Tình Cha Cho Con

Tình Cha Cho Con

Thu Oanh

Khi đặt bút viết về cha tôi, tôi thấy sao mà khó quá, bởi không biết nên bắt đầu từ đâu!

Tôi thấy văn, thơ, và nhạc ca ngợi về mẹ nhiều quá, nhưng văn, thơ và nhạc để ca ngợi tình phụ tử thì thật là hiếm hoi. Giải thích cho hiện tượng thiếu quân bằng này, có người nói bởi mẹ thì ngọt ngào và hiền dịu, nhưng cha thì lại khô khan, cứng ngắc… Cho nên thông thường văn thi sĩ không được giàu có với dòng tư tưởng và luồng cảm xúc, khi chuẩn bị đặt ngòi bút bắt đầu nắn nót trên giấy trắng những dòng chữ viết về cha.

Tôi thì không nghĩ như vậy, tôi không biết bắt đầu từ đâu khi viết về cha, là vì tôi có quá nhiều điều, nhiều kỷ niệm mà cha đã cho chị em tôi. Cha đã cho chị em tôi tình thương yêu, lời dạy bảo, và chính đời sống của cha đã trở thành một mẫu gương tốt cho chị em chúng tôi nhìn vào và sống theo như một ngọn hải đăng vươn cao dẫn lối cho những con thuyền nan bập bềnh trên sóng nước đại dương vào một ngày biển động.

Rất tiếc những ngày sống động và vui tươi đó giờ này đã qua mau!!!

Trước mặt tôi hiện bây giờ là một người ngồi ngơ ngẩn, đôi mắt đã mất hết sự tinh anh, tâm trí như đang ở một cõi vô định. Cha tôi đó! Cha tôi bây giờ như một cái bóng trong nhà với không ý niệm về thời gian và không gian. Ngày được bác sĩ báo cho biết cha tôi bị bệnh Mất Trí Nhớ, cả gia đình tôi bàng hoàng đau đớn. Tôi nhớ, ngày hôm đó, trong khi đang khám bệnh cho cha tôi, ông bác sĩ hỏi cha tôi một câu hỏi:

— Ông có bao giờ bị té nặng, đầu bị đập vào đâu, hoặc đau buồn chuyện chi hay không?

Cha tôi nhìn ông bác sĩ, yên lặng không nói chi. Nhưng tôi nhớ, vào lúc đó, tôi đã nhè nhẹ gật đầu hộ cho cha tôi, và tôi muốn hét to, hét lớn cho cả thiên hạ cùng nghe,

— Có, cha tôi đã từng té, cha tôi đã từng đau đứt ruột đứt gan bởi gia đình của cha tôi bị bỏ rơi lại sau một trận bão cuốn trôi cả một nửa nước Việt Nam …

Ngày đó…

Ngày mà cuộc chiến Nam Bắc tương tàn cuối cùng dẫn đến hỗn loạn với cảnh người sống, kẻ chết, chia lìa, tang tóc.

Ngày đó, ngày 30 tháng 4.

Ngày cha tôi bị bứt lìa khỏi gia đình, quê hương, bước chân lên tàu để lánh nạn cộng sản, bỏ lại sau lưng ông bà nội, mẹ và bảy chị em chúng tôi. Là trụ cột chính trong gia đình, giờ này lại bỏ đi, cha tôi đã lo âu cho cha mẹ già, vợ dại và con thơ! Rồi những ngày đầu tiên xa lạ trên đất khách quê người, cha tôi phải lao vào cuộc sống lạ với nhiều phương cách mưu sinh mới. Tiếng Anh thì cha tôi không biết nhiều, văn hóa xứ người thì xa lạ, lòng người của vùng trời xứ tuyết cũng lạnh băng như bão tuyết vào những ngày giữa đông… Nhiều lần cha tôi đã muốn quỵ ngã nơi xứ người, muốn buông xuôi bỏ cuộc. Nhưng rồi cha vẫn đứng dậy, bởi người biết bên kia cả một đại dương vẫn là một gia đình bị bỏ rớt lại với bảy đứa con, đứa lớn nhất mới mười bốn tuổi, thêm tôi thân gái èo uột yếu đuối.

Trước biến cố 75, bởi tôi bệnh tật, cha mẹ đã gởi tôi học tại trường của các Nữ Tử Bác Ái, Sài Gòn. Năm một lần, tôi được phép quay lại về nhà nghỉ hè. Tôi làm sao quên được lần đó, sau hai tháng nghỉ hè với gia đình tại Vũng Tàu, cha đưa tôi quay lại về trường. Hôm đó xe đò hành khách thả hai cha con xuống tại ngã tư Bẩy Hiền. Cha tôi vẫy tay đón xe xích lô về số 215 đường Hiền Vương của trường Nữ Tử Bác Ái. Đối với một người bình thường, đi bộ thì không bao xa, nhưng cha và tôi còn vác thêm cái valy quần áo của tôi nữa. Thấy vậy, ông xích lô đòi thật nhiều tiền cho một quãng xe ngắn. Thấy vậy, cha tôi nhỏ nhẹ cám ơn bác phu xe, rồi một tay cha bế tôi lên, một tay cha xách cái valy, vừa đi cha vừa thở nặng nhọc. Tới cửa trường, trước khi giao tôi cho các sơ, cha hôn lên trán tôi một cái hôn thiết tha, cười và nói,

— Thôi, con ở lại với các sơ, vâng lời sơ và học giỏi nghen, đầu tháng tới ba lên Sài Gòn thăm con.
Giọng cha lúc đó tự dưng chùng xuống, âm thanh nghẹn ngào làm cặp mắt tôi long lanh giọt vắn, giọt dài. Tôi không còn biết nói chi nữa, nhưng tự dưng nỗi cảm xúc dâng cao cuồn cuộn trong lòng. Tôi thương cha tôi quá!

Tôi nhớ, khi chị em tôi còn bé, nếu có thời gian rảnh rỗi, cha hay chơi đùa với chị em chúng tôi. Có khi cha bế đứa này trên tay, có khi cha cõng đứa kia trên lưng, còn không thì cha kiệu đứa khác trên cổ. Cha tôi còn có tài may quần áo, mà may quần áo đẹp lắm. Nào là áo đầm cổ tròn hình lá sen điểm nơ màu hồng, vải ren xếp tay phồng cho mấy đứa con gái. Nào là quần đùi ca rô cho thằng em trai tôi. Nào là áo bà ba vải lụa và quần tuyết nhung dành riêng cho mẹ tôi mặc. Mấy đứa bạn thấy tôi mặc áo đầm đẹp, cứ hay chạy theo hỏi,

— Ai may cho mày vậy?

Tôi ngẩng cao mặt, hãnh diện khoe,

— Ba tao may cho tao đó, chỉ cho một mình tao mà thôi.

Mỗi lần cha ngồi may, cha tôi ưa cất giọng hát, “Anh còn, còn có mỗi, mỗi cây đàn, anh đem là đem bán hết, anh theo là theo cô nàng, tình tính tang, là tang tính tình…” Vào những giây phút bất chợt đó, nếu có mẹ tôi xuất hiện đâu đó, thế nào bà cũng sẽ nguýt, lườm, và nói mát,

— Theo cô nàng là cô nàng nào?

Hình ảnh, lời ca, và hoạt cảnh giữa cha và mẹ tôi đã đi sâu vào tâm trí tôi thật sâu.

Cuối cùng, nhờ ơn trời cao, gia đình tôi cũng được đoàn tụ nơi đất khách quê người. Sau 15 năm xa cách, được gặp lại người cha của ngày xưa, mẹ và chị em chúng tôi rất vui mừng. Riêng tôi, có đôi lúc tôi thoáng lo sợ, bởi nghe nói trên vùng đất lạ, có rất nhiều người, sau khi bảo lãnh vợ con qua Mỹ, lại không chịu ở chung, nhưng bỏ đi để vui vầy duyên mới với vợ bé. Tôi chép miệng, mà cũng khó trách được họ, bởi nếu đặt mình vào trong hoàn cảnh của những ngày đầu tiên nơi đất khách quê người, ngày thì đến hãng, đến sở, đêm về lủi thủi một mình với ngày đông tháng giá. Đàn ông mà, làm sao họ có thể sống nổi với nỗi cô đơn trống trải. Vì thế, tôi biết có một vài người đàn ông nơi đất khách quê người đã âm thầm tự lên đường đi tìm cho riêng mình một sự ấm áp, một mái nhà khác mà quên đi tất cả trước đấy. Tôi lo lắng và hy vọng cha tôi sẽ là một ngoại lệ. Tôi cứ chờ, chờ mãi, và tạ ơn trời, tôi vẫn không thấy điều chi xảy đến cho mái ấm của gia đình tôi. Ngày lại ngày bóng của cha tôi vẫn đổ dài trên bốn bức tường của căn nhà thân quen. Sáng sớm tinh sương cũng như khi đêm tối buông màn, cha tôi vẫn như ngọn đèn hải đăng chiếu rọi sáng cả căn nhà thân thương ngọt ngào.

Ngày gặp cha, tôi vui mừng đến rơi nước mắt, bởi nhìn thấy cha to trông như ông Mỹ, cha đã cao sẵn nay cha mập ra nữa, nhìn hồng hào đẹp đẽ. Cha ôm từng đứa con, hôn lên má. Rất tiếc, bởi chúng tôi đã lớn hết rồi, nếu không, cha đã bế lên vai hay kiệu từ cổng của phi trường ra đến chỗ lấy xe.

Về đến nhà cha đã làm sẵn tiệc tùng mời mọi người đến chung vui ngày cha đón mẹ và chị em chúng tôi. Đời sống hạnh phúc tưởng là đã mất đi, nay lại tiếp nối nơi vùng trời Portland với bao nhiêu là sự dạy dỗ của cha. Cha luôn luôn nhắc nhở chúng tôi câu nói: “Các con hãy cẩn thận, đời nhiều cạm bẫy lắm!”. Có lần cha thấy em trai tôi hút thuốc, người nói: “Mới đầu một hai điếu không là gì, nhưng sau thành thói quen, rồi đi vào cần sa ma túy lúc nào không hay!”.

Rượu, trà và cà phê cha tôi không nghiền một thứ nào. Cha tôi ghét nhất lời nói tục tĩu cho nên trong nhà mọi người phải “chấp hành lệnh nghiêm chỉnh”. Tôi chỉ thấy một lần trong đời cha tôi lỡ miệng nói một câu nặng nề. Hôm đó gần ngày 30 tháng 4, khi nghe đài phát thanh tuyên bố ông Dương Văn Minh lên làm tổng thống, cha tôi bật miệng nói một câu với những lời khá cay chua!!!
Cha tôi ít nói. Có tiệc tùng hay nhậu nhẹt chi với các bác, các chú, về tới nhà, cha nói láo xáo vài câu tếu tếu rồi đi nghỉ, không rượu vào lời ra chửi mắng mẹ và chị em chúng tôi bao giờ.

Tôi cũng như chị em tôi đã học được nhiều nơi lòng đạo đức, tính nết hiền lành, và tinh thần tự lập của cha. Cha dậy chúng tôi phải biết thương người hoạn nạn và làm ăn liêm chính không gian dối. Người đã dậy cho chúng tôi tính tự lập, bởi người hay nói, “Sống thì phải sống như cây tùng, cây bách, không nên sống gởi gấm như loài cây tầm gửi”.

Trong ngày Lễ Từ Phụ năm nay, chị em chúng tôi lại về quây quần bên cha, tuy cha không còn biết chi nữa. Tôi luôn cầu mong cho cha được thêm tuổi thọ để chúng tôi phụng dưỡng cha, để người tiếp tục ngồi đó sáng sớm đêm khuya như một ngọn đèn hải đăng, mặc dù giờ này lửa đã bắt đầu nhạt nhòa, nhưng ngọn hải đăng vẫn sừng sững vươn cao trên nền bầu trời như là một điểm mốc cho chị em chúng tôi nhắm đến, nhìn vào, và tiếp tục đi tới.

Mỗi đêm thắp ngọn đèn trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

Thu Oanh

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay