Thánh An Phong và nhu cầu cầu nguyện

Thánh An Phong và nhu cầu cầu nguyện

Đăng bởi lúc 12:15 Sáng 1/08/13

chuacuuthe.com

VRNs (01.08.2013) – Sài Gòn – Tin Mừng cho biết, một môn đệ thưa với Chúa Yêsu: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” (x. Lc 11, 1 – 4).

Cầu nguyện, nếu tạm bỏ qua tất cả các lễ nghi phụng vụ thì chính là cuộc nói chuyện giữa con người với Thiên Chúa. Thuở xưa, cuộc nói chuyện trực tiếp giữa Thiên Chúa và con người chỉ xảy ra với Abraham, với Môsê, rồi sau đó đến chi tộc tư tế Lêvi. Nhưng khi đến thời Chúa Yêsu, trong tư cách Thiên Chúa làm người, một người nghèo, một người lao động phổ thông như chúng ta, Ngài đã cầu nguyện với Thiên Chúa Cha. Ngài đã thông chia phẩm vị là Con Thiên Chúa cho các môn đệ khi dạy họ cầu nguyện: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Từ đó, những người theo Chúa Kitô được trực tiếp cầu nguyện với Thiên Chúa trong tư cách là người con yêu dấu trước mắt Thiên Chúa như Chúa Yêsu vậy.

Trong kinh nghiệm của dân Chúa, cầu nguyện đã trở thành nguồn sống cho các tín hữu.

Sách Giáo lý Công giáo, số 2744, khi bàn đến cầu nguyện là một nhu cầu sống còn đã trích dẫn một khẳng định như sau: “Ai cầu nguyện chắc chắn sẽ được cứu độ. Ai không cầu nguyện chắc chắc sẽ bị án phạt”. Đây là điều thánh An Phong Maria Ligori đã viết ra trong tác phẩm Cầu nguyện phương thế tuyệt hảo, ấn bản tiếng Ý, tái bản năm 1962, tại Rôma, trang 32.

Để có được khẳng định quan trọng này, thánh An Phong đã trãi qua những kinh nghiệm nhờ cầu nguyện mà được Chúa cứu. Thiên Chúa cứu An Phong khỏi chết chum với thế gian tội lỗi, khi thế gian đánh bại thánh nhân ở pháp đình. “Thế gian ơi, ta biết mi rồi!” Nhờ cầu nguyện, Thiên Chúa đã kéo thánh An Phong ra khỏi sự ổn định phồn vinh giả tạo để lên đường đi Scala lập Dòng Chúa Cứu Thế. Nhờ cầu nguyện, mà Chúa đã cứu thánh An Phong khỏi nổi buồn Nhà Dòng bị phân hai, Đấng sáng lập lại ở một nơi không được công nhận là Dòng Thánh.

Sách sử viết về thánh An Phong đã nói, mỗi ngày ngài cầu nguyện tám tiếng đồng hồ. Chúng ta không biết ngài lấy giờ đâu để làm việc đó, như cách hồ nghi tính chân thật của các sử giả. Thực ra, hiện nay, tôi biết có những người mỗi ngày dành cả 12 tiếng đồng hồ sử dụng internet, có những người ngồi chơi game thâu đêm suốt sáng, hoặc có những người cứ rãnh là mở ti vi, nếu cộng số giờ xem ti vi mỗi ngày lại cũng không ít hơn giờ thánh An Phong cầu nguyện mỗi ngày đâu.

Câu trả lời đơn giản cho những ai hồ nghi tính xác thực tám giờ cầu nguyện mỗi ngày của thánh An Phong đó là do ngài xem cầu nguyện là quan trọng nhất. Ngài kinh nghiệm với bằng cấp khoa bảng cao là hai bằng tiến sĩ luật đạo và luật đời không cứu độ được ngài. Với hàng tram tác phẩm đã xuất bản, có tác phẩm được tái bản đến hơn 1000 lần cũng không cứu độ được ngài. Ngay cả địa vị cao trong trong Giáo hội như làm Đức giám mục giáo phận cũng không cứu độ được ngài, mà chỉ có cầu nguyện mới cứu được ngài.

Hội thánh đồng trãi nghiệm điều này với thánh An Phong, nên đã chọn khẳng định của ngài: “Ai cầu nguyện chắc chắn sẽ được cứu độ. Ai không cầu nguyện chắc chắc sẽ bị án phạt” và gọi ngài là thánh tiến sĩ cầu nguyện, tức là người có thể chia sẻ kinh nghiệm cầu nguyện cho mọi người, và nhờ đó ai thực hành theo sẽ được cứu độ.

Thời gian gần đây, một số bạn trẻ sau khi lãnh bí tích giao hòa đến xin chúng tôi giúp cho biết cách làm sao để tránh những sa ngã, bởi vì xã hội hôm nay có quá nhiều cạm bãy, quá nhiều rủi ro, có quá nhiều giá trị ảo. Nhân đây, chúng tôi xin chia sẻ một vài điều thánh An Phong dạy chúng ta trong tác phẩm Cầu nguyện, phương thế tuyệt hảo. Bản dịch tiếng Việt đang có bán tại nhà sách Đức Mẹ.

Để trả lời cho câu hỏi, tại sao con người hay sa ngã, thanh An Phong mượn quả quyết của thánh Thomas tiến sĩ như sau: “Ađam sa ngã, chẳng qua vì trong cơn cám dỗ đã không xin Chúa cứu giúp”. Thánh An Phong cho thấy thời các Thủ Lãnh và thời các Vua trong Cựu Ước, chỉ khi nào họ cầu nguyện thì họ mới chiến thắng quân thù. Thánh An Phong nói: “Bởi sức riêng, tôi hoàn toàn bất lực, và ngoài Chúa ra, tôi chẳng còn mong ai cứu giúp”.

Thánh An Phong khẳng định: “Không ai thắng được nhục dục, nếu không phó mình cho Chúa mỗi khi lòng xao xuyến. Kẻ thù này ghê sợ đến nổi khi nó đến, trí khôn chúng ta ra tối tăm, nó khiến chúng ta không đếm xỉa gì đến những chân lý đời đời và gần như không sợ cả việc Thiên Chúa đoán phạt”.

Đó là nguyên nhân của mọi sa ngã, đó là tình trạng bệnh của các bạn trẻ, cũng là tình trạng khốn nghèo của mỗi chúng ta, từ linh mục, tu sĩ cho đến giáo dân, từ người đã tin Chúa đến người chưa tin Chúa.

Chúng ta phải làm sao?

Thánh An Phong nói: “Chúa chỉ ban sức mạnh chiến thắng cho những ai kêu xin Ngài. Ai xin thì chắc được”.

Cầu nguyện thế nào để được?

Trước tiên như Chúa Yêsu dạy các môn đệ cầu nguyện là tôn vinh chúc tụng Thiên Chúa: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Sau đó hãy đơn sơ như người con cần bố mẹ trợ giúp và biết bố mẹ có khả năng, để nói ra với Thiên Chúa là Cha những nhu cầu cụ thể của mình: “Xin Cha cho chúng con có cái ăn hôm nay, xin tha tội lỗi cho chúng con, và xin đừng để con sa ngã” (x Lc 11, 3-4).

Thánh An Phong còn nhắc chúng ta cũng hãy cầu nguyện thêm với Đức Mẹ, với các thánh và với cả những người đã qua đời chưa  được phong thánh.

Nhiều người, kể cả thánh Thomas tiến sĩ, nói những người đang ở nơi luyện ngục, đang trong cuộc thanh luyện, họ thua kém chúng ta, họ không đủ điều kiện cầu nguyện cho chúng ta. Về điểm này, thánh An Phong nói: “Họ không đủ điều kiện không có nghĩa là không thtể cầu nguyện, vì họ là những linh hôn thật sự đang gần Chúa”.

Đối với đạo hiếu của người Việt Nam chúng ta, cầu nguyện cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã qua đời là bổn phận, nhưng chưa đủ, mà còn khẩn xin cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã qua đời cầu nguyện, ban ơn cho chúng ta. Hình ảnh xưa, hai vợ chồng trẻ, bố mẹ quy tiên cả, hôm nay là ngày khởi nghiệp, họ dẫn nhau đến trước bàn thờ gia tiên thưa với cha mẹ, ông bà đã qua đời: “Hôm nay tụi con bắt đầu làm ăn, xin ông bà sống khôn, thác thiêng phù hộ cho tụi con”.

Cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha là quan trọng nhất, rồi cầu nguyện thêm với Đức mẹ với các thánh và với cả những người thân yêu của mình đã qua đời là điều thánh An Phong đã làm và mời gọi chúng ta làm theo để chắc chắn được Chúa cứu. Có vẻ thánh An Phong là một người Ý, lại mang tâm thức Việt hơn cả chúng ta – Amen.

An Thanh, CSsR

 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay