Ông Tô Lâm đi Mỹ: Gần 100 trí thức kêu gọi trả tự do cho nhà báo Huy Đức

Thư ngỏ kêu gọi trả tự do cho nhà báo Huy Đức dự kiến sẽ được gửi cho ông Tô Lâm khi ông tới Mỹ
Chụp lại hình ảnh,Thư kêu gọi trả tự do cho nhà báo Huy Đức dự kiến sẽ được gửi cho ông Tô Lâm khi ông tới Mỹ

Nhân chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Mỹ, gần 100 trí thức trong và ngoài nước đã ký vào thư kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho nhà báo Huy Đức.

Nhà báo Huy Đức, tên thật là Trương Huy San, là tác giả bộ sách nổi tiếng Bên thắng cuộc và còn được biết đến với bút danh Osin. Ông là cây viết chính luận hàng đầu Việt Nam.

Vào chiều tối 7/6, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an thông báo đã khởi tố ông Trương Huy San tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự. Đây là điều luật đã khiến nhiều nhà báo, luật sư, blogger, doanh nhân, nhà hoạt động vào tù.

Trong danh sách ký tên vào thư ngỏ ngày 20/9 kêu gọi trả tự do cho nhà báo Huy Đức, có các tên tuổi như nhà văn Phạm Thị Hoài (Đức), nhà kinh tế Vũ Quang Việt (Mỹ), Giáo sư Tường Vũ (Mỹ), dịch giả Nguyễn Nguyệt Cầm (Mỹ), nhà văn Thomas A. Bass (Mỹ), nhà báo Katrin Bennhold (New York Times, Mỹ), Giáo sư Ben Kerkvliet (Úc)…

Giáo sư sử học Peter Zinoman từ của Đại học California ở Berkeley là một trong những học giả ký tên trong thư kiến nghị.

Trả lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt ngày 20/9, ông nói rằng nhóm của ông sẽ cố gắng chuyển thư ngỏ tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khi nhà lãnh đạo Việt Nam đến New York.

Ông Tô Lâm dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 79 tại New York, theo thông báo chính thức từ Hà Nội.

Bên cạnh đó, có thông tin cho biết Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ dự một diễn đàn kinh doanh vào ngày 23/9, với sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp Mỹ. Cùng ngày, ông có buổi tọa đàm tại Đại học Columbia ở New York.

Người đứng đầu Đảng và Nhà nước cũng sẽ gặp gỡ lãnh đạo chính quyền, Quốc hội, các đảng và một số người đứng đầu bộ, ngành của Mỹ.

Tuy nhiên, đây không phải là một chuyến thăm Mỹ chính thức của ông Tô Lâm.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York. Chuyến đi Mỹ diễn ra một tháng sau khi ông Tô Lâm thăm Trung Quốc.
Chụp lại hình ảnh,Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York. Chuyến đi Mỹ diễn ra một tháng sau khi ông Tô Lâm thăm Trung Quốc.

‘Yêu sách của nhân dân An Nam’

Từ Mỹ, nhà nghiên cứu độc lập Thái Văn Cầu, người ký tên vào thư ngỏ, chia sẻ với BBC News Tiếng Việt vào ngày 21/9:

“Chúng tôi muốn phương Tây nhận thức được nhu cầu cấp bách thúc ép Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền và để những người bị bỏ tù chỉ vì dám nói lên chính kiến của mình không bị lãng quên.”

“Chúng tôi lên tiếng cho quyền lợi của Huy Đức và của những người Việt Nam khác, về bản chất giống với Yêu sách của nhân dân An Nam (Thỉnh nguyện thư của dân tộc An Nam) mà những người yêu nước Việt Nam, trong đó có thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau này là ông Hồ Chí Minh), gửi đi vào năm 1919, cách đây hơn 100 năm.”

Thư ngỏ của gần 100 trí thức đa phần sống ở nước ngoài, gồm những giáo sư các trường đại học, tiến sĩ, nhà nghiên cứu độc lập và viên chức ngoại giao Mỹ cùng các nhà báo của The New York Times, The Guardian, The Atlantic.

Nhóm này bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước việc chính quyền Việt Nam bắt giam ông Trương Huy San. Thư ngỏ chuyển đến Tứ Trụ Việt Nam, các báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc và các đại sứ quán tại Việt Nam có đoạn:

“Chúng tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam tuân thủ những điều khoản của hiến pháp Việt Nam và các hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, và trả tự do cho ông Huy Đức ngay lập tức.”

“Chúng tôi cũng mạnh mẽ yêu cầu chính quyền Việt Nam chấm dứt các hành động sách nhiễu, đe dọa hoặc ngược đãi dưới mọi hình thức những người phát biểu ý kiến và thể hiện quan điểm một cách ôn hòa.”…

Sức ảnh hưởng của Huy Đức

Mỹ từng có những tiếng nói mạnh mẽ chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Việt Nam thông qua các báo cáo nhân quyền. Nhưng khi Việt Nam ngày càng trở thành một địa bàn để Mỹ tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, theo Giáo sư Peter Zinoman, vấn đề nhân quyền dần không còn được chú trọng.

Tuy nhiên, ông Zinoman tin rằng việc bắt giữ nhà báo Huy Đức có thể sẽ tạo ra sự e dè, quan ngại trong đầu các nhà hoạch định chính sách lẫn người dân Mỹ về độ tin cậy và tính ổn định của chính phủ Việt Nam.

“Một chính phủ không chấp nhận ý kiến bất đồng và phản biện ôn hòa sẽ bộc lộ các điểm yếu và sự yếm thế, điều này làm hiển lộ những khiếm khuyết khác.”

“Hơn nữa, nhà báo Huy Đức quen biết nhiều người Mỹ quan trọng, bao gồm những người có sức ảnh hưởng trong giới truyền thông, giới học thuật và trong chính phủ. Việc bắt giữ ông Huy Đức rõ ràng đã làm tổn hại đến danh tiếng của Việt Nam trong suy nghĩ của những nhân vật có sức ảnh hưởng này.”

Giáo sư sử học Zinoman kết luận rằng, thiệt hại về danh tiếng có thể tác động tiêu cực đến nỗ lực của Việt Nam trong việc đạt được bước tiến tích cực trong đàm phán với Mỹ về nhiều vấn đề, bao gồm cả mối quan hệ kinh tế.

Mỹ và Việt Nam vừa kỷ niệm một năm nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện
Chụp lại hình ảnh,Mỹ và Việt Nam vừa kỷ niệm một năm nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện

Trước khi bị bắt, Facebook mang tên Truong Huy San với hơn 370.000 người theo dõi đã có một số bài phản biện gai góc về hệ thống chính trị Việt Nam, đặc biệt là nói đến vai trò của Đại tướng Tô Lâm (hiện là tổng bí thư, chủ tịch nước) và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước khi ông Trọng qua đời.

Trong bài viết Những suy nghĩ không rời rạc vào ngày 28/5, ông Huy Đức đã bình luận về vấn đề pháp quyền tại Việt Nam và nhận định rằng việc tái lập các ban Đảng thời ông Nguyễn Phú Trọng là “một bước lùi về chính trị”.

Bài viết có đoạn: “Tuy cảm phục mức độ liêm chính về mặt vật chất của ông Nguyễn Phú Trọng, dân chúng vẫn chưa thấy các dấu hiệu chứng tỏ sẽ có ‘Đổi mới II’ trong nhiệm kỳ cuối của ông. Nếu cho đến ngày nghỉ hưu ông không đưa ra được một lộ trình chính trị để đất nước dân chủ hơn, sự sạch sẽ của ông sẽ là vô nghĩa.”

Một bài viết khác có nhan đề Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi trên Facebook Truong Huy San nói về quyền lực của Bộ Công an trong hệ thống chính trị và điều hành nhà nước, và góp ý ông Tô Lâm nên “tư duy như một nguyên thủ chứ không phải tư duy như một người nắm chắc Bộ Công an”.

Đánh giá sức ảnh hưởng của cây bút Huy Đức, Giáo sư sử học Zinoman nhắc đến những bài báo điều tra của ông Huy Đức khi còn làm phóng viên của báo Tuổi Trẻ. Theo đó, ông Huy Đức đã vạch trần nhiều vụ bê bối tham nhũng lớn, trong đó các quan chức chính phủ, gia đình của họ và các doanh nhân.

Những bài viết, bài báo về tham nhũng của ông Huy Đức được cho là đã đưa ra lời cảnh báo hữu ích cho nhà cầm quyền tại Việt Nam rằng tính chính danh của họ có thể sẽ bị xói mòn trong mắt công chúng, thậm chí các nhà lãnh đạo có thể phải chịu hậu quả pháp lý vì lòng tham không đáy và các hành động phi pháp của mình.

“Theo tôi, những bài viết ấy đã có sức đánh động, mang lại hy vọng cho người dân rằng báo chí, truyền thông có thể được sử dụng như một công cụ đem lại sự công bằng xã hội chứ không chỉ là cơ quan ngôn luận răm rắp nghe theo chỉ đạo của một chính quyền phi dân chủ. Tôi có cảm giác chính quyền không thích những điều trung thực và đầy thú vị trong các bài viết của Huy Đức,” Giáo sư Zinoman nói với BBC.


Được xem 5 lần, bởi 5 Bạn Đọc trong ngày hôm nay