“We must obey God rather men” Act 5:2
Vâng Lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người .
God is the Source and the must be the Last of Goal of human beings.
Lời giới thiệu của Nguyễn HyVọng
Tôn giáo giúp con người sống xứng với nhân phẩm, vì con người không thuần tuý vật chất mà còn có linh hồn. Tôn giáo là niềm khao khát của linh hồn, vì thế con người không tôn giáo, không có sự bình an.
Bác sĩ Chang Shu-wen đã tìm hiểu Phật giáo cẩn thận và nhận thấy tôn giáo này có nhiều mâu thuẫn, viễn vông, dị đoan, mê tín, yếm thế, trốn đời dẫn đưa đất nước và dân tộc đến nghèo đói, lạc hậu… Trong khi đi tìm một Đạo Thật, Bác sĩ Chang She-wen đã khám phá tư tưởng chỉ đạo tốt nhất cho dân tộc, cho đất nước phát triển, văn minh, tiến bộ, và giúp mọi nguời, được sống ấm no, hạnh phúc. Đạo Thật và tư tuởng chỉ đạo tốt nhất đó chính là: Công Giáo.
Cuộc hành trình đi tìm Đạo Thật rât lý thú của Bác sĩ Chang Shu-wen, mà những ai hiểu giá trị cao quý của tôn giáo, không thể không đọc.
KHÁM PHÁ MỚI
Bác sĩ Chang Shu-wen sinh trưởng Vùng Bắc Trung Hoa, theo học ngành Y Khoa tại Bắc Kinh và Nam Kinh. Hiện tại, ông đang hành nghề y sĩ tại Taipei, Đài Loan.
Tôi là Chang Shu-wen, 62 tuổi sinh trưởng tại vùng thôn quê đẹp đẽ Fong-cheng Hsien, thành phố Antung, lục địa Trung Hoa.
Xuất thân từ một gia đình theo Khổng giáo, chúng tôi thừa hưởng một truyền thống lâu đời trong dòng họ, đó là thờ Trời, tôn kính tổ tiên và sùng bái Đức Khổng Phu Tử. Cha mẹ tôi không phải là những Phật tử, mặc dù ông bà vẫn ăn chay những ngày mồng một và ngày rằm mỗi tháng theo âm lịch. Qua cách sống như thế, suốt thời thơ ấu, tôi không có một liên hệ nào với Phật giáo.
Vào khoảng thời gian chấm dứt chương trình Trung học, tôi và các bạn cùng lớp tổ chức một buổi du ngoạn thăm các thắng cảnh vùng đồi núi Chie-shan. Vùng này có rất nhiều chùa chiền của các tôn giáo Phật giáo và Lão giáo. Ở một ngôi chùa Phật giáo nọ, chúng tôi đã lưu lại trong bốn ngày. Trong thời gian bốn ngày, tôi đã có dịp nhìn xem tận mắt cách trang trí, các lễ phục, các tượng ảnh và tham dự các buổi cầu nguyện của những Phật tử. Tôi đã tham dự những buổi cầu nguyện này một cách nghiêm trang chăm chú. Qua những giây phút này, so sánh với những đơn sơ của đạo giáo, trong tâm hồn tôi bỗng nhiên bộc phát một nhận thức sâu xa về sự xa hoa hào nhoáng của thế gian và vật chất thế tục. Một nỗi buồn xuất hiện xâm chiếm tâm hồn tôi.
Tôi đến gặp, nói chuyện với một nhà sư và tìm hiểu lý do tại sao các tu sĩ lại từ bỏ mọi sự thế gian và ngay cả gia đình để sống trong các nhà chùa như vậy. Tôi được trả lời rằng những người này đã tìm hiểu về Phật Pháp và sau đó bị lôi cuốn sống đời sống tu hành để thực tập các nhân đức với hy vọng sẽ đạt được một đời sống tâm linh giải thoát khỏi sự áp chế của nhục dục.
Trong thực tế có hai bậc tu hành:
* Bậc thứ nhất có tầm học cao hiểu rộng, giảng đạo cho các thiện nam tín nữ.
* Bậc thứ hai thấp hơn, dù sống trong nhà chùa nhưng vẫn còn liên hệ đến thế tục về phương diện vật chất, những người này lưu lại trong chùa vì hoàn cảnh nghèo khó, thiếu ăn thiếu mặc ngoài đời.
Lại cũng có những người tội phạm, bị chính quyền truy nã, tìm đến cửa Phật để náu thân. Vì trong thời gian đó, pháp luật không được áp dụng cho những người đã xuống tóc qui y trong các nhà chùa. Dù tội lỗi của họ có nặng nề đến đâu đi nữa, pháp luật coi như họ đã tách ra khỏi thế giới con người và coi như đã chết.
Hầu hết các nhà tu hành thuộc bậc thứ hai vì họ đã chán cảnh đời thế gian, đã thất bại trên chính trường, đã thua lỗ trong việc làm ăn buôn bán hoặc tình duyên bị gãy đổ. Với sự khổ hạnh trong đời tu hành, họ nhận diện được sự dối trá, phù du của thế gian và quyết định nương nhờ cửa từ bi tìm bình an cho tâm hồn.
Các nhà tu hành ở bậc thứ hai có thể tiến lên bậc thứ nhất nếu qua thời gian, họ tìm hiểu, học hỏi, tiến triển trong việc sống đời sống nhân đức theo Phật pháp. Theo Phật pháp, tất cả mọi người đều bình đẳng. Bất cứ ai cũng có thể thành Phật, nếu người ấy sống nhân đức: Vị Giáo chủ thứ Sáu trong truyền thống Phật giáo Trung Hoa không biết đọc biết viết nên ông không hiểu gì hết những lời giảng huấn của Vị tiền nhiệm Thứ Năm. Nhưng khi được linh ứng, ông có thể quảng diễn tất cả mọi điều giống như Vị Giáo chủ trước đã giải thích và giảng dạy. Chính vì thế ông được chọn làm vị thừa kế. Đó là những kiến thức đầu tiên của tôi về Phật Giáo.
Sau khi tốt nghiệp Trung học, tôi được gửi đi Bắc Kinh để học Đại Học. Những vấn đề liên hệ đến ý nghĩa, cứu cánh của đời sống con người luôn luôn xâm chiếm tôi. Mỗi lần như thế, tôi lại nghĩ đến Phật pháp: Sự bình đẳng trong sự sống của tất cả các loại sinh vật theo Phật pháp khiến tôi suy nghĩ nhiều. Tôi khâm phục và tán thưởng những châm ngôn, những kinh kệ và các bài luận giảng về vấn đề này.
Bắc kinh là nơi qui tụ các vị chân tu và các tu sĩ học giả. Tôi có dịp liên lạc với nhà sư Tai-hsu, một người được toàn quốc biết đến qua việc chú giải bộ sách “Bốn mươi hai chương”. Tôi đã được nghe ông giảng những bài giảng rất có ý nghĩa. Có những bài giảng với những câu tôi vẫn còn nhớ rõ:
… “Sự liên hệ giữa người đàn ông với vợ mình và gia đình còn nặng nề hơn nhà tù đối với người tù. Như hạn tù không bao giờ chấm dứt, người đàn ông sẽ không bao giờ được phép từ bỏ gia đình…”.
Tôi cũng có lần được nghe nhà sư Chang-hsing giảng giải về sách của Đức Phật qua cái nhìn Triết học. Sau đó mặc dù tôi kết luận rằng mỗi người đều phải có một tôn giáo, nhưng tôi vẫn chưa tìm được một tôn giáo cho chính mình.
Một ngày nọ, tôi có dịp đến thăm một Thánh đường đạo Công giáo, tôi hỏi mượn một số sách về đọc, nhưng người giữ thư viện cho biết rằng sách chỉ dành cho những người nào muốn tìm hiểu về đạo Công giáo mượn thôi. Từ hôm đó, tôi có ý định tìm hiểu về đạo Công giáo.
Tôi theo học tại trường Quân Y. Viện trưởng của trường là một người theo đạo Thệ phản (Protestant). Vào ngày thứ bảy chúng tôi không có lớp. Ông Viện trưởng thường mời một Mục sư đến giảng đạo và hướng dẫn các sinh viên học hỏi về Kinh Thánh. Tôi chẳng hiểu nhiều về những điều giảng dạy đó, chính vì thế, tôi thờ ơ với Kitô giáo.
Sau thời gian theo học tại Bắc Kinh, tôi được gửi đi Nam Kinh. Ở Nam Kinh, tôi cũng thường tham dự những buổi thuyết trình về Phật pháp do một giảng viên của Đại học Chin-Linh diễn giảng: Giáo sư Mei-Kwan-hsi. Ông dùng những danh từ khoa học khi nói chuyện khiến những thính giả như tôi hiểu dễ dàng hơn.
Thời gian sau đó, tôi lại thường đến một nhà thờ Thệ phản với mục đích tìm kiếm sự an bình cho tâm hồn vì nhiều lúc tôi cảm thấy băn khoăn trong vấn đề tôn giáo. Nhưng không nơi nào tôi tìm được sự an bình cả.
Cuối cùng tôi trở lại với Phật giáo với ý nghĩ rằng đây chính là tôn giáo tôi đang tìm kiếm và sự băn khoăn trong tâm hồn tôi sẽ được giải thoát. Trong giai đoạn này tôi tìm hiểu về Phật pháp rất nhiều.
Bên cạnh những sách vở Y khoa phải học và đọc, tôi coi như mình có bổn phận phải đọc thêm sách Phật rồi dần dà tôi có thói quen đọc những sách này ngay cả những khi giải trí. Tôi không liên lạc với gia đình nhiều, vì tôi thiết nghĩ theo sách nhà Phật, đối với người đàn ông: gia đình, vợ con là những phiền toái bên ngoài, giống như tiền bạc, danh vọng. Tất cả là những quyến rũ khiến cho người ta không tập trung được để đạt tới giải thoát. Những điều này phải được từ bỏ.
Chiến tranh Hoa-Nhật bùng nổ, chính cuộc chiến này và lòng yêu nước trong tôi đã khơi dậy một vấn đề khiến tôi phải suy nghĩ về niềm tin của mình vào Phật giáo. Vì khi kẻ thù xâm lăng quốc gia mình, nếu muốn bảo vệ quốc gia, một người ái quốc phải hy sinh mọi sự để chống lại quân thù. Giáo thuyết “cấm sát sinh” chính là tự trói tay nộp mình cho kẻ xâm lăng. Và giáo thuyết cho rằng mọi sự của trần gian đều là giả trá phù vân, vậy tinh thần ái quốc và lòng yêu nước cũng là giả trá phù vân sao? Có lẽ chính giáo thuyết này đã đưa các quốc gia vùng Á Châu (hầu hết theo Phật giáo) trở thành thuộc địa của Tây Phương hay sống dưới một chiêu bài độc lập giả hiệu. Trung Hoa phải cẩn thận trong bài học này.
Những tư tưởng như thế khiến tôi nhận thấy sự khiếm khuyết của Phật giáo. Có thể gom tóm những khiếm khuyết này như sau:
1. Về phương diện Khoa học:
Tôi học và hoạt động trong lãnh vực Y Khoa. Với khoa học, mọi sự đều phải được chứng minh. Những câu chuyện, sự kiện kể trong sách Phật thiếu chứng tích lịch sử, chỉ là những chuyện thần thoại như thuyết luân hồi chẳng hạn. Những giáo thuyết này rất quan trọng nhưng không thể minh chứng theo khoa học, lịch sử hay luận lý.
2. Giáo thuyết xa vời:
Được trở thành Phật là cứu cánh của hầu như tất cả các Phật tử, nhưng để đạt được cứu cánh này, người ta phải trải qua ba hình thức hay trạng thái: trạng thái khổ hạnh, trạng thái hữu thực và trạng thái hư không. Người ta phải thoát ra ngoài sự nhơ nhớp và tội lỗi của thế tục. Nhưng làm sao một người có thể thoát ra ngoài thế tục được nếu họ bắt buộc phải sống trong thế tục đó?
3. Giáo lý trừu tượng và quá huyền bí:
Sách về Phật pháp thì vô số kể. Xét về phương diện văn học, những sách này rất có giá trị dù khi đã được dịch ra ngoại ngữ, nhưng tất cả đều quá khó hiểu, khiến người đọc không thể tiến xa hơn được. Giáo lý có thể rất cao vời, nhưng cần phải được diễn đạt trong tầm hiểu biết của mọi người. Trong Phật giáo, nghi lễ theo phái Chuan chẳng hạn, được mọi người ưa thích. Qua nghi lễ này, người tham dự hy vọng sẽ được siêu thoát, được linh sáng khi suy niệm. Nhưng phương pháp suy niệm lại không hợp lý khiến ngừơi ta cảm thấy trống rỗng khi kết thúc và sự siêu thoát có vẻ quá cao vời bất khả đạt.
4. Sự mâu thuẫn và đối nghịch:
Trong Phật pháp nhấn mạnh về “cấm sát sinh”.
Một ngày nọ, tôi đến thăm nhà sư nổi tiếng Tai-hsu và hỏi ông: “Chúng tôi là Bác sĩ Y Khoa, chuyên tìm tòi, sát hại tiêu diệt các loại vi khuẩn độc tố. Phật pháp có cho phép chúng tôi làm việc này không?”. Sau một lúc im lặng, nhà sư Tai-hsu trả lời: “Tiêu diệt các loại vi khuẩn độc tố có hại cho con người không thuộc về giới luật “cấm sát sinh”. Tôi im lặng, nhưng phải giải thích thế nào về nguyên lý bình đẳng của sinh vật? Làm sao có thể phân biệt được lúc nào là sát sinh và lúc nào là không sát sinh?
Một thí dụ khác: Lamaism là một phái của Phật giáo tại Trung Hoa. Mỗi năm, phái Lamas tổ chức một buổi lễ Trừ-Tà trong lâu đài Yung-Ho, Bắc Kinh, để xua đuổi tà thần và chúc lành cho dân chúng. Một trong những vật dụng xử dụng để đánh đuổi tà thần này là một cây roi dài kết bằng da người. Họ dạy cấm sát sinh trong khi lại xử dụng một cây roi làm bằng da người là làm sao?
5. Sự thờ ơ lãnh đạm:
Từ bi là một nhân đức quan trọng của Phật pháp. Nhưng sự từ bi này theo tôi có vẻ rất vô tình: Được thực hiện về hình thức nhiều hơn; làm việc bố thí đồng thời khinh thường kẻ nhận bố thí.
Những điều này và còn nhiều điều khác nữa tôi không nhớ hết, đều là những ý kiến cá nhân, có thể không đúng với ý kiến của những người khác. Nhưng chính những điều này đã là những động lực khiến tôi bất đồng và rời bỏ Phật giáo. Từ đó, không bao giờ tôi đến viếng một ngôi chùa nào và thăm hỏi một nhà sư nào nữa.
Tuy vậy, những tư tưởng về sự phù du chóng qua của của cải thế tục và cứu cánh của đời sống con người vẫn là hai vấn đề làm cho tôi băn khoăn, đặc biệt vào khoảng thời gian chúng tôi đến Đài Loan.
Công việc tại nhà thương nơi tôi được gửi tới không nhiều lắm. Tôi có thì giờ nhiều hơn để suy tư về quá khứ, hiện tại và tương lai. Tôi cảm thấy đời sống mình sao bấp bênh và trống rỗng quá, có lẽ tôi phải có một tôn giáo làm nơi nương tựa cho tâm hồn.
Một hôm nọ, đi dạo trên đường Chung-chen ở Taipei, ngang qua ngôi chùa Shan-tao nhưng không dừng lại vì tôi không còn cảm thấy chùa chiền là nơi đáp ứng được những khắc khoải của tâm hồn. Đến cuối đường, nơi một nhà thờ Công giáo tọa lạc, tôi đã định vào, nhưng cuối cùng tôi nghĩ có lẽ nên gởi thư đến trước để hỏi thăm vấn đề tìm hiểu về Giáo lý Đạo Công giáo.
Tôi đã liên lạc được với Cha Fang, Linh mục Chánh sở của nhà thờ, ngài giới thiệu tôi với Cha Kung để Cha hướng dẫn tôi về Giáo lý.
Tôi rất vui khi được làm quen với Cha Kung, ngài hướng dẫn tôi tìm hiểu về Giáo lý Đạo Công giáo. Sau một thời gian, tôi quyết định xin Rửa tội, vì tôi khám phá ra đây chính là giáo hội tôi đã bỏ bao thời giờ để kiếm tìm.
So sánh với tôn giáo tôi đã biết trước đó, tôi nhận thấy như sau:
1. Tất cả những điều Đạo Công giáo giảng dạy đều có nền tảng Triết học, lịch sử hay Thần học.
2. Đạo Công giáo có những tín điều xác thực, không mâu thuẫn, xây dựng trên nền tảng vững chắc. Có những mầu nhiệm với trí óc con người không hiểu được, nhưng Giáo hội trình bày rõ ràng và thành thật rằng những mầu nhiệm này vượt qua trí tưởng của con người. Giáo hội cũng cho biết lý do tại sao họ chấp nhận những mầu nhiệm ấy và họ không bao giờ bắt buộc ai phải tin vì mỗi người đều có tự do riêng.
3. Có những sách Giáo lý, thủ bản về đạo thích hợp với trình độ của mọi giới. Giải thích về chân lý để mọi người đặt niềm tin, về các giới răn để mọi người tuân giữ, về các Bí tích để mọi người lãnh nhận và cầu nguyện. Tất cả mọi sự rất rõ ràng, minh bạch, không giống như Phật giáo, người ta chẳng biết bắt đầu từ đâu vì quá nhiều sách vở và những nghi lễ phức tạp.
4. Các Linh mục Công giáo được Giáo hội trao cho năng quyền giảng dạy từ Chúa Kitô: “Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc.”. Ai trao quyền cho các nhà sư giảng dạy? Theo những qui tắc nào? Tiêu chuẩn nào là chính thức? Tôi chỉ thấy có những nhà sư này giới thiệu, ca tụng nhà sư kia hoặc tự giới thiệu mình mà không có một bản quyền nào từ trên. Trong Công giáo, tôi đã tìm thấy và đặt được niềm tin mình trên nền tảng của Đức tin đạo giáo.
5. Đạo Công giáo rao giảng về tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với con người. Một tình yêu không những không hạ thấp phẩm giá con người, trái lại còn nâng con người lên trong nhân phẩm, thêm sức mạnh linh thiêng và giúp con người tự tin trong việc trao phó mọi việc nơi Thiên Chúa. Ở bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào luôn luôn họ được Thiên Chúa bảo vệ và gìn giữ.
6. Đạo Công giáo mời gọi mọi người sống Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến. Những dân tộc sống ở Tây Phương qua nhiều thế kỷ đã được giáo dục theo những nhân đức này. Họ trở thành những dân tộc hiếu động, can đảm và lạc quan không phải chỉ trong lãnh vực tôn giáo mà cả ngay trong đời sống hằng ngày. Họ rất nhiệt thành với sự hăng hái mạnh mẽ trong các lãnh vực khoa học, đào sâu kiến thức con người, xây dựng xã hội, giúp đỡ những kẻ nghèo khó bần cùng và cải tiến đời sống con người. Tất cả có lẽ chỉ vì họ đã được giáo dục trong ba nhân đức thần thông này.
7. Đối diện với những đau khổ của con người và tội lỗi của thế gian. Đạo Công giáo thực sự lăn xả vào vấn đề, cố gắng tìm hiểu và biến đổi tất cả nên tốt hơn. Giống như một ngôi nhà đang bốc cháy, Phật giáo tìm đường chạy ra ngoài trong khi Công giáo tìm cách vào nhà để dập tắt ngọn lửa. Hoặc cũng giống như một căn nhà sắp đổ xuống, Phật giáo muốn phá đi hoàn toàn, nhưng Công giáo tìm cách chống đỡ và xây dựng lại để mọi người có thể ở trong đó.
8. Đức Giáo Hoàng qua nhiều thời đại luôn luôn khuyến khích mọi tín hữu yêu mến quốc gia dân tộc mình, xây dựng đất nước và dự phần vào công việc xã hội, để tìm hiểu, cải tiến và thánh hoá. Phật giáo lo làm sao để thoát ra ngoài sự phức tạp này: đi thật xa để không còn vướng víu vào nữa.
Tóm lại, cám ơn Chúa, tôi đã trở thành người Công giáo. Vì tôi đã có dịp tìm hiểu về cả hai tôn giáo và so sánh. Công giáo đã cho tôi thấy một con đường để cải tổ xã hội, quốc gia và chính linh hồn mình. Tôi đã được Rửa tội hơn mười hai năm rồi. Tôi thú nhận là trong suốt khoảng thời gian này tôi đã chưa đạt được những tiến triển về đường nhân đức, nhưng tôi hạnh phúc vì mình là người Công giáo. Cả gia đình tôi cũng đã Rửa tội và bất cứ khi nào có thể, tôi đều loan truyền đạo Công giáo đến bạn bè và những đồng nghiệp của tôi
Bác sĩ Chang Shu Wen