Ơn Trời, Ơn người

Ơn Trời, Ơn người

 Tác giả: Phùng Văn Phụng

Chuyện kể rằng:

Đức Khổng Tử đi chơi núi Thái Sơn, gặp ông Vinh Khải Kỳ ngao du sơn thủy, mình mặc áo lông cừu, lưng thắt dây, tay đánh đàn, miệng ca hát không ngừng. Đức Khổng Tử hỏi:

“Tiên sinh làm thế nào mà thường vui vẻ như thế?”

Ông Vinh Khải Kỳ nói:

“Trời sinh muôn vật, loài người quí nhất mà ta được làm người. Trong loài người đàn ông quí hơn đàn bà mà ta được làm đàn ông. Người ta sinh ra có đui què, non yểu mà ta hoàn toàn khỏe mạnh, nay đã chín mươi tuổi. Đó là ba điều đáng vui, có gì mà phải lo buồn” (VietCatholic News Nov 2004)

 1) Kỹ niệm tuổi 75.

            Tháng 07 năm nay (2017), tôi vừa tròn 75 tuổi. Tôi không ngờ tôi sống đến tuổi này vì hồi nhỏ, lúc học lớp 9, tôi bị bịnh hoài, thường xuyên đi bác sĩ để trị bịnh sốt rét và suy nhược cơ thể.

Nhìn lại thời gian qua, có nhiều việc xảy ra trong đời tôi, tôi không thể nào biết trước được như:

+   Biến cố ngày 30 tháng 04 năm 1975: có ai nghĩ miền Nam thua trận, hàng triệu người đi tù. Tôi không ngờ tôi cũng bị đi tù từ tháng 06 năm 1975 đến tháng 2 năm 1983 mới được trả tự do. Tôi trình diện đi tù mới là chuyện hy hữu.

+  Ở trong tù đâu có ai hy vọng gì được thả ra vì ở Liên sô, ở Trung quốc thành phần chống đối bị đày đi Tây Bá lợi Á hay Tân Cương và đa số bỏ xác nơi rừng thiêng nước độc.

+   Chuyện đi sang Mỹ định cư theo diện HO là một chuyện ngoài suy nghĩ, hiểu biết, tưởng tượng của gia đình tôi lúc đó. Bạn bè nói : “lo làm ăn không lo chỉ lo chuyện mò kim đáy biển” (chuyện đi Mỹ). Rồi còn cái nhà ở đường Phạm Thế Hiển tôi đang ở, đáng lẽ ra tôi phải ký giao cho cộng sản vì tôi thuộc diện “xuất cảnh phải giao nhà cho nhà nước quản lý”, vậy mà khi xuất cảnh, tôi không mất nhà, được giao lại cho em ruột.

+  Qua tới Mỹ rồi cũng đâu biết làm nghề gì để sống và Thiên Chúa đã đẩy đưa tôi quen một người bạn làm nghề bảo hiểm nhân thọ hơn 10 năm, mời tôi vô nghề này.

Tôi không ngờ tôi làm được cái nghề mà 10 người vô làm một thời gian, chừng vài tháng thì 9 người phải bỏ nghề.

Nhờ Trời thương, tôi trụ được nghề này từ năm 1994 cho đến ngày về hưu (2017).

Bây giờ, tôi mới cảm nghiệm được rằng tất cả các biến cố lớn, nhỏ trong đời tôi đều ngoài dự tính của tôi.

Với tuổi này rồi (75 tuổi) điều gì làm cho tôi thường xuyên suy nghĩ: Đó là “SỰ CHẾT”

Vì: Sự chết là tất yếu, ai ai cũng phải “trúng số độc đắc” một lần.

Và tôi đã lấy nhà thờ làm chỗ dựa, làm trung tâm đời sống của tôi. Tôi muốn làm môn đệ Đức Giê Su vì tôi muốn được bình an trong tâm hồn.

*Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống, ai sống và tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết. (Gioan 11: câu 26)

Hay :

* Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. Nhưng không phải thế! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai an giấc nghìn thu. (1Cor 15: câu 19,20)

Và Cố Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận có viết về sự chết như sau:

“Chính sự chết cũng là một bổn phận cuối cùng mà con làm cách sẵn sàng và đầy yêu mến”.

 Sách “Đường Hy Vọng và Dẫn Giải” (câu 32 trang 25).

Tin tưởng vào Chúa Giê Su, Thầy Chí Thánh, tin tưởng vào đời sau vĩnh cửu thì có lẽ cũng cần tập quen dần “yêu mến sực chết”, để chuẩn bị cho lúc gặp bịnh hoạn nhiều, đau đớn nhiều, đó là lúc thực hành lời Chúa, yêu Chúa nhiều hơn, cũng là lúc thông phần với đau khổ của Chúa Kitô phục sinh.

Trước những biến cố xảy ra trong đời sống của tôi trong 75 năm qua, có vui, có buồn, có hạnh phúc, có đau khổ, có thuận lợi mà cũng gặp nhiều nghịch cảnh, khó khăn. Nhưng rốt cục lại, tôi học được một điều là “ Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh.” (1 TX, 5 câu 18).

  • Kỹ niệm 50 năm lập gia đình.

50 năm là thời gian quá dài. Năm mươi năm gặp biết bao nhiêu biến cố xảy ra trong đời sống của một gia đình và cho mỗi người vợ hay chồng.

Vợ chồng sống được với nhau lâu dài là phải nhờ ƠN CHÚA, chứ khả năng của con người không thể làm được. Tôi cũng không ngờ, không tưởng tượng được vợ chồng tôi sống với nhau được năm mươi năm.

Vì sao vậy?

  • Có thể một trong hai người chết vì bịnh hoạn hay tai nạn.
  • Có thể đã chia tay vì tâm tính khác biệt . Mỗi bên bước thêm bước nữa và có gia đình mới. Hay có thể ở trong một căn nhà mà ăn riêng, ở riêng, không thèm nói chuyện với nhau, coi nhau như người xa lạ. Đó là tình trạng ly thân.

Làm sao ở với nhau được 50 năm?

Làm sao không bất đồng ý kiến, làm sao không gây gỗ nhau. Không thèm nói chuyện với nhau một thời gian là bình thường. Tôi đã tham gia dự khóa căn bản của Chương trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình vào năm 2000, do Cha Chu Quang Minh sáng lập, đã giúp tôi rất nhiều trong đời sống hôn nhân gia đình.

Các cuốn sách như : “Cảm Thông Để Vơi đau khổ”, “Vợ chồng căng thẳng làm sao hoà hợp”, “Biết mình để sống vui” của Cha Chu Quang Minh giúp tôi rất nhiều và nhờ đó, biết tranh cãi trong gia đình giữa vợ, chồng không có kẻ thắng, người thua.

Biết là một chuyện. Thực hành mới là khó. Làm sao áp dụng đoàn sủng của chương trình “yêu thương gần gũi bằng việc làm”. Thông thường, tự ái, “cái tôi” rất lớn, rất là quan trọng. Con người thường chỉ biết có mình “tôi” mà thôi vì kiêu ngạo là đầu mối mọi sự phá hoại hạnh phúc gia đình. Sự kiêu ngạo của con người là do tội tổ tông Adam và Ave (muốn bằng Trời) mà ra. Chuyện con người làm tháp Babel để lên tận trời.

Làm sao biết khiêm nhường, nhịn nhục, sức con người không làm được nhưng với ơn Chúa thì con người có thể làm được. Vợ chồng sống với nhau là ƠN GỌI, ơn gọi thành lập gia đình, sinh con đẻ cái cho xã hội. Cho nên: “ Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp thì loài người không được phân ly.(Mt 19:6)”, chứ không phải như con chuồn chuồn khi vui nó đậu, khi buồn nó bay.

Vợ chồng chịu đựng được lẫn nhau, tất cả đều nhờ Ơn Chúa, nhờ đức khiêm nhường mà ra.

Chúa nói: Hãy bắt chước ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng. “Lòng tự cao dẫn đến suy sụp, đức khiêm tốn đem lại vinh quang” (Cn 18,12).

Kết: Chúa Giê Su vô tội bị đánh đập, chịu mọi sự đau đớn, bị đóng đinh, chịu cực hình là vì yêu thương con người chúng ta, để cứu rỗi linh hồn chúng ta. Chúng ta có bao giờ chịu đau đớn như Chúa đâu. Như vậy bất cứ sự đau buồn, đau khổ, đau đớn nào, chúng ta hãy dâng lên Chúa để thông phần, chia xẻ với sự đau khổ của Chúa.

Chỉ có Chúa giúp ta chịu đựng được mọi đau khổ về tinh thần cũng như đau đớn về thể xác. Đức Giáo Hoàng Gioan Phao lô 2, Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận đã chịu đựng bịnh tật về cuối đời là gương sáng cho ta bắt chước. Sự chịu đựng đau đớn, đau khổ một mình ta không làm được, nhưng có Chúa, Thầy chí Thánh, cùng đồng hành ta có thể chịu đựng được.

Vì nhờ đó, ta được thông phần đau khổ với Chúa chịu đóng đinh, mới được hưởng phúc vinh quang nước Trời trong hiện tại và tương lai sau khi mất.

Phùng Văn Phụng

Tháng 05/ 2017

Xem thêm: Đức khiêm nhường:

http://gpbuichu.org/news/Suy-tu/Duc-Khiem-Nhuong-3374.html

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay