ĂN SAO CHO ĐÚNG !

ĂN SAO CHO ĐÚNG !

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng.

Có thực mới vực được đạo. Ăn thì ai cũng phải ăn. Nhưng lắm khi sinh bệnh không vì miếng ăn mà vì cách ăn. Nói có sách mách có chứng, ở CHLB Đức rõ ràng không thiếu bệnh viện chuyên khoa với công nghệ tiên tiến, cũng không thiếu thuốc đặc hiệu. Ấy vậy mà hàng năm vẫn có cả chục ngàn người tìm các tu viện cổ kính ở tiểu bang Badem-Wurtemberg để học cách… ăn!

Sở dĩ như thế không dưới 60% bệnh nhân bên đó quyết liệt đòi hỏi được điều trị bằng liệu pháp sinh học thay vì với thuốc hóa chất tổng hợp. Thêm vào đó, hơn 70% thầy thuốc ở Đức trước sau vẫn trân trọng kinh nghiệm của y học dân gian. Đó là lý do tại sao hàng trăm ngàn bệnh nhân ở Đức thường xuyên tham gia chương trình nghỉ dưỡng trong các tu viện để được chăm sóc sức khỏe với nước khoáng, dược thảo, món ăn… theo kinh nghiệm của các thầy thuốc đồng thời là thầy tu. Nhiều bệnh nhân, kể cả không ít thầy thuốc bên đó, đều nằm lòng nhiều bài thuốc dược thảo gia truyền của nữ tu Hildegard von Bingen, thay vì chuộng lối dùng thuốc theo kiểu đau đâu chữa đó để rồi trả giá bằng phản ứng phụ khó lường. Bên mình thì phản ứng phụ của thuốc dường như vẫn còn là chuyện trà dư tữu hậu!

Nếu tưởng thầy dòng ở xứ làm xe BMW chữa bệnh mát tay nhờ biết cách “tiếp thị” đặc sản nào đó theo kiểu độc quyền “made by thầy tu” thì sai. Cái hay của thầy thuốc mặc áo dòng bên Đức chính là biện pháp hướng dẫn cho “khách hàng” về cách ăn uống sao cho đừng mang bệnh vào thân. Theo các thầy tu trên quê hương của Goethe, nhiều trường hợp mắc bệnh một cách oan uổng, dù tính cho cùng chẳng oan chút nào, là vì gia chủ:
1.    Ăn quá nhanh đến độ mỗi miếng ăn không được nhai tối thiểu 10 lần. Thức ăn vì thế xuống đến bao tử ở dạng khó được hấp thu. Hậu quả là ăn có thể nhiều nhưng hưởng chẳng bao nhiêu!
2.    Ăn trong trạng thái quá căng thằng vì mang theo công việc lên bàn ăn nên tuyến yên không trung hòa nổi lượng nội tiết tố thặng dư do stress. Hậu quả là lượng nước chua trong dạ dày được bài tiết quá sớm trước bữa rồi sau đó quá trễ sau bữa ăn, nghĩa là lúc bao tử còn trống. Dạ dày vì thế dễ bị viêm loét. Đã vậy nếu gia chủ ăn khi đang bực bội hay buồn rầu thì không cần học bói dịch cũng biết sớm muộn cũng gặp hạn “quan lang”!
3.    Quên uống ly nước lớn trước bữa ăn ít phút, hay chọn món canh khai vị, để nhờ nước vừa pha loãng dịch vị, vừa giúp bao tử xay nhuyễn thức ăn, thay vì lúc nào cũng phải rồ ga vì gặp hàng cứng rồi mau cháy máy!
4.    Ăn một lần quá no khiến trái tim sau đó phải gồng mình bơm thêm máu đến trục tiêu hóa rồi đành bỏ quên nơi khác như não bộ, thành tim, đáy mắt… Chính vì thế phải ăn chầm chậm, ăn vừa đủ no nếu đã thiếu máu cơ tim, đã bị bệnh võng mạc. Với người ăn quá nhanh, đến khi có được cảm giác no thì lượng thức ăn đã quá tải trong dạ dày.
5.    Dùng nhiều thực phẩm sống trong bữa cơm chiều để rồi suốt đêm khó ngủ vì hiện tượng lên men trong khung ruột. Đó là chưa kể hậu quả lâu dài trên trục thần kinh – nội tiết – biến dưỡng vì các cơ quan nội tiết như tuyến thượng thận, tuyến giáp trạng… ngày nào cũng phải tăng năng suất.
6.    Không lưu ý về quân bình giữa thực phẩm gốc động vật và rau quả tươi theo tỷ lệ món đỏ đừng hơn phân nửa món xanh, thậm chí chỉ 1/3 càng tốt, để độ pH trong máu đừng quá chua rồi kéo theo rối loạn biến dưỡng.
7.    Hay tráng miệng bằng món quá ngọt ngay sau bữa ăn khiến tụy tạng mau mệt nhoài vì đã bù đầu với việc điều chỉnh lượng đường huyết ngày nào cũng bội tăng mấy chục lần.
8.    Không cho cơ quan cơ quan trọng yếu giữ nhiệm vụ giải độc như lá gan, trái thận, khung ruột có dịp nghỉ xã hơi nhờ không phải đối đầu với độc chất ngoại lai hay phế phẩm nội sinh từ tiến trình biến dưỡng. Đáng tiếc vì biện pháp tương đối đơn giản. Đó là nhịn đói ít ngày trong tháng, hay một ngày trong tuần, hay vài ngày trong tuần chỉ ăn một bữa.
9.    Ăn nhậu là tiếng kép. Đừng uống rượu mà không ăn. Nên nhớ là lượng thức ăn khi “vô” giữ vai trò chất độn để nhờ đó giảm độ hấp thu của rượu vào máu.
10.    Nhậu nhẹt cũng là tiếng kép. Thầy tu bên Đức không cấm nhậu, miễn là đừng nhậu đến… nhẹt! Trong chương trình dinh dưỡng của các nhà dòng bao giờ cũng hoan nghênh ly rượu vang đỏ hay cốc bia đen sau mỗi bữa ăn. Kẹt một nổi là ở xứ mình nhiều người vẫn chưa phân biệt được giữa một ly với một chai rượu mạnh hay một két bia!

Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) ắt hẳn đã có cơ sở vững chắc khi quả quyết sai lầm trong chế độ dinh dưỡng là nguyên nhân của tối thiểu 70% bệnh chứng nghiêm trọng. Không cần dông dài, khỏi cần thống kê cũng hiểu tại sao nhiều bệnh chứng nghiêm trọng như ung thư, cao huyết áp, tiểu đường, thấp khớp, dị ứng… lại có tỷ lệ cao đến thế ở nước ta! Không cần dông dài cũng hiểu tại sao doanh nhân là miếng mồi ngon của nhiều bệnh chứng chỉ vì mấy ai tránh khỏi ăn uống thất thường, ăn quá nhanh, uống nước không đủ… Đáng tiếc vì ăn thì ai cũng phải ăn nhưng do cách ăn mà sinh bệnh thì đúng là vụng về đến độ đáng trách.


Bác sĩ Lương Lễ Hoàng.

THIÊN CHÚA KHÔNG XÉT LÝ LỊCH

THIÊN CHÚA KHÔNG XÉT LÝ LỊCH

(Lc 13,22-30)

Tác giả: Cao Huy Hoàng

Lời của Chúa là Tin Mừng, không thể nào là tin buồn cả. Nhưng, thiết tưởng,  trang Tin Mừng hôm nay gợi lên cho mỗi người một nỗi buồn chính đáng, nỗi lo chính đáng. Nỗi buồn chính đáng về đoạn hành trình chúng ta đã đi qua, và nỗi lo chính đáng về hành trình chúng ta đang đi tới.

Chúa Giê-su cho chúng ta biết trước về sự tuyển chọn công dân Nước Trời, tuyển chọn người vào dự tiệc trong Nước Trời theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Thật đáng buồn thay khi phải đón nhận những lời yêu rất thẳng thắn mà cũng rất đáng buồn, đáng khiếp sợ nếu mỗi chúng ta phải nhận lấy lời này:

“Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!”

“Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!”

Thiên Chúa không xét lý lịch

Rõ ràng là Thiên Chúa không phán xét mỗi chúng ta theo tiêu chuẩn lý lịch. Đáng buồn thay! Lâu nay chúng ta vẫn tự hào rằng chúng ta là con cháu của các Thánh Tử Đạo, của các chứng nhân anh dũng đã từng bị bách hại, bị giết chết ngàn ngàn người, bị chôn tập thể ở nhiều gò nhiểu nỗng mà bây giờ vẫn còn gọi là Gò Mã Thánh, hay Gò Thánh. Lại cũng có người khoe khoang rằng dòng họ nhà mình có vài người làm Đức Cha, có cả chục người làm Linh Mục, tu sĩ nam nữ thì vô kể. Người khác lại tự hào rằng dòng mình thì không có cha, có sơ nhưng ông cố, ông sơ theo đạo thời xửa thời xưa vài trăm năm trước. Đáng buồn thay khi không chỉ tự hào khoe khoang về lí lịch của mình, mà đôi khi còn lên mặt dạy đời cho những người tân tòng, chê bai dè bỉu những người mới theo đạo trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó. Theo đạo khi lập gia đình với người có đạo, theo đạo sau một cơn bạo bệnh được giúp đỡ, chẳng hạn… Đáng buồn thay! Chúng ta thật vô lý vì rõ ràng là chính mình đã có đạo, nhưng gần như chỉ là đạo danh nghĩa, đạo giấy tờ mà chửa thực sự sống tinh thần của Đạo. Chúng ta chẳng khác nào những người Do Thái ngày xưa lấy lí lịch của mình ra mà kỳ kèo với Thiên Chúa để được vào Nước Trời rằng: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi”.

Trong lý lịch ở đời, người ta có yêu cầu phải khai rõ làm nghề gì, ở đâu, nhưng đối với Thiên Chúa, Ngài không hỏi chi tiết này. Thế thì chúng ta có nhận ra sự vô duyên của mình khi mãi tự hào về chức vụ của mình trong Hội Thánh Chúa. Cần thiết để được chuẩn vào Nước Trời sao, mà có người cứ phải tranh giành làm ông kia bà nọ trong Giáo Xứ. Và khi không được bầu vào chỗ mà mình ước ao, thì đâm ra bất mãn, chê bai, tìm cách bêu xấu, hạ bệ những người đương chức. Không phải là hiếm những trường hợp kiện cáo vô duyên nơi các giáo xứ, các hội đoàn chỉ vì lòng ganh tỵ không đáng có. Đáng buồn thay. Chúa không tuyển vào Nước Trời theo tiêu chuẩn chức vị, chức vụ hay công trạng làm việc cho Chúa, cho Hội Thánh lâu năm.

Chúa cũng không xét về trình độ hiểu biết về Thiên Chúa. Vậy mà trong chúng ta vẫn có người rất tự mãn về vốn học, vốn tu nghiệp, vốn đào tạo một mớ kiến thức thần học. Cũng có người tự hài lòng về tài năng giảng thuyết về Thiên Chúa rất thuyết phục, rất hấp dẫn. Người khác lại tự hào về những tác phẩm viết về Thiên Chúa, những suy tư, những ca khúc, những bài văn, bài thơ, những công trình nghiên cứu đồ sộ… Đáng buồn thay! Chúa cũng không xét về trình độ, về tác phẩm.

Nhờ Lời Chúa hôm nay soi sáng, chúng ta có thể thấy còn nhiều điều đáng buồn cho cái suy nghĩ kém cỏi của mình, cái lầm tưởng của mình, khi tự vẽ ra cho mình một Nước Thiên Chúa y chang như một đất nước trần gian về chuyện thưởng, phạt. Vì quả thực, các nước ở trần gian thưởng không đúng người, phạt không đúng tội vẫn là chuyện cơm bữa. Nước nào càng kém văn minh về tình thương, kém hiểu biết về Thiên Chúa thì càng bất công, bất chính tồi tệ hơn.

Tiêu chuẩn của Thiên Chúa

Chúa Giê-su biết rõ lòng dạ con người chúng ta đang quá vấn vương mùi đời và không muốn cho chúng ta suy nghĩ lầm lạc về Nước Thiên Chúa. Ngài đã trả lời cho thắc mắc của một người rằng “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” bằng câu nói “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được”.

“Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào” chính là tiết lộ tiêu chuẩn của Thiên Chúa dành cho những ai muốn được vào Nước Trời.

Câu trả lời ấy là Lời Vàng cho mỗi chúng ta, nhắc nhở cho chúng ta một nỗi lo rất chính đáng trên đoạn hành trình còn lại của mỗi người: vào Nước Trời qua lối hẹp, lối mà Chúa Giê-su đã đi.

Hai từ “lối hẹp” hay “cửa hẹp” mà Chúa Giê-su dùng hôm nay như phần kết luận, hay bản tóm tắt cả một cuộc đời của Ngôi Con Thiên Chúa, tóm tắt bao nhiêu Lời đã mạc khải, Lời đã giảng dạy trong hành trình rao giảng Nước Thiên Chúa.

-Lối hẹp của lòng khiêm cung và vâng phục tuyệt đối: Con Thiên Chúa cao trọng quyền phép lại khiêm cung vô cùng để con người kiêu căng phải biết cúi đầu nhận tội. Con Thiên Chúa chịu bước xuống làm người, để con người được bước lên cùng Thiên Chúa. Con Thiên Chúa chấp nhận bỏ trời xuống đất, để con người biết buông bỏ mọi sự phù vân dưới đất mà lên trời vĩnh cửu. Con Thiên Chúa toàn năng, chí thánh, chí thiện bằng lòng mang thân phận tội nhân, để tội nhân được vinh phúc thông chia sự thánh thiện của Ngài…

-Lối hẹp của tình yêu thương tuyệt đối: Con Thiên Chúa yêu thương con người để con người hẹp hòi ích kỷ biết thương nhau. Con Thiên Chúa hiến thân chịu chết cứu chuộc con người để con người biết hy sinh cho nhau được sống và sống vui. Con Thiên Chúa biết chạnh lòng trước nỗi đau của con người để con người cũng biết chạnh lòng thương xót bao mảnh đời cơ cực. Con Thiên Chúa khoan dung tha thứ cho con người tội lỗi tày trời, để con người cũng biết thứ tha cho nhau và xây dựng bình an hạnh phúc…

Vâng, nói cách khác, tiêu chuẩn của Thiên Chúa: “qua lối hẹp”, “qua cửa hẹp mà vào” là hãy nên giống Chúa Giê-su trong mọi sự, hãy đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su trong hành trình cuộc đời hành hương, hãy đi con đường Thánh Giá mà Chúa Giê-su đã đi mới mong được vào Nước Thiên Chúa.

Bấy giờ, Thiên Chúa Cha không xét lý lịch, nhưng hẳn là ai đã nên giống Chúa Giê-su trong mọi sự, thì sẽ được Ngài đón tiếp, được cho vào Nước Thiên Chúa trước. Và dĩ nhiên là, cả tôi, cả bạn, cả những người trông mong và kỳ kèo Ngài xét cho cái lý lịch con ông cháu cha, chức vụ, hay tài năng trình độ của mình mà không nên giống Chúa Giê-su thì hẳn là chỉ còn biết trông nhờ vào Lòng Thương Xót của Ngài mà thôi, nếu không nói là bị quăng ra ngoài nơi khóc lóc, nghiến răng, trầm luân muôn kiếp.

“Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót”.

Nỗi lo thật chính đáng: “Tôi là kẻ đứng hàng đầu, lại xuống hàng chót đấy sao?”.

Cuộc đời là chuyến hành hương

Người đi phải chọn đúng Đường mà đi…

(Hương Nam)

Lạy Chúa Giê-su, xin tạ ơn Chúa đã cho chúng con biết tiêu chuẩn vào Nước Trời. Xin cho chúng con biết chọn con đường Thánh Giá của Chúa mà can đảm và kiên trì bước đi. A men.

PM. Cao Huy Hoàng,

24-8-2013

Thánh Monica và Thánh Augustinô

Thánh Monica và Thánh Augustinô

26/08/2013

Tác giả: Trầm Thiên Thu

Thánh Monica (331-387) là bổn mạng của những cha mẹ chịu đựng đau khổ vì gánh nặng gia đình. Bà được mệnh danh là “Người Bạn của Thánh Giá”. Giáo hội kính nhớ bà vào ngày 27-8 hằng năm, 28-8 là lễ Thánh Augustinô.

Thánh Monica sinh năm 332 tại Tagaste, Bắc Phi (nay là Souk Ahras, thuộc Algeria). Bà sống các nhân đức Kitô giáo nổi bật, nhất là chịu đựng sự ngoại tình của người chồng, bà khóc hằng đêm vì “cậu ấm” Augustinô hoán cải, chuyên cần cầu nguyện cho con hoán cải, điều mà chính Thánh Augustinô đã viết trong cuốn Tự Thuật (Confession).

Dù bà là một Kitô hữu, cha mẹ vẫn bắt bà sớm kết hôn với người ngoại giáo tên là Patrixiô, dân thành phố Tagaste, một người chồng có tính nóng như lửa, nghiện rượu, luôn khó chịu vì vợ hay làm việc từ thiện và cầu nguyện.

Thánh Monica có 3 người con: Augustinô là con trai trưởng, Navigius là con trai thứ hai, và Perpetua là con gái út. Thánh Augustinô bướng bỉnh, lười biếng, và được gởi vào học tại trường Madaurus. Thánh Monica bị coi là một người vợ hay bị cằn nhằn, là con dâu đau khổ và là người mẹ thất vọng, nhưng bà không đầu hàng trước mọi nghịch cảnh. Thánh Monica phải chịu đựng bà mẹ chồng cực kỳ khó tính. Nhưng lời cầu nguyện và gương lành của Thánh Monica đã khiến chồng và mẹ chồng trở lại Công giáo. Patrixiô mất năm 371, sau khi được rửa tội 1 năm, lúc này Augustinô 17 tuổi. Thánh Monica ở vậy nuôi dạy các con. Thánh Augustinô tiếp tục theo học tại trường Carthage, và tại đây chàng Augustinô bắt đầu ăn chơi trác táng.

Tại Carthage, sinh viên Augustinô theo tà thuyết nhị nguyên Manichean (Manichaeism), thuyết của Mani (216–276), Thánh Monica đã đuổi Augustinô đi chỗ khác, không được ăn uống và không được ngủ trong nhà. Đêm đó, Thánh Monica đã có thị kiến lạ là “đứa con trời đánh” sẽ trở lại, thế nên bà giải hòa với con. Từ đó, bà luôn theo sát con mọi nơi mọi lúc, cầu guyện và ăn chay vì con.

Rồi bà đã gặp một giám mục thánh thiện, giám mục này khuyên bà và nói tiên tri: “Đứa con của nước mắt sẽ không hư mất”. Thánh Monica bí mật theo con đi khắp nơi để tìm cách cứu con ra khỏi vũng lầy tội lỗi. Tại Manila (Ý), Thánh monica đã gặp Thánh Ambrôsiô và được chứng kiến con trai Augustinô trở lại sau nhiều năm ròng rã.

Lúc 29 tuổi, Augustinô quyết định đi Rôma để dạy khoa hùng biện. Thánh Monica quyết định đi theo. Một đêm nọ, Augustinô nói với mẹ là sắp đi tạm biệt một người bạn. Nhưng không, Augustinô lại lên tàu đi Rôma. Thánh Monica rất đau khổ khi biết con lừa dối mình, nhưng bà vẫn đi theo. Bà vừa đến Rôma thì biết tin con trai “trời đánh” Augustinô đã đi Milan. Dù việc đi lại khó khăn, Thánh Monica vẫn theo con tới Milan và bất cứ nơi nào.

Tại Milan, Augustinô chịu ảnh hưởng một vị giám mục là Thánh Ambrôsiô, đồng thời là linh hướng của Thánh Monica. Bà nghe lời khuyên của Thánh Ambrôsiô và khiêm nhường từ bỏ mọi sự. Thánh Monica trở thành trưởng nhóm của các phụ nữ đạo đức ở Milan cũng như khi bà ở Tagaste.

Bà tiếp tục cầu nguyện cho Augustinô. Lễ Phục sinh năm 387, Thánh Ambrôsiô đã rửa tội cho Augustinô và vài người bạn của Augustinô. Ngay sau đó, nhóm của Augustinô đi Phi châu. Biết mình không còn sống bao lâu nữa, Thánh Monica nói với Augustinô: “Con ơi, không gì trên thế gian này làm mẹ vui. Mẹ không biết có gì còn lại cho mẹ làm hoặc tại sao mẹ lại vẫn ở đây, mọi hy vọng trên thế gian này mẹ đã được mãn nguyện”. Sau đó bà lâm bệnh, và sau 9 ngày bệnh nặng thì bà qua đời. Hầu như những gì chúng ta biết về thánh Monica là nhờ các tác phẩm của thánh Augustinô, đặc biệt là cuốn Tự Thuật (Confessions).

Thánh gia nhập Công giáo lúc 33 tuổi, làm linh mục lúc 36 tuổi, và làm giám mục lúc 41 tuổi. Ngài là một tội nhân trở thành thánh nhân. Đó là nhờ nước mắt của người mẹ là thánh Monica, sự hướng dẫn của Thánh giám mục Ambrôsiô, và nhất là chính Thiên Chúa đã nói với Thánh Augustinô qua Kinh thánh để soi dẫn Augustinô từ tình-yêu-cuộc-sống đến cuộc-sống-tình-yêu.

Trong những năm đầu đời, ngài đắm chìm trong kiêu ngạo và tội lỗi, nhưng ngài đã trở lại và sống thánh thiện, chống lại mọi thủ đoạn của ma quỷ thời ngài – suy đồi về chính trị, xã hội và luân lý. Chính kinh nghiệm đời ngài mà ngài đã để lại cho chúng ta những câu nói bất hủ.

Cũng như tiên tri Giêrêmia và các tiên tri khác, Thánh Augustinô không thể im lặng: “Có lần con tự nhủ: ‘Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa’. Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!” (Gr 20:9).

Không lâu sau khi con trai Augustinô trở lại, Thánh Monica qua đời ở tuổi 55.

Lạy Thánh Monica và Thánh Augustinô, xin cầu thay nguyện giúp. Amen.

TRẦM THIÊN THU

ĐỪNG SỢ KẺ GIẾT THÂN XÁC MÀ KHÔNG GIẾT ĐƯỢC LINH HỒN!

ĐỪNG SỢ KẺ GIẾT THÂN XÁC MÀ KHÔNG GIẾT ĐƯỢC LINH HỒN!

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

. Câu chuyện xảy ra trong khoảng từ năm 1950 đến 1967 khi đảng cộng sản vô thần nắm quyền tại Slovak.

Năm bước vào tuổi 16 cũng là năm tôi nếm mùi tù ngục. Tôi bị tống giam chỉ vì là tín hữu Công Giáo và là người tổ chức, điều động nhóm sinh viên học sinh, đối lập với cái gọi là ”Hội Công Giáo” do nhà nước cộng sản thành lập. Tôi còn bị bắt dưới nhãn hiệu ”thành viên cuồng tín của Vatican”. Như thế có nghĩa là ”một công dân nguy hiểm cho xã hội chủ nghĩa Tiệp-Khắc!”

Niềm đau lớn lao nhất của tôi lúc bấy giờ là bị bắt cùng lúc với thân phụ và bị đưa ra tòa với người. Bọn công an dùng một đòn tâm lý vô cùng ác độc. Để tra khảo tôi, để buộc tôi phải xưng thú hay chấp nhận điều gì, họ đánh đập Ba tôi trước mặt tôi. Không thể nào tả hết nỗi đớn đau tinh thần và thể xác khi tôi nhìn thấy Ba tôi bị đánh đập cách tàn bạo, máu trào ra từ những cơ phận chính!

Phản ứng tự nhiên của tôi là quay mặt đi nơi khác nhưng bọn công an tàn ác bắt buộc tôi phải chứng kiến cảnh tượng này.

Hình ảnh thân phụ bị đánh đập in đậm trong tâm trí tôi như hình ảnh của vị anh hùng tử đạo, không bao giờ có thể xóa mờ! Ngay khi đó, Ba tôi bị kết án tử hình nhưng rồi không hiểu sao họ đổi thành án tù chung thân. Sau 10 năm tù đày Ba tôi được trả tự do nhưng thật ra để về nhà và chết tại gia đình!

Các lính canh tỏ ra thương hại chúng tôi nhưng họ không làm hành động nào tốt để giúp chúng tôi, những thanh thiếu niên Công Giáo vô tội. Sau đó bọn tù chúng tôi bị giao cho các lính canh trẻ tuổi hơn, nhưng lại tàn ác hơn. Nếu chẳng may họ tìm thấy trên người hoặc nơi phòng giam chúng tôi những bảo vật tôn giáo như ảnh tượng thánh và tràng hạt Mân Côi chẳng hạn thì họ nổi điên. Họ mắng nhiếc và đuổi chúng tôi ra khỏi phòng, co ro trong các hành lang dài lạnh buốt.

Nhóm tù nhân thiếu niên chúng tôi gồm đủ mọi thành phần, trong số này có thiếu niên bị tù vì tìm đường vượt ra ngoại quốc. Các bạn trẻ này thường không chịu được cảnh tù tội như chúng tôi là thiếu niên Công Giáo. Do đó chúng tôi giúp họ bằng cách từ từ nói với họ về niềm tin tôn giáo. Dĩ nhiên có người chấp nhận, có người từ chối.

Trong thời gian bị giam cầm chúng tôi thường xuyên bị tuyên truyền đầu độc bởi học thuyết xã hội chủ nghĩa vô thần nhằm bài trừ tôn giáo. Ngoài ra nhóm canh tù cũng nhét vào đầu óc non trẻ của chúng tôi các tội phạm và gieo vào lòng chúng tôi tâm tình của người mắc tội và phải đền tội.

Chúng tôi khó cưỡng lại lời buộc tội vô căn cứ và một chiều này. Tôi nhớ rõ một ngày, một thiếu niên Công Giáo Slovak bị đưa vào giam chung với chúng tôi. Thiếu niên bị bắt và tống giam chỉ vì cậu đã kéo chuông vang dội báo hiệu cho giáo dân trong xứ biết là công an đến bắt Cha Sở mang đi.

Cậu bị buộc cái tội gọi là ”dám khơi dậy cuộc nổi loạn trong làng”. Thật tội nghiệp cho thiếu niên! Tâm tình ngây thơ vô tội khiến cậu không thể nào chịu được những vu khống trắng trợn của bọn công an. Kết quả là cậu bị mất trí. Nhiều đêm chúng tôi bị thức giấc vì tiếng la hét của cậu. Đôi khi cậu trở nên vô cùng hiền dịu, quỳ gối trước mặt ông canh tù và phân trần là cậu không bao giờ muốn giết chết một ai cả! Sau đó người ta mang thiếu niên này đi nơi khác.

Trong thời gian học tập cải tạo, chúng tôi phải hoàn toàn mù quáng chấp nhận tất cả bài học vô-lý vô-nghĩa do nhóm công an đưa ra. Khốn cho đứa nào dám cãi lại những lý luận một chiều của họ! Chính tôi từng kinh nghiệm điều này. Một ngày, chúng tôi được tin đội banh Liên-Xô thắng đội banh Canada. Người cai tù hãnh diện lớn tiếng giải thích:
– Chiến thắng này chứng tỏ chủ nghĩa xã hội của Liên-Xô vượt xa các chủ nghĩa khác!
Nghe vậy, tôi liền nói với người tù đang ngồi trước mặt:
– Lý luận thật hồ đồ, không giá trị, chẳng khác nào nói: ”Bởi vì con ngựa đua của nữ hoàng Anh Quốc thắng cuộc đua, nên chính thể Anh quốc là chính thể tốt đẹp nhất thế giới!”

Dĩ nhiên là sau lời phát biểu ý kiến tự do này, tôi bị tố cáo, bị trừng trị và bị biệt giam vì đã dám chỉ trích chủ nghĩa xã hội của Liên-Xô!

Những tháng ngày tù ngục trôi qua trong Đức Tin Công Giáo và niềm can đảm nhờ một lần tôi được trông thấy hình ảnh vị Giám Mục với chiếc áo đẫm máu, bị giam cùng một trại với chúng tôi.

… ”Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh chị em cho các hội đồng và sẽ đánh đập anh chị em trong các hội đường của họ. Và anh chị em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết .. Anh chị em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh chị em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục .. Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt CHA Thầy, Đấng ngự trên Trời” (Matthêu 10,17-18/28/32).

(”HÉROS OU TRAITRES”, Cyril Slovák et Jozef Inovecký, Roma 1976, trang 52-59)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

LỜI CẦU NGUYỆN CỦA CHỊ VERONICA PHONG CÙI:

LỜI CẦU NGUYỆN CỦA CHỊ VERONICA PHONG CÙI:

Một lời cầu nguyện thiên đàng cũng phải rơi lệ.

Một lời cầu nguyện hay nhất mùa Lễ Tạ Ơn.

Biết ơn là dấu chỉ làm người và cũng là dấu chỉ của người Kitô hữu trước những hồng ân bao la của Thiên Chúa ban cho. Nhân mùa Lễ Tạ Ơn và Năm Đức Tin, anh chị em thanhlinh.net xin gởi đến Quí vị và các bạn lời cầu nguyện của chị Veronica phong cùi. Một lời cầu nguyện tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa hay nhất, tuyệt vời nhất, và cũng là lời bày tỏ Đức tin sâu đậm nhất của một người mang căn bệnh phong cùi ngặt nghèo, dù mất mát tất cả nhưng vẫn tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu của Thiên Chúa. Xin Quí vị cùng chúng tôi dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ, tri ân khi nghe lời cầu nguyện này.

httpv://www.youtube.com/watch?v=RYggna7hSHs&feature=youtu.be

CHỊ VERONICA PHONG CÙI

Hai linh mục Raymond và Pierre Jaccard – hai anh em ruột – cũng là hai bác sĩ hội viên của tổ chức “Frondations Follereau” tại Ba Lê đã từ nhiều năm hiến đời mình phục vụ “người cùi”. Do đó các ngài đã quen biết chị Veronica và đã tới hàn thuyên với chị nhiều lần. Là một linh hồn rất đặc biệt, chị không muốn hai cha tiết lộ danh tính, nhưng bằng lòng cho hai cha phổ biến lời cầu nguyện sau đây của chị. Hồi xưa, Veronica là một cô gái kiều diễm, ngày nay chị đã mất tất cả: sắc đẹp duyên dáng, tay chân mịn mà, hai con mắt huyền ảo. Nhưng để bù lại sự mất mát phần xác bề ngoài, chị đã được Chúa đền đáp cho một tâm hồn trong sáng, quảng đại, phó thác hoàn toàn, vì ở trong đó tràn đầy ân sủng và sống tiêu tan trong đại dương tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa được chị diễn tả trong một lời cầu nguyện tuyệt vời.

Lời cầu nguyện này là bản toát yếu đời sống bên trong của chị, là tấm gương sáng lạn phản chiếu một nội tâm sâu đậm, phong phú vì đã được lọc luyện qua đau khổ, qua một chứng bệnh bên ngoài thật ghê gớm, nhưng chị Veronica đã chấp nhận sống trong suốt 60 năm trời đằng đẵng, và chị cho đó là một sứ mệnh cá nhân: “Lạy Chúa, suốt bằng ấy năm chịu bệnh, con ý thức Chúa đã chiếm đoạt con cho một mình Chúa: thật sự cho một mình Chúa. Con đã chấp nhận, do đó hồn con đầy tràn thanh bình và hoan lạc”. Để cống hiến quí cha, quí tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân Việt Nam Lời Cầu Nguyện Này, chúng tôi gửi đến như là một đóng góp khiêm tốn – nhưng chân thành – ghi nhớ ngày đại hội ngàn năm một thuở, nhân dịp lễ tôn phong Hiển Thánh các chân phước Tử Đạo Tiên Tổ tại giáo đô La Mã (19.6.1988).

LỜI CẦU NGUYỆN CỦA CHỊ VERONICA PHONG CÙI
(Bài “Avec Une Infinie Tendresse”)

Lạy Chúa, Chúa đến đòi con tất cả,
Và con đã tận hiến cho Chúa toàn thân.

Hôm xưa con mê đọc sách, nhưng giờ này con đã mù loà.
Con thích chạy nhảy trong khu rừng hoang vắng,
Nhưng hiện nay hai chân con đã thành bất toại!
Con thích đi hái những bông hoa dại dưới nắng trời xuân,
Nhưng ngày nay hai bàn tay ấy không còn nữa!
Là phụ nữ, con ưa nhìn mái tóc mây mượt mà óng ả,
Nhìn những ngón tay mềm mại xinh đẹp,
Nhìn tấm thân liễu đào kiều diễm.
Nhưng giờ này trên đầu con không còn một sợi tóc,
Những ngón tay mịn mà của tuổi giai nhân ngày xưa,
Hôm nay chỉ là những thanh gỗ nhỏ khô cứng!

Lạy Chúa, xin nhìn đến thân con hồi nào mỹ lệ,
Hôm nay đã tàn tệ, nhưng con không dám trách than:
Con tạ ơn Chúa, và ngàn đời con sẽ hát lời ca ngợi.
Và giả như con có chết đêm nay đi nữa,
Con tin chắc đời mình đã được sung mãn dồi dào.
Là vì sống bằng tình yêu, con được quá những gì lòng con ước nguyện.

Lạy Cha chí nhân,
Với đứa con Veronica, Cha đã quá nhân từ hiền hậu.
Quỳ hôm nay, con cầu cho những ai phong cùi trong thể xác,
Nhưng nhất là những ai “phong cùi” trong tâm linh nội diện:
Vì họ có thể đổ xô, gục ngã, tàn phế, tiêu tan:
Chính những lớp người này con càng thành tâm yêu mến,
Và trong âm thầm con nguyện hiến đời mình cho họ,
Bởi vì họ với con là anh chị em một nhà!
Lạy Chúa của lòng con yêu mến thiết tha,
Con dâng lên Chúa tấm thân phong cùi thể xác này,
Để cho họ không còn phải nếm phiền muộn, đắng cay,
Không còn phải lạnh lẽo và khổ đau chua xót,
Vì chứng phong cùi ghê gớm xâu xé tâm linh họ!

Lạy Cha chí nhân,
Con vẫn là đứa con gái bé bỏng thân tình,
Xin cầm tay dẫn con đi, như người mẹ dẫn đứa con thơ dại;
Xin xiết chặt con vào trái tim Cha đang rộng mở,
Như người Cha ấp ủ đứa con nhỏ bé hồi nào!
Xin cho con chìm sâu trong đáy huyệt lòng Cha,
Ở mãi trong đó với những người con yêu thương trìu mến,
Vì ở đó là hạnh phúc thiên đàng trường sinh vĩnh cửu!

Cảm ơn Cha.


Đức ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ (dịch)

NGHÈO ĐÓI

NGHÈO ĐÓI

Gm. Bùi Tuần

Có lúc tôi cảm tưởng nhu nghèo đói là một luật lệ của thân phận gia đình tôi. Từ nhỏ cho tới bây giờ, tôi chưa bao giờ được thấy gia đình sung túc. May mà chưa có ai phải chết đói.

Nhưng không chết đói không có nghĩa là đã đủ ăn. Mà dù có lúc nói được là đủ ăn, thì thứ đủ ăn đó cũng chỉ là thứ đủ ăn của kẻ nghèo, nghĩa là ăn đủ no chứ không ăn đủ sức.

Đủ cơm ăn nhưng không đủ áo mặc, đủ gạo ăn nhưng không đủ nhà ở, đủ đồ ăn không đủ tiền mua thuốc và cho trẻ em đi học.

Thú vật chỉ cần no là đủ.

Con người no mà vẫn có thể nghèo thê thảm.

Con thú no là đã đạt được kiếp thú.

Con người no nhưng nghèo túng vẫn không thể sống cho ra kiếp người. Phương chi lại vừa đói vừa nghèo.

Kẻ nghèo thường phải mất mát nhiều quá, mất sự kính nể, mất bạn bè, có khi mất cả nhân phẩm, niềm tin và hy vọng.

Nhìn sang các gia đình chung quanh, tôi thấy cũng hơn kém như thế. Thì ra cảnh nghèo còn là một thứ quê hương chung của đa số đồng bào tôi.

Muốn an ủi mình và những kẻ cùng trong thân phận nghèo, có lúc tôi muốn lượm lặt tất cả những lời người ta đã nói tốt về cảnh nghèo, để đúc nên một bài ca tán tụng thân phận nghèo đói.


Nhưng tôi không làm được. Vì cảnh nghèo đói hầu nhủ chẳng được ai tán thưởng. Cũng có ít người tỏ vẻ muốn khen, nhưng khổ nổi là họ chẳng bao giờ muốn, đã dám và đã thực sự phải sống nghèo. Vì thế, lời họ khen đã trở thành mỉa mai và mang màu đạo dức giả tạo.

Còn Chúa Giêsu thì có bao giờ Ngài đã khuyến khích cảnh nghèo đói đâu. Trái lại, Ngài tỏ ý muốn mọi người được sống đầy đủ. Chẳng thế mà Ngài đã dạy ta: “Xin Cha cho chúng con lương thực hàng ngày’’. Lương thực hàng ngày ở đây được hiểu về tất cả những sự cần ích cho cuộc sống vật chất và tinh thần.

Nên Chúa có lần đã nói: “Phúc cho kẻ nghèo khó trong tinh thần’’, thì đó không phải là sự cổ võ cảnh nghèo đói, nhưng chỉ là một lời khuyên như mọi người, dù nghèo dù giàu, nên có tinh thần dứt bỏ với của cải.

Mặc dầu Chúa không xuống thế vì mục đích giải quyết vấn đề cơm áo cho nhân loại, nhưng không vì thế mà Chúa không quan tâm đến thân phận kẻ nghèo. Trong số hơn 40 phép lạ được kể trong Phúc âm, có bao nhiêu phép lạ Chúa đã làm cho kẻ nghèo và vì kẻ nghèo.

Đạo Chúa dạy tôi phải làm theo Chúa và giữ luật Chúa. Bổn phận đối với kẻ nghèo thì Chúa nêu lên nhiều gương đáng sợ, và ra nhiều luật quyết liệt. Như gương người giàu có và người ăn mày tên Lazarô. Như gương Chúa sẽ đối xử với người ta trong ngày phán xét căn cứ vào thái độ đối với kẻ nghèo. Như luật đã ghi trong kinh mười bốn mối thương xót.

Nghĩ tới đây, tôi thấy lương tâm tôi áy náy vô cùng.

Bao lần tôi đã không quan tâm đến cảnh nghèo của người khác. Bao lần tôi đã vô tâm xài phí tiền bạc bên cạnh những người đói khổ. Bao lần tôi đã nhẫn tâm khinh miệt hắt hủi những kẻ rách rưới, nghèo nàn. Bao lần tôi đã lên mặt đạo đức giả, gán cho kẻ nghèo những ý nghĩ xấu, chỉ vì họ quá nghèo đến nài van tôi giúp đỡ.

 


Lạy Chúa, con đã gặp kẻ nghèo hay con đã gặp Chúa? Có phải họ, hay là Chúa đó? Đúng là con đã gặp họ, nhưng cũng đúng là con đã gặp Chúa. Vì Chúa kể việc con làm cho kẻ nghèo như việc con làm cho chính Chúa. Đến ngày phán xét, Chúa sẽ tính tất cả, lúc đó, con biết ăn nói làm sao đây? Lạy Chúa, nếu Chúa căn cứ vào thái độ của con đối với kẻ nghèo để đánh giá con, thì con khó thấy có hy vọng được chọn.

Lạy Chúa, xin giúp con biết thành tâm xét kỷ lại thái độ của con đối với kẻ nghèo.

Gm. Bùi Tuần

10 Bài học sức khỏe từ người Nhật

10 Bài học sức khỏe từ người Nhật

1-Bớt ăn thịt, ăn nhiều rau

2-Bớt ăn mặn, ăn nhiều chất chua

3-Bớt ăn ðường, ăn nhiều hoa quả



4-Bớt ăn chất bột, uống nhiều sữa

5-Bớt mặc nhiều quần áo, tắm nhiều lần

6-Bớt ði xe, năng ði bộ

7-Bớt phiền muộn, ngủ nhiều hơn



8-Bớt nóng giận, cười nhiều hơn

9-Bớt nói, làm nhiều hơn

10-Bớt ham muốn, chia sẻ nhiều hơn

Những bài học trên có tác dụng rất lớn ðối với những người bị tăng huyết áp,

bệnh tim mạch, ung thư dạ dày, viêm gan…

Chim Bay Về Biển

Chim Bay Về Biển

Phạm Tín An Ninh

Một mai chim bỏ bay về biển

Ta đứng một mình ngó nhánh sông

Ta khóc nhìn theo giòng nước chảy

Nghe trăm ngọn sóng vỗ trong lòng

(Sương Mai)

Một cánh chim vừa bay ra biển, nhỏ dần rồi mất hút giữa mênh mông. Tôi mơ hồ như hình ảnh của chính mình đang tìm về quê cũ. Hình dung đến thành phố Nha trang xưa, nơi mà nếu không có biển sẽ không còn lãng mạn để người ta nhắc nhớ, đắm say, cũng có thể làm nhẹ đi ít nhiều tiếc nuối của những người Nha trang xa xứ.  Bờ biển cát từng chôn giấu những hang động tuổi thơ và ôm ấp dấu tích của bao cuộc tình thơ mộng, nước biển đã cuốn trôi đi, nhưng không thể xóa mất trong ký ức của nhiều cặp tình nhân mà bây giờ tóc ai cũng bạc. Âm thanh những ngọn sóng rì rào đã dệt nên những bài thơ, những bản tình ca từng làm khuấy động bao trái tim người, mà dư âm dường như vẫn còn vang vọng mãi.

Nha trang đẹp đẽ, hiền hòa và thơ mộng đó bây giờ đã không còn nữa. Đã trở thành một Nha trang xa lạ, như thuộc về ai đó chứ không phải của mình. Đó là cảm nhận xót xa của đám bạn bè tôi, không chỉ người đã rời xa mà cả những người vẫn còn ở lại với Nhatrang, sống với Nhatrang gần trọn một đời.

Nhà văn Nguyễn xuân Hoàng, một đàn anh văn nghệ, cũng là đồng môn huynh trưởng cùng trường Võ Tánh, sau 15 năm trở lại Nhatrang, đã viết:

“Mười lăm năm sau ngày ra khỏi nước, tôi quay trở về như một người xa lạ. Thành phố tôi đã ở thời tuổi nhỏ như nhỏ lại, những con đường quen đã xa lạ, tiếng sóng biển vọng lại âm thanh đều đặn kỳ quái của một vùng biển chết nào. Bãi cát không còn cái màu của thời tôi mới lớn và rừng dương đã bị xóa khỏi bản đồ của trái tim.

… tôi trở về nhìn lại biển xưa thấy không còn lại chút dấu vết nào của những ngày trốn học, những buổi trưa hạnh phúc nằm trên bãi cát, gối đầu lên hai cánh tay, đấp mặt bằng cành lá dừa, ngủ một giấc chờ đến giờ tan học lủi thủi trở về”(truyện Từ Đường- VOA/  01.5.2013)

Một chị bạn cùng trường Võ Tánh, hiện định cư ở thành phố Seattle bên Mỹ. Năm 1954 là một cô bé 7 tuổi, di cư theo gia đình từ Hà nộivào Sài gòn. Ông bố là quân nhân, được bổ nhậm ra một đơn vị ở Nhatrang. Cô rất vui mừng được theo cha ra sống ở thành phố biển. Thi đậu vào lớp đệ thất  trường Võ Tánh. Nhưng chỉ mấy năm sau lại bịn rịn bỏ lại bạn bè, theo bước chân cha ra tận Quảng Nam, rồi Huế. Sau này trở thành cô giáo trung học, lên cao nguyên sống với phố núi và đám học trò Kinh – Thượng, giữa chiến tranh vây bủa, may mắn sống còn trong lần di tản kinh hoàng trên con đường Tỉnh Lộ 7B.Vậy mà một thời tuổi thơ ngắn ngủi ấy lại là mảng quá khứ đẹp đẽ nhất. Trong ký ức và cả trong trái tim, chị đã dành ngăn lớn nhất cho Nha Trang . Sang Mỹ định cư khá lâu, chị háo hức trở về thăm Nha trang, để rồi “chỉ thấy lòng buồn rười rượi, bởi đang đi trên đất Nha trang mà cảm giác như mình là  kẻ lạ, không tìm thấy bóng dáng Nha trang của mình ngày trước”.

Hai người bạn học cùng lớp với tôi cũng ở trường Võ Tánh. Sinh ra ở Huế, nhưng lớn lên và gần trọn một đời sống với Nhatrang. Trước 75 đều là thầy, cô giáo trung học, giờ chỉ âm thầm nhìn đời từng ngày trôi đi vô vị, những đêm mất ngủ thao thức viết những bài thơ buồn trước bao điều đổi thay ngao ngán. Họ vẫn ở lại với Nha trang cho đến hôm nay, sau bao nhiêu lần tưởng chừng Nha trang đã hất hủi, đuổi xô, không còn chỗ cho họ dung thân. Hai người bạn của tôi rất chí tình với bạn, sống chết với quê, vậy mà đã bao lần than thở: “không ra đi như mi, tớ ở lại với Nhatrang mà vẫn không tìm ra Nhatrang của bọn mình ngày trước! Không có gì đau hơn là sống trên chính đất nước mình mà cứ mãi hoài vọng một quê hương!” Họ chỉ còn gặp lại Nhatrang trong ký ức, trong những bài thơ họ viết về một thời quá khứ, nghe chừng đã rất xa xưa:

chiều quá chén nửa đêm tỉnh giấc

mảnh trăng khuya vòi või chờ ai

trong cỏ ướt dế buồn thao thức

giữa quê nhà sao mãi hoài hương.

Từ buổi ấy đồng thu cỏ biếc

nghe âm u gió tạt mùa xa

người đứng giữa trời không – luyến tiếc

nghĩ ngợi gì tóc rủ sương pha.

….

Bao năm tìm lại con đường

nẻo xanh ngần ngại nghe chừng rất xa

chiều thu xứ ấy mù sa

tình thu thuở ấy cũng là chiêm bao.

(đ.ư.v)

Đám học trò bọn tôi thưở ấy, giờ tóc ai cũng bạc. Sau cuộc thăng trầm quá lớn, nhiều lúc bất chợt ngỡ mình giờ là một người nào khác. Dù còn sống ở quê nhà hay lưu lạc tha phương, ai cũng đã phải trải qua một cuộc đổi đời bi thảm. Nhiều người thành công trong cuộc sống mới, tưởng rằng mọi thứ đã lãng quên, nhưng thực ra vết thương lớn, nhỏ trong lòng dường như vẫn còn đó, chưa lành.

Lần trở lại Nha trang duy nhất để tìm bốc mộ thân phụ bên ngoài một trại tù “cải tạo”, cách đây đúng mười năm, tôi đi một mình trên những con đường xưa, nghe sóng vỗ xa xa mà trong lòng chỉ còn dội lại những dư âm ngày cũ.  Tôi may mắn gặp lại vài ba người bạn học. Nhưng dường như tất cả đều nở nụ cười không trọn. Vui đó rồi buồn đó, bởi mỗi người một số kiếp long đong.

Một thằng bạn rất thân, cùng học ba năm cuối ở trường Võ Tánh. To con, đẹp trai và học giỏi. Sau này cũng là bạn lính. Ở tù hơn bảy năm nên bạn bè ai cũng nghĩ là nó đã đi diện HO và đang nổi trôi nơi nào trên nước Mỹ, không ngờ tôi còn gặp lại nó ở Nhatrang. Mặc dù bây giờ nó không được phép ở lại trong ngôi nhà và thành phố xưa của nó.

Sau sáu tháng vào tù, căn nhà nhỏ của nó ở Nha trang bị tịch thu, cô vợ “Bắc Kỳ nho nhỏ” mang ba đứa con (mà đứa lớn nhất mới vừa năm tuổi) giao cho bà nội ở trên Thành, Diên Khánh, rồi sang sông…về đâu đó, không bao giờ trở lại. Bà nội thì già, mấy đứa nhỏ bấu víu vào ông chú, vừa tốt nghiệp kỹ sư Nông Lâm Súc, nhưng bởi có ông anh là “ngụy đang cải tạo”, nên đi làm phụ hồ cho một ông thợ nề là bác họ. Trong lúc phụ hồ sửa sang một bệnh viện, anh làm quen được một chị đầu bếp. Không biết tài ăn nói thế nào mà anh làm cô động lòng trắc ẩn, thương cảm hoàn cảnh mấy đứa cháu dại không mẹ không cha. Cô sẵn sàng làm mẹ nuôi. Với tất cả tiền bạc và tấm lòng, đã cưu mang ba đứa bé không thua gì một người mẹ. Ba đứa nhỏ lớn lên cứ tưởng cô là mẹ. Cái tình mẫu tử này sao mà hiếm hoi và bi tráng quá. Thì ra trong cái thời nhá nhem tình nghĩa ấy vẫn có những tấm lòng còn hơn cả những chữ Từ Bi viết trong mấy ngôi chùa.

Bảy năm sau, thằng bạn tôi được thả về, cúi mình trước người con gái ân nhân để xin nói một lời tạ ơn. Cô nắm tay ngăn lại. Đúng giây phút ấy, bốn mắt nhìn nhau và cùng rơi lệ. Họ ôm nhau, yêu nhau rồi lấy nhau. Hôm gặp chị, tôi tò mò hỏi lý do nào chị lại yêu và lấy thằng bạn khốn cùng của tôi trong lúc chị còn con gái. Chị bảo vì không thể rời xa ba đứa nhỏ mà chị xem như con ruột của mình. Chính cái tình thương và sự gắn bó ấy mà chị trở thành vợ của ba nó. Còn tôi thì lại mơ màng suy ngẫm đến hai chữ duyên nợ của đất trời. Sau này chị làm đầu bếp cho một nhà hàng ở bờ biển Nha trang. Thằng bạn tôi và mấy đứa con vẫn sống trên Thành, vì với cái lý lịch đen, không thể xin được cái hộ khẩu trở về thành phố cũ. Còn chị vợ thì tiếc cái hộ khẩu ở thành phố, mà không muốn chuyển lên vùng quê Diên Khánh.

Cũng chính vì Nha trang đã tạo nên cái hộ khẩu mỗi người mỗi nơi ấy, mà khi thằng bạn của tôi được gọi phỏng vấn xin đi theo diện HO, bị phái đoàn Mỹ từ chối, trả lại hồ sơ và sỉ vả một trận, vì nghĩ chị vợ tốt bụng này chỉ là vợ giả, trả tiền cho nó để được bỏ nước ra đi. Chuyện tình ngay mà lý gian ấy cũng đã làm vợ chồng tốn kém và khốn khổ một thời. Sau mấy lần khiếu nại, cái ân sủng cuối cùng là: chỉ có người cha và ba đứa con được ra đi vào đợt cuối HO. Còn chị vợ sẽ vĩnh viễn không bao giờ được bước chân đến Mỹ.

Bạn tôi quyết định ở lại với người vợ ân tình, mà anh coi như ông trời đã sai xuống dương trần này để gánh vác cho mấy cha con.

Bây giờ ba đứa con đã là người lớn. Thằng bạn tôi ở nhà chăm sóc ngôi từ đường, nuôi mấy con heo và nấu cơm cho con cho vợ. Chị ấy vẫn làm ở khách sạn dưới Nha Trang, tối lại chạy về Diên Khánh!

Hôm đứa con gái lớn lấy chồng, chị khuyên mãi thằng bạn tôi mới báo tin cho bà mẹ ruột bạc tình, bây giờ đang lấy một ông chồng người Thụy Sĩ. Bà ấy cũng vác bộ mặt đầy son phấn trở về. Nhưng đứa con gái chỉ cho bà đến nhà hàng dự tiệc mà từ chối sự hiện diện của bà trong hôn lễ. Con bé bảo rằng, bà chỉ là một cái máy đẻ ra tôi, nhưng mẹ tôi chính là vợ của ba tôi bây giờ.

Tôi rót một ly rượu mừng cho cả cái vô phúc lẫn cái diễm phúc của thằng bạn cũ, nhưng rót đến hai ly để mời vợ nó. Một ly mừng và một ly để nói hộ giùm tôi lòng biết ơn và ngưỡng mộ.

Tôi quay sang bảo thằng bạn:

– Dường như chính phủ Mỹ vừa cho mở lại diện HO, mày thử nộp đơn lại xem sao.

Nó xua tay:

– Tao chẳng cần đi đâu nữa, vì ở đâu có bà vợ tao đây là ở đó có thiên đường.

Tôi đùa:

– Mày nói còn hay hơn mấy ông linh mục trong nhà thờ.

Tôi choàng tay ôm vợ chồng nó mà nước mắt trào ra. Tôi nghĩ, nó vẫn còn tác phong của một thằng lính. Khi chia tay, nó ôm vai tôi buồn bã:

-Mày thấy không, cái thành phố Nha trang mà tao sống cả một thời đẹp đẽ, giờ cũng phụ bạc tao, gây cho gia đình tao bao khốn khó! Từ ngày thuộc về bọn CS, Nhatrang với tao là một vùng đất xấu, lạ lẫm. Mày còn nhớ tác phẩm tiếng Pháp “Le domaine maudit” của ông thầy Cung Giũ Nguyên?

Nha trang bây giờ là thế đó!

Tôi thực sự chưa hiểu, mơ hồ có điều gì không ổn trong cách suy tư của nó. Nhưng tôi cảm được nỗi đau của nó.

Một cô bạn học từ những năm đệ ngũ, đệ tứ bên trường Văn Hóa. Một lần sang Mỹ thăm cô con gái là sư cô ở một ngôi chùa vùng Los Angeles, bất ngờ đọc được bài viết của tôi trong Đặc San Liên trường Võ Tánh & Nữ Trung Học Nha Trang, trong đó tôi có nhắc đến tên nàng, rồi lần mò tìm ra tông tích của tôi. Ngày xưa là một cô bé khá xinh và học giỏi. Sau này có thời làm phóng viên. Ông chồng gốc Võ Bị Đà Lạt, chết một tháng trước ngày có chuyến bay theo diện HO, nên nàng và hai cô con gái không được đến Mỹ. Dắt con lưu lạc khắp nơi, với một số vốn liếng của mẹ cha để lại. Nàng bảo nhiều lúc nhớ Nhatrang lắm, thử quay về, nhưng rồi thấy lạc lõng, mọi thứ chỉ mới đây thôi sao giờ trở thành xa lạ quá, không còn nhiều cảm xúc, nếu có chỉ là đắng cay. Cuối cùng, mẹ con quyết định mua một căn nhà bên cạnh Quan Âm Tự ở Sài Gòn xa lạ. Cô con gái út vừa học đại học vừa tu học trong chùa. Còn nàng thì tu tại gia và cũng là một nhà thơ. Hôm ngồi trên máy bay trở lại Bắc Âu, tôi đọc hết hai tập thơ của nàng ký tặng lúc chia tay. Có nhiều bài tiếc nhớ Nhatrang, nhưng không phải bây giờ mà Nha trang của nàng và của đám bọn tôi ngày trước. Nàng làm thơ Đường thật hay và cảm động. Tôi nghĩ, nếu Đức Phật mà đọc được thơ nàng chắc cũng phải rơi nước mắt xuống tòa sen.

Một thằng bạn khác cùng học trường Võ Tánh. Sau này gặp nhau trong cùng một đơn vị lính. Đánh giặc rất lì, nhưng luôn bị “đì” bởi bản tính ngang tàng không nể mặt cả cấp chỉ huy. Trong khi đang ở tù ngoài Bắc, chị vợ xinh đẹp ở nhà bị đám người thắng trận theo đuổi, dụ dỗ không được rồi chèn ép dọa dẫm, chán chường cuộc sống nên chị lội xuống biển Nha trang tự vẫn, để lại một thằng con trai bốn tuồi. Nơi người ta phát hiện thi thể của chị lại chính là bờ cát, dấu tích yêu đương hẹn hò, thưở hai người mới quen nhau.

Ra tù, không thể sống trên thành phố quê hương một thời đẹp đẽ giờ chỉ còn là mảnh đất thê lương tang tóc, mỗi ngày ám ảnh bởi cái chết đau đớn của người vợ trẻ đẹp dấu yêu, nó dắt mẹ già và đứa con thơ vượt biển. Sang Mỹ, nhờ mẹ chăm sóc cho đứa con, nó vừa đi làm vừa đi học. Được bạn bè khen, nó bảo: “chẳng phải tao siêng năng chăm chỉ gì đâu, nhưng vì tao không muốn còn có chút thì giờ rảnh rang nào để nghĩ ngợi mông lung, hồi tưởng về một quá khứ đau lòng, nên cố đâm đầu vào sách vỡ!”. Nó chưa bao giở về lại Nhatrang. Bạn bè ai cũng phục khi nó lấy được bằng Cao học Tâm Lý ( Master of Psychology) và có công việc làm lương cao, ổn định. Trong đám bạn bè bất hạnh, nó là đứa thành công nhất. Bỗng một ngày được tin nó chết. Chết đau đớn. Thuê phòng trong một khách sạn ở gần nhà, rồi đến đó dùng súng bắn vào đầu mình tự sát, để lại mấy lá thư. Tôi nhận lá thư nó viết cho tôi, được cảnh sát giao lại, nét chữ đẹp đẽ ngay ngắn, chứng tỏ nó rất bình tĩnh trước khi tự kết liễu đời mình.  Đọc xong thấy lòng đau đớn như có trăm ngàn vết chém, vậy mà không biết vì sao tôi không khóc được:

“Xin lỗi mày, tao đi trước mà không kịp chia tay với mày. Bọn mình rồi sẽ như những con chim đã đến lúc phải bay về với biển. Mày đừng nghĩ là tao buồn. Tao vui lắm đó. Thôi thì tao đi trước để dọn chỗ cho bọn mày, đám bạn bè thân thiết nhất của tao. Chỉ có một điều tao tiếc và ân hận là đã không được chết ở chiến trường như bọn thằng Lâm, thằng Bê, thằng Pho, anh Tài, Đức”.

Những người tiễn đưa nó hôm ấy, hầu hết là bạn bè cùng đơn vị xưa, và một số bạn học cùng trường Võ Tánh Nha trang.

Năm ngoái, một chị bạn cùng trường Võ Tánh, học Ban C sau tôi một năm, định cư ở Canada, cũng đã ra đi, sau hơn hai năm chống chọi với căn bệnh ung thư. Tôi và có lẽ hầu hết bạn bè Võ Tánh rất mến phục cô bạn có nặng tấm lòng và rất khí khái này từ những năm còn dưới mái nhà trường. Mọi người đã ưu ái tặng chị biệt danh “Nữ hoàng xuống đường”. Luôn sống hết lòng với bạn bè và đất nước. Quyết liệt trước bất công, bạo lực. Ngay cả những ngày đã lâm bệnh, chị vẫn thường liên lạc trao đổi với tôi về những kỷ niệm Nha Trang, về tình hình chính trị và hy vọng chế độ Công sản man rợ độc tài sẽ sớm cáo chung trên quê hương. Chị ra đi, để lại bao thương tiếc cho gia đình và tất cả bạn bè. Chị mong muốn và dặn dò gia đình, sau khi chị mất được hỏa thiêu và mang tro cốt của chị rải ở ngoài khơi Thái Bình Dương để hương linh của chị theo biển trôi về quê hương. Ở đó có bãi biển Nha trang thơ mộng, nơi chị sống cả một thời tuổi thơ và lớn lên với những vui buồn, vinh nhục.Tôi hình dung một cánh chim hùng vĩ và đẹp đẽ vừa bay về với biển.

Cuối tháng 2/2013, trước khi trở về lại Bắc Âu, tôi bất ngờ nhận được hung tin: hiền thê của một anh bạn qua đời vì một chứng ung thư khó chữa. Chị là cựu nữ sinh Nữ Trung Học Nha Trang, và sau này là một người đàn bà tuyệt vời. Gia đình anh chị là một đại gia đình quân đội. Các con của chị đều là sĩ quan cấp tá trong quân đội Hoa Kỳ, một cô con gái tốt nghiệp từ quân trường nổi tiếng West Point. Sau này đều trở thành những bác sĩ, luật sư. Phu quân của chị là một người bạn, người đàn anh của tôi ở trường Võ Tánh cũng như trong quân đội ngày trước. Con nhà giàu, đẹp trai và tính tình hào phóng. Là môt sĩ quan trẻ đầy phong độ khi tốt nghiệp từ trường Võ Bị Đà Lạt, đối tượng của nhiều cô con gái Nha trang thuở ấy. Ngày anh quyết định làm đám cưới với chị, chắc chắn có nhiều cô tốn khá nhiều nước mắt. Cuộc tình đẹp. Một gia đình thành công, hạnh phúc. Chị luôn bặt thiệp vui vẻ, hết lòng với bạn bè, đồng đội cũ của chồng. Nụ cười lúc nào cũng nở trên môi. Ai cũng quí mến chị. Vậy mà đùng một cái, chị ra đi, đột ngột chẳng ai ngờ.

Hôm dự dám tang chị, rất nhiều bạn bè cùng khóa Võ Bị với anh và đồng môn thân quen thời Võ Tánh, Nữ Trung Học Nha trang, từ mọi nơi về tiễn biệt. Trong nhà nguyện không còn chỗ đứng. Anh chồng ốm nhom, tiều tụy. Khi gặp anh nói lời chia buồn, tôi ôm đôi vai gầy gò mà thấy thương anh, tội nghiệp. Khuôn mặt hốc hác, đôi mắt quầng thâm. Tôi nghĩ là anh đã khóc thầm nhiều lắm, ở cái tuổi đã trải qua bao thăng trầm mất mát, tưởng như không còn nước mắt.

Khi nhìn quan tài chị được đưa vào lò thiêu, cửa lò đóng lại, tôi tưởng tượng, lại thêm một cánh chim đẹp đẽ vừa bay về với biển.

Tôi nghĩ rồi sẽ có môt ngày, thế hệ bọn tôi, những cô cậu học trò rời trường Võ Tánh vào những năm đầu thập niên 60, bây giờ đều đã trên tuổi 70, sẽ lần lượt ra đi. Tất cả cuối cùng rồi cũng sẽ là những cánh chim bay về với biển.

Bỗng lòng tôi chợt thoáng lên một chút băn khoăn. Những cánh chim di xứ ấy sẽ bay trở về đâu, khi Nha Trang ngày xưa của họ đã thực sự không còn. Thành phố đã cho họ một thời tuổi thơ đẹp đẽ, nhưng cũng đã cho họ quá nhiều đớn đau, mất mát sau cuộc đổi đời.  Tất cả những hang động tuổi thơ và dấu tích của những cuộc tình ngày xưa ấy, giờ chỉ còn là cổ tích. Tôi nhớ lại lời thằng bạn còn ở lại Nha trang, nhớ tới thầy tôi, nhà văn Cung Giũ Nguyên, và tác phẩm Le domaine maudit viết từ năm 1961 của thầy.

Phạm Tín An Ninh

(Bắc Âu cuối hạ 2013)

UNG THƯ RUỘT GIÀ

UNG THƯ RUỘT GIÀ (Colon cancer)

Bác sĩ Nguyễn Văn Đức

Mỗi năm, có 11 triệu trường hợp ung thư ruột già mới xảy ra trên toàn thế giới. Riêng tại Mỹ, ung thư ruột già nhiều chỉ sau ung thư phổi, mỗi năm có thêm 150.000 trường hợp, làm thiệt mạng khoảng 50.000 người. Đây rồi chúng ta ngày sẽ sống lâu hơn, người già nhiều hơn, và số người bị ung thư ruột già sẽ tăng lên. Ung thư ruột già đến với phụ nữ hơi nhiều hơn đàn ông một chút.

Hầu hết các bướu độc ung thư ruột già phát sinh từ những bướu thịt lành tính có tên “adenomatous polyps”. Trong lòng ruột già, hay có những chỗ lồi lên, tạo thành những bướu thịt dư ra gọi là “polyp”. Tùy theo cấu trúc của các bướu thịt dư này, người ta chia chúng làm 3 loại: juvenile polyp (nonneoplastic hamartoma), hyperplastic polyp (hyperplastic mucosal proliferation) và adenomatous polyp. Theo thời gian, chỉ có loại bướu thịt dư adenomatous polyp là có thể biến thành ung thư. Đến 30% người lớn tuổi chúng ta có bướu thịt adenomatous polyps trong ruột già, và thường thì chúng im lặng, chẳng gây triệu chứng gì cả để ta biết. Thế mới lo, tuy không phải bướu thịt adenomatous polyp nào sau cũng biến thành ung thư.

Ai dễ bị ung thư ruột già?

Một số yếu tố được xem dễ đưa đến ung thư ruột già:

– Tuổi tác: 90% các trường hợp ung thư ruột già xảy ra ở người 50 tuổi trở lên.

– Di truyền:

25% số người bị ung thư ruột già có người thân trong gia đình cũng bị ung thư ruột già. Như vậy, trong nhiều trường hợp, tính di truyền của loại ung thư này rất mạnh. Đi khám bác sĩ, nếu người thân trong gia đình bị ung thư ruột già, bạn nhớ cho bác sĩ biết.

– Người trước bị ung thư ruột già dễ có ung thư ruột già nữa. Người có bướu thịt adenomatous polyp trong ruột già dễ bị ung thư ruột già hơn người khác.

– Thực phẩm:

Tuy nguyên nhân gây ung thư ruột già chưa được biết rõ, nhưng có lẽ ung thư ruột già là bệnh của những người thích ăn thịt.

Người ta thấy ung thư ruột già xảy ra thường hơn ở người thuộc tầng lớp khá, sinh sống nơi phồn hoa đô hội. Những khảo cứu làm tại nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới cho thấy càng ăn nhiều chất đạm từ thịt (meat protein), càng tiêu thụ nhiều dầu mỡ (dietary fat and oil), càng dễ tử vì ung thư ruột già. Di dân từ những nơi ít có ung thư ruột già, khi đến một quốc gia mới có thói quen ăn thịt, cũng sẽ dễ bị ung thư ruột già giống như người bản xứ ở quốc gia mới đến cư ngụ. Người theo đạo Mormons ít ăn thịt ít bị ung thư ruột già hơn những ông bà bạn hàng xóm của họ không theo đạo Mormons, ăn thịt nhiều hơn; và người Nhật, trước ít có ung thư ruột già, bây giờ nhiều hơn, vì nay họ có thói quen ăn uống giống với người phương Tây.

– Bệnh viêm ruột (inflammatory bowel disease):

Nhiều người không may mang bệnh viêm ruột “inflammatory bowel disease” (gồm hai bệnh “ulcerative colitis” và “granulomatous colitis”), cứ hay đi cầu ra máu, đau bụng, lâu lâu lại tắc ruột.

Sau 25 năm mang bệnh với các triệu chứng tái phát như vậy, triển vọng bị ung thư ruột già rất cao (8-30%). Sau 15 năm mang bệnh viêm ruột, căn bệnh vẫn hay hành, cắt bỏ hẳn ruột già sẽ làm giảm nguy cơ ung thư, đồng thời cũng giúp người bệnh đỡ khổ vì các triệu chứng.

– Thuốc lá: hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư ruột già.

– Thiếu vận động: đời sống thiếu vận động cũng khiến ung thư ruột già dễ xảy ra.

Ngược lại, theo vài khảo cứu, calcium (ít nhất 1000 mg mỗi ngày, từ thực phẩm hoặc thuốc uống) có thể giúp giảm nguy cơ ung thư ruột già, thuốc aspirin và các thuốc chống viêm không chứa steroid (nonsteroidal antiinflammary drugs) như ibuprofen, napoxen, … cũng vậy.

Triệu chứng

Như bạn thấy, ruột già của ta dài, gồm nhiều khúc. Triệu chứng của ung thư ruột già tùy vào chỗ ruột già có ung thư.

Khi mới từ ruột non vào ruột già phía bên phải của bụng, phân tương đối còn lỏng nên ung thư nằm ở đoạn ruột già bên phải bụng (gọi là ruột già lên, ascending colon, vì nó đi từ bụng dưới bên phải lên phía bụng trên bên phải), cả đến khi nó đã rất to, thường không gây triệu chứng gì cả. Bướu ung thư tại nơi đây hay gây loét, khiến chỗ loét cứ âm thầm chảy máu tí một, tí một, mắt ta không nhìn thấy, và phân trông vẫn bình thường. Nhưng chảy máu rỉ rả như vậy, về lâu về dài sẽ đưa đến thiếu máu, loại thiếu máu do thiếu chất sắt (iron deficiency anemia). Người có ung thư ruột già bên phải, vì thiếu máu, hay thấy mệt mỏi, hồi hộp, có khi đau ngực do tim không đủ máu nuôi (angina), thử máu thấy các tế bào hồng huyết cầu vừa thiếu, vừa nhỏ, vừa tái, không đỏ như bình thường, làm ta nghĩ đến loại thiếu máu do thiếu chất sắt. Vì thế, ở người lớn chúng ta, nhất là sau 50 tuổi, ai thiếu máu do thiếu chất sắt nhưng không có lý do nào rõ rệt có thể giải thích việc này (như phụ nữ đã mãn kinh, đâu còn ra kinh mỗi tháng, mà sao vẫn thiếu máu), cần được tìm hiểu xem có ung thư ruột già hay không.

Khi đến đoạn ruột già ngang (transverse colon, chạy từ bụng trên bên phải sang bụng trên bên trái) và ruột già xuống (descending colon) bên trái bụng, phân của ta đã trở thành cứng hơn, nên ung thư ở những phần ruột già này cản phân, khiến phân khó di chuyển, gây đau bụng. Ruột có thể tắc, có khi thủng.

Ung thư vùng trực tràng (rectosigmoid area) gần về phía hậu môn hay làm đi cầu ra máu, đi cầu khó phải rặn cho dữ (tenesmus), phân ra bé hơn bình thường. Có điều, thiếu máu lại ít khi xảy ra. Quả những triệu chứng này hay khiến chúng ta nghĩ đến bệnh trĩ, nhưng bất cứ khi nào đi cầu ra máu, và thói quen đi cầu của chúng ta tự dưng thay đổi, ta nên nghĩ đến ung thư ruột già, nhờ bác sĩ dùng ngón tay khám trực tràng cho ta, hoặc soi vùng trực tràng bằng phương pháp soi proctosigmoidoscopy.

Định bệnh

Nghĩ đến ung thư ruột già, nhất là ở những vị 50 tuổi trở lên, là ta đã đặt được bước chân đầu tiên trên con đường định bệnh.

Chúng ta biết rồi, thiếu máu do thiếu chất sắt ở đàn ông hoặc phụ nữ đã mãn kinh mà không có lý do rõ rệt, ta nghĩ đến ung thư ruột già. Đau bụng, thói quen đi cầu thay đổi (mới bón hoặc tiêu chảy thời gian gần đây thôi), đi tiêu ra máu, đi cầu phải rặn dữ quá, phân ra bé tẹo, …, cũng vậy.

Những phương pháp hiện được dùng để khám phá ung thư ruột già: thử phân hầu tìm xem trong phân có máu không (fecal occult blood test), khám trực tràng bằng ngón tay (digital rectal examination), chụp phim ruột già (barium enema), soi đoạn cuối của ruột già gần về phía hậu môn (sigmoidoscopy), và soi toàn ruột già (colonoscopy).

Soi toàn ruột già được xem là phương pháp khám phá ung thư ruột già chính xác nhất. Sau khi ruột già của bạn được xúc rửa sạch sẽ, bác sĩ đặt một ống soi mềm vào hậu môn bạn và đi ngược lên phía trực tràng, rồi từ từ đi lên cao hơn nữa, quẹo phải trên đoạn ruột cong hình chữ S sigmoid, xong, ngược lên đoạn ruột già xuống bên trái bụng, quẹo trái khi gặp đoạn ruột già ngang, đi hết đoạn ruột già ngang, lại quẹo trái nữa, xuống đoạn ruột già lên bên phải bụng. Với ống soi, vừa đi như vậy, bác sĩ vừa xem xét kỹ lòng ruột già của bạn, và nếu gặp bất cứ chỗ nào khả nghi, sẽ cắt lấy một miếng thịt để đem thử.

Phương pháp soi toàn ruột già tốt, khám phá ung thư rất chính xác, song có thể gây biến chứng chảy máu, thủng ruột già, vì việc đi xa trên cả một cái ruột già dài và vòng vèo như thế, thỉnh thoảng cũng gặp bất trắc. Tuy vậy, những biến chứng này ít khi xảy ra, và nếu cần phải soi toàn ruột già để khám phá hoặc truy tìm ung thư, ta chẳng nên ngần ngại.

Chữa trị

Việc chữa trị ung thư ruột già tùy vào việc ta khám phá được ung thư sớm hay trễ, nó còn tại chỗ hay đã ăn sâu xuống, lan đi xa. Ung thư tiến triển qua 5 giai đoạn (Dukes staging system):

– A: khi ung thư còn ở nông trên lớp niêm mạc lòng ruột già hoặc dưới đó một chút (cancer limited to mucosa and submucosa).

– B1: ung thư xuống đến vùng bắp thịt của lòng ruột già (cancer extends into muscularis).

– B2: ung thư xuống sâu đến lớp bao phủ mặt ngoài ruột già (cancer extends into or through serosa).

– C: ung thư đã ra ngoài ruột già, lan đến các hạch bạch huyết quanh đấy (cancer involves regional lymph nodes).

– D: ung thư lan xa đến các cơ quan khác như gan, phổi, … (distant metastases).

Trước khi chữa, để biết ung thư đã lan đến đâu, chúng ta cần soi toàn ruột già (nếu chưa soi), chụp phim ngực (chest x-ray), phim Cat scan bụng và vùng chậu (abdominal and pelvic CT scan).

Khám phá sớm trong giai đoạn A, khi ung thư mới còn trên lớp niêm mạc, chưa ăn sâu xuống lòng của ruột già, sự chữa trị giản dị, ta mổ cắt béng bướu ung thư là xong, và tỉ lệ sống sót được 5 năm (5-year survival rate) của người bệnh rất cao, trên 90%. Dù vậy, ta vẫn cần theo dõi sát trong vòng 5 năm đầu sau khi mổ cắt bướu ung thư thành công, bằng cách đo chất CEA trong máu (carcinoembryonic antigen, một chất tăng cao trong máu khi có ung thư ruột già) mỗi 3 tháng, khám bệnh đều mỗi 6 tháng, và soi lại hoặc chụp phim ruột già mỗi 3 năm.

Ở các giai đoạn B và C, sau khi giải phẫu cắt bỏ ung thư, thường ta phải trị liệu thêm bằng tia phóng xạ (radiation therapy) và các chất hóa học (chemotherapy), với hy vọng tiêu diệt hết những tế bào ung thư chưa cắt hết được.

Còn để quá trễ, khi ung thư đã sang giai đoạn D, lan xa đến cả các cơ quan khác, sự chữa trị chính là hóa học trị liệu (chemotherapy), dùng những thuốc có tác dụng diệt ung thư, nhờ thuốc đến mọi nơi trong cơ thể có tế bào ung thư để giết chúng hộ ta. Việc này không thành công nhiều, và tỉ lệ sống sót 5 năm của người ung thư chỉ khoảng 5%.

Bài kỳ sau, chúng ta sẽ bàn đến các cách phòng ngừa ung thư ruột già.

Học sinh chém nhau như phim trước cổng trường

Bệnh viện quận 8 cho biết lúc 12g ngày 24/8, khoa cấp cứu có tiếp nhận một thanh niên bị nhiều vết đâm được người đi đường chuyển đến. Do nguy kịch, bệnh viện đã chuyển nạn nhân đến bệnh viện 115 cấp cứu.
Ông Nguyễn Hữu Thanh (46 tuổi) người chuyển bệnh nhân đến bệnh viện thuật lại: “Tôi đi làm về ngang qua trường THPT Tạ Quang Bửu (P.5 Q.8) thấy học sinh nhốn nháo. Một chiếc xe gắn máy ngã lăn lóc trước cổng trường. Nhìn phía trước, một thanh niên mặc đồng phục học sinh đang chạy thục mạng. Phía sau, một học sinh khác của trường Tạ Quang Bửu tay cầm con dao dài khoảng 30cm vấy máu truy đuổi.
Trường Tạ Quang Bửu, chém nhau, học sinh

Trước cổng trường PTTH Tạ Quang Bửu, nơi xảy ra vụ việc.

Tôi chạy tới thì em học sinh chạy trốn có dấu hiệu đuối sức, trong khi phía sau người đuổi tới chỉ còn cách em chừng 4m. Tôi tấp sát vào em nói lớn: “Con lên xe, chú cứu con”. Em học sinh nhảy lên xe, tôi chạy thẳng đến bệnh viện quận 8”.
Chỉ cho chúng tôi xem những vệt máu có dính trên xe, anh Thanh cho biết nếu không cứu kịp thời, em học sinh này sẽ bị đâm tiếp và có thể không bảo toàn được tính mạng.
Còn theo người dân chứng kiến, nạn nhân là học sinh một trường khác đến đón một nữ sinh lớp 11 của trường Tạ Quang Bửu. Khi nữ sinh vừa ngồi trên xe bất ngờ một học sinh của trường Tạ Quang Bửu rút dao đâm từ sau đâm tới. Nhát dao sượt qua tay nữ sinh và ghim thẳng vào người nam sinh ngồi phía trước. Em này ngã xuống và bị đâm thêm một nhát nữa. Sau đó là cuộc rượt đuổi đến cách cầu Tạ Quang Bửu chừng 50m thì được cứu.

Trường Tạ Quang Bửu, chém nhau, học sinh
Em Nguyễn Thị Yến Thanh bước ra từ trụ sở công an P. 5. Trên tà áo dài đồng phục còn dính nhiều vết máu.

Công an phường 5 có mặt tại hiện trường mời nữ sinh bị đâm và một số nhân chứng về cơ quan lấy lời khai. Nữ sinh ngồi sau bị thương nhẹ là Nguyễn Thị Yến Thanh học lớp 11 trường Tạ Quang Bửu và thủ phạm gây án cũng là bạn học cùng lớp với Thanh có tên là Bách. Hiện Bách đã bỏ trốn khỏi hiện trường.
Qua trao đổi với gia đình, được biết nạn nhân trong vụ việc là Mai Anh Tuấn hiện là học sinh trường PHTH Thăng Long ngụ tại P.4, Q.8 đã trải qua phẫu thuật tại bệnh viện 115.
Trả lời P.V VietNamNet về vụ việc, hiệu trưởng trường PTTH Tạ Quang Bửu chỉ trả lời vỏn vẹn: “Chúng tôi không hay biết gì về việc này ?”.
Hiện chưa rõ nguyên nhân và động cơ gây án.
Trần Chánh Nghĩa

Ông Lê Hiếu Đằng: Báo Quân đội Nhân dân ‘bỏ bóng đá người’

Ông Lê Hiếu Đằng: Báo Quân đội Nhân dân ‘bỏ bóng đá người’

23.08.2013

Bài viết “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh” của ông Lê Hiếu Ðằng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, là đề tài được truyền thông Việt ngữ khắp nơi bàn tán sôi nổi trong mấy ngày gần đây. Bài viết mà ông Đằng nói ông gửi cho “bạn bè, đồng đội, nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ, thanh niên SVHS Việt Nam”, kêu gọi họ hãy dấn thân hành động để đoàn kết dân tộc và xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.


Với bài viết mang tựa đề “Màn Tung Hứng vụng về” trên báo Quân đội Nhân Dân số ra hôm nay, thứ Sáu 23 tháng 8, tác giả đã mạnh mẽ đả kích những nhận định của ông Đằng. Nội dung chỉ trích bài “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh” của ông Lê Hiếu Đằng, một đảng viên kỳ cựu có trên 40 tuổi Đảng, là “đầy những lỗi tư duy, lập luận phiến diện, hàm hồ, ấu trĩ”.

Trong một cuộc điện đàm với Ban Việt ngữ VOA, ông Lê Hiếu Đằng nói ông đã trình bày rõ ràng tất cả những gì muốn nói trong bài viết, và giờ đây sẵn sàng tranh luận công khai, nhưng không muốn đáp những chỉ trích của báo Quân đội Nhân Dân.

“Quan điểm của tôi là nếu anh muốn tranh luận công khai thì anh hãy tạo điều kiện, diễn đàn đàng hoàng. Tôi và một số bạn bè tôi sẽ tranh luận công khai. Còn nếu anh chơi kiểu gọi là “bỏ bóng đá người” thì tôi không có nói, không tranh luận làm gì, bởi vì các trang mạng người ta cũng đã thấy cái việc đó không đúng, người ta nói rồi thì tôi nói cũng lặp lại những ý đó thôi. Mà tôi là người trong cuộc thành ra không hay lắm, không khách quan… thì thôi cứ để cho dư luận, công luận người ta phê phán thôi, phải không. Chuyện đó tôi nói rất rõ ràng rồi: tôi đấu tranh rất ôn hòa, công khai minh bạch chứ ai kêu gọi vũ trang hay lật đổ gì đâu! ”

Tác giả Phạm Trung, người viết bài trên tờ Quân đội Nhân dân, nói bài viết của ông Đằng có thể bị các nhóm mà tờ báo nhà nước mô tả là “dân chủ” trong ngoặc kép, khai thác để gây xáo trộn và đổ máu tại Việt Nam. Ông Lê Hiếu Đằng:

“Bây giờ cái khuynh hướng bạo lực ấy không ai chấp nhận được. Thành ra trên trang mạng có những ý kiến quá khích, chửi bới tụi tôi, nhưng mà chúng tôi không để ý. Bây giờ cái thời đại này là cái xu thế là phải đoàn kết để xây dựng đất nước. Cái xu thế đó đang lên thành ra cực đoan của cả hai bên đều không thể chấp nhận được, thành ra tôi để ngoài tai những việc đó, không đáng cho mình nói. Những điều mà tôi muốn nói tôi nói rất rõ rồi. Từng câu từng chữ từng ý rất rõ. Tôi viết tôi phân tích từng điểm một mà, chính trị, rồi mặt xã hội rồi mặt độc lập và chủ quyền dân tộc, tôi nói rất rõ rồi không cần phải nói gì thêm.”

Báo Quân đội Nhân dân, tiếng nói của lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam, còn nói rằng bài viết của ông Lê Hiếu Đằng là một lời hiệu triệu, sẽ “lôi kéo, kích động gây xáo trộn xã hội dẫn tới cảnh nồi da xáo thịt, thây chất đầy đồng, máu chảy thành sông ” như cảnh đã diễn ra ở các nước Syria, Libya, và Ai Cập.

VIỄN XỨ,

VIỄN XỨ,

Bên dòng sông nhung nhớ,
Em là con đò nhỏ,
Chở vần thơ ra đi,
Xa xa khuất bến bờ…

Lục bình trôi trên sóng,
Hoa tím sầu mênh mông,
Em gởi hồn theo gió,
Tiếc than phận má hồng…

Đêm lạc đời viễn xứ,
Buồn đầy ắp tâm tư,
Phù sa không bồi đắp,
Nên niềm đau nát nhừ…

Đâu đây vang điệu hát,
Bài ca dao phổ nhạc,
Khơi lòng thêm nhung nhớ,
Buồn ơi… sao xót xa…

Ôi dòng đời nghiệt ngã,
Xâm chiếm mãnh hồn ta,
Tim hoang đàng lưu lạc,
Biết đâu sẽ là nhà…

Liverpool.18/8/2013.
Song Như.

Kính gởi quý Thầy Cô và các bạn LVC.
Kính chúc sức khỏe.
KT.