Tập Cận Bình: Hoàng Đế đỏ… cuối cùng???
Ls Nguyễn Văn Thân
10-4-2016
Trong tháng 3 vừa qua, một lá thư ngỏ được ký tên bởi “các đảng viên trung thành với Đảng Cộng Sản Trung Quốc” được phổ biến trên mạng kêu gọi ông Tập Cận Bình từ chức tất cả mọi nhiệm vụ vì quyền lợi quốc gia và cũng vì sự an toàn tính mạng của ông và gia đình ông. Bức thư nêu rõ chính vì ông Tập thu tóm quyền lực phản lại truyền thống lãnh đạo tập thể của Đảng nên Trung Quốc phải đối phó với nhiều cuộc khủng hoảng chưa từng thấy về mặt kinh tế, văn hóa và chính trị. Về mặt kinh tế, ông Tập bị cáo buộc là đã lấn át quyền hành của Thủ Tướng Lý Khắc Cường mà theo truyền thống của Đảng có toàn quyền điều hành kinh tế quốc gia. Dưới sự chỉ đạo của ông Tập, hàng trăm ngàn người dân lương thiện đã mất hết tài sản vì theo lời kêu gọi của nhà nước đầu tư vào thị trường chứng khoán. Cải cách sản xuất dẫn đến nạn thất nghiệp trầm trọng. Chính sách “Một Vành Đai, Một Con Đường” tiêu phí dự trữ ngoại tệ một cách khủng khiếp mà không mang lại lợi ích nào cả. Sự phá giá tiền tệ quá mức làm cho doanh nghiệp mất hết niềm tin đưa nền kinh tế quốc gia đang đến bờ suy sụp.
Tuy chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi” có một ít hiệu quả nhưng tạo ra sự tê liệt trong hàng ngũ cán bộ vì ai cũng sợ hãi là sẽ tới phiên họ. Về mặt văn học, sự ủng hộ ra mặt của ông Tập đối với một hai blogger bài ngoại như Chu Tiểu Bình (Zhou Xiaoping) và Hoa Quân Phương (Hua Qianfang) thường hay ca ngợi Đảng Cộng sản và chỉ trích Hoa kỳ cùng với thế giới tự do làm cho nhiều nhà văn chân chính bất mãn. Ông Tập cũng bị cáo buộc là đặt áp lực với giới truyền thông không được nói lên nguyện vọng chính đáng của người dân. Ông đề cử em vợ là Bành Lệ Quân làm giám đốc Lễ Hội Trung Thu CCTV biến Lễ Hội văn hóa này thành công cụ tuyên truyền đánh bóng cá nhân (cũng có tin đồn đây là một trường hợp trùng tên chớ không phải em của bà Bành Lệ Viện). Ông đang mở cửa cho nạn sùng bái cá nhân làm cho nạn nhân của cuộc Cách Mạng Văn Hoá không khỏi lo âu là đất nước sẽ phải trải qua một thảm họa tương tự trong thập niên tới.
Đặc biệt là về mặt ngoại giao, bức thư cáo buộc ông Tập đã từ bỏ chiến lược “giấu mình, chờ thời” của Đặng Tiểu Bình không chỉ đặt Trung Quốc vào thế bất lợi trên trường quốc tế mà còn tạo điều kiện cho Bằc Hàn thử nghiệm vũ khí nguyên tử thành công trở thành mối đe dọa nghiêm trọng với an ninh quốc gia và cho Mỹ có cớ để trở lại châu Á thành lập liên minh với Nam Hàn, Nhật, Phi Luật tân và Hiệp Hội Đông Nam Á chống lại Trung Quốc. Đối với Hong Kong, Macao và Đài Loan, ông đi ngược lại chính sách “một quốc gia, hai hệ thống” của Đặng Tiểu Bình đã tạo điều kiện cho Đảng Dân Tiến thắng cử tại Đài Loan và dấy lên tinh thần độc lập tại Hong Kong. Đặc biệt là tại Hong Kong, các hình thức bắt bớ bất thường những nhà bán sách tại Hong Kong đưa về Trung Quốc đã phản lại quốc sách “một quốc gia, hai hệ thống” làm cho nhiều nhân tài, trí thức bất mãn và lo sợ. Do đó, những người ký tên trong bức thư cho rằng ông Tập không có khả năng lãnh đạo và nên từ chức Tổng Bí Thư và mọi chức vụ lãnh đạo khác ngay lập tức.
Tập Cận Bình sinh ngày 1/6/1953 tại Bắc Kinh trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha ông, Tập Trọng Huân là cựu Phó Thủ Tướng Trung Quốc. Mẹ của ông là bà Tề Tâm, vợ thứ hai của Tập Trọng Huân. Ông Tập có hai người chị là Tập Kiều Kiều và Tập An An cùng với một người em trai là Tập Viễn Bình. Ông Huân bị giam tù trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa vào năm 1968 và cũng trong giai đoạn này một người chị của ông Tập cũng như hơn 30 triệu người dân Trung Quốc mất mạng trong cảnh hỗn loạn do Hồng Vệ Binh của Mao gây ra. Tập Cận Bình gia nhập Đảng Cộng sản vào năm 1974 và ông tự hào là một trong những thái tử Đảng hiếm hoi chịu khó gầy dựng sự nghiệp từ vùng nông thôn ở Chính Định, Hà Bắc. Ông mau chóng thăng tiến qua nhiều chức vụ lãnh đạo và trở thành Tỉnh trưởng Phúc Kiến từ năm 1999 – 2002 và Bí Thư Chiết Giang từ 2002 – 2007. Tháng 10 năm 2007, ông được chọn làm ủy Viên Thường Vụ Bộ Chính Trị và Bí Thư Ban Bí Thư Trung Ương. Năm 2008, ông trở thành Phó Chủ Tịch nước và được chỉ định thừa kế Hồ Cẩm Đào. Ngày 14/3/2013, Tập Cận Bình được bầu làm Chủ tịch nước và Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương chính thức trở thành người có nhiều quyền lực nhất của một quốc gia có dân số lớn nhất thế giới với 1.3 tỷ người.
Về gia thế, ông Tập kết hôn lần đầu vào năm 1979 với bà Kha Linh Linh (Ke Lingling) là con gái út của Kha Hứa cựu Đại Sứ Trung Quốc ở Anh Quốc. Họ ly dị năm 1982. Sau khi ly hôn, bà Kha di dân sang Anh sinh sống. Năm 1987, ông Tập tái hôn với Bành Lệ Viện, một ca sĩ dân gian nổi tiếng hiện đang giữ chức Viện Trưởng Viện Nghệ Thuật quân đội mang phong hàm Thiếu Tướng của lực lượng văn công Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Hoa. Hai người có một đứa con gái là Tập Minh Trạch từng du học và tốt nghiệp Đại Học Harvard vào năm 2014.
Sau thời kỳ chuyên quyền, độc đoán cai trị theo kiểu Hoàng Đế của Mao Trạch Đông dẫn đến hậu quả thảm hại của cuộc Cách Mạng Văn Hóa giết chết hơn 30 triệu người dân Trung Quốc, Đảng Cộng Sản Trung Quốc tìm cách áp dụng cơ chế lãnh đạo tập thể và ngăn cản mọi nỗ lực vực dậy tệ nạn sùng bái cá nhân qua các thời đại từ Đặng Tiểu Bình đến Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Tập Cận Bình đã đảo lộn hình thức cai trị này. Năm 2013, Tập lập ra Ủy Ban An Ninh Quốc gia do chính ông chủ trì cùng với hai đồ đệ thân tín là Lệ Chiến Thư (Li Zhangshu) Chánh Văn Phòng Trung Ương và Thái Kỳ (Cai Qi) cựu Thị Trưởng Hàng Châu. Cả hai người này đều không có kinh nghiệm ngoại giao đáng kể cho một Ủy Ban quan trọng như vậy. Ngoài ra, Tập cũng lập ra một vài nhóm nhỏ tư vấn trực tiếp cho ông mà không thông qua các cơ chế của Đảng trong tiến trình phát triển quốc sách. Vì thế, nhiều viên chức cao cấp không biết được chính sách được xây dựng thế nào.
Về mặt ngoại giao, Tập đã giảm thiểu ảnh hưởng của Quốc Vụ Viện và Bộ Ngoại Giao cũng như quân đội trong các quyết định quan trọng. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, Tập đã thu tóm quyền lực dựa trên chiến dịch đánh tham nhũng để cứu Đảng. Tập sử dụng cánh tay phải là Vương Kỳ Sơn, một trong 7 Ủy Viên Ban Thường Vụ để trấn áp mọi tiếng nói đối lập. Sự kiện Chu Vĩnh Khang nguyên Bộ Trưởng Công An và Cựu Ủy Viên Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị bị bắt và tuyên án tù chung thân có nghĩa là không có ai có thể tránh khỏi chiến dịch chống tham nhũng. Chẳng những thế, Tập cũng nhắm tới và răn đe thành phần trong quân đội với việc càn quét các tướng tham nhũng gồm có Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng.
Tập Cận Bình cho rằng với dòng máu “đỏ” trong mình, ông có thiên mệnh giải cứu và bảo đảm sự trường tồn của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Ông không tin tưởng vào lòng trung thành với Đảng của những người có khả năng và trình độ học vấn cao leo lên tới bộ máy cầm quyền nhưng không xuất thân từ gia đình cách mạng hoặc có cha mẹ đã đổ máu cho cách mạng. Tập cho rằng hai mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn tại của Đảng là tham nhũng và chủ nghĩa tự do. Ông khinh bỉ khối quan chức tham nhũng, trụy lạc và nghi ngại các giá trị tự do của phương Tây sẽ làm Đảng Cộng Sản Trung Quốc sụp đổ như ở Liên Xô. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, Tập đã bắt giữ hơn 200,000 đảng viên trong chiến dịch chống tham nhũng và hàng ngàn luật sư cùng với các nhà tranh đấu cho nhân quyền và đại diện các tổ chức xã hội dân sự.
Rõ ràng Tập đang là một nhà lãnh đạo có nhiều quyền lực nhất so với các lãnh tụ trước đây trừ Mao Trạch Đông. Nhưng Tập cũng đang ở trong tình thế hiểm nguy nhất. Kinh tế Trung Quốc sau 3 thập niên tăng trưởng với tỷ lệ hơn 10% một năm đang trên đà đi xuống buộc chế độ phải hạ giảm mục tiêu tăng trưởng xuống còn 6.5%. Các con số thống kê chính thức do nhà nước đưa ra đều không đáng tin cậy và có nhiều chuyên gia nhận xét tỷ lệ tăng trưởng thật sự chỉ khoảng 3% – 4%. Nếu vậy thì kinh tế Trung Quốc khó thoát khỏi một cảnh hạ cánh cứng. Tỷ lệ nợ xấu trong đó một phần lớn là của doanh nghiệp nhà nước lên tới 280% GDP theo ước lượng của McKinsey & Company, đe dọa toàn bộ hệ thống ngân hàng và tài chánh. Thị trường chứng khoáng đã mất hàng tỷ Mỹ kim. Trong năm 2015, số vốn chạy khỏi Trung Quốc lên tới 1,000 tỷ. Hàng năm có 8 triệu cử nhân tốt nghiệp đại học vất vả tìm việc làm. Kế hoạch di chuyển 100 triệu dân từ nông thôn vào thành thị trước năm 2020 trong lúc kinh tế và việc làm ngày càng khó khăn sẽ là một thách thức rất lớn với Tập. Vì Tập trực tiếp nắm quyền điều hành tất cả mọi việc nên chính bản thân ông phải gánh trách nhiệm với mọi hậu quả.
Cựu Thủ Tướng Ôn Gia Bảo trước đây đã từng phát biểu là kinh tế Trung Quốc cần tăng ít nhất 8% mỗi năm để giữ trật tự và ổn định xã hội. Trong 3 năm cầm quyền của Tập, kinh tế tăng trưởng thấp nhất so với những năm trước đây và ông sẽ không muốn người ta nhắc tới thành tích này. Trong quá khứ, khủng hoảng kinh tế thường dẫn đến tình trạng bất ổn trong xã hội gồm có giai đoạn 1986 và 1989, lôi xuống theo hai Tổng Bí Thư là Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương. Trong thời gian tới, bất cứ sự thất bại nào dù lớn hay nhỏ cũng sẽ là vũ khí cho các đối thủ của Tập đang chờ trong bóng tối trong tư thế sẵn sàng phản đòn. Có lẽ vì vậy mà Tập đã phản ứng mạnh mẽ như thể bức thư ngỏ đánh chạm đúng vào huyệt. Đã có hơn 20 người bị bắt gồm có thân nhân của một vài nhà báo và nhà văn Trung Quốc đang sinh sống ở nước ngoài trong cuộc truy lùng tìm tác giả của lá thư ngỏ.
Lý tưởng xây dựng một Đảng Cộng sản độc tài và độc quyền nhưng liêm chính của Tập thật ra chỉ có thể được đánh giá là mong muội và hoang đường. Cán bộ mà không tham nhũng thì làm sao có đủ tiền để sống và nuôi gia đình. Chính anh rể của Tập là Đặng Gia Quý (chồng của Tập Kiều Kiều) cũng như thân nhân của một số ủy viên và cựu ủy viên Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc có tên trong “hồ sơ Panama” sử dụng công ty ma để rửa tiền.
Từ khi Đặng Tiểu Bình tử bỏ lý thuyết cộng sản và tiến hành cải cách kinh tế thị trường, tính chính danh của Đảng Cộng Sản dựa trên hai yếu tố là kinh tế phát triển và chủ nghĩa dân tộc. Yếu tố thứ nhất có lẽ sẽ không giúp Tập. Vì vậy, ngày càng có nhiều nguy cơ là Tập sẽ lợi dụng chủ nghĩa dân tộc đẩy mạnh tham vọng chiếm Biển Đông để đánh lạc hướng quần chúng và giữ vững ngai vàng dựng trên huyết thống đỏ. Cũng trong tháng 3 khi Luỡng Hội Trung Quốc nhóm họp, Tân Hoa Xã, một tờ báo hàng đầu của Đảng đã phạm lỗi chính tả khi đăng ông Tập Cận Bình là lãnh tụ “tối hậu” thay vì “tối cao”. Không biết đây có phải là thiên ý hoặc có liên quan gì tới bức thư ngỏ hay không?
Tần Thủy Hoàng có thể đốt sách và chôn sống sử gia nhưng trong thời đại internet hiện nay, Tập Cận Bình cũng như các lãnh tụ trong chế độ cộng sản và độc tài khác chỉ có thể dựng tường lửa ngăn cản người dân tiếp cận với sự thật nhưng không thể nào bịt miệng được hết cả thiên hạ.