi vận động cho “gà” của mình.

Ban tranh cử của bà Hillary Clinton tin rằng, đến giờ này, bên phía ông Donald Trump không còn có phương cách gì đáng kể để có thể đảo ngược tình thế, ngoài những chuyện gây ồn ào nhưng vô hiệu quả. Về tiền bạc, trong tháng trước, mỗi ban tranh cử Clinton và Trump đều đã chi tiêu trên $70 triệu, theo số liệu do Ủy Ban Bầu Cử Liên Bang vừa công bố.

Tóm lại, việc ông Donald Trump tuyên bố trước là không chấp nhận kết quả bầu cử có thể sẽ đưa tới những tranh tụng pháp lý rất rắc rối kéo dài. Ðó là chưa kể một số ủng hộ viên cứng rắn nhất của ông cảnh cáo là “nếu ông Trump thua nước Mỹ có thể đi đến nội chiến.”

Hôm Thứ Sáu, trong một cuộc vận động ở Pennsylvania, ông Trump lại tuyên bố, nhưng lần này hơi khác: “Thắng, thua, huề – tôi đều hài lòng” (Win, lose, draw – I will be happy).

Hiến Pháp Mỹ đã có những quy định rõ ràng về bầu cử và tất cả mọi rắc rối được giải quyết bằng luật lệ, không thể vượt qua pháp luật ở đất nước này. Lời giải đáp đúng nhất bây giờ là hãy chờ tới ngày 8 Tháng Mười Một, và đừng vì lý do gì mà không đi bầu.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay