Phép lạ tình yêu
Bác sĩ Gerald Jampolsky
Bác sĩ tâm lý Gerald Jampolsky viết: “Tôi lớn lên trong Do Thái giáo. Khi lên 16, một người bạn bị chết trong tai nạn xe hơi và từ đó tôi bỏ mọi niềm tin vào Chúa. Tôi là người vô thần hầu suốt đời tôi. Theo tiêu chuẩn xã hội, tôi có đủ thứ tôi muốn. Tôi có tiền, tôi nổi tiếng là một bác sĩ tâm lý giỏi. Nhưng tôi bị dằn vặt bên trong. Tôi cảm thấy trống vắng, một cảm giác cô đơn, không được thương, một cảm giác bị xa cách với mọi người và với Chúa. Tôi trở nên say rượu đến nỗi cảnh sát bắt tôi. Nghề nghiệp tôi như bị đổ vỡ, đời tôi như tan tành. Nếu có ai nói với tôi về Chúa tôi sẽ đi ngay sang bên kia đường. Tôi không muốn nghe. Rồi một hôm tôi như nghe có tiếng bên tai: “Thầy thuốc hãy chữa lấy mình.” Tôi cảm được ngay sự nối kết với Chúa và với mọi người. Tôi biết tôi sẽ sống đời tôi phục vụ cho Chúa, cho đi chứ không tìm lấy. Từ đó, bác sĩ Jampolsky khởi công một trung tâm cho những người bệnh gần chết, dựa trên nguyên tắc Chúa Giêsu dạy: “Khi quên mình để lo cho người khác là khi ấy sống trọn vẹn hơn cả.” Đúng thế, chỉ có cuộc sống thật khi chỉ có một thực tại là tình yêu, yêu không điều kiện, tình yêu mạnh đủ để thắng mọi cám dỗ kết án một ai khác, tình yêu mạnh đủ để sống mọi giây phút tin tưởng rằng tha thứ là chìa khóa duy nhất của hạnh phúc. Chỉ có sống thật khi tin rằng cảm nghiệm được Chúa khi giúp đỡ người khác và khi làm như vậy, chúng ta liên kết Chúa, ta và tha nhân.” Tới nay ông đã mở trên 35 trung tâm cho những người bệnh nguy kịch như thế tại Hoa Kỳ, Anh và Úc.
Trong các trung tâm, các em trải qua cơn bệnh hiểm nghèo, lập tức trở thành tông đồ cho các em khác. Có một cậu 11 tuổi đã được bác sĩ cho biết sắp chết. Trong nhóm chia sẻ, một em khác hỏi: “Greg, cậu nghĩ gì khi biết chắc trong 3 tuần nữa cậu sẽ chết?” Cậu thanh thản trả lời: “bạn hãy để thân xác sang một bên bởi vì nó không thực sự tồn tại. Khi bạn vào thiên đàng bạn trở nên một với mọi người. Và đôi khi bạn trở lại, bạn đóng vai một thiên thần cho người nào đó.”
Vào một dịp nọ, các môn đệ đến với Chúa Giêsu và hỏi Người, “Ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Chúa Giêsu gọi một em bé, để giữa các ông rồi nói: “Thật, Ta nói cho anh em, anh em phải trở nên trẻ nhỏ mới được vào Nước Trời. Ai không đón nhận Nước Trời với thái độ một em bé không thể vào được. Ai hạ mình xuống như những trẻ nhỏ sẽ là người lớn trong Nước Trời” (Mt 18:1-4).
Sự viên mãn đời đời của chúng ta là do đức tin, không phải đức tin như chúng ta xác định nhưng đức tin như Chúa Giêsu xác định. Đức tin có nghĩa là tin một cách đơn sơ, cởi mở, vô điều kiện vào Thiên Chúa toàn năng, Đấng tạo dựng và ban sự sống. Đức tin có nghĩa là tin tưởng như trẻ nhỏ vào lời hứa của Chúa, Ngài là Đấng không bao giờ rút lại tình yêu đối với mỗi người chúng ta. Đức tin có nghĩa là tin như trẻ nhỏ vào sự chiến thắng của Chúa ngay cả trên sự chết. Đức tin có nghĩa là tin tưởng vào quyền năng cứu chuộc của tình yêu Chúa được mạc khải nơi Chúa Kitô. Đức tin có nghĩa là tin tưởng như người đàn bà trong Phúc Âm hôm nay. “Xin thương xót tôi, lạy Con Vua Đavít, con gái tôi bị quỉ ám” bà kêu lên (Mt 15:22). Bà không nghe được câu trả lời của Chúa, chỉ có các môn đệ muốn đuổi bà đi cho rồi. Họ không làm lay chuyển đức tin của bà nơi sức mạnh cứu độ của Chúa Giêsu. Bà đến quì trước Ngài và van xin một cách chân thành và đơn sơ, “Lạy Ngài, xin giúp đỡ tôi” (Mt 15:25). Chúa Giêsu trả lời, “Này bà, đức tin của bà mạnh. Bà được như bà tin” … “Lập tức, con gái bà được lành” (Mt 15:28).
Tin ở Chúa và chúng ta sẽ được ban những ơn hơn lòng chúng ta mong ước. Bác sĩ Jampolsky một lần viết đơn xin giúp đỡ 20 ngàn Đô. Những người phân phối tiền từ thiện không thích lắm đơn xin của Jampolsky. Họ gặp ông và hỏi làm sao ông điều hành nổi nhà thương. Jampolsky trả lời: “Làm sao tôi có tiền để trang trải nhà thương ư, làm sao chúng tôi có sự hiện diện ư! Chúng tôi tin ở Chúa.” Hai mươi phút sau, ông giám đốc từ thiện đề nghị: “Chúng tôi cấp cho nhà thương ông 300 ngàn Đô.”
Tin ở Chúa không phải trong những việc có thể nhưng nhất là những việc thật khó khăn. Chúa sẽ giúp ta tìm ra cách giải quyết. Một cô gái không xem thấy từ mới sinh, vì những sơ ý của nhân viên nhà thương. Cô đến bác sĩ Jampolsky xin giúp đỡ. Cô hỏi, “Liệu có thể xem thấy được không?” Bác sĩ nói, “Luôn luôn có hy vọng.” Bác sĩ nói tiếp, “Sức khỏe là sự chữa lành từ trong trí, sức khỏe là sự yên tĩnh trong người, chữa lành là bỏ đi sự lo âu. Cách chúng ta chữa lành từ trong trí là học để tha thứ.” Ông hỏi cô mù là cô chưa tha thứ cho ba má và nhân viên nhà thương. Cô nhận thật là chưa. Họ cảm nhận sự hiện diện của Chúa và bỏ qua quá khứ. Chỉ trong tám tháng, khả năng nhìn xem dần dần trở lại. Bác sĩ nha khoa của cô lấy làm ngạc nhiên. Cô đã không cần chó dẫn, đang tập lái xe và dự định lập gia đình. Hằng ngày cô bắt đầu bằng lời cầu nguyện: “Hôm nay, con nhìn mọi sự theo cái nhìn của Chúa. Xin cho con không kết đoán ai nhưng đem lại cho mọi người phép lạ của tình yêu. Nơi thánh thiêng nhất là nơi trước kia oán ghét, nay trở nên yêu thương.” Sức mạnh chữa lành của Chúa đến với chúng ta khi chúng ta trao mọi khó khăn cho Chúa và để Ngài biến đổi chúng.
Đức tin không phải tự nhiên xảy đến. Đức tin được dọn đường bằng khiêm nhượng nhận thật chúng ta không thể tự mình giải quyết điều gì. Đức tin được dọn đường bằng chân nhận chúng ta lệ thuộc vào một nguồn lực bên trên chúng ta. Người đàn bà xứ Cana, qua hành động đức tin, nhận thực bà hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa Giêsu. Và đó là sứ điệp của Phúc Âm hôm nay. Lạy Chúa xin thương con, xin cứu giúp con!
Bác sĩ Gerald Jampolsky
Được xem 3 lần, bởi 3 Bạn Đọc trong ngày hôm nay