THÁNH PADRE PIO (1887-1968)

THÁNH PADRE PIO (1887-1968)

Lễ Kính 23-9
Thánh Padre Piô tên thật là Francesco Forgione, thuộc một gia đình nông dân ở Pietrelcina, miền Nam nước Ý. Ðã hai lần, cha của Francesco phải xa nhà, đi làm việc ở Jamaica, Nữu Ước để nuôi gia đình.
Khi được 15 tuổi, Francesco gia nhập dòng Capuchin và lấy tên Piô. Ngài được thụ phong linh mục năm 1910, và bị động viên trong Thế Chiến I. Sau khi bác sĩ thấy ngài bị ho lao, họ đã cho ngài giải ngũ. Vào năm 1917, ngài được bài sai đến làm việc ở tu viện San Giovanni Rotondo, cách thành phố Bari 75 dặm.
Vào ngày 20.9.1918, trong lúc cầu nguyện cảm tạ sau Thánh Lễ, Cha Piô được nhìn thấy Chúa Giêsu. Khi thị kiến ấy chấm dứt, Ngài được in các dấu thánh ở tay, chân và cạnh sườn.
Sau biến cố ấy, cuộc đời ngài phức tạp hơn. Các bác sĩ y khoa, các giới chức của Giáo Hội, và những người tò mò đến xem Cha Piô. Trong năm 1924 và một lần nữa vào năm 1931, vấn đề dấu thánh được đặt ra; Cha Piô không được phép cử hành Thánh Lễ nơi công cộng hay được giải tội. Ngài không than trách về sự cấm cách này, mà sau đó đã được bãi bỏ. Tuy nhiên, sau năm 1924, ngài không còn viết gì thêm nữa. Những tư liệu của ngài về sự thống khổ của Chúa Giêsu đều được viết trước năm 1924.
Sau khi được in dấu thánh, Cha Piô ít khi rời tu viện, nhưng biết bao người đã đến thăm ngài. Mỗi buổi sáng, sau Thánh Lễ 5 giờ đầy nghẹt người, ngài nghe xưng tội cho đến trưa. Ngài dùng thời gian nghỉ trưa để chúc lành cho người đau yếu và tất cả những ai đến gặp ngài. Sau đó ngài lại tiếp tục giải tội. Vào lúc ấy, việc giải tội của ngài thường kéo dài 10 tiếng một ngày; người muốn xưng tội phải lấy số chờ đợi. Nhiều người nói rằng Cha Piô biết rõ các chi tiết cuộc đời của họ, mà chưa bao giờ họ tiết lộ.
Cha Piô nhìn thấy Chúa Giêsu, trong tất cả sự bệnh hoạn và đau khổ. Theo sự đốc thúc của ngài, một bệnh viện xinh xắn được xây trên rặng Gargano gần đó. Ý tưởng xây cất bệnh viện được phát khởi vào năm 1940; một ủy ban gây quỹ được thành lập. Năm 1946, lễ vỡ đất được bắt đầu. Việc xây cất bệnh viện rất khó khăn về kỹ thuật, vì khó kiếm được nước và phương tiện chuyên chở vật liệu xây cất. Sau cùng, “Nhà Chữa Trị Người Ðau Khổ” được hình thành với 350 giường bệnh.
Nhiều người tin rằng họ được chữa lành qua sự can thiệp của Cha Piô. Những ai được dự Thánh Lễ của ngài đều cảm thấy sốt sắng; còn những người tò mò thì rất xúc động. Như Thánh Phanxicô, đôi khi áo dòng của Cha Piô cũng bị người ta cắt xén để làm kỷ niệm.

Một trong những sự đau khổ của Cha Piô, là vài lần những người thiếu đạo đức rêu rao những điều tiên tri mà họ gán cho là của ngài. Ngài không bao giờ nói tiên tri về các biến cố trên thế giới, và không bao giờ cho ý kiến về các vấn đề, mà ngài cảm thấy thuộc về sự quyết định của các giới chức trong Giáo Hội. Ngài từ trần ngày 23.9.1968, và được phong thánh năm 2002.

Lời Bàn
Hơn bất cứ ai khác, có lẽ người Hoa Kỳ ngày nay rất thích những cuốn sách chỉ dẫn, cùng những chương trình truyền thanh, các bài báo có tính cách chỉ bảo. Chúng ta say mê với tiến bộ kỹ thuật, và không ngừng tìm kiếm các lối tắt để tiết kiệm thời giờ và sức lực. Nhưng như Thánh Phanxicô và Cha Piô biết rất rõ, không có con đường nào ngắn hơn khi sống theo Phúc Âm, không có cách nào tránh được những “giáo huấn khó khăn” của Chúa Giêsu (x. Gioan 6:60). Rao giảng về Kitô Giáo mà không có sự hy sinh cá nhân, không có thập giá, thì cũng không khác gì người mãi võ sơn đông quảng cáo bán thuốc trị bá bệnh. Cha Piô coi sự đau khổ của ngài, như đáp ứng với lời kêu gọi sống Phúc Âm.

Lời Trích

“Cuộc đời Kitô hữu không gì khác hơn là cuộc chiến đấu dai dẳng với chính mình; không có sự thăng hoa của linh hồn để đạt đến sự tuyệt hảo mỹ miều, nếu không phải trả giá sự đau khổ” (Lời của Cha Piô).

*******************

Xác thánh Padre Piô năm dấu thánh được trưng bầy cho dân chúng kính viếng

SAN GIOVANNI ROTONDO –

Một trong những vị thánh đương thời, được coi là đã làm nhiều phép lạ nhất, là Padre Pio. Sau 40 năm, hôm qua thi hài thánh nhân lại được trưng bầy cho những người ngưỡng mộ khắp thế giới đến kính viếng tại nơi ngài đã từng sống và cầu nguyện.
Hai mắt nhắm lại, và trên khuôn mặt thoát ra một vẻ thanh thản dịu dàng như đang ngủ. Tuy nhiên, Padre Piô đã qua đời từ năm 1968 hưởng thọ 81 tuổi, và kể từ hôm qua, 24.4.2008, thi hài thánh nhân lại được quàn công khai tại vương cung thánh đường San Giovanni Rotondo (miền Nam nuớc Ý) cho dân chúng kính viếng.



Hôm qua, có tới 15.000 người tham dự thánh lễ do ĐHY Jose Saraiva Martins cử hành, khi thi hài của thánh Piô được đưa ra trưng bầy. Thi hài của thánh Padre Piô được khai quật hôm 03.3.2008 và cho thấy còn trong tình trạng “vừa phải” sau 40 năm chôn cất. Từ ngày đó đến nay, một nhóm chuyên gia gồm các bác sĩ y khoa và chuyên ngành hóa chất, đã làm việc tận tình để tân tạo thi hài thánh nhân hầu có thể giữ và bảo tồn thi hài được lâu dài hơn, trong suốt thời gian 9 tháng trưng bày cho dân chúng đến kính viếng.

Khi còn sinh thời, Padre Piô từng là vị thánh sống của đại chúng người Ý, và là một Thầy Dòng lạ lùng của thế kỷ XX:
• Cha được in năm dấu đanh (Stigmata) tương tự như Chúa Giêsu khi chịu đóng đanh trên thánh giá, nghĩa là ngực, hai bàn tay và hai bàn chân bị đâm thủng qua, và hằng ngày máu từ các vết thương đó chảy nhỉ ra làm ướt đẫm các khăn băng và cả áo quần, khiến ngài vô cùng đau đớn.
• Cha có thể hiện diện một lúc trong nhiều địa điểm khác nhau: Nhiều lần cha vừa có mặt tại Milanô (miền Bắc Ý), vừa có mặt tại Rôma (miền Trung Ý) để cứu vớt những người tự tử, và đồng thời cha lại ngồi giải tội ở Tu Viện của cha tại miền Nam Ý.

Ba vị Giáo Hoàng đã kết án cha là người giả hình đóng kịch. Nhưng năm 2002, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng cất nhắc cha lên hàng Thánh Nhân.

Nhưng trước khi được đưa trưng bày công khai cho các tín hữu kính viếng, khuôn mặt thánh Padre Piô đã được sửa sang lại bằng chất Silicon như chúng ta thấy trong hình kèm đây, và thi hài thánh nhân cũng đã được xức thuốc. Hiện người ta chỉ nhìn thấy đầu các ngón tay của thánh nhân hơi bị đen. Còn hai chân được mang tất che kín lại.
Cho đến nay, đã có khoảng 800.000 tín hữu từ khắp mọi nơi kéo về kính viếng và cầu nguyện bên thi hài thánh Padre Piô.

Lạy thánh Padre Piô, xin cầu cho chúng con!
LM Gioan Bosco Nguyễn Hữu Thy

Cha Thánh Padre Piô được trưng bày tại Vương Cung Thánh Đường San Giovanni Rôtndo, Miền Nam Nước Ý, để công chúng được tự do đến chiêm bái.




Cha Thánh Padre Pio Tình Nguyện Chịu Đau Khổ Để Cứu Các Linh Hồn

Trích trong Holy Souls, LM Alessio Parente
Kim Hà dịch thuật

Vào ngày 29 tháng 11 năm 1910, cha Padre Pio đã viết cho cha linh hướng của ngài là LM Benedetto để giải thích về những sự đánh phá của ma qủy và ngài muốn được giải thoát khỏi sự thử thách ấy. Nhưng sau đó, cha Pio xin phép cha linh hướng để được trở nên một nạn nhân đền tội cho các người tội lỗi và cho các linh hồn ở luyện ngục. Cha viết như sau:

“Thưa cha linh hướng, con xin phép cha để trình bày một việc. Đôi lúc, con cảm thấy có nhu cầu dâng hiến chính mình con lên Chúa như là một nạn nhân để đền tội cho các người tội lỗi và cho các linh hồn ở luyện ngục. Mong ước này lớn mạnh trong trái tim con, đến nỗi con phải gọi là một nỗi đam mê vô biên. Con đã dâng lên Chúa lời thỉnh nguyện này rất nhiều lần. Con cầu xin Chúa cho con gánh chịu mọi sự trừng phạt mà Chúa đã chuẩn bị dành cho các người tội lỗi và cho các linh hồn ở luyện ngục. Xin Chúa hãy trừng phạt con và cho con chịu đau khổ gấp trăm lần để cho các người tội lỗi được ơn hoán cải, và để cho các linh hồn được sớm lên Thiên Đàng. Nhưng con biết, con phải xin phép cha để trở nên của lễ hy sinh. Con cảm thấy Chúa Giêsu rất muốn con làm điều này. Con chắn chắn rằng cha sẽ không gặp khó khăn khi cho phép con.”
Qua sự dâng hiến vô điều kiện để hứng chịu mọi sự trừng phạt gấp trăm lần, hầu mong các người tội lỗi được ơn hoán cải và các linh hồn được giải thoát khỏi luyện ngục, cha Padre Pio đã trao ban cho chúng ta một chìa khóa để hiểu được mầu nhiệm của tình yêu và đau khổ. Cha Benedetto đã cho phép cha Padre Pio làm việc ấy.
Trong lá thư đề ngày 1 tháng 12 năm 1910, cha Benedetto viết:
“Xin cha hãy dâng hiến những gì cha đã nói, và điều này sẽ được Chúa nhận lời. Xin cha hãy mở rộng đôi tay và thánh giá của cha. Bằng cách dâng hiến sự hy sinh, cha hiệp thông với Chúa Cứu Thế, cha hãy chịu đau khổ và cầu nguyện cho những kẻ ác nhân trên trần gian và cho các linh hồn tội nghiệp, là những người đáng cho chúng ta thương xót vì họ đang nhẫn nại chịu đau khổ mà không kể xiết được.”

Nhân danh sự vâng lời, cha Pio đã trở nên một nạn nhân cho giáo hội chiến đấu và cho giáo hội đau khổ. Sự dâng hiến này có thể giải thích bằng các cơn bịnh bí mật, những thử thách, những cuộc chiến đấu với ma qủy. Nhân loại luôn cần sự tha thứ và giáo hội đau khổ luôn cần sự đền tội. Cha Padre Pio trở nên một nạn nhân, vác thánh giá và bị đóng đinh vào cây thánh giá vô hình như Chúa Giêsu đã bị đóng đinh để cứu rỗi nhân loại, Chúa Giêsu đã xuống ngục tối để giải thoát những ai mong chờ sự cứu độ. Chúa Cứu Thế đã ban cho họ sự tự do và đưa họ lên Trời.

Cha Padre Pio qủa là một linh hồn anh hùng và quảng đại. Ngài luôn nghĩ đến tha nhân, cầu bầu cho họ, dâng hiến chính mình ngài như là một nạn nhân cho người khác được ơn cứu độ, những người trong giáo hội chiến đấu và giáo hội đau khổ. Đau khổ và thương yêu là hai con đường mà cha Padre Pio đã dùng để bắt buộc bản thân mình chịu thống khổ.

Cha nói:
“Tôi cảm thấy mình ngụp lặn trong đại dương mênh mông của Đấng Hằng Yêu Thương. Tôi luôn sống trong tình yêu ấy.”

Kề từ khi cha Padre Pio được phép trở nên một nạn nhân, và từ khi cha tình nguyện dâng hiến bản thân mình thì các linh hồn người chết hiện về với cha nhiều vô số kể. Qua lời kể của cha Padre Pio, chúng ta có thể thấy những cuộc hiện ra này xẩy ra rất nhiều lần, và điều này không làm cho cha Pio sợ hãi hay bực mình.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay