QUÂN ĂN CƯỚP

QUÂN ĂN CƯỚP

  Đặng Chí Hùng

quanancuop (1)

Mấy tháng nay, mẹ của Lan bệnh ngày càng nặng, không thể đi làm nữa. Cho nên, ngoài giờ đi học, Lan phải làm đủ việc để nuôi mẹ. Từ mò cua, bắt ốc, đi mót cá con ở các bến thuyền của ngư dân…Lan gầy và ốm yếu. Nước da đậm màu của nắng và nước biển, trông bạn ấy nhỏ thó và tội nghiệp. Mẹ Lan là một người đàn bà còn trẻ và bất hạnh. Bà không có chồng. Trong một lần đi lao động ở thành phố, bà nhặt được Lan từ một thùng rác trong đêm. Đêm đó, bà bỏ thành phố mang Lan về sống ở làng chài này. Hai năm trước bà bị tai nạn, ảnh hưởng về thần kinh, khiến bà nhiều lúc như trẻ con, có khi như điên dại. Cám cảnh trước đứa con nhỏ phải quần quật nuôi sống mình, nhiều lần bà đã muốn quyên sinh. Những lúc tỉnh táo sau một quãng dài giữa những cơn bạo bệnh bà thường nói với Lan:

– Con …hãy để mẹ được ra đi. Mẹ biết con sẽ buồn khi không có mẹ. Nhưng rồi thời gian sẽ đưa con lớn lên, và nỗi buồn sẽ vơi theo. Còn thế này….mẹ đau lắm. Mà nỗi đau này chẳng bao giờ vơi được. Mẹ không muốn con mẹ khổ….

Bà thường nói với con như thế. Lúc đầu Lan khóc, nhưng dần dần Lan đã không còn nước mắt. Cô bé ôm mẹ vào lòng, với một tình yêu vô bờ bến. Chỉ cần nhìn thấy con, được con động viên, bà ấy lại quên đi ý định tự tử.

***

Một buổi sáng, Lan vừa về đến nhà thì có tiếng người lạ vọng từ căn nhà rách nát của mình ra:

– Bà nên xem bán lại căn nhà này cho Xã để xã lấy đất làm đường mới. Bà không có con đẻ, con bé Lan là con rơi bà nhặt về. Và nó lại là con gái, sau này đi lấy chồng thì bà cần gì mảnh đất này. Thôi chịu khó nghe lời đảng và nhà nước ký vào biên bản này đi !

Lan nghe rõ đó là giọng đàn ông ồm ồm như con vịt đực nhà bà Năm hàng xóm. Nó ghé mắt qua vách nhà có những lỗ thủng do bao năm nay nó chỉ là cái nhà tranh thiếu bàn tay đàn ông tu sửa. Con bé chợt nhận ra là ông chủ tịch xã là tác giả của câu nói vừa phát ra mà nó nghe lạnh cả xương sống.

Nó không lạnh sao được khi mẹ con nó chỉ có ngôi nhà này làm chỗ chui ra, chui vào nhưng mà giờ đây nguy cơ nó không còn là chỗ che mưa nắng của mẹ con Lan nữa.

Tiếng của mẹ Lan đều đều trong hơi thở mệt nhọc:

– Mẹ con tôi không có ý chống đối ai cả, nhưng ông chủ tịch ơi, cái giá nhà nước đưa ra quá rẻ, tại sao chỉ có cách 200 m mà đất vườn của nhà ông bí thư được đền bù 5 triệu đồng/m2 còn ngôi nhà ở của mẹ con tôi lại chỉ có 1 triệu đồng/ m2. Mẹ con tôi lấy gì mà mua đất làm nhà mới ? Mẹ con tôi sẽ sống ra sao ? Làm sao tôi nỡ nào ký vào để con bé Lan phải ra đường. Tôi thì như ông biết chết sống chẳng cam, nhưng ngặt nỗi còn con bé Lan…

Nói chưa dứt câu, người đàn bà với khuôn mặt khắc khổ vì bệnh tật và nghèo khó dừng lại ở đó và đưa đôi mắt thâm quầng ra xa một cách thiểu não.

Không để cho bà tiếp tục câu nói, ông chủ tịch xã tiếp ngay:

– Tôi đã nói với bà nhiều lần rồi ! Cái này là chủ trương và chính sách của đảng và nhà nước. Người như ông bí thư là cán bộ của đảng, họ phải gánh trọng trách với dân với nước nên có ưu tiên một chút cũng là hợp tình hợp lý thôi! Nếu bà cứ khăng khăng thì chúng tôi phải cưỡng chế đó. Đây là lần cuối cùng tôi nói chuyện tử tế với bà, ngày mai là hạn cuối cùng xe ủi sẽ đến đây cưỡng chế…

Đôi tai Lan ù đi vì câu nói đó của ông chủ tịch, nó lao đầu xuống căn bếp lợp bằng lá dừa dại không đủ che mưa khi trời nổi gió trên ngọn tre đầu xóm. Nó thấy trời như đang sụp xuống dưới chân nó. Hàng loạt câu hỏi đang vần vũ xung quanh đầu nó như những đám mây đen những ngày bão biển nổi lên mà lúc đó nó nép mình vào bàn tay gầy guộc nhưng luôn nồng hơi ấm của mẹ. Lan đã biết nó là một đứa con rơi được mẹ nó nhặt về từ năm ngoái khi lũ bạn học đã vô tình cho nó biết. Và cũng từ ngày đó, nó càng yêu bà hơn vì nó đủ nhận thức để nhận ra rằng bà yêu nó hơn cả một bà mẹ thương con ruột của mình.

***

Sáng nay, trời hãy còn lờ mờ sáng khi ánh mặt trời mới lấp ló trên đầu ngọn dừa ngoài bãi thì mẹ con Lan đã thức dậy vì những tiếng ồn ào ngoài đầu đường. Tiếng bà con lẫn tiếng động cơ máy xúc đã phá tan không khí tĩnh lặng thường nhật của vùng quê yên ả miền biển nghèo khó này. Lan đứng bên cạnh mẹ như hai thân cây dừa dại trước cơn song dữ của lốc biển mùa hè. Nó nắm chặt tay mẹ, mắt nhìn về phía mấy chục người công an tay dùi cui đang đứng bên máy xúc thái độ thật hung dữ. Nó chợt nói với bà:

– Mẹ ! Sao họ lại đến đây ủi nhà mình? Mẹ không đồng ý ký giấy bán nhà cơ mà? Chẳng nhẽ họ nói và làm thật à ?

Mẹ của Lan vốn hiền lành, bà chưa bao giờ có một tiếng nặng lời với Lan, cũng chưa bao giờ nói một lời chê trách với hàng xóm. Nhưng hôm nay, bà đã nói một câu mà Lan có lẽ bất ngờ nhất:

– Con à, mẹ con mình phải ra đường rồi ! Mình chẳng làm gì được đâu con. Chúng là quân ăn cướp đó …!

Nói xong câu đó, bà kéo tay Lan lẳng lặng vào nhà thu dọn vài bộ đồ rách rưới và mấy thứ lặt vặt rồi bước ra khỏi nhà. Hai mẹ con Lan lầm lũi đi ra trước ánh mắt tỉnh bơ của một đám công an. Đâu đây vài lời xì xầm bàn tán của bà con lối xóm thông cảm với mẹ con bà. Chợt một tiếng còi nổi lên:

– Tuýt, tuýt, tuýt …Đề nghị Bà con trật tự và tránh lối cho xe ủi làm nhiệm vụ ! Lái xe ủi đâu ? Vào ủi sập ngay ngôi nhà này cho tôi.

Lan chợt ngước mắt quay lại, nó thấy tiếng còi được phát ra từ cái miệng phúng phính mỡ của ông trưởng công an xã, đứng cạnh ông ta là cái dáng bệ vệ của 2 ông bí thư và chủ tịch xã. Mắt nó nhòe đi vì ngôi nhà đã nuôi dưỡng tuổi thơ nó, đã che chở cho người mẹ kính yêu của nó sắp trở thành miếng mồi ngon cho chiếc xe ủi có cánh tay dài tựa như con ngáo ộp đang chực chờ nuốt con mồi ngon miệng.

Đâu đó có vài tiếng thở than của bà con lối xóm: Quân ăn cướp !.

Đặng Chí Hùng.

BIEN CHET

ĐỪNG CẦM TÙ CHÍNH BẠN

Nhiều người đã đặt câu hỏi cho tôi “Vì sao anh là con cháu cộng sản, anh lớn lên trong môi trường XHCN mà anh lại chống cộng sản và chống Hồ Chí Minh ?”.Tôi đã trả lời rất nhiều lần và lần này thì tôi muốn tóm gọn lại một kinh nghiệm sống của bản thân đến với bạn bè xa gần.

Lý do tôi đến với VNCH, đến với Cờ Vàng đó là do nhạc vàng và chịu khó tìm hiểu sách vở, hồi ký, lịch sử. Tôi thù ghét cộng sản bởi luôn tự đặt câu hỏi cho mình để đi tìm lời giải về sự thật của cộng sản, Việt Nam, Hồ Chí Minh. Cộng thêm một chút máu liều thì tôi đã trở thành một tên “phản động” như quí vị đã thấy.

Nhưng sự thật ẩn sau những nguyên nhân đó là một nguyên nhân chính yếu: Tôi không muốn cầm tù chính bản thân tôi !

Tôi không tự cầm tù mình trong sự bao bọc của gia đình. Tôi không tự cầm tù ý chỉ chỉ cần sống sao cho sung sướng bản thân mình là đủ.

Tôi không tự cầm tù mình với tư tưởng: Đất nước này có đảng, có nhà nước, có kẻ khác lo. Mình thì mặc kệ họ.

Tôi không tự cầm tù mình với tư tưởng ăn chơi để ngủ quên trên đau khổ của dân tộc Việt Nam.

Tôi cũng không tự cầm tù mình với tư tưởng đấu tranh để được gì và sẽ mất gì.

Tôi không tự cầm tù mình với tư tưởng an phận, tôi muốn mình khám phá những chân trời xa, những điều còn chưa biết như cách cha ông chúng ta đã mở nước và dựng nước…

Tôi không tự cầm tù mình rằng phải sợ hãi trước bạo quyền và sợ hãi trước giặc Tàu hung bạo. Tôi phải chiến đấu dù có cô đơn, khổ sở và phải chết đi chăng nữa.

Tôi không tự cầm tù mình với tư tưởng phải nhìn thấy rồi mới làm, tôi tin rằng muốn có một con đường mòn thì ít ra chúng ta cũng phải biết dẫm lên cỏ dại mà bước đi hàng ngày.

Những điều đó, tôi muốn chia sẻ với các bạn gần xa từ kinh nghiệm bản thân mình. Tôi muốn chúng ta tự xóa bỏ sợ hãi, tự giải phóng trái tim mình để vươn lên chiến đấu cho sự tồn vong của dân tộc.

Đừng tự trói trái tim và khối óc, tư tưởng của mình trong những vũng bùn sáo rỗng…

Đừng cầm tù chính bạn !

Đặng Chí Hùng

Đinh Việt Nữ gởi

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay