Sư Minh Tuệ – Ba’o Tieng Dan – Đỗ Duy Ngọc

Ba’o Tieng Dan

Đỗ Duy Ngọc

11-6-2024

Cho đến thời điểm này, sự kiện Sư Minh Tuệ không chỉ là hiện tượng tôn giáo mà còn là một hiện tượng xã hội và đã bắt đầu mang màu sắc chính trị. Đã có quá nhiều bài viết và ý kiến về việc hành đạo của Sư. Đồng tình ca ngợi có, phản đối, phỉ báng có. Nhưng không thể ngăn chận được sự quý trọng và tôn sùng của rất nhiều người. Người theo đạo Phật, người không tôn giáo kể cả những người theo các tôn giáo khác cũng tán thán và tôn thờ sự tu tập của Sư.

Trong bài viết ngắn này, không bàn đến phương pháp tu tập của Sư Minh Tuệ nữa mà chỉ nói thêm một chút về cách xử sự thông minh, bản lĩnh, trí tuệ, sự hoà nhã và tinh tế của Sư trước mọi tình huống trong quá trình hành đạo trên đường.

Trong những ngày đầu cách đây gần sáu năm, Sư chọn cách đi khất thực theo hạnh đầu đà. Những ngày đầu Sư vẫn còn mang áo vàng và xưng Thầy với mọi người. Nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó, Sư tiên liệu được rằng vì Giáo hội không cho phép tu sĩ đi khất thực nên tiếp tục như thế sẽ bị phản ứng và kết tội. Do đó Sư mang bộ y phấn tảo, ôm bình bát là nồi cơm điện và không nhận mình là tu sĩ, không trực thuộc Giáo hội, xưng với mọi người là con. Bỏ chữ Thích mà chỉ gọi là Minh Tuệ. Đó là một cách chọn lựa khôn ngoan. Thế nhưng khi Sư nổi tiếng, Giáo hội lại ban hành công văn thông báo Sư Minh Tuệ không phải là tu sĩ, không trực thuộc Giáo hội. Đó là một việc làm thừa thãi và lộ bản chất sân si của kẻ mang danh đại diện cho Giáo hội. Bởi ngay từ đầu, Sư Minh Tuệ có nhận mình là tu sĩ đâu? Sư xưng mình là con của mọi người, xem mọi người là cha mẹ, anh em. Sư bảo Sư vẫn còn đang tu tập nên chưa thể làm thầy ai cả. Do vậy Giáo hội đã bị việt vị bởi công văn này. Và qua đó cho thấy Sư Minh Tuệ đã nhìn thấy trước sự việc sẽ diễn ra.

Khi đi bộ hành trên đường, khi đến bất cứ chỗ nghỉ nào, Sư đều ngồi kiết già. Trên khoảnh đất, dưới gốc cây, trên mỏm đá cheo leo hay chỉ là một thềm nhà, Sư luôn ngồi kiết già. Ngồi được như thế phải trải qua một thời gian tu tập mới có được, đó là chưa kể hằng đêm Sư vẫn ngồi với tư thế ấy để ngủ ngồi. Kiểu ngồi đấy chứng minh Sư đã là người tu tập rất lâu năm cùng với sự kiên trì. Không có bản lĩnh sẽ không làm được thế.

Bước chân Sư thoăn thoắt trên đường dù mưa hay nắng với nụ cười đầy bao dung. Khi có quá nhiều người cạo đầu theo Sư, Sư tuyên bố Sư chưa đủ điều kiện nên không thu nhận đệ tử, ai muốn thì cứ gia nhập, theo không được thì về. Không đồng tình và cũng chẳng từ chối ai. Thế nhưng Sư vẫn giữ một khoảng cách để không bị kết tội là tụ tập, rủ rê, tổ chức mọi người. Khi đoàn đã quá đông, Sư luôn đi cuối cùng, tách biệt với đoàn một khoảng cách. Đó là một chọn lựa khôn ngoan dù Sư vẫn giúp đỡ mọi người trong đoàn lúc nghỉ ngơi, dạy cho mọi người may y, giải thích những yêu cầu của người tu theo hạnh đầu đà.

Nhiều người đi theo Sư cho biết Sư như có một hấp lực, một từ trường khiến khi cạnh Sư sẽ thấy tâm an lạc, thanh thản. Bởi Sư đã buông bỏ tất cả kể cả mạng sống của mình, do vậy lòng Sư an lạc và truyền được sự an nhiên đến được với người chung quanh. Giữa con đường thiên lý, Sư luôn nở nụ cười, nụ cười mang đến cho mọi người hạnh phúc. Đó chính là sức hấp dẫn của Sư.

Người ta đảnh lễ Sư, Sư bảo hãy đảnh lễ Phật, Pháp, Tăng chứ Sư đang tu học không dám nhận lễ. Để ý thấy rằng khi có người quỳ lạy, Sư đều ngoảnh mặt sang chỗ khác và không lạy hay vái trả. Hành động tế nhị đó cho thấy Sư không nhận sự vái lạy này. Theo dõi khi Sư bắt đầu nổi tiếng từ lúc đến Hà Tĩnh, có hai lần Sư vái lạy. Một lần Sư vái trả lễ khi một Sư cô đảnh lễ, đó là Sư vái trả một kẻ tu hành và một lần Sư và các đồng tu lạy một tượng Phật dưới trời mưa tầm tã ở Quảng Trị khi một đạo hữu vừa thỉnh một tượng Phật xin Sư Minh Tuệ chứng minh.

Khi đoàn bắt đầu đến Quảng Bình, người dân bắt đầu đi theo đoàn quá đông, Sư đã nhiều lần ôn tồn khuyên mọi người không nên tụ tập, nên về lo việc nhà. Kể cả khi Sư bị đám đông xô đẩy, đụng chạm, Sư vẫn không biểu lộ sự khó chịu hay phiền nhiễu mà chỉ nhỏ nhẹ với lời khuyên và lời chúc mọi người hạnh phúc. Như vậy Sư đã chẳng còn sân si, giận dữ nữa. Ngay khi ở Quảng Nam, Sư đã bị đánh gãy răng, toé máu, Sư vẫn bình thản mà chúc người ta hạnh phúc, bình an. Đấy cũng là một cách tu đấy.

Hai tay lãnh đạo xã ở Quảng Trị không cho phép đoàn của Sư nghỉ đêm ở nghĩa trang, Sư vẫn mỉm cười và chúc cho họ hạnh phúc, điềm tĩnh tiếp tục hành trình để tìm chổ nghỉ chân.

Khi chiều về, trong nghĩa trang hay bãi đất trống, Sư cũng luôn có một khoảng cách nhất định với những người đi theo đồng tu. Đó là cách để chứng minh Sư không chủ trương tụ tập, tổ chức, lập tăng đoàn để luật pháp không có lý do bắt bẻ.

Rất nhiều người chất vấn, trao đổi với Sư về kinh sách, tu tập. Sư luôn trả lời đơn giản, mộc mạc, dễ hiểu và ngắn gọn. Bởi sư không phải là người thuyết pháp mà Sư là người hành pháp. Hơn nữa nhiều người đặt câu hỏi theo kiểu hỏi đố để kiểm tra việc tu học của Sư. Sư biết điều đó nên không diễn giải dài dòng, Sư chỉ nói việc giữ giới, tu theo lời Phật đã dạy là đủ. Không đi sâu vào kinh sách, thuyết giảng giữa chộn rộn, ồn ào của hàng trăm con người cũng là lối xử sự khôn ngoan.

Lúc hàng trăm người chen chúc nhau cúng dường thức ăn, khi đoàn người đồng tu đã lên đến 70 người, việc trà trộn để mang lại nguy hiểm trong các thức ăn, nước uống có thể xảy ra. Sư chọn cách tự mỗi người hay nhóm nhỏ đến từng nhà bất kỳ để xin ăn, không nhận món ăn cúng giữa đường. Đó là cách hay nhất để tránh những hiểm nguy đầu độc có thể xảy đến.

Biết tin Thầy Minh Thiện qua đời vì sốc nhiệt, đột quỵ sau mấy ngày theo đoàn. Đôi mắt của Sư không còn vui, chất chứa niềm thương tiếc và kể từ hôm đó, trên vai của Sư Minh Tuệ xuất hiện một giải khăn tang trắng. Đó là sự tinh tế khiến người có chút suy nghĩ sẽ cảm thông. Hành động chia buồn và nối tiếc tuy lặng lẽ nhưng đầy cảm xúc.

Giờ đây trước những chộn rộn của truyền thông, của hàng trăm hàng ngàn người cứ theo Sư trên đường, Sư đành phải ẩn tu. Có lẽ đó là giải pháp tốt nhất trong thời điểm này. Mọi người đang lo cho sự an toàn của Sư, lo lắng cho sức khoẻ của Sư, đó là việc đương nhiên vì sức ảnh hưởng của Sư quá lớn. Đoàn của Sư giờ tan tác cả, mỗi người mỗi ngả. Lúc này mới rõ ai là người quyết tâm tu, người nào chỉ là kẻ lùa theo ngọn gió với mục đích riêng. Thầy Minh Tạng, Minh Trí, Chơn Trí, Như Ngộ và vài vị nữa không nhớ tên vẫn đang tiếp tục con đường tu học. Đó là những người đáng trân trọng. Xem đoạn Thầy Như Ngộ vẫn tiếp tục hành trình cô độc giữa đường với làn da rám nắng mới hiểu được quyết tâm của người trẻ tuổi này.

Cứ xem như Sư Minh Tuệ tạm yên một thời gian nhưng theo ý của Sư, Sư vẫn tiếp tục con đường đã chọn, nghĩa là Sư sẽ vẫn tiếp tục đi trên con đường của một người tu theo hạnh đầu đà. Không có gì có thể cản trở khát vọng của Sư. Mong mọi người đừng gán cho Sư là Phật sống, là Bồ Tát, là A La Hán rồi rồng rắn theo Sư như cũ nữa. Hãy để cho Sư yên tâm tu tập. Hãy xem Sư là bậc chân tu. Bậc chân tu đó như luồng ánh sáng soi rõ đám tà tăng, xàm tăng, ác tăng ở trong các chùa to, tượng lớn đang mê muội nhiều người. Ánh sáng của bậc chân tu Minh Tuệ cũng đã khiến nhiều người tỉnh thức, thay đổi tư duy, hiểu ra thế nào là chánh pháp, giác ngộ được thế nào là một cuộc sống an lạc và hạnh phúc. Nó không phải là tiền tài, danh vọng, cũng chẳng phải cứ cầu, cúng dường nhiều là được phước. Ánh sáng của Sư Minh Tuệ đã giúp người đời hiểu rõ hơn về Phật pháp. Đó là điều lớn nhất Sư Minh Tuệ đã mang đến cho đời.

Dưới đây là những hình ảnh theo tôi là đẹp nhất trong chuyến hành trình ngắn ngủi của Sư Minh Tuệ. Xin cảm ơn những người đã chụp những tấm ảnh này. Có lẽ tấm ảnh Sư Minh Tuệ và Thầy Minh Trạng đang song hành với nụ cười hoan lạc là tấm ảnh hay nhất.

Sư Minh Tuệ và Sư Minh Tạng (bên phải). Ảnh trên mạng


 

Được xem 12 lần, bởi 9 Bạn Đọc trong ngày hôm nay