Phụ nữ Việt liên tục bị giết ở Đông Nam Á
Nguoi-viet.com
Kuala Lumpur (NV) – Theo tờ The Star Online của Mã Lai thì nạn nhân trong vụ án mạng xảy ra ở một khách sạn tại thị trấn Bandar Utara, quận Sentul là bà Tran Thi Thuy, 30 tuổi, công dân Việt Nam.
Phụ nữ người Việt là nạn nhân vụ án mạng xảy ra hôm 21 tháng 12 ở Mã Lai
được cho là làm việc tại một quán karaoke. (Hình: New Straits Times)
Trước đó, cảnh sát trưởng quận Sentul cho biết, hôm 21 tháng 12, nhân viên của một khách sạn tại thị trấn Bandar Utara, tìm thấy một phụ nữ chết trong tình trạng lõa thể, tay chân bị trói, quanh cổ có nhiều vết bầm. Nay, nạn nhân đã được nhận dạng.
Bà Thuy từ Việt Nam sang Mã Lai làm việc trong một quán karaoke. Cảnh sát tin rằng bà Thuy đã bị siết cổ cho đến chết. Cảnh sát đang truy tìm một người đàn ông Mã Lai tên là Tan Kok Keong, 38 tuổi. Ông Tan đến khách sạn thuê phòng vào ngày 20 tháng 12, sau đó quay trở ra đưa ba Thuy đến và ở lại trong phòng khoảng 4 tiếng.
Cách nay hai tháng, cũng tại Mã Lai, cảnh sát đã tìm thấy thi thể một phụ nữ Việt Nam tại một ký túc xá dành cho công nhân ở vùng Taman Ungku Tun Aminah. Nạn nhân khoảng 50 tuổi bị lột trần, lưng, bụng có nhiều vết dao, máu vấy đầy sàn, vách và cửa ra vào.
Cảnh sát Mã Lai nhận định, nạn nhân chết ngay lập tức. Lúc đó, báo chí Mã Lai cho biết thêm là trong vụ án mạng này còn có một phụ nữ Việt Nam khác bị trọng thương và bệnh viện Sultanah Aminah cho biết nạn nhân đang trong tình trạng nguy kịch. Không có thêm thông tin nào về hai nạn nhân.
Tháng trước, tại Singapore, có một phụ nữ Việt Nam khác bị giết trong một căn hộ nằm ở tầng 9 của một chung cư trên đường Ang Mo Kio. Tờ The Straits Times không cho biết tên nạn nhân nhưng tiết lộ nạn nhân khoảng 30 tuổi. Cảnh sát đã bắt một người đàn ông Singapore là chủ căn hộ này. Các nhân chứng cho biết, họ gọi cảnh sát vì nghe tiếng phụ nữ la hét, cầu cứu.
Cùng với làn sóng người Việt đổ ra nước ngoài làm thuê là một làn sóng khác đổ ra nước ngoài làm gái mại dâm. Có người chủ động làm gái mại dâm để nuôi thân và nuôi gia đình nhưng cũng có người bị gạt bán vào các động mại dâm.
Trừ Trung Quốc, nhiều quốc gia Đông Nam Á như: Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Mã Lai,… đã cảnh báo về vấn nạn phụ nữ Việt Nam làm gái mại dâm trên lãnh thổ của họ.
ABN News của Mã Lai từng loan báo, phụ nữ Việt Nam dẫn đầu trong số gái mại dâm hành nghề ở Mã Lai. Tin này dựa trên các báo cáo của cảnh sát Mã Lai. Một thống kê do cảnh sát Mã Lai thực hiện cho biết, trong năm 2012, cảnh sát Mã Lai đã thực hiện 42,788 cuộc bố ráp, bắt giữ 12,434 phụ nữ hành nghề mại dâm. Trong số này có 3,456 phụ nữ Việt Nam. Xếp thứ hai trong số các quốc gia có nhiều phụ nữ đến Mã Lai hành nghề mại dâm là Bangladesh, kế đó là Lào, Uganda, Nigeria, Mongolia, Tajikistan, Sri Lanka, Kenya, Marocco, Kyrgystan, Iran, Singapore, Hồng Kông, Nga và Canada.
Ngoài cảnh báo về việc Việt Nam hiện dẫn đầu trong nhóm các quốc gia có nhiều phụ nữ đến Mã Lai hành nghề mại dâm nhất, cảnh sát Mã Lai còn cảnh báo thêm rằng, số phụ nữ Việt Nam đến Mã Lai hành nghề mại dâm tiếp tục tăng đáng ngại. Năm 2011, chỉ có 1,260 phụ nữ Việt Nam bị cảnh sát Mã Lai bắt vì hành nghề mại dâm. So với năm 2011, số phụ nữ Việt Nam hành nghề mại dâm bị bắt trong năm 2012 tăng thêm 2,196 người.
Việt Nam thường xuyên tỏ ra hoan hỉ khi kiều hối năm sau cao hơn năm trước và đã đạt mức hàng chục tỷ Mỹ kim/năm. Tuy nhiên chính quyền Việt Nam không đếm xỉa gì đến số phận và thực trạng của những người Việt đi làm thuê ở ngoại quốc.
Chẳng hạn, hồi tháng 9 vừa qua, Verité – một tổ chức quốc tế công bố kết quả một cuộc khảo sát kéo dài trong hai năm, theo đó, 40% người Việt đến Mã Lai làm thuê bị cưỡng bức lao động. Verité cho biết, cưỡng bức lao động là tình trạng phổ biến tại các nhà máy sản xuất đồ điện tử của Mã Lai. Nhiều công nhân từ: Bangladesh, Myanmar, Ấn Độ, Indonesia, Nepal, Phillippines, Việt Nam đến Mã Lai làm thuê bị giữ hộ chiếu và bị buộc làm thêm giờ để trả những khoản nợ do từng phải nộp phí môi giới tuyển dụng quá cao và bất hợp pháp.
Hiện có khoảng 200,000 công nhân ngoại quốc được các nhà máy sản xuất đồ điện tử của Mã Lai thuê làm việc. Khoảng một phần ba số này bị cưỡng bức lao động. Công nhân Việt Nam hiện là nhóm dẫn đầu về tình trạng bị cưỡng bức lao động (khoảng 40%).
Theo Verité, công nhân Việt Nam phải trả phí môi giới tuyển dụng cao nhất (trung bình là 1,028 Mỹ kim/người) nhưng lại bị trả lương thấp nhất (chỉ khoảng 308 Mỹ kim/người/tháng).
Verité không phải là tổ chức quốc tế đầu tiên cảnh báo về tình trạng người Việt bị các công ty môi giới lao động bóc lột từ trong nước và bị chủ ngoại quốc bóc lột tiếp khi ra ngoại quốc làm thuê. (G.Đ)