SỬA SOẠN LÌA ĐỜI

SỬA SOẠN LÌA ĐỜI

 

 

 

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Anh Trần Quang Minh gởi cho tôi bài “ Sửa soạn lìa đời” của Hiếu Thuận ghi lại lời nhắn nhủ của  Ni sư Tenzin Palmo như sau:

Ni sư Tenzin Palmo

Hướng về anh D, Ni sư Tenzin Palmo nói chậm rải từng tiếng một:

“ Ai rồi cũng phải chết cả! Có những đứa bé chết từ thuở sơ sanh. Có kẻ chết trẻ, người chết già vì đủ mọi lý do: tai nạn, bịnh tật, già yếu… Ai cũng biết về cái chết nhưng cứ tưởng là nó đến cho  người khác chớ chưa đến lượt mình… mãi cho đến lúc nó thình lình hiện ra trước mắt thì hoảng hốt, lo sợ, bấn loạn vì thiếu sự chuẩn bị. Chết vì bệnh tật là may mắn hơn vì có thời gian sửa soạn cho sự ra đi.

Để sửa soạn lìa bỏ cuộc đời:

1/ Điều trước tiên là buông bỏ mọi giận hờn, oán hận mà từ trước tới nay ta ôm ấp trong lòng. Mở lòng tha thứ hết mọi người. Buông xã hết.

2/ Hãy nói những lời yêu thương và biết ơn ta từng muốn nói mà chưa có dịp hay còn ngần ngại.

3/ Hãy di chúc về tài sản, ước muốn cuả mình. Cần phân minh và công bằng để thân nhân không tranh dành, cãi cọ trong thời gian ta mới lìa đời.

4/ Hướng tâm, nghĩ tưởng về Đức Chuá, Đức Mẹ nếu là tín đồ Công giáo, về Phật A Di Đà nếu là Phật giáo. Nếu không có tôn giáo thì nên hướng về Ánh Sáng.

5/ Thân nhân không nên than khóc và níu kéo: “Đừng đi, đừng bỏ em, đừng bỏ con…” vì sẽ gây quyến luyến, khó khăn thêm cho người sắp ra đi.

Điều nên làm là nhắc nhở kẻ hấp hối nhớ đến những điều thiện lành.

Dù người ấy có vẻ như đang hôn mê, không nói năng được nhưng thân nhân vẫn luôn nhắc nhở, cầu nguyện vì trong thâm sâu, họ vẫn còn biết.

6/ Nếu thân thể bị đau đớn thì cứ dùng thuốc giảm đau. Người tu tập cao có thể chịu đựng vì quán chiếu tánh không của cơn đau. Nhưng với người bình thường thì đau quá làm họ sân hận, bấn loạn. Hơn nữa, thuốc giảm đau không ảnh hưởng đến thần thức sau khi chết.

7/ Một điều cần nhắc nữa là:

“Khi ra đi, người chết thường thấy hình ảnh của ông bà, cha mẹ hay thân quyến quá cố hiện ra, vẫy gọi mình. Đừng đi theo họ mà chỉ hướng đến Chúa, Phật hay Ánh Sáng, là con đường hướng thượng.”

Ghi lại những lời khuyên hữu ích vì cảm niệm công đức của Ni Sư.

Xin chia sẻ cùng tất cả. Thực hành là chuyện của mỗi người.

Hiền Thuận

Tôi cũng đã chuẩn bị cho sư ra đi hơn 10 năm qua, đã viết sẳn bản báo tin khi lìa đời, viết  sẳn bài phân ưu cho Nhóm Thân hữu Cần Giuộc và Cần Đước, lời cám ơn  ở nhà thờ và lời dặn sau cùng khá đầy đủ cho một đám tang. Tôi cũng đã chuẩn bị cho cuộc ra đi, hy vọng sẽ yên tâm ra đi. Linh hồn tôi sẽ thanh thản ra đi và người ở lại cũng không có bối rối vì lúc đó không biết phải làm gì trước, làm gì sau?

Một linh hồn đã chuẩn bị trước cho sự ra đi cũng tốt hơn là không chuẩn bị.

Tôi rất tâm đắc bài kinh mà mỗi tối chúa nhật và mỗi sáng hằng ngày, giáo dân nhà thờ Ngôi Lời Nhập thể đều đọc như sau:

“ Lạy Chúa Con, con xin dâng các lễ Misa, các Thầy cả ở khắp tứ phương thiên hạ làm trong ngày hôm nay. Để Chúa Con thương đến các kẻ có tội đang mong sinh thì bây giờ và sẽ chết trong ngày hôm nay. Chớ gì máu châu báu Đức Chúa Giêsu là đấng chuộc tội làm cho Chúa Con thương đến các kẻ ấy.”

Tôi rất thích lời kinh này để nhắc nhở tôi rằng tôi có thể chết bất cứ lúc nào ngay ngày hôm nay. Cho nên nghĩ đến sự chết thường xuyên để giúp tôi sống như thế nào cho đúng trong từng ngày .Như vậy với sự chuẩn bị đó giúp cho tôi bớt sợ chết.

Ngoài ra mỗi sáng sớm tôi đều đi dự thánh lễ ở nhà thờ Ngôi Lời Nhập Thể để gần với Chúa hơn,  tâm sự với Chúa nhiều hơn. Tôi cũng đã nhìn thấy các người già cả, đi phải chống gậy mà vẫn thường xuyên đi lễ nhà thờ đều đặn mỗi sáng.

Chúa Giê –su đã dặn các môn đệ rằng:

“Anh em đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy, trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không Thầy đã nói với anh em rồi vì Thầy đi để dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy để Thầy ở đâu thì anh em cũng ở đó.Và Thầy đi đâu thì anh em biết đường rồi.”

ÔngTô-ma nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy , chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường?” Đức Giê-su đáp : “ Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy (Ga 14: 1-6)”

*Ai  tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống, ai sống và tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết. (Gioan 11: câu 26)

* Thật vậy, không ai trong chúng ta sống cho chính mình cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng chết cho Chúa. Vậy dù sống dù chết chúng ta vẫn thuộc về Chúa   (Roma 14: 7-8)

* Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống lại với Người: đó là niềm tin của chúng ta. Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người. Người đã chết, là chết cho tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Người sống, là sống cho Thiên Chúa. Anh  em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay sống lại cho Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su.  (Roma 6: 8-11)

* Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. Nhưng không phải thế! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai an giấc nghìn thu. ( 1 Cor 15: câu 19,20)

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Tiểu sử: ni sư Tenzin_Palmo

Được xem 2 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay