Thổ Nhĩ Kỳ bắt người hàng loạt sau đảo chính
Image copyrightGETTY
Khoảng 2.839 quân nhân trong đó có lãnh đạo cấp cao của quân đội, đã bị bắt sau khi âm mưu đảo chính kết thúc, theo Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Binali Yildirim.
Trong đêm mà ông gọi là “vết đen của nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ”, ông cho biết 161 người đã thiệt mạng và 1.440 người bị thương.
Tiếng nổ và tiếng súng vang lên ở thủ đô Ankara, thành phố Istanbul và nhiều nơi khác trong đêm 15/07, rạng sáng ngày 16/07, và hàng ngàn người Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp lại kêu gọi của Tổng thống Erdogan chống lại phe đảo chính.
Vẫn chưa rõ ai là người đứng sau vụ đảo chính.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ám chỉ Fethullah Gulen, một giáo sỹ Hồi giáo khá mạnh mẽ nhưng sống ẩn dật tại Hoa Kỳ, mà ông cáo buộc là đã xúi giục cho cuộc nổi dậy.
Tuy nhiên trong một thông cáo, ông Gulen phủ nhận mọi thông tin cho rằng ông liên quan tới vụ việc, và nói ông phản đối “âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ bằng những lời mạnh mẽ nhất”.
‘Phản quốc’
Image copyrightGETTY
Nhiều diễn biến bắt đầu xảy ra vào tối thứ Sáu 15/07 khi xe tăng tiến vào các vị trí trên hai cây cầu ở Dải Bosphorus, Istanbul, chặn đường giao thông. Các toán lính đổ ra đường và phi cơ quân sự bay thấp trên thành phố Ankara.
Không lâu sau đó, một phe của quân đội tuyên bố một “ủy ban hòa bình” đang điều hành đất nước, và sẽ áp dụng lệnh giới nghiêm và thiết quân luật.
Nhóm này nói thực hiện đảo chính “nhằm đảm bảo và khôi phục trật tự hiến pháp, dân chủ, nhân quyền và tự do”.
Tổng thống Erdogan đang đi nghỉ ở Marmaris, Tây Nam Thổ Nhĩ Kỳ trong lúc xảy ra biến cố chính trị. Ông xuất hiện trên truyền hình qua điện thoại thoại di động, và thúc giục người dân xuống đường chống lại cuộc nổi dậy.
Ông lên máy bay tới Istanbul và nói Marmaris bị đánh bom sau khi ông rời đi.
Phát biểu tại sân bay Istanbul, ông Erdogan nói: “Những gì xảy ra là phản quốc và là một cuộc nổi loạn. Họ sẽ phải trả giá rất đắt.”