Thời Mạt Vận Của CS

Thời Mạt Vận Của CS

Vietbao.com

Gió đã đổi chiều đưa hai chế độ CS ở Trung Quốc và VN vào thời kỳ mạt vận. Đất lành chim đến, đất dữ chi đi. Dân Sàigòn là dân của thủ đô kinh tế của CSVN, một chế độ CS còn sót lại lớn hàng thứ hai, lại là 1 trong 5 thành phố trên thế giới người dân đem vốn qua Mỹ đầu tư theo qui chế đầu tư EB5 để được nhập cư ở lại như thường trú nhân, đông nhất trong năm 2014. Và Trung Cộng là chế độ CS lớn nhứt Á châu nhưng người dân đầu tư ra ngoại quốc nhiều nhứt.

Một, liên quan đến dân Saigon, tin của truyền hình IBC-TV, trích dẫn từ Hiệp hội Đầu tư Hoa Kỳ, theo một phúc trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cho biết Sàigòn, cựu thủ đô của VN Cộng Hoà, hiện là thủ đô kinh tế của VNCS được xếp hàng thứ 4 trong 5 thành phố trên thế giới có người được cấp visa nhập cảnh đầu tư EB5 vào Mỹ đông nhứt. Ba thành phố dẫn đầu gồm Quảng Châu của Trung Quốc; Seoul của Nam Hàn, và Đài Bắc của Đài Loan. Thành phố Quảng Châu của Trung Quốc chiếm hàng đầu với 8.237 trường hợp được cấp visa vào Hoa Kỳ theo diện đầu tư nhập cư. Seoul có 149 trường hợp; Đài Bắc 97 trường hợp và Sài Gòn, Việt Nam với 92 trường hợp. Hạng thứ 5 là thành phố Abu Dhabi của Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất với 78 trường hợp.

Điều đáng lưu ý là Việt Nam và Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất qua mặt Nhật Bản và Mexico để lọt vào danh sách 5 thành phố hàng đầu của thế giới có nhiều thương nhân đầu tư vào Hoa Kỳ. Phúc trình này cũng tiên đoán rằng, các nhà đầu tư Trung Quốc ghi danh nhập cảnh Hoa Kỳ theo diện EB5 sẽ dẫn đầu danh sách này trong năm 2015.

Hai, dân ở Trung Cộng ra ngoại quốc đầu tư, hiện nay số vốn người TQ đầu tư ở hải ngoại lớn hơn số của các nước ngoài đầu tư vào TQ. Đầu tư của TQ ra ngoại quốc tăng lên 18% trong mười tháng đầu năm 2014. Đây là một cuộc đảo lộn của phong rào ngoại quốc đầu tư vào TQ vì nhân công rẻ. Bên cạnh những lý do tâm lý, chánh trị, TC đang bài Nhựt, cạnh tranh với Mỹ, bành trướng đụng chạm với nhiều nước Á châu Thái bình dương, còn có lý do kinh tế. Tiền lương của TQ tăng nên ngoại quốc không đưa việc làm vào TQ nữa.

Phong trào xuất ngoại đầu tư kinh doanh sản xuất này đa dạng và đa diện, khác hơn giai đoạn Đảng Nhà Nước TC mua các công ty ngoại quốc ở các nước để có đủ nguồn cung nguyên liệu quặng mỏ, lúa gạo nhập cảng vào TQ, nhứt là dầu lửa nên kinh tế TC cần đầu tư như con người cần hơi thở. Bây giờ người dân TQ lẫn các công ty của nhà nước bung ra mua lại các công ty ngoại quốc trong đủ mọi lãnh vực, từ thực phẩm đến kỹ nghệ cơ khí, và các công nghệ tiên tiến hàng đầu. Tổng số tiền TQ đầu tư ở các nước năm 2013 là 625 tỉ đô la. Con số thống kê chính thức của Nhà Nước TC cho thấy, trong vòng 10 năm, số đầu tư Trung Quốc ra ngoại quốc đã tăng gấp 30 lần.

TQ trở thành nhà đầu tư lớn thứ ba trên thế giới, chỉ đứng sau Hoa Kỳ và Nhật Bản. Mỹ và Úc là hai nước được TQ đầu tư nhiều nhất. Nhưng đầu tư của TQ ở ngoại quốc cũng có nhiều bất trắc, không phải do ngoại quốc mà do trong nước nhà, Đảng Nhà Nước kiểm soát tài chánh, đòi hỏi điều kiện đầu tư quá nhiều. Thí dụ như điều kiện đưa nhiều công nhân và chuyên viên qua, các công trường, công ty của TC có lối sống đễ gây bất mãn cho người địa phương. Nên khoảng 80% đầu tư của TQ vào các mỏ ở nước ngoài đều thất bại.

Ba và sau cùng, Mỹ là đất lành cho người Việt nhập cư và quốc gia để người ngoại quốc vào đầu tư an toàn và lợi lộc bền vững nhứt. Tiêu biểu như 39 năm người Việt của VNCH ở Miền Nam đến Mỹ định cư trong cuộc hành trình đầy gian khổ, chết chóc nhưng cuộc định cư đầy thành đạt làm vẻ vang dân Việt. Một dân tộc VN yêu tự do, dân chủ, xây dựng nhân quyền đã rõ rệt trưởng thành trong lòng văn minh Tây Phương, trải dài từ Tây Âu, sang Bắc Mỹ, xuống Úc Châu. Một VN Hải Ngoại (Việt Nam D’Outre Mer) đã thành hình, như một nước Pháp Hải Ngoại (France d’ Outre- Mer) trong thời Đức Quốc Xã tạm chiếm nước Pháp, đã đấu tranh đem lại tự do, dân chủ cho nước nhà. Mà Mỹ là trung tâm điểm vì có gần hai triệu người, hơn phân nửa số người tỵ nạn CS trên thế giới. Tại Mỹ là trung tâm chuyển ánh sáng tự do, dân chủ, nhân quyển về VN, có Little Saigon người Việt hải ngoại thân thương gọi là thủ đô tinh thần của người Việt tỵ nạn CS. Little Saigon là nơi phát khởi phong trào Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ của VNCH được hàng chục tiểu bang, hàng trăm quận hạt, thành phố của hơn phân nửa dân số Mỹ thừa nhận là biểu tượng của người Việt Nam tự do.

Về chánh trị, thế quốc tế của VN Hải Ngoại mạnh hơn của chế độ CS Hà nội vì CS Hà Nội chiếm được lãnh thổ, cướp được chánh quyền, mà không lãnh đạo được nhân dân, không thống nhứt được non sông mà đoàn kết được dân tộc. Quốc Hội Liên Âu, Mỹ, Úc, trái tim của nhân dân và chánh quyền tiến bộ các nước tự do, dân chủ trên thế giới đứng về phía chánh nghĩa đấu tranh cho tự do, dân chủ của người Việt Hải Ngoại, trong thời đại kinh tế toàn cầu và dân chủ hóa hoàn vũ được văn minh Tin Học yểm trợ. Người Việt tại nhiều nước trên thế giới, nhứt là tại Mỹ đã đi vào dòng chánh chánh trị, chánh quyền, quân đội. khoa học kỹ thuật, thể dục thể thao, nghệ thuật thứ bảy, truyền thông của Tây Phương.

Về kinh tế, VN hải ngoại, người Việt đã vượt qua thời kỳ chân ướt chân ráo nơi quê hương mới, một cách thần kỳ. Tự do, dân chủ rõ rệt là điều kiện tiên quyết của phát triển kinh tế. Mỗi năm người Việt Hải Ngoại chỉ gởi cho không để giúp bà con cô bác, bạn bè – chơi chơi thôi – con số đã trên mấy tỷ Đô la. Theo thông lệ số tiền gởi cho của những người định cư ở Mỹ như dân Hispanics, Phi luật Tân, Trung Đông, số tiền cho chỉ chiếm dưới 5%, số tiền kiếm được. Lợi tức đồng niên hải ngoại tính trên đầu người nhiều hơn cả trăm lần trong nước. Theo Ngân Hàng Thế giới trung bình một người Việt trong nước chưa đến 450 Đô/năm

Về văn hóa xã hội, tại Mỹ cũng như tại Tây Âu, Úc Châu, tuy chưa có số thống kê khoa học, con số ước lượng người Việt Hải Ngoại tốt nghiệp đại học 4 năm trên 25% dân số hải ngoại. Nói gọn cứ 4 người Việt Hải Ngoại thì có 1 người tốt nghiệp đại học 4 năm tại các trường đại học trình độ giảng huấn văn hóa, khoa học, kỹ thuật tân tiến nhứt hoàn cầu. “Chất xám” của người Việt Hải Ngoại là cái CS Hà nội thèm muốn nhứt, nhưng dù khan cổ gọi mời, trí thức VN Hải Ngoại đi VN thăm quê hương, thăm người thân thì có, ở lại với CS thì không.

Tiếng Việt hải ngoại đã tiến triễn theo đà tiến hóa của ngôn ngữ, tiếp nối dòng ngôn ngữ Việt của người Việt Quốc Gia trong bao thời kỳ độc lập VN, Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, Đệ nhứt, Đệ Nhị Cộng Hòa, và vẫn trường tồn và phát triển sau 3 lần Bắc Thuộc, 1 lần Pháp Thuộc, và CS đọa đày. Những “từ CS” như “hồ hỡi, phấn khởi, sô vanh, ưu việt, đồng tình”, thành tử ngữ (langue morte). Ở hải ngoại người Việt còn phát huy thêm những chữ nghĩa liên quan đến chánh trị tự do, dân chủ và khoa học kỹ thuật là những chữ VN còn thiếu vì hoàn cảnh lịch sử và chiến tranh của nước nhà trước năm 1975. Báo chí, truyền thông sách vở hải ngoại phát triễn ngoài sức tưởng tượng. Điều đó cho thấy quyền lực mềm của tự do, dân chủ đã làm gió đổi chiều đưa đẩy CS vào thời kỳ mạt vận./.(Vi Anh)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay