Tự tử
BS. Hồ Ngọc Minh
LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com
Hôm lễ Giáng Sinh và Tết Tây, con trai út, đi học đại học ở xa về thăm nhà nhân dịp lễ, đi ăn tối với ba mẹ. Đang ăn, thì có tin nhắn text message qua điện thoại. Cháu liếc nhìn màn hình điện thoại, thoáng ưu tư. Tôi chợt nghĩ, thời buổi “kỹ thuật số”, tạo ra những áp lực không cần thiết cho con người, nhất là cho giới trẻ, thanh niên. Không đợi chúng tôi hỏi, cháu buông điện thoại xuống bàn, vò đầu: “Bạn con, ở trường đại học. Nó mới tự tử.”
Tự tử là nguyên nhân đứng hàng thứ 3 gây ra tử vong cho lứa tuổi từ 15 đến 24. Riêng tại nước Mỹ, mỗi năm có khoảng 750 ngàn người muốn và đã trải nghiệm với việc tự tử, trong số đó có khoảng 30 ngàn thực sự chết vì tự kết liễu đời mình. Người tự tử thuộc mọi lứa tuổi và giai cấp xã hội: bần cùng cũng có, triệu phú cũng có, tài tử nổi danh cũng có, lính tráng phục viên cũng có… Không nhất thiết là người lớn tuổi, hay người bị bệnh tật kinh niên, số người trẻ, khoẻ mạnh, tự tử ngày càng nhiều, sớm nhất chỉ dưới 10 tuổi, tuổi “teen” và “tween” (mười mấy tuổi đến độ tuổi 20) cũng nhiều, ngay cả cựu chiến binh chết vì tự tử nhiều hơn là chết trên trận mạc.
Tại sao người ta muốn kết liễu đời mình?
Hầu hết những người muốn tự tử bị trầm cảm, phiền muộn mà hệ quả là những đau đớn, dằn vặt của nội tâm mà họ không thể kham nỗi. Một phần của cội nguồn sự phiền muộn lại là những áp lực do cuộc sống bên ngoài đưa đến. Những người tự tử không phải vì họ yếu đuối hay hèn nhát, nhưng chỉ vì họ không giải quyết được những bức xúc, những giằng co trong tâm thần.
Thật ra không ít người trong chúng ta, một thoáng nào đó trong cuộc đời, cũng đã từng nghĩ đến chuyện tự kết liễu đời mình, nhưng không nhất thiết là tất cả những suy tư nầy biến thành hành động. Chuyện nghĩ đến tự tử không phải là bất bình thường nhưng nếu ý định đó ám ảnh và giằng xé tâm tư thì bạn có vấn đề và cần sự giúp đỡ.
Những dấu hiệu của người muốn tự tử
Hầu hết những người muốn tự tử thường có những dấu hiệu báo trước mà người thân cần để ý mà giúp đỡ họ. Thí dụ, họ sẽ nói, sẽ viết, trên mạng lưới xã hội chẳng hạn về ý định muốn tự tử, hoặc có thể họ tìm kiếm nghiên cứu trên internet về các phương cách để tự kết liễu đời mình. Họ có thể than phiền những câu như, đời là vô nghĩa, đời không đáng sống v.v… Cuối cùng, những người nầy, đương không tự nhiên lại có thái độ rất bình tĩnh, thu xếp công việc rất ngăn nắp cho một chuyến đi xa.
Ngoài việc nói là họ muốn tự tử, những người nầy thường có dấu hiệu đè nặng của chứng phiền muộn trầm cảm như biếng ăn, biếng ngủ, biếng chơi…
Đừng nên khinh thường và bỏ qua khi một người nào nói, tâm sự với bạn là họ muốn tự tử, và cũng đừng thách thức họ là, nói mà không dám làm. Theo thống kê, đa số, người nói muốn tự tử là họ sẽ làm thiệt, không sớm thì muộn. Một số người tự tử có khi chỉ muốn đưa một thông điệp nào đó, nhưng khi hối thì quá trễ, không rút lại kịp. Vi thế biết sớm bạn có thể cứu họ ra khỏi tình huống tuyệt vọng.
Nếu bạn phát hiện, hay một người thân tự thú với bạn là họ có ý định tự tử, bạn nên lắng nghe họ. Đừng cãi cọ, thách thức, hay “lên lớp” giảng bài với họ, mà hãy từ tốn “tâm sự” là bạn hiểu niềm tuyệt vọng của họ và sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì để giúp họ ngoài chuyện… trợ tử. Nếu họ yêu cầu giữ bí mật, thì dĩ nhiên, là không. Bạn cần thông báo với những người khác, với bác sĩ, và nếu cần phải ngay gọi các số như 1-800-SUICIDE (784-2433), hay 9-1-1.
Trong trường hợp chính bạn là người muốn tự tử, bài biết này không nhằm mục đích khuyến khích bạn làm chuyện đó. Hy vọng bạn sẽ hiểu là thúc đẩy muốn kết liễu đời mình là chuyện có thể xảy ra mà bạn không thể cưỡng chế được. Tuy nhiên, nếu bạn nói ra những u uẩn trong lòng, sẽ có người giúp đỡ bạn. Bạn có thể gọi số điện thoại 1-800-273-TALK (8255) nếu bạn thấy có thôi thúc muốn tự tử để có nhân viên y tế giúp đỡ.
“Cô ấy còn trẻ, không chịu nỗi áp lực của việc học”
Con trai tôi cho biết về cô sinh viên vừa treo cổ tự tử trong phòng trọ nội trú ở trường đại học. Cái hình ảnh của tài tử Robin Williams treo cổ lủng lẳng bằng chính sợi dây nịt của mình lại hiện về trong đầu óc của tôi. Gần đây cũng có vài người quen của chúng tôi đã quyết định giã từ bằng phương pháp nầy. Tôi thấy thương cho cô sinh viên trẻ, cho cha mẹ cô ấy. Nói riêng về giới trẻ, nhất là sinh viên học sinh, con số tự vẫn ngày càng tăng vì những áp lực xã hội đưa đến. Có khi chúng ta, bậc làm cha mẹ có thể xem thường hay không để ý đến những áp lực đó, vì cho rằng nó không có thực và có khi “vô duyên”, “vô căn cứ” so với những áp lực mà thế hệ trước đã từng trải nghiệm. Không nên nói với người trẻ những câu như, ngày xưa bố mẹ cực như thế này thế nọ, hay ông bà khổ thế đó thế kia. Mỗi một thế hệ có những áp lực, những khó khăn khác nhau, và đối với những người muốn từ bỏ cuộc sống, những áp lực nầy rất thật. Thí dụ trong trường hợp cô sinh viên nầy, áp lực phải học cho giỏi khi vào được trường đại học có danh tiếng. Cái áp lực nầy có thể không đến nỗi nặng nề cho thế hệ của cha mẹ cô ta.
Vì thế nên hiểu cho con cái và người thân, không nên tạo những áp lực không cần thiết cho chính mình và cho những người chung quanh, là cách giảm thiểu khả năng tai nạn tử vong vì tự tử, là một nguy cơ có thật và kinh hoàng hơn cả bệnh Ebola!