THINH LẶNG –  Tập sinh Jos. Quốc Huy

 Tập sinh Jos. Quốc Huy

Ngày nay người ta sợ thinh lặng.  Người ta chạy trốn thinh lặng bằng đủ mọi cách khác nhau vì nghĩ rằng thinh lặng là trống rỗng và vô nghĩa, là phí phạm thời giờ cách vô ích.  Phải chăng chúng ta sợ thing lặng vì chúng ta đã quá quen với cuộc sống ồn ào và náo nhiệt của việc làm, của âm nhạc, của phim ảnh và mọi thứ âm thanh.  Nhưng thực sự lắm lúc, chúng ta cảm thấy mình cần phải rút lui khỏi chốn nhộn nhịp, ồn ào ấy để tìm nơi cho riêng mình.  Nơi đó chỉ có mình đối diện với tâm hồn của mình và chỉ còn mình đối diện với Chúa.  Nhất là, nơi đó để thinh lặng vang lên những giá trị liêng liêng mà ta đã bỏ quên hay ngó lơ trong những góc nội tâm của mình.

Vậy thinh lặng là gì?  Thinh lặng không phải là không nói gì nhưng thinh lặng thực sự chính là cảm nhận sự lắng đọng trong con người của mình.  Thinh lặng không phải là tách xa những thứ ồn ào bên ngoài là đủ nhưng thinh lặng cũng là phải tách xa những khuấy động bên trong nội tâm.

Khi nói đến thinh lặng có rất nhiều trạng thái để nói về sự thinh lặng.  Thinh lặng để lắng nghe, thinh lặng để suy nghĩ, thinh lặng để hồi tâm.  Thinh lặng mang cho ta rất nhiều lợi ích.  Chỉ có trong thinh lặng con người mới trở về với cõi lòng, nghe được tiếng nói của Thiên Chúa trong lương tâm.  Có thinh lặng, con người mới đi sâu vào cõi lòng mình.  Có thinh lặng, con người mới nhận ra con người tội lỗi bất toàn của mình.  Có thinh lặng, con người mới có thể tha thứ cho người khác.

 Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta thinh lặng như trong câu chuyện “Người đàn bà ngoại tình” (Ga 8, 1-11).  Ngài dạy chúng ta học cách thinh lặng để tha thứ.  Khi những kinh sư và Pharisiêu dẫn người đàn bà ngoại tình đến trước mặt Chúa Giêsu để thử Người, Chúa Giêsu chỉ viết gì đó trên đất và Ngài cũng giữ thinh lặng trong suốt phiên tòa của Ngài.  Cử chỉ thinh lặng ấy chính là sự tha thứ của Ngài.  Hay khi bị treo trên thập giá, Chúa Giêsu đã thể hiện sự tha thứ của Ngài bằng thinh lặng.  Từ trên thập giá, Ngài mời gọi chúng ta trở về cõi lòng để nhận ra thân phận tội lỗi của chúng ta, để nghe được lời tha thứ của Ngài và nhất là để tha thứ cho người khác.  

 Chúng ta sao có thể lắng nghe được tiếng Chúa nói lời tha thứ và yêu thương trìu mến với mình nếu ngày sống chỉ toàn là những ồn ào của công việc, học tập; những lắng lo việc này việc kia?  Lúc đó, chắc chắn chúng ta không những không nghe thấy tiếng Chúa nói mà còn đang xa dần với tình yêu của Ngài.

 Thật vậy, chỉ trong thinh lặng chúng ta mới có thể nghe và chú ý đến lời Chúa đang nói, đang làm hầu giúp chúng ta cảm nhận được lời của Chúa, để Chúa đánh động và bước vào cõi lòng chúng ta.  Chỉ khi ấy, chúng ta mới cảm nhận được sự hiện diện của Chúa là khoảng không gian như ở nhà của mình, của sự an toàn, của sự chở che; sự hiện diện ấy như bao bọc và làm chúng ta được Chúa thấm nhập vào thân thể mình.  Khi ấy, chúng ta sẽ cảm nhận được: “Thinh lặng là thái độ bên trong để tôi mở lòng ra đón Chúa vào, để tôi được buông bỏ, được thư giãn vì đã có Chúa chở che cũng như được Ngài ôm ấp tôi vào lòng.” 

Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, nhiều thiết bị, dịch vụ mang tính công nghệ đang dần lôi kéo con người vào sự náo động, ồn ào.  Nó đang trở thành cám dỗ, thách đố to lớn với mỗi chúng ta, nhất là những người sống đời thánh hiến.  Nó lôi chúng ta ra khỏi sự thinh lặng, sự liên kết mật thiết với Chúa.  Thay vì nói Chúa với tôi và tôi với anh em thì lại nói chiếc điện thoại, chiếc máy tính với tôi và tôi với nó.  Thử hỏi: khi ấy, Chúa ở đâu?  Anh em tôi ở đâu?  Sống trong những thách đố đó, chúng ta cần phải nỗ lực rèn luyện và học sống thinh lặng nhiều hơn.  Nhờ đó, chúng ta mới tìm được, nghe thấy, nhận biết Chúa đang nói, đang ở trong chúng ta.  Đạt được điều đó, người sống thánh hiến mới có thể thăng tiến bản thân và thực hiện sứ vụ mang Chúa đến cho nhiều người cách hiệu quả hơn.  Tâm tình trong lời bài hát “Lặng” của nhạc sĩ của Trần Tuấn cũng cho ta thấy vai trò của việc thinh lặng trong đời sống mỗi người Kitô hữu.  Hãy cảm nhận từng lời trong bài hát để ta có thể nhận ra ý Chúa trong cuộc đời ta.

“Lặng để nghe tiếng Chúa, nói trong trong tâm hồn ta
Lặng để nghe Chúa nói, thánh giá ta mang vì ai
Lặng để nghe Chúa khóc, khóc khi ta vô tình quay đi….”

 Tập sinh Jos. Quốc Huy

Nguồn: https://dongthuongkho.com

 From: Langthangchieutim

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay