Tài khoản Facebook ở Việt Nam dễ bị đánh cắp
LONDON 8-7 (NV) – Tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Facebook tại Việt Nam không an toàn vì có nhiều người kêu ca bị đánh cắp mật khẩu và trang cá nhân.
Một người ở Hà Nội chỉ vào hình “Lưỡi bò” bị cắt trên một trang cá nhân Facebook khi có các căng thẳng chủ quyền Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images) |
Theo một bản tường trình của tổ chức tư nhân tư vấn bảo mật SecDev tại Canada được đài BBC tường thuật lại thì “Vấn nạn đánh cắp tài khoản Facebook tại Việt Nam đang lan tràn như một ‘đại dịch.’
Tường trình công bố ngày 6/7/2015 của SecDev cho biết trong 15 người dùng Facebook tại Việt Nam được SecDev liên lạc thì có một người từng bị đánh cắp tài khoản và 6 người khác quen biết một ai đó từng mất tài khoản.
Trên Facebook mấy ngày gần đây, người ta thấy có những người đấu tranh dân chủ tại Việt Nam khuyến cáo đừng vào trang cá nhân của người đó nữa vì mật khẩu đã bị đánh cắp. BBC thuật lại từ tường trình SecDev nói rằng, số lượng bình luận có từ khóa liên quan đến “hacking” trên trang cộng đồng của Facebook tiếng Việt cũng tăng thường xuyên trong 3 năm trở lại đây.
Một trong các phương thức được tin tặc sử dụng phổ biến nhất tại Việt Nam, theo tường trình vừa kể, là tạo đường link giả mạo để yêu cầu người dùng đăng nhập lại tên và mật mã. Một phương thức cũng phổ biến không kém là giả mạo danh tính để kết bạn với bạn bè trên Facebook của nạn nhân và yêu cầu giúp đỡ.
Một cách phức tạp hơn là dùng mã độc để ghi lại thông tin được nhập trên bàn phím của điện thoại lẫn máy tính của nạn nhân và từ đó ghi lại địa chỉ email, tên đăng nhập, mật mã.
Theo SecDev, số lượng lớn các tài khoản bị đánh cắp không phải do tin tặc có trình độ cao, mà là do thói quen cá nhân lẫn các yếu tố văn hóa của người dùng Facebook tại Việt Nam.
“Sự chủ quan và thói quen vay mượn phi chính thức của giới trẻ tại Việt Nam đã tạo nên một môi trường hoạt động lý tưởng cho tin tặc,” Bản tường trình viết, được BBC kể lại. Để dập tắt vấn nạn tin tặc, giới trẻ Việt Nam “cần nhanh chóng đề cao cảnh giác cũng như tăng cường các biện pháp an ninh mạng”.
Hiện nay, có khoảng hơn 31 triệu người Việt Nam sử dụng mạng xã hội Facebook để trao đổi thông tin, tăng 50% so với năm 2014 khi điện thoại thông minh càng ngày càng phổ biến khắp nơi trên cả nước. Người ta không cần đến máy điện toán để lên internet vì điện thoại thông minh cũng có luôn tính năng này.
Văn thư của Bộ Công An CSVN yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam ngăn chặn mạng xã hội Facebook. (Hình: Internet) |
Theo SevDev, 95% người có tài khoản Facebook tại Việt Nam ở độ tuổi 15-24 tuổi. Tổ chức này dẫn một báo cáo nói Việt Nam bị nhiều đợt tấn công mạng “từ những nhóm tin tặc được chính quyền hậu thuẫn và các nhóm dân tộc chủ nghĩa” hơn bất cứ nước nào khác trên thế giới trong năm 2014.
“Phần lớn các cuộc tấn công có liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên biển ở với Trung Quốc,” SevDev viết.
Khi thấy các thông tin “lề trái” xuất hiện tràn làn trên Facebook, ngay từ năm 2009, bộ Công an CSVN đã gửi văn thư đến 10 công ty cung cấp dịch vụ internet tại Việt Nam đòi hỏi họ “áp dụng các biện pháp kỹ thuật chặn triệt để đối với 8 trang mạng” trong đó có Facebook.
Hành động của chế độ Hà Nội cho thấy họ cố gắng đối phó với các thứ thông tin “ngoài luồng” vì chúng chứng tỏ nhà cầm quyền hoặc che đậy sự thật, hoặc dối trá bịp bợm người dân.
Vì sự ngăn chặn không có tác dụng nên trong một phiên họp chính phủ hồi giữa Tháng Giêng vừa qua, chính ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhìn nhận sự thất bại khi khả năng của công an mạng và đám “dư luận viên” vừa có giới hạn, vừa không ai sợ, không ai tin.
Cái mà chế độ Hà Nội, qua chỉ thị của ông Nguyễn Tấn Dùng, có thể làm được là phải cố gắng đưa tin “kịp thời để định hướng” dư luận, nhờ vậy mà “người dân có lòng tin”, bởi vì các mạng xã hội là “nhu cầu thiết yếu, không thể ngăn cấm”.
Ngày 15/7/2013, nhà cầm quyền CSVN đưa ra nghị định 72 cấm người sử dụng internet ở Việt Nam phổ biến lại các thông tin từ các nguồn khác. Mục đính chính của nghị định này là ngăn chặn phát tán các thứ thông tin có hại cho chế độ Hà Nội.
Từ đó đến nay, các mạng xã hội trên internet, gồm cả Facebook, vẫn được các người tại Việt Nam trao đổi, dẫn lại các thông tin từ bất cứ nguồn này trên thế giới gây được chú ý của người đọc.
Để đối phó với các trường hợp đánh cắp mật khẩu hoặc bị “kẻ gian” chiếm đoạt tài khoản cá nhân, một tổ chức có tên makeuseof.com (http://www.makeuseof.com/tag/check-accessing-facebook-account/ đề nghị 16 bước kiểm chứng để xem tài khoản (account) của mình có bị kẻ gian xâm nhập hay không, đồng thời lấy lại quyền kiểm soát của mình. (TN)