Niềm vui trong thời đại đa chủng tộc, đa văn hóa.

Niềm vui trong thời đại đa chủng tộc, đa văn hóa.

Ghi nhận của Đoàn Thanh Liêm

* * *

Đối với một cá nhân mỗi người, thì cuộc sống trên dương thế này đều có

những niềm vui xen lẫn với những nỗi buồn. Đối với một tập thể dân tộc

cũng vậy, lịch sử của quốc gia nào thì cũng đày dãy những vinh quang rực rỡ

huy hoàng, xen lẫn những nhục nhằn đen tối u buồn. Điều này cũng có thể áp

dụng cho tình hình chung của nhân lọai cùng sinh sống chung với nhau trên

hành tinh trái đất này – mà hiện đang chứa đến 7 tỉ con người chen chúc trong

nhiều quốc gia và lãnh thổ khác nhau.

Nói chung, thì trong một thế kỷ gần đây nhân lọai đã gặt hái được những tiến

bộ vượt bậc về nhiều phương diện – đặc biệt là về khoa học kỹ thuật, về kinh

tế thương mại, cũng như về văn hóa tinh thần. Về mặt khoa học kỹ thuật cũng

như về kinh tế thương mại, thì thế giới chúng ta đã có những thành tựu lớn

lao vĩ đại – như đã được ghi lại qua những con số thống kê khách quan và

chính xác – mà ai cũng có thể kiểm chứng được một cách dễ dàng. Vì thế

nên người viết thấy không cần phải trưng dẫn các chi tiết có tính cách vật

chất định lượng đó ra ở đây nữa.

Mà bài viết này chủ yếu nêu ra những tiến bộ về mặt chính trị cũng như về

văn hóa tinh thần trong khỏang thời gian 70 năm gần đây – kể từ sau năm

1945 lúc chấm dứt thế chiến thứ hai cho đến ngày hôm nay sắp bước sang

năm 2015. Nói chung, thì những thành quả tích cực vô cùng ngọan mục về

nhiều phương diện đó làm cho chúng ta có thể lạc quan, vui mừng và thêm

tin tưởng ở một tương lai tốt đẹp tươi sáng hơn cho nhân lọai hiện nay đang ở

vào những năm đầu của thế kỷ XXI.

 

I – Thế giới đang mỗi ngày một tiến bộ thêm mãi về các mặt độc lập tự chủ,

bình đẳng và hoà bình – trong đó phẩm giá và quyền con người của mỗi cá

nhân được đề cao tôn trọng hơn.

A / Chỉ trong có chừng 40 năm đầu của thế kỷ XX, mà đã xảy ra hai cuộc thế

chiến tàn khốc là chiến tranh 1914 – 18 và liền theo đó là chiến tranh 1939 –

  1. Ấy thế, mà từ 1945 đến nay tức là đã qua 70 năm, thì lại không hề có một

cuộc chiến tranh thế giới nào nữa.

Mặc dầu có tình trạng “chiến tranh lạnh” nhiều lúc rất căng thẳng gay cấn

giữa hai khối Tư bản và Cộng sản khởi sự ngay từ sau năm 1945 lúc thế

chiến thứ hai chấm dứt – thì may mắn sao, đã không có một cuộc đổ máu tàn

sát nào giữa hai siêu cường Nga, Mỹ. Và từ thập niên 1990 với sự xụp đổ của

Liên bang Xô viết, thì chiến tranh lạnh đã không còn là mối đe dọa cho nền

hòa bình trên thế giới nữa.

Như vậy, quả thật là chúng ta đang được hưởng thụ một tình trạng hòa bình

an lạc tương đối lâu dài trong thế giới hiện nay vậy.

B / Về mặt quan hệ giao tiếp giữa các quốc gia, thì rõ rệt đã có một sự nở rộ

của phong trào nhiều dân tộc khắp các châu lục Á, Phi và Mỹ La tinh dành lại

được quyền tự chủ, độc lập và bình đẳng của mình thóat khỏi sự kềm kẹp của

các nước thực dân đế quốc xuất phát từ Âu châu. Và tổ chức Liên Hiệp Quốc

mỗi ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong sứ mệnh giữ vững được

mối thuận thảo giữa các dân tộc vốn xưa kia thường có sự hiềm khích xung

đột với nhau.

Khởi sự vào năm 1945, thì Liên Hiệp Quốc (LHQ) chỉ mới có 51 quốc gia là

thành viên, mà ngày nay con số quốc gia thành viên đã lên tới 193. Đó là một

sự tiến bộ cực kỳ quan trọng trong đời sống chính trị của chung mọi dân tộc

trên thế giới ngày nay vậy.

Cũng nên ghi nhận sự kiện là một số nhân vật từ Á châu đã từng đảm nhiệm

chức vụ Tổng Thư Kí LHQ, như U Thant trước đây và Ban Ki Moon bây giờ.

Đại sứ Kishore Mahbubani từ Singapore cũng đã từng giữ chức vụ Chủ tịch

Hội Đồng Bảo An LHQ.

Đó là chưa kể đến những cuộc hội họp gặp gỡ rất lớn hàng năm của Diễn

Đàn Kinh Tế Thế Giới (WEF = World Economic Forum) và của Diện Đàn

Xã Hội Thế Giới (WSF = World Social Forum) v.v…

C / Trong hầu hết các quốc gia, thì các tổ chức phi chính phủ (NGO = Non-

Governmental Organizations) càng ngày càng phát triển cả về mặt số lượng,

cả về mặt hiệu quả công tác phục vụ xã hội – trong nội bộ mỗi quốc gia, cũng

như trên phạm vi quốc tế. Các NGO này là nòng cốt tạo thành khu vực Xã

hội Dân sự (XHDS = The Civil Society). Vì thế, mà ta có thể nói rằng các

NGO hợp thành XHDS như vậy, thì được coi như các Tác nhân không phải

là Nhà nước (Non-State Actors) với vai trò mỗi ngày càng quan trọng hơn,

nhất là trong lãnh vực bang giao quốc tế.

Có thể nói các NGO đã tạo thành một thứ Quyền Lực Mềm (Soft Power)

mỗi ngày một thêm vững chắc tại nhiều quốc gia ngày nay. Và thông qua các

NGO này, quần chúng nhân dân có thêm nhiều cơ hội thuận tiện dễ dàng – để

cùng tham gia vào công cuộc cải thiện môi trường sinh sống cụ thể trong tầm

tay với của mình. Nói cách khác, đó là một hình thức sống động của một nền

Dân chủ Tham gia vậy (The Participatory Democracy).

Nhiều quốc gia lại còn cấp cho các NGO quy chế “được miễn thuế” (tax-

exempt) – để khuyến khích người dân nào mà cung cấp tiền bạc cho các NGO

đó, thì họ được trừ vào khỏan tiền thuế để khỏi phải nộp cho ngân sách nhà

nước. Nhờ vậy, mà người dân hăng hái tham gia yểm trợ cho các NGO.

Hơn nữa, khu vực Xã hội Dân sự Toàn cầu (The Global Civil Society) mỗi

ngày thêm phát triển và họat động rất phong phú khởi sắc – nhờ được sự hỗ

trợ lớn lao về tài chánh của giới doanh nghiệp, về trí tuệ của giới hàn lâm đại

học, cũng như về tinh thần của các tôn giáo.

D / Riêng về mặt Bảo vệ Nhân quyền, thì càng ngày các tổ chức tranh đấu

nhằm tôn trọng Phẩm giá và Quyền Con Người càng mở rộng phạm vi họat

động khắp nơi. Các tổ chức này đã thực sự đóng được vai trò làm Đối trọng

(Counterbalance) đối với các chánh quyền nhà nước – mà thường có khuynh

hướng lạm quyền hay cấu kết với giới tài phiệt để bóc lột và đàn áp người

dân. Những tổ chức như Amnesty International, Human Rights Watch,

Reporters Sans Frontieres v.v… đã và đang mỗi ngày thêm tích cực trong sứ

mệnh phát huy và bảo vệ Nhân Quyền.

Cũng cần phải ghi thêm rằng : Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền do

Liên Hiệp Quốc công bố vào năm 1948 cùng với hai văn kiện tiếp theo được

thông qua năm 1966 – là Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị và

Công ước Quốc tế về Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa – đã tạo thành một

cơ sở pháp lý thật vững chắc trên quy mô toàn cầu cho công cuộc tranh đấu

Nhân quyền ngày nay.

Quả đúng như lời phát biểu rất hùng hồn ở Paris vào năm 1948 của vị Cựu

Đệ Nhất Phu Nhân nước Mỹ là Bà Eleanor Roosevelt : “Bản Tuyên Ngôn

Quốc Tế Nhân Quyền có thể được coi như là một Đại Hiến Chương cho nhân

lọai ngày nay vậy” (Magna Carta for mankind in our modern time).

 

II – Các sắc dân thiểu số không còn bị chèn ép khinh rẻ miệt thị như xưa nữa.

Cái tình trạng “Kẻ mạnh khỏe hà hiếp người yếu thế”, “Kẻ khôn ngoan lợi

dụng gạt gẫm người khù khờ” là chuyện thường xảy ra trong xã hội lòai

người. Đến nỗi mà từ xưa, người La mã đã có câu tục ngữ : “Con người đối

xử với nhau như lang sói” (Homo homini lupus).

Cụ thể như ngay trong nước ta, thì từ lâu vẫn xảy ra tình trạng người sắc tộc

Kinh là đa số chiếm đến 86% dân số toàn quốc lại đi lấn ép giành giật khai

thác đất đai của những sắc dân thiểu số vốn định cư lâu đời ở khu rừng núi tại

vùng cao nguyên. Vì thế mà vào năm 1964, các sắc dân này đã quy tụ với

nhau để lập thành Phong trào Fulro nhằm tranh đấu chống lại sự khai thác bất

công áp bức đó. Fulro là chữ viết tắt bằng tiếng Pháp : Front Uni pour la

Libération des Races Opprimées (= Mặt trận Thống nhất Giải phóng các Dân

tộc bị Áp bức).

 

A / Vẫn còn nhiều vụ tranh chấp vì lý do chủng tộc.

Tuy từ năm 1945 đến nay, không xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới nào, thì

lại có đến hàng trăm những cuộc xung đột vũ trang tại rất nhiều quốc gia và

lãnh thổ trên khắp thế giới. Các nhà nghiên cứu đã hợp nhau làm bảng tổng

kê các cuộc chiến tranh cục bộ địa phương này và đưa ra một con số thống kê

rằng : Tổng số các nạn nhân bị thiệt mạng trong biết bao nhiêu cuộc chiến

tranh dù với quy mô hạn chế như thế đã lên tới con số kinh khủng vượt qua

số nạn nhân của cả hai cuộc thế chiến gộp lại!

Mà phần lớn là bắt nguồn từ những cuộc tranh chấp mâu thuẫn vì lý do chủng

tộc (racial conflict). Đúng như lời phát biểu rất chính xác của vị Giáo sư danh

tiếng ở Pháp là Raymond Aron đã viết từ 50 năm trước là : “Không phải là

chuyện tranh đấu giai cấp, mà là tranh chấp chủng tộc” (Ce n’est pas la lutte

des classes, mais c’est la lutte des races). Điển hình như các cuộc chiến tranh

ở Mindanao Philippines, ở Bosnia, Kosovo thuộc Liên bang Nam Tư cũ hay

cuộc diệt chủng ở Rwanda Phi châu hồi giữa thập niên 1990 gần đây thôi.

 

B / Sự nhập cuộc của Tôn giáo và Đại học.

Trước tình trạng chém giết sát phạt nhau tại nhiều địa phương như thế, mà

gần đây đã có sự hợp tác chặt chẽ giữa các Tôn giáo và các Đại học để góp

phần vào những công việc cụ thể như “ Trung gian Hòa giải”,“Chuyển biến

Tranh chấp” và “Xây dựng Hòa bình”. (Mediation – Conflict Transformation

– Peacebuilding) tại các địa phương đang bị xâu xé tàn phá bởi chiến cuộc.

Điển hình như tại Đại học Eastern Mennonite University (EMU) ở Virginia,

thì có cả một chương trình bậc cao học về môn Chuyển biến Tranh chấp (MA

program in Conflict Transformation) và còn có cả Viện Xây dựng Hòa bình

mùa Hè (SPI = Summer Peacebuilding Institute) quy tụ rất nhiều giới họat

động xã hội từ khắp nơi trên thế giới đến trao đổi học hỏi kinh nghiệm họat

động trong lãnh vực cụ thể như “Hàn gắn chấn thương” do chiến cuộc gây ra

(Trauma healing), “Điều giải tranh chấp’ (Mediation) v.v…

Lại còn có những tổ chức tình nguyện đi đến tận những nơi đang có tranh

chấp để tìm cách hòa giải giữa hai bên đối nghịch nhằm tránh được việc sử

dụng bạo lực – điển hình như các Đoàn Xây dựng Hòa bình Thiên chúa giáo

(CPT = Christian Peacebuilder Teams).

 

C / Một số nhân vật tiêu biểu trong cuộc tranh đấu cho người thiểu số ở Mỹ.

* Tại nước Mỹ, ngay từ thập niên 1950 vị mục sư Martin Luther King đã tận

tình dấn thân nhập cuộc với người da đen để tranh đấu cho Dân quyền (Civil

Rights) của tầng lớp người Mỹ gốc Phi châu vốn từng bị đối xử tàn tệ và bị

kỳ thị khinh rẻ – đặc biệt là tại các tiểu bang ở khu vực miền Nam nước Mỹ.

Mặc dù bị bắt giữ tù đày nhiều lần, Luther King vẫn kiên trì sát cánh với các

chiến hữu trong cuộc tranh đấu cho một ly tưởng cao đẹp của thế hệ con cháu

những người nô lệ xưa kia. Ông được cấp phát Giải thưởng Nobel về Hòa

bình vào năm 1964. Nhưng tiếc thay, vào năm 1968 ông bị một kẻ cuồng tín

sát hại lúc mới ở vào tuổi 39 còn quá trẻ.

Martin Luther King được toàn thế giới kính phục vì chủ trương bất bạo động

mà lại kiên cường tranh đấu cho Dân quyền. Rõ ràng ông đã để lại một hình

ảnh tuyệt vời của người chiến sĩ hy sinh trọn vẹn cho Phẩm giá và Quyền

Con Người tại nước Mỹ vào giữa thế kỷ XX.

* Một nhân vật khác cũng được sự kính trọng và yêu mến của nhân dân nước

Mỹ, đó là Cesar Chavez. Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo gốc

Latino, Cesar đã tận tình tranh đấu cho quyền lợi chính đáng của những

người lao động tại các nông trại ở khu vực miền tây nước Mỹ – đặc biệt là ở

tiểu bang California. Ông tham gia lãnh đạo tổ chức United Farm Workers

(UFW =Hiệp hội Thống nhất Công nhân Nông trại) nhằm đòi hỏi giới chủ

nhân nông trại trại phải bảo đảm trả lương sòng phẳng và tạo điều kiện làm

việc thỏai mái cho giới công nhân phần đông thuộc nhóm thiểu số gốc

Latino, đặc biệt là từ nước Mexico sát liền với Hoa Kỳ (mà thường được gọi

là Chicanos).

Cũng giống như Martin Luther King, Cesar Chavez triệt để theo đuổi chủ

trương bất bạo động của Mahatma Gandhi trong cuộc tranh đấu trường kỳ

của mình. Ông mất tại Arizona vào năm 1993 ở độ tuổi 66.

Thành phố Los Angeles ở California đã vinh danh Martin Luther King và

Cesar Chavez bằng cách đặt tên các ông cho hai đại lộ chính yếu của mình.

 

III – Các nền văn hóa khác biệt càng bổ túc cho nhau để tô điểm cho cuộc

sống con người hiện nay thêm phong phú tươi đẹp viên mãn.

Hồi xưa người Tàu thường coi mình văn minh tiến bộ vượt trội hơn tất cả các

dân tộc khác mà họ gọi chung là “một lũ man di, mọi rợ”với một giọng điệu

miệt thị kẻ cả. Sau này, từ thế kỷ XIX trở đi, thì người Tây phương cũng tự

gán cho mình cái sứ mệnh đi mở mang khai hóa giúp đỡ các dân tộc khác

(mission civilisatrice) ở Phi châu, Á châu và châu Mỹ Latinh – chủ ý để biện

minh cho hành động đi xâm chiếm các thuộc địa của họ.

Ngày nay ở vào thế kỷ XXI, cái não trạng hủ lậu cực đoan quá khích đó đã bị

xóa tan lọai bỏ hết rồi. Và giữa các dân tộc trên thế giới đã có sự thông cảm,

liên đới và quý trọng lẫn nhau một cách chân thành sâu sắc hơn. Quá trình

nhận thức và chia sẻ tình cảm thân ái như thế rõ ràng là một sự tiến bộ đi lên

của xã hội loài người chúng ta. Chiều hướng tích cực đó là điều không một ai

mà lại có thể làm đảo ngược lại được nữa vậy (an irreversible processus).

 

A / Sản phẩm đa văn hoá.

 Thế hệ chúng tôi là những người được sinh ra vào khỏang 10 – 15 năm trước

khi thế chiến thứ hai chấm dứt vào năm 1945. Từ trong gia đình, cũng như từ

học đường, chúng tôi được hướng dẫn chu đáo về nhiều mặt, đặc biệt về luân

lý đức dục. Cụ thể như được học những câu “tiên học lễ, hậu học văn”, “ăn

quả nhớ kẻ trồng cây”, “ nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước

phải thương nhau cùng” v.v… Những bài đọc trong cuốn “Luân lý giáo khoa

thư” quả thật đã in đậm nét trong tâm khảm của lớp thiếu niên chúng tôi –

cùng với vô vàn vô số những câu ca dao tục ngữ là đúc kết từ những kinh

nghiệm quý báu của cha ông chúng ta qua bao nhiêu thế hệ của những bậc

tiền bối đáng kính đáng trọng.

Rồi lên bậc Trung học, chúng tôi được tiếp cận với văn hóa của Pháp với tất

cả những tinh hoa của nền khoa học kỹ thuật hiện đại và của nền học thuật tư

tưởng tích lũy từ thời đại Hy lạp & La mã cả mấy ngàn năm trước.

Và khi theo lên bậc Đại học vào thập niên 1950 – 60, chúng tôi lại được tiếp

thu thêm những tiến bộ trong văn hóa của Mỹ đang ở vào giai đọan phát triển

rực rỡ – đặc biệt là cái phong cách cởi mở thông thóang và năng động trong

các hình thái sinh họat xã hội thường ngày.

Nói vắn tắt lại, thế hệ chúng tôi là những người thật may mắn vì được đào tạo

và thấm nhuần bởi cả ba nền văn hóa : văn hóa truyền thống dân tộc – văn

hóa nhân bản của Pháp – văn hóa thực dụng của Mỹ. Có thể nói vắn tắt được

rằng : Chúng tôi đích thực là một thứ “sản phẩm đa văn hóa” vào cuối thế kỷ

XX bước qua thế kỷ XXI vậy (a multicultural product)

 

B / Thế hệ lớp cháu được sinh ra tại các nước Âu Mỹ.

 Thế hệ thứ ba là lớp cháu của chúng tôi, thì hầu hết là được sinh ra tại các

nước Âu Mỹ. Nhờ vậy mà các cháu được tiếp nhận một nền giáo dục thật tiến

bộ về khoa học kỹ thuật cũng như về khoa học nhân văn. Rõ ràng là các cháu

đã có đủ điều kiện thuận lợi để mà có thể hội nhập êm thắm vào với dòng

chính của xã hội sở tại hầu kiến tạo được cho mình một nếp sống văn minh

an hòa thư thái trong thế giới hiện đại.

Chỉ có một điều chúng tôi phải quan tâm lo ngại. Đó là các cháu dễ mắc phải

cái khuyết tật gọi là “mất gốc” (uprooted) – bởi lý do là ít hiểu biết về nguồn

cội văn hóa tinh thần của cha ông mình và cũng ít quan tâm đến những vấn

đề liên hệ đến tương lai đất nước Việt nam nữa. Đó là “cái mặt trái của tấm

huy chương” – được về mặt này, thì lại mất về mặt khác vậy.

Cái thách đố này đòi hỏi chúng ta phải luôn cảnh giác để cùng với nhau tìm

ra được một giải pháp thỏa đáng cho sự khiếm khuyết bế tắc đó.

 

IV – Để tóm lược lại.

 Bài viết đến đây kể đã khá dài rồi, tôi xin được tóm lược lại trong mấy điểm

ngắn gọn như sau :

1 – Nhìn một cách tổng quát, thế giới hiện nay ở thế kỷ XXI đang có một

triển vọng tương đối tươi sáng tốt đẹp hơn – với sự thông cảm và bao dung

hòa ái giữa các dân tộc, sự hợp tác chân thành trong công cuộc xây dựng nền

hoà bình ổn định, cũng như trong cố gắng tích cực phát triển sự thịnh vượng

kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Đó là điều khiến chúng ta lạc quan với chính

bản thân mình và cũng an tâm cho tương lai của thế hệ con cháu mình.

2 – Ý thức về Phẩm giá và Quyền Con Người mỗi ngày được nâng cao và

phổ biến rộng rãi hơn mãi – khiến cho thế hệ trẻ nô nức hăng say nhiệt tình

trong sự dấn thân nhập cuộc tranh đấu nhằm thực hiện công bằng xã hội và

kiến tạo một không gian xã hội thông thóang tự do thỏai mái hơn nữa. Nhờ

vậy mà cuộc sống luôn có được một ý nghĩa cao đẹp hơn, một động cơ hấp

dẫn lôi cuốn hơn.

3 – Nhờ có nhiều cơ hội thường xuyên tiếp cận và sát cánh với nhau trong

những việc làm cụ thể, thiết thực – mà những hàng rào ngăn cách, những

thành kiến ngộ nhận, những ác cảm miệt thị xưa kia trong xã hội đã bị xóa bỏ

lọai bớt đi rất nhiều. Rõ ràng là thời đại hiện nay của chúng ta đang có những

điều kiện thuận lợi nhất để có thể xây dựng và duy trì được một nếp sống

thắm đượm tinh thần nhân bản đích thực và lòng nhân ái bao la viên mãn cho

tất cả mọi người hiện có mặt trên hành tinh trái đất này.

Đích thực đó là một thành quả kỳ diệu kết tụ tích lũy được từ bao nhiêu nỗ

lực kiên trì của nhiều thế hệ con người.

Và đây cũng là bước đầu của quá trình thực hiện được cái điều lý tưởng mà

cha ông chúng ta đã bao đời từng mơ ước vậy./

 

Costa Mesa California, Tháng 11 Năm 2014

Đoàn Thanh Liêm

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay