Người Cyclo ở Tp. HCM năm 2019 và người phu xe ở Tokyo năm 1905
Phan Bội Châu kể:
Cuối năm 1905, Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ dành dụm được vài đồng bạc làm hành phí để lên Tokyo tìm cho được anh học sinh Trung Quốc, quê Vân Nam có tên Ân Thừa Hiến. Xuống khỏi xe lửa, 2 người gọi một phu xe và đưa danh thiếp “Ân Thừa Hiến” ra. Người phu xe này kéo xe chở Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ đến một khách sạn tìm người nhưng đến nơi thì người đó đã chuyển chỗ, không để lại địa chỉ, nhưng anh phu xe bảo cứ đứng đợi để anh ta đi tìm người đó giúp. Sau ba giờ anh ta đã tìm thấy nơi ở mới của người đó và chở 2 ông đến tận nơi để gặp người cần gặp. Phan Bội Châu đưa một đồng bạc trả công cho người phu xe. Nhưng anh ta từ chối, chỉ lấy hai mươi lăm xu, và nói: “Theo giá cả của Bộ Nội vụ định, giá xe từ chỗ kia đến đây chỉ hai mươi lăm xu, tôi chỉ lấy đúng như vậy. Vả lại, các ngài vì mến mộ nền văn minh Nhật Bản mà qua đây, chúng tôi rất hoan nghênh, chứ có phải vì tiền mà tận tụy với các ngài đâu”.
Cử chỉ và lời nói ấy của người phu xe Nhật Bản khiến Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ kinh ngạc, thán phục và …lòng thêm tủi .
GẦN 115 NĂM SAU, Ở TPHCM, VIỆT NAM
Ngày 3.8, cụ Oki Toshiyuki (83 tuổi, du khách Nhật Bản) muốn được ngắm nhìn Sài Gòn khi còn vắng xe cộ nhưng lại có một trải nghiệm… ngỡ ngàng…Trên đoạn đường ngắn về lại khách sạn khoảng 5 phút, cụ Oki có ý định sẽ gởi tài xế xích lô 500 ngàn đồng để cám ơn khi đến nơi. Tuy nhiên, anh xích lô chỉ thả cụ gần khách sạn, cụ rút bóp ra, lấy 1 tờ 500 ngàn đồng đưa cho anh này thì anh này… tỏ ý đòi thêm. Cụ cũng đồng ý, nhưng người già tay chân chậm chạp, chưa kịp lấy thêm tiền thì anh xích lô thò tay vào bóp cụ, lấy hết 5 tờ 500 ngàn và 2 tờ 200 ngàn của cụ rồi bỏ đi.
* * *
Tôi nghĩ, đây chính là vấn đề DÂN TRÍ của một dân tộc. Không lẽ dân trí người Việt năm 2019 lại không bằng dân trí người Nhật năm 1905 sao?
Nguyễn Thiện
Cụ Oki (ngoài cùng, bên trái) chụp ảnh kỷ niệm cùng gia đình ở phố đi bộ Nguyễn Huệ