Những nỗi chia lìa

Những nỗi chia lìa
Nguoi-viet.com

Tạp ghi Huy Phương

Làm nghề truyền thông, thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được điện thư của những người không quen biết ở nhiều nơi. Ngoài những chuyện trao đổi ý kiến, khen ngợi hay chê trách, nhiều lúc tôi lâm vào tình trạng khó xử về những lá thư nhờ tôi một vài việc nhỏ, mà tôi không làm được hay chần chờ không biết giải quyết, trả lời ra sao?

(Hình minh họa: Phil Eggman/US Navy)

Những bức thư này mang những hoàn cảnh khá giống nhau: “Tìm cha.” Không phải như những đứa con lai Mỹ được chính phủ Hoa Kỳ mang về quê cha, nhưng không biết cha là ai, tác giả những bức thư mà tôi nhận được biết rất rõ về cha mình, qua lời kể của mẹ. Ngày chiến tranh chấm dứt, các em còn quá nhỏ, bây giờ 40 năm trôi qua, các em đã trưởng thành, có gia đình, nhưng có mẹ mà không có cha, các em có nhu cầu đi tìm lại người cha của mình với những lời gọi buồn thảm:

-“Cha ơi! Bây giờ cha ở đâu?”

– “Ba cháu tên là Nguyễn Văn Ba, cấp bậc trung úy thuộc Tiểu Khu Long An. Tháng Tư, 1975, trong cơn hỗn loạn, ba cháu xuống tàu đi Mỹ, từ ấy đến nay không có tin tức gì về với gia đình. Mẹ cháu đem con về nương náu bên ngoại, nhẫn nhục nuôi con, mong chờ tin cha, nhưng tin cha biền biệt. Nghe nói cha cháu hiện ở California, mong bác rộng lòng nhắn tin, tìm giúp ba cháu. Cháu và gia đình không quên ơn bác.” (Nguyễn Thị Hoài)*

– “Ngày 30 Tháng Tư, 1975, cháu đang còn ở trong bụng mẹ. Ba cháu là lính không quân, di tản trước khi Sài Gòn mất. Từ đó đến nay, mẹ cháu nói không có tin tức gì của ba cháu. Bà ẩn nhẫn sinh và nuôi con, lập gia đình với một người đàn ông khác và sinh ra những đứa con khác cha với cháu. Ông dượng sau này rất yêu thương cháu và rất thông cảm với hoàn cảnh của mẹ con cháu. Cháu lớn lên, hiện nay đã có gia đình và sinh hai con.

Cháu biết chuyện xưa qua lời kể của bà ngoại lúc cháu sắp đi lấy chồng. Mẹ cháu không bao giờ nhắc chuyện cũ, nhưng trong thâm tâm, cháu vẫn tha thiết muốn biết cha cháu là ai, không phải để nhờ cậy gì nhưng, ít ra cho lòng cháu khỏi ray rứt.” (Phan Thị Hoàng Oanh)*

Bức thư kèm theo chi tiết, tên tuổi, trú quán ngày trước của người đàn bà mang thai ở lại và tên của của người cha không bao giờ biết mặt của người con gái gửi thư.

Trong cơn hỗn loạn của Sài Gòn vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến, khi nghe Cộng Quân sắp vào, phản ứng bình thường là ai cũng mong tìm đường ra đi lánh nạn, và không ai nghĩ đến ngày một, ngày hai mình sẽ trở về, không ai có thể hứa hẹn với những người thân yêu ngày tái ngộ là bao lâu. Họ để tất cả dĩ vãng lại sau lưng, tất bật làm lại cuộc đời trên quê hương mới, học hành hay làm lụng vất vả để sống còn. Ngày tháng trôi qua, những bản tin từ quê nhà mỗi ngày mỗi xấu đi, và nỗi sum họp hay trở về hầu như tan biến. Có những người chung thủy, sắt son nhưng cũng có những người yếu đuối, buông xuôi trong dòng đời xô đẩy, và thời gian không dừng lại để chờ đợi ai. Những người bạn của tôi đã có công ăn việc làm, lập gia đình mới, sinh con đẻ cháu, những đứa con ra đời nơi đây đã thành đạt, dưới một mái nhà hạnh phúc.

Tôi nghĩ là họ không bao giờ quên chuyện cũ, nhưng đã không một lần nói ra thì không bao giờ có cơ hội nói lại. Nếu đây hẳn không là một điều tội lỗi thì họ cũng có những giấc ngủ không yên, một nỗi lo sợ ám ảnh trong suốt cuộc đời còn lại, một thứ hạnh phúc mong manh, không an toàn.

Ở trường hợp này, có thể nào tôi đi tìm họ, người sĩ quan hay người lính không quân đã bỏ lại những đứa con hay cái bào thai trong bụng người yêu, để nói với những người này những sự thật mà không bao giờ họ muốn nghe hay sợ hãi nếu phải nghe.

Tôi không sống qua những khoảnh khắc của đời họ, với những định mệnh bất ngờ và lo toan của riêng mỗi người. Tôi cũng không muốn đem lại một thảm họa cho những người bạn này, mà hạnh phúc họ đã vun xới trong vài chục năm qua, bỗng nhiên đổ vỡ.

Nếu bạn là họ, giờ đây bạn phải cư xử như thế nào.

Nếu bạn là người phụ trách phân xử trong hội đồng gia tộc, trong họ hàng hay đang là người phụ trách “Gỡ Rối Tơ Lòng,” “Giải Đáp Tâm Tình,” cho một đại nhật báo có uy tín nhất, hay bạn là bà Tùng Long ngày xưa, hay là quý bà Phillips của Dear Abby để cho tôi xin một lời khuyên, một lời khuyên tốt đẹp của đôi bề, không làm tổn thương hạnh phúc của một ai.

Tôi sẽ nói gì với những đứa con đi tìm cha đã viết thư cho tôi.

Cứ xem như cha cháu không còn nữa. Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, rất nhiều gia đình hy vọng hay tưởng chồng mình đã lên được một con tàu nào đó để ra đi và mỗi ngày họ hy vọng có một tin tức hay một lá thư trở về. Nhưng sự thật, trên con đường vượt thoát, trong bom đạn, họ đã nằm lại trên một mảnh đất quê hương hay một bờ biển nào đó. Đó là trường hợp một quân nhân của Sư Đoàn 1, gia đình tưởng đã lên một con tàu nào đó ở Thuận An để ra đi, nhưng cuối cùng, 30 năm sau, người ta tìm thấy xương cốt của ông trên bãi biển An Dương cùng với đồng đội của mình.

Hay là tôi sẽ nói sự thật, là cha cháu còn sống, nhưng ông đã có một mái ấm gia đình khác, giàu có, thành đạt nhưng có thể không hạnh phúc, nếu mỗi khi ông nghĩ đến mối tình xưa và giọt máu của mình không biết giờ này ra sao, sống chết, phiêu bạt nơi nào? Nếu nói đến một người đang ray rứt khổ đau, thì người đó chính là ông, người cha mà con đang tìm kiếm, chứ không phải đó là mẹ của con hay chính là con.

Rồi ra, khi lớn lên, va chạm với những nghịch cảnh của cuộc đời, thấu hiểu số mệnh, con sẽ hiểu.

Chúng ta lên án ai bây giờ? Một người đàn ông phụ bạc hay là một người đàn bà không có lòng rộng lượng.

Chúng ta lên án chiến tranh, có hàng triệu nạn nhân, trong đó có mẹ, có cha cháu, và hiện nay là cháu.

Ở những đất nước bình an trên thế giới, không bao giờ nghe tiếng đạn bom, ít xảy ra những cuộc đổ vỡ, chia lìa, chết chóc như quê hương của chúng ta. Mang số phận Việt Nam, ở đó, đã có bao nhiêu nấm mồ chôn vội, bao nhiêu vành khăn tang, bao nhiêu nạng chống, bao nhiêu đứa trẻ không cha, và những người quả phụ, mất chồng khi chưa qua tuổi đôi mươi.

Nếu đêm nay cháu không ngủ, thao thức nghĩ đến một người cha không bao giờ biết, không bao giờ gặp, thì người cha ấy chắc cũng không tròn giấc, có khi lòng như lửa đốt, trên chăn êm, nệm ấm mà nghĩ như trên gai nhọn hằng đêm.

Có thể câu chuyện mà cháu nhờ đến tôi, tôi không bao giờ giúp cháu được.

Dù xót xa, tôi nghĩ rồi ra cháu sẽ hiểu, sẽ tha thứ và sẽ quên.

(*) Tên, tuổi, thông tin của những người trong cuộc đã được thay đổi.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay