Tiếng thét của môi trường trước tội lỗi và cái giá phải trả

Tiếng thét của môi trường trước tội lỗi và cái giá phải trả

 

Trong nhãn giới đức tin, người Công giáo coi trái đất là món quà quý giá của Thiên Chúa. Trái đất và môi trường thiên nhiên như là cái nôi bảo vệ sự sống, là phương tiện sinh sống và dự án mà Thiên Chúa ký thác cho con người điều khiển và có trách nhiệm sao cho:

 

Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa.

Không trung loan báo việc tay Người làm” (Tv 19,1).

Với trí khôn và sự khéo léo Thiên Chúa ban, con người ra sức khám phá tiềm năng phong phú của trái đất, vừa biến nó trở thành những phương thế phục vụ cho đời sống của con người, vừa bảo vệ và phát triển môi trường thiên nhiên sao cho hài hòa với sự vận hành của thiên nhiên. Với ý nghĩa đó, con người thật sự vừa là chủ, theo nghĩa là đại diện chính thức, nắm toàn quyền trên công trình sáng tạo, có quyền sở hữu trên các thành quả lao động và trí tuệ, vừa là quản lý trung tín và khôn ngoan đối với môi trường thiên nhiên mà Thiên Chúa đã trao vào tay con người. Vì thế, con người phải chứng tỏ có đủ khả năng, bản lãnh xứng với kỳ vọng của Thiên Chúa để thi hành trách nhiệm Thiên Chúa giao phó.

ô nhiễm

Hơn bao giờ hết, ngày nay con người đã thấm thía với những cách hành xử thô bạo, tham lam và ngu dốt đối với thiên nhiên, cái nôi và môi sinh duy nhất để con người sống và tồn tại. Con người không thể sống và tồn tại nếu không tôn trọng và quý mến môi trường thiên nhiên, được hiểu là tất cả các sinh vật sống trong đó, thực vật cũng như động vật, đất, nước, sông ngòi và đại dương, cũng như những trật tự vận hành nên thời tiết khí hậu của các vùng, miền khác nhau trên trái đất. Mọi kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của con người đều phải gắn liền với mối quan tâm bền vững, tránh làm tổn hại đến môi trường thiên nhiên và các sinh vật sống trong đó.

Thông điệp Laudato Si (Chăm sóc ngôi nhà chung) của Đức Phanxi cô như muốn triển khai rõ ràng, cụ thể hơn những gì Giáo Huấn Xã Hội của Giáo hội Công giáo, chương 7, bàn về Bảo vệ môi trường, ở trên bình diện quốc tế. Ngài khẩn thiết kêu gọi sự chú ý của mọi người, ra khỏi sự vô cảm, tận tâm và tận lực chung sức với nhau chữa lành những tổn thương của trái đất, nhất là gieo ý thức tôn trọng và bảo vệ môi trường thiên nhiên như vấn đề sinh tử. Ngài nói: “Chúng ta cần đến sự liên đới toàn cầu cách mới mẻ… cần đến các tài năng và đấn thân của tất cả mọi người, để làm tốt những gì con người đang lạm dụng, gây tổn thất cho sáng tạo của Thiên Chúa” (LS, số 14)

Chủ nhân ông ngu dốt, tham lam và vô trách nhiệm.

Xã hội Việt Nam hôm nay, dưới góc độ xem xét thái độ của con người đối với môi trường thiên nhiên cho thấy cơn khủng hoảng ghê rợn đang càn quét những giá trị có nguyên nhân chính yếu từ việc con người phủ nhận vai trò của Thiên Chúa là chúa tể, là đấng xét xử muôn loài và không còn yêu quý món quà thiên nhiên Thiên Chúa ban tặng.

Loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, bóp nghẹt tiếng nói của lương tâm, chỉ biết chạy theo tham vọng bất chính, bất nhân, con người phá vỡ trật tự hòa điệu do Thiên Chúa thiết lập trong vũ trụ; không tuân thủ luật lệ Thiên Chúa, lấy đó làm nguyên lý, làm chuẩn mực tuyệt đối trong mọi hành vi đối xử với tha nhân và với môi sinh; bị cuốn hút vào men say chiếm hữu và tham lam một cách ngu dốt và vô trách nhiệm, con người càng đày đọa nhau vào mọi thứ thảm họa khủng khiếp chẳng thể thoát ra.

Có thể coi đó là những thứ hình phạt giáng trên con người do sự chống cưỡng những luật hài hòa trong thiên nhiên mà Thiên Chúa đã thiết định. Hình phạt của tội lỗi giáng trên chính những kẻ phạm tội và làm liên lụy đến những người khác, đến cái nôi của sự sống. Việc khai thác có tính tận diệt các tài nguyên thiên nhiên như rừng, đất đai, thủy hải sản…đã gây ra hiệu ứng nhà kính, sa mạc hóa, bão tố, lũ lụt,… phải chăng là đòn “gậy ông đập lưng ông” của vạn vật chống lại tội lỗi con người, hối thì đã muộn?

Đã có nhiều sự phân tích và đánh giá sơ khởi về tác động môi trường, về đời sống và điều kiện kinh tế của người dân sống quanh vùng, những tác động lợi và hại, trực tiếp và gián tiếp, trước mặt và lâu dài trong thời gian qua Fomosa, khi nhà máy luyện gang thép Formosa cố ý xả thải những chất độc hại ra môi trường thiên nhiên, gây những tổn thất không thể bù đắp lại cho con người và môi trường, đặc biệt hệ sinh thái ở biển.

Theo “Thời báo Kinh tế Saigon”, với công suất ở giai đoạn 1 là 15 triệu tấn thép/ năm, Formosa sẽ thải ra môi trường: khí thải gần 36 triệu tấn/năm, nước thải các chất ô nhiễm trên 28.000 tấn/năm, chất thải rắn gần 9 triệu tấn/năm chưa qua xử lý.

Nếu tính tổng lượng phenol và xyanua trong nước thải của Formosa trước khi xử lý khoảng 120 tấn/năm hay 0,36 tấn/ngày. Như vậy, trong năm ngày nhà máy mất điện, không xử lý được nước thải, tổng lượng phenol và xyanua đã thải ra biển Vũng Áng mà Bộ TN-MT công bố là nguyên nhân chính gây ra thảm họa cá chết hàng loạt từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế trong tháng 4-2016 vừa qua, là 1,82 tấn (giả định chạy theo công suất của giai đoạn 1). “Chỉ” 1,82 tấn phenol và xyanua trong năm ngày mà phá hủy gần như toàn bộ rạn san hô trên 200 cây số bờ biển miển Trung mà có khi cần đến cả trăm năm để phục hồi, hàng triệu ngư dân miền Trung và gia đình của họ bị đẩy vào thảm cảnh bế tắc và không thể nói trước được tương lai của họ thế nào.

Nếu tính theo giấy phép xả thải mà Formosa đã được cấp với lưu lượng 45.000 mét khối/ngày, chỉ riêng với nồng độ phenol hay xyanua cho phép là 0,585 mg/l, thì tổng lượng phenol và xyanua sẽ thải ra biển Vũng Áng trong điều kiện Formosa vận hành ổn định và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cho phép sẽ là 17,37 tấn/năm, tức là lớn gấp 9,5 lần so với lượng thải của năm ngày gây ra thảm họa. Thử hỏi có sinh vật nào còn tồn tại và biển sẽ ra sao trong vòng 70 năm nhà máy Formosa được cấp phép hoạt động?.

Sau nước thải là khí thải. Chỉ riêng khí CO2 thải ra của Formosa đã đạt đến 34,5 triệu tấn/năm, so với tổng lượng phát thải khí nhà kính năm 2020 của tất cả các ngành sản xuất và xây dựng là 68,3 triệu tấn/năm, chiếm đến trên 50,5% tổng lượng phát thải khí nhà kính trong toàn bộ các ngành sản xuất và xây dựng tại Việt Nam! (không kể ngành công nghiệp sản xuất năng lượng), theo báo cáo dự báo phát thải khí nhà kính của Bộ TN-MT năm 2014.

Và sau đó là những thảm họa do thiên tai như hạn hán, lũ lụt xảy ra khắp cả nước trong thời gian qua với cường độ tác hại ngày càng lớn góp phần làm nghiêm trọng thêm tác động do biến đổi khí hậu đến mức nào?

Còn những chất ô nhiễm độc hại khác như, bụi và khí kim loại gần 1 triệu tấn/năm có nguy cơ rất cao gây ra các bệnh về đường hô hấp, trong đó có ung thư phổi. Khí SO2 và NOx là những khí gây ra mưa axit, làm suy giảm chất lượng đất, chất lượng nước, giảm năng suất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, cũng đạt đến lượng phát thải theo thứ tự là 33.000 tấn/năm và 34.500 tấn/năm.

Có hai điều đáng nói về QCVN 51:2013/BTNMT, đó là quy định chỉ tiêu dioxin/furan chỉ được áp dụng từ ngày 1-1-2017, và nồng độ bụi cho phép cao gấp 2-5 lần so với hướng dẫn của IFC (100 mg/Nm3 so với 20-50 mg/Nm3, trong đó IFC đề nghị áp dụng 20 mg/Nm3 khi trong bụi phát hiện có các kim loại độc hại). Dioxin, thành phần chính của chất độc màu da cam mà không lạ gì với người dân Việt Nam, là tác nhân gây chết người, ung thư và để lại nhiều di chứng về sức khỏe cho nhiều thế hệ; Dioxin/Furan là những hợp chất có độc tính cao nhất được biết trong khoa học cho đến nay.

formosa

Ngay cả bụi phát sinh từ các ống khói nhà máy liên hợp sản xuất thép có tính chất là bụi lơ lửng (SPM), trong đó hàm chứa rất nhiều các kim loại nặng độc hại khác nhau như asen, thủy ngân, cadmi, chì, niken, crôm, kẽm, mangan… Vậy thì, dioxin/furan độc hại như thế, sao chỉ yêu cầu áp dụng từ ngày 1-1-2017? Bụi lơ lửng phức tạp với nhiều kim loại nặng độc hại như thế, dựa vào đâu để cho phép thải với nồng độ quá cao so với tiêu chuẩn quốc tế?

Ngoài ra, hiện nay giấy phép xả thải chỉ mới được áp dụng cho nước thải và chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, còn giấy phép xả thải cho khí thải chỉ được áp dụng sau ngày 1-1-2018, theo quy định trong Nghị định số 38/2015/NĐ-CP. Với nguy cơ ô nhiễm do khí thải của Formosa Hà Tĩnh như hiện nay, rõ ràng không có lý do gì phải trì hoãn việc áp dụng giấy phép xả thải cho khí thải đến sau ngày 1-1-2018. Việc áp dụng giấy phép xả thải cho khí thải càng sớm càng tốt sẽ góp phần ngăn ngừa thảm họa môi trường do ô nhiễm không khí từ Formosa Hà Tĩnh có thể gây ra cho đồng bào miền Trung…

Chỉ có Bộ TN-MT với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp và cao nhất trong Chính phủ về các lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước, biến đổi khí hậu… mới có thể trả lời những câu hỏi đó.

Tới hôm nay, dư luận lại “dậy sóng” một lần nữa vì có sự “cấu kết” giữa ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh và nhà máy Formosa với việc chôn lấp khỏang 100 tấn chất thải trong trang trại của ông ở phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, nơi rất gần nguồn nước cấp cho người dân ở đây. Chưa biết kết quả thế nào, có đúng với số liệu phân tích, thông số đo lường hay vẫn “đúng quy trình”,” ở trong ngưỡng cho phép”, có thể trồng cỏ, nuôi bò, thả dê làm nguồn thực phẩm, như việc các quan chức Đà Nẵng tắm biển, ăn hải sản khi chưa có kết quả nguyên nhân vụ cá chết, để khuyến khích người dân trước đây?

Vẫn biết điều đáng sợ nhất là con người phải ra trước tòa Thiên Chúa để trả lẽ về những gì nó đã làm. Thiên Chúa Là Đấng thi hành công lý. Người xét xử, phân định tội phúc công minh, nhưng Người còn là Cha giàu lượng thương xót, Người luôn biểu lộ tình thương ngay cả khi sửa trị lỗi lầm của con người. Điểm độc đáo của công lý của Thiên Chúa là chú trọng mục đích giáo dục để cải hóa, cứu chữa và phục hồi phẩm giá của tội nhân, chứ không nhắm vào mục tiêu trừng phạt và báo thù như công lý con người. Công cuộc hòa giải tội nhân với Thiên Chúa do Chúa Kitô thực hiện (LS, số 100) là sự phối hợp diệu kỳ giữa hai điều tưởng chừng mâu thuẫn, vì yêu thương mà không có công lý chỉ là thứ tình yêu mù quáng và công lý nếu thực thi với quả tim vô cảm là thứ công lý của hận thù

Vì vậy, việc cổ vũ và giáo dục ý thức cộng đồng chung sức bảo vệ môi trường vừa là trách nhiệm pháp lý theo nguyên tắc công ích xã hội, vừa là một sự thức tỉnh lương tâm cộng đồng đứng trước nguy cơ hủy diệt, nhưng trước hết chính là để bảo vệ phẩm giá của mình trong tư cách là chủ tể trái đất.

Việc học hỏi Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội Công giáo và Thông điệp Laudato Si của Đức Phanxi cô nhắm mục đích ấy cũng như tin tưởng khả năng con người có thể sửa chữa những lỗi lầm trong quá khứ, tài bồi thêm vẻ đẹp sự sống của trái đất và gìn giữ cho thế hệ tương lai một hành tinh xanh, một ngôi nhà chung là môi trường thiên nhiên.

13/7/2016

Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay