Sự bình an của Chúa

Sự bình an của Chúa

 Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

Bình an dưới thế cho người thiện tâm.

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Bình an là gì?

Theo từ điển phổ thông

bình an, bình yên, không có chuyện gì

Từ điển trích dẫn

Không xảy ra hoạn nạn, không có gì nguy hiểm. Sầm Tham : “Mã thượng tương phùng vô chỉ bút, Bằng quân truyền ngữ báo bình an”  (Phùng nhập kinh sứ 使) Trên lưng ngựa gặp nhau không sẵn giấy bút, Nhờ anh chuyển lời báo tin được bình an vô sự.
2. Trong lòng bình tĩnh an định.
Lỗ Tấn : “Nhiên nhi ngã đích tâm ngận bình an: một hữu ái tăng, một hữu ai lạc, dã một hữu nhan sắc hòa thanh âm”  (Dã thảo , Hi vọng ) Nhưng mà trong lòng tôi rất bình tĩnh an định, chẳng có yêu ghét, chẳng có buồn vui, cũng chẳng có màu sắc và âm thanh gì cả.

  Bình an của Chúa

Cuối thánh lễ, cha chủ tế nói: Chúng ta chúc bình an cho nhau. Cho nên bình an của mỗi người vô cùng quan trọng. Tâm động, không bình an, lòng lo âu, xao xuyến, bực tức, thù ghét người khác, lòng sân hận, muốn trả thù… Tâm ta không bình an, làm cho ban đêm ta không ngủ được, dĩ nhiên sau một thời gian dài chừng vài tháng sẽ thấy hậu quả của thù ghét, bực tức, đau khổ ảnh hưởng đối với sức khỏe như thế nào?

Có câu chuyện kể như sau:

Một vị vua treo giải thưởng cho nghệ sĩ nào vẽ được bức tranh đẹp nhất về sự bình an. Nhiều họa sĩ đã cố công thể hiện tài năng của mình.

Nhà vua ngắm tất cả bức tranh nhưng chỉ thích có hai bức và ông phải chọn lấy một. Một bức tranh vẽ hồ nước êm ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng mịn màng. Tất cả những ai ngắm bức tranh này đều cho rằng đây là một bức tranh bình yên thật hoàn hảo.

Bức tranh kia cũng có những ngọn núi, nhưng những ngọn núi này trần trụi và lởm chởm đá. Ở bên trên là bầu trời giận dữ đổ mưa như trút kèm theo sấm chớp. Đổ xuống bên vách núi là dòng thác nổi bọt trắng xoá. Bức tranh này trông thật chẳng bình yên chút nào.

Nhưng khi nhà vua ngắm nhìn, ông thấy đằng sau dòng thác là một bụi cây nhỏ mọc lên từ một khe nứt của một tảng đá. Trong bụi cây một con chim mẹ đang xây tổ. Ở đó giữa dòng thác trút xuống một cách giận dữ, con chim mẹ đang bình thản đậu trên tổ của mình…Bình yên thật sự.

“Ta chấm bức tranh này! – Nhà vua công bố – Sự bình yên không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không khó khăn, không cực nhọc. Bình yên có nghĩa ngay chính khi đang ở trong phong ba bão táp ta vẫn cảm thấy sự yên tĩnh trong trái tim. Đó chính là ý nghĩa thật sự của sự bình an. (Sưu tầm)

          Khi tôi đi đến nhà của anh N. khách hàng để bán bảo hiểm nhân thọ, trình bày chương trình để dành tiền cho con, cháu nếu chẳng may mình qua đời. Cha của anh N. từ bên kia đường đi thẳng vào nhà giận dữ, la hét: “Không mua bán cái gì hết, mày đến để gạt con tao hả, tao kêu cảnh sát bắt mày bây giờ”.

Tôi đến để bán bảo hiểm, đem đến cho gia đình anh N. một sự an tâm nếu có mất đi có tiền trả tiền nợ nhà, tiền cho con cái đi học v.v…Tự nhiên bị mắng chửi, bị la lối, hăm dọa kêu “cảnh sát bắt”. Ngay lúc đó tôi không có bình an. Tôi tức giận, tôi dự định gây gỗ lại, nhưng nén cơn giận, leo lên xe, cố gắng bình tĩnh, thở sâu, hít dài hơi và thở ra vài lần như vậy rồi từ từ lái xe đi.

Làm sao có bình an khi bị hăm dọa, chửi rủa vô lý? Khó lắm, phải tập dần dần. Và cần cầu nguyện với Thiên Chúa toàn năng  “xin Chúa giúp cho con được bình an vì chắc là có lý do nào đó nên người ta mới chửi rủa, cự nự, la hét, hăm dọa con như vậy”.

Trong gia đình gây gỗ, cãi vả nhau là sự thường. Nhưng tránh được cãi vả gây gỗ, nặng lời với nhau thì tốt hơn.

Lý do cãi vả, gây gỗ thường là cho rằng cái tôi là đúng là quan trọng còn bạn đời, người thân, người khác đều sai lầm hết.

Không khoan dung, tâm lý thù hận, muốn trả thù, thoả mãn ích kỹ cá nhân thường làm cho con người đó cô đơn, không có ai là bạn thân cả. Chúa nói: “Hãy Yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em (Mt 5,44)”

Trước sự hăm dọa, chửi rủa của người khác nhất là sự chửi rủa, hăm dọa của người thân trong gia đình, của con cháu mới làm cho bậc cha mẹ khó quên.

Vậy làm sao quên, tha thứ để có bình an?

Chúng ta là môn đệ của Chúa, hãy học Chúa Giêsu “hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Vì Chúa chịu đóng đinh trên thập tự còn nói “hãy tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Thông thường, bản tính của loài người, chúng ta không tha thứ cho người khác được, nhưng nếu có ơn Chúa dần dần ta sẽ quên, tha thứ được.

Chẳng những quên, tha thứ mà còn cần yêu thương họ nữa vì chắc chắn trong đời sống tâm lý họ không bình thường cho nên họ mới có tâm lý trả thù “mày hại tao một, tao sẽ trả thù cho mầy đau khổ gấp trăm, gấp ngàn lần tao mới hả dạ”.

Chỉ có yêu thương mới thay đổi chính mình trước rồi mới thay đổi được người khác. Chỉ có yêu thương mới có bình an thực sự mà thôi vì “ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8)”

Phùng Văn Phụng

12/2018

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay