Sống trên đời cần có một tấm lòng

 Sống trên đời cần có một tấm lòng

Dongchuacuuthe.com

Không chỉ cần “một tấm lòng” nữa mà cần đến vạn tấm lòng để chia sẻ bớt nỗi khổ của người nghèo vùng hạn mặn. Để đời bớt mặn đi, lòng người bớt mặn với nhau hơn để yêu nhau hơn, để hiệp nhất với nhau hơn.

Năm 25 tuổi, trong một lần đi nghe nhạc ở một phòng trà. tôi đã nghe những ca từ này của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “…Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/ Để làm gì em biết không?/ Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…”.

Lúc đó, tôi thật sự ngạc nhiên, sao ông nhạc sĩ nãy viết kiểu gì trớt quớt quá vậy. Cần có một tấm lòng nhưng chẳng để làm gì cả, để gió cuốn đi khơi khơi cho dzui là sao?

Thời gian trôi qua, thỉnh thoảng ở đâu đó, trong vài dịp tình cờ tôi lại nghe được ai đó hát những ca từ này, và ý nghĩa của những ca từ đó lại làm cho tôi phải suy tới nghĩ lui.

Ba năm sau, trong lần tham gia cùng một nhóm công tác xã hội đến giúp đỡ đồng bào miền trung khắc phục hậu quả kinh khủng của một cơn siêu bão kèm theo một trận lụt lịch sử. Trong đêm quây quần bên một bếp lửa trong một căn chòi trống giữa đồng, một bạn nữ khuyết tật trong nhóm chợt cất tiếng hát giữa đêm vắng, trên nền nhạc của một cây guitar, cả nhóm đang ồn ào trò chuyện bỗng im bặt.

de gio cuon di

Mọi người ngồi sát lại bên nhau, những bàn tay nắm lấy nhau và cùng lắng nghe tiếng hát của bạn gái đó – cô gái bị mất một chân trong một tai nạn giao thông nhưng vẫn quyết tâm đi theo nhóm trong chuyến công tác dài ngày ở vùng rốn lũ.

Lắng nghe tiếng hát, lặng nhìn khuôn mặt của cô gái chập chờn qua ánh lửa, câu hỏi “cần có một tấm lòng… để gió cuốn đi” lại trở về trong óc của tôi.

Cần có một tấm lòng… để gió cuốn đi… Tôi chợt ngộ ra một điều quá hay mà cố nhạc sĩ họ Trịnh đã gửi gắm qua những ca từ đơn sơ mộc mạc nhưng đầy ý nghĩa nhân văn đó. Vâng, rất cần có một tấm lòng để gió cuốn đi đến ngàn nơi, để cảm nhận, để chia sẻ và để cùng đồng cảm với những nơi đang khó khăn.

* * *

han-man

Hạn mặn nghiêm trọng tại miền tây. Ảnh: VietNamNet

Nhóm chúng tôi vừa đến một tỉnh miền Tây, nơi đang phải chịu cảnh hạn hán, nhiễm mặn nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua. Buổi sáng thức giấc, vào nhà vệ sinh để đánh răng súc miệng, ai cũng nhăn mặt vì sao nước mặn thế. Mọi người đùa là ở đây được miễn phí nước muối súc miệng.

Đứa cháu từ Sài Gòn xuống, nhiệt tình nấu bò kho cho cả nhà ăn. Đến bữa, phải châm thêm nước sôi vào cho bớt mặn, dù châm thật nhiều nhưng không giải quyết được cái mặn. Hỏi ra thì cô bé đã lấy nguồn nước sẵn có để nấu bò kho. Nước vốn đã mặn, còn thêm muối vào thì làm sao nuốt cho nổi.

Sàn nhà lau xong, đi tới đi lui cái chân nó nhớt nhớt, rất trơn và có thể té bất cứ lúc nào. Đó là bởi nồng độ muối trong nước quá cao.

Có lẽ, những người đang sống ở nơi có nguồn nước sạch dồi dào sẽ chẳng bao giờ có cảm giác trân quý nguồn nước mà mình đang có. Thỉnh thoảng, nếu có bị cúp nước vài tiếng đồng hồ, thì cảm giác khó chịu cũng xuất hiện trong chốc lát rồi thôi, chẳng có gì phải bận tâm cho lắm.

Chỉ khi nào ở trong vùng hạn mặn đến tận cùng ta mới hiểu một giọt nước ngọt có giá trị đến mức nào.

cho-nuoc

Cụ bà ở Bến Tre cho bà con đến lấy nước miễn phí. Ảnh: FB Hoang Huong

Các hồ nước ngọt khô nẻ. Cánh đồng lúa chết khô. Người dân phải mua nước ngọt về để sinh hoạt với giá đắt cắt cổ, từ 100-180 nghìn đồng/m3.

Dù “ăn nên làm ra” nhưng chính những người bán nước ngọt cũng không thấy vui, bởi sự khốn khổ của đồng loại, bởi nguy cơ cạn kiệt nguồn nước hiển hiện trước mắt.

Đang trong cảnh sống như vậy, đẹp biết bao gia đình một cụ bà ở Bến Tre có giếng nước ngọt đã cho mọi người đến lấy miễn phí trong khi cách đó chỉ 50 mét là nơi đổi nước ngọt giá 5.000/20lít.

Có nhiều tấm lòng hảo tâm khác cũng đang hướng về với vùng nghèo miền Tây sông nước. Nhiều tổ chức, cá nhân đã chung tay chia sẻ với bà con vùng hạn, mặn những bình nước, dù ít ỏi nhưng vô cùng quý hóa.

Phải nói rằng không chỉ cần “một tấm lòng” mà cần đến vạn tấm lòng để chia sẻ bớt nỗi khổ của người nghèo vùng hạn mặn. Để đời bớt mặn đi, lòng người bớt mặn với nhau hơn để yêu nhau hơn, để hiệp nhất với nhau hơn.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay