Sự thành công, nhìn qua lăng kính đẹp.(1)
tác giả : Phùng văn Phụng
Ðọc bài “ Bản chất của thành công” mà em Hà Minh Ngọc , nữ sinh lớp 10, khối chuyên Trung Học Phổ thông Ðại Học Sư Phạm Hà Nội đã viết như sau:
“Thành công là khi bố và con trai có dũng khí bước vào bếp nấu những món ăn mẹ thích nhân ngày 8-3.
Thành công là hình ảnh một cậu bé dị tật ở chân… đã nuôi ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá. Sau bao nổ lực khổ luyện cậu thành cầu thủ dự bị trong một đội bóng nhỏ…
Thành công của cậu học trò nghèo thi đậu Ðại học với vị trí thủ khoa nhưng bên cạnh thành công đó, có thành công khác…là sự chiến thắng của một người cha, gần 20 năm trời đạp xích lô nuôi con ăn học…” v.v….
Sự thành công nào cũng đòi hỏi kiên nhẫn, cố gắng, chịu khó . Ngày còn học lớp 9 năm 1959 (gọi là lớp đệ tứ) tôi có làm bài luận văn với tựa đề là:” Sự thành công không là điều quan trọng, điều quan trọng là sự cố gắng”. Tiếng Pháp ghi là:(Le success n’est pas ce qui importe, ce qui importe c’est L’effort). Câu này hơn 40 năm vẫn còn ăn sâu vào trong trí não tôi để lúc nào cũng nhắc nhở tôi cần phải cố gắng là chính. Tôi đã viết câu này như là câu “ gối đầu giường” để tự nhắc nhở mình.
Tôi có đọc đâu đó trong báo, nói đến sự thành công là:
– Biết chính xác mình muốn gì, có kế hoạch, tin tưởng vào khả năng của mình để làm.
– Biết dùng thời gian cho đúng.
– Luôn bày tỏ sự quan tâm đến người khác. Rất cởi mở và khoan dung với mọi người.
– Luôn luôn có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, trong cộng đồng và cả trong thế giới mà họ đang sống.
– Họ có cái nhìn tươi sáng, lạc quan về cuộc sống.
Em Ngọc, học sinh lớp 10 này còn viết: “ Bạn muốn mình giàu có, muốn mình trở thành tỷ phú như Bill Gates? Vậy thì hãy gấp đồng tiền một cách cẩn thận rồi trao nó cho bà cụ ăn xin bên đường..” Em viết tiếp: “ bạn không chỉ giàu có về vật chất mà còn giàu có về tâm hồn.”
Trong bài nói chuyện ngày 6 tháng 8 năm 2000, trước 20 em học sinh tốt nghiệp trung học với danh dự là Thủ khoa và Á Khoa tại Houston, Hoa Kỳ, Kỹ sư Lê Duy Loan đã định nghĩa về thành công như sau: “ Trở thành người giỏi nhất trong bất cứ việc gì mình làm và cảm thấy hạnh phúc trong công việc mình làm”.
Lê Duy Loan học nhảy ba lớp 7,8 và 11, tốt nghiệp trung học lúc 16 tuổi đứng đầu lớp của 335 học sinh. Năm 1982 khi mới 19 tuổi đã làm nghề kỹ sư ở Texas Instrument (IT) có 18 bằng sáng chế và tốt nghiệp Cao Học Quản Trị Thương mại MBA. Bà là Phó Tổng Giám Ðốc Kỹ Thuật của IT( Năm 2000)
Bà nêu lên bốn yếu tố để đạt đến sự thành công là:
– Ước mơ, ước mơ lúc còn bé cũng như khi đã về già.
– Xác định mục đích của đời mình và sắp sẵn chương trình để thực hiện mục đích đó.
– Siêng năng làm việc, thành công gồm 10% cảm hứng và 90% mồ hôi.
– Làm việc cách khôn ngoan.
– Biết quan tâm đến người khác, giúp đỡ người khác.
Ông Nguyễn Hiến Lê trong lời tựa của cuốn sách “ 40 Gương Thành Công” nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin năm 2000, viết: “ Chỉ cần xác định một mục đích rồi cứ kiên nhẫn, kiên nhẫn, kiên nhẫn nhắm nó mà tiến tới”
Tất cả sự thành công mà Nguyễn Hiến Lê đã có ghi trong cuốn “40 gương thành công” đều là những mẫu gương kiên nhẫn.
Một học sinh lớp 10 đã nhìn thấy một khía cạnh khác của sự thành công là tình yêu thương, lòng nhân ái giữa người đồng loại.
Mẹ Têrêsa đã khám phá rằng ở nước Mỹ người ta rất giàu có về vật chất, không thiếu thốn thứ gì, ăn uống dư thừa, cuộc sống rất nhiều tiện nghi, nhưng họ thường rất nghèo về tình yêu thương nhất là của cha mẹ đối với con cái vì họ bỏ quá nhiều thì giờ để làm việc kiếm tiền, không còn thì giờ dành riêng cho con cái của họ nữa.
Vậy sự thành công tùy cái nhìn của mỗi người.
Chỉ số thông minh IQ (Intelligence) của mỗi người là quan trọng nhưng còn chỉ số xúc cảm EQ (Emotion) của con người còn quan trọng hơn nữa. Người còn biết xúc động trước nỗi đau khổ của người khác, biết yêu thương người khác, cảm thông với sự đau khổ của người đồng loại khi họ gặp khó khăn, đói khát, bịnh nan y như bị bịnh cùi, bịnh Aids, bị tật nguyền, thiếu chân, thiếu tay, bịnh cùi, bịnh đui mù, câm điếc hay khi họ gặp thiên tai, lụt lội, bảo tố. Tình yêu thương, lòng bác ái biết chia xẻ những của cải vật chất của mình có, biết an ủi về tinh thần bằng những lời thăm hỏi, cầu nguyện thì quí giá biết bao nhiêu.
Cho nên chỉ sợ rằng trong thế giới ngày nay, con người đã mất hết cảm xúc yêu thương, mất hết lòng nhân ái, không còn có tâm tư, tình cảm biết rung động trước nỗi khổ, trước nỗi đau của người khác như Nguyễn Trãi đã viết:
“ Thương người như thể thương thân”
Chỉ sợ rằng trong thời đại ngày nay nhiều người cho rằng:
“ Tiền là Tiên là Phật
là sức bật của tuổi trẻ …”
Người ta đặt nặng sự giàu có về vật chất lên trên giá trị tinh thần, trái tim con người đã trở thành chai đá, lòng họ dững dưng trước những thảm cảnh, đau thương của người đồng loại.
Cầu xin cho tôi và các bạn đều có trái tim biết xúc động và biết yêu thương vì Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4,8) (2)
Ngày 11 tháng 12 năm 2006
(1)Tựa bài này do anh Hồ Công Hưng đặt tên.
(2) Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu. (1Ga 4,8)