“NHỮNG NGƯỜI SẴN SÀNG CHỊU CHẾT”

“NHỮNG NGƯỜI SẴN SÀNG CHỊU CHẾT”

Liên tiếp trong mấy ngày liền, tại Phòng Công Lý và Hòa Bình DCCT, tôi được gặp chị Bùi Thị Minh Hằng vừa được thả tù về, rồi cha Đặng Hữu Nam cùng với một đoàn Giáo Dân ngược chuyến xe vào Nam. Và hôm qua hôm kia xem các clip video “chuyến đi vạn hành” của cha Nguyễn Đình Thục và bà con Song Ngọc từ Nghệ An vào Hà Tĩnh để kiện Formosa. Tất cả những anh chị em ấy đều có chung một tinh thần: không sợ tù tội, không sợ bị tấn công, không sợ bị vu khống xỉ nhục, không sợ cả cái chết !

Công bằng mà nói, họ chỉ là những Linh Mục thấp mập hoặc gầy gò, những bà mẹ, những chị em, những bạn trẻ giản dị bình thường ta có thể gặp ngoài đường,trong khu xóm, ngay bên cạnh nhà của ta. Không có một miếng võ nào để hộ thân, không có một mẩu vũ khí nào để tự vệ. Trên tay một xâu chuỗi Mai Khôi, trên miệng một lời Thánh Ca da diết “Mẹ ơi đoái thương xem nước Việt Nam…” Vậy mà sao họ lại có thể thẳng thắn nói lời cám ơn cán bộ nhà tù đã rèn luyện họ thêm “chân được cứng, đá phải mềm” ? Vậy mà sao họ lại có thể sẵn sàng để cho hàng trăm kẻ hung hăng và trang bị dữ dằn lừa gọn vào bẫy, vây lại như một đàn cừu non, hè nhau xông đến tấn công, họ chỉ í ới gọi bảo nhau “ngồi xuống, ngồi xuống” rồi bật lên tiếng cầu nguyện đau đến chảy máu bên ngoài, xé lòng bên trong ?

Có bài báo nào đó đã viết về họ như là một “hành trình đòi quyền sống trong nỗi chết”. Nghe kinh khủng quá, nhưng đó là sự thật ! Họ làm cho chúng ta rưng rưng kính phục và tự hào, rồi như được khơi lên sâu trong lòng một sự can đảm cần thiết để hiệp thông, để sát cánh với họ chứ không thể tiếp tục tụ thủ bàng quantrong một nỗi e sợ ngấm ngầm âm ỉ được khéo léo che giấu cho đỡ xấu hổ !

Hôm nay, xem lại các video cảnh bà con Song Ngọc quây quần trong sân Nhà Xứ Đông Tháp, tôi thấy nghèn nghẹn trong cổ họng và ứa nước mắt, từ cha xứ đến bà con Giáo Dân đều bảo nhau cúi đầu vâng lời Bề Trên để trở về nhà. Vâng, họ đã đành phải trở về nhà cho dẫu họ tỏ ra không hãi sợ chút nào những gì vừa trải qua, họ bảo nhau sẽ có cách đấu tranh khác với chính quyền, với Formosa, vẫn hoàn toàn bất bạo động, vẫn sẵn sàng chịu bách hại kinh khiếp hơn nữa, chỉ để cho cả nước, cho cả thế giới thấy họ có chính nghĩa, và họ quyết sống chết vì Công Lý và Sự Thật…

Tin mới nhất nhận được từ Tin Mừng cho Người Nghèo, cha già Lê Đăng Niêm của Giáo Xứ Thủ Thiêm báo tin ngày mai nhà nước cho xe đến ủi sập ngôi trường học của Giáo Xứ, cha mời gọi lúc 7g sáng ngày 17 tháng 2, mọi người hãy kéo đến hiệp thông với cha, với các Nữ Tu Mến Thánh Giá và bà con Giáo Dân. Cha già bảo “sẽ mặc áo chùng thâm, ngồi xe lăn ngay tại vị trí mà nhà cầm quyền muốn bình địa”…

Đến đây thì tôi nhớ lại biến cố năm 1975, ngược dòng thời gian đến 42 năm. Mùa Chay năm ấy, một Linh Mục Dòng Đa Minh giảng thuyết nhiều ngày liền thật hùng hồn thu hút tại Nhà Thờ Đức Bà Paris. Rất nhanh, các bài giảng được in ra xuất bản với tựa đề “Contre toute espérance”. Có ai đó cầm được một bản từ Pháp về tới Sàigòn trong những ngày đạn bom không còn ở vùng hỏa tuyến xa xôi, nhưng đã tràn về đến ngoại ô, đến cửa ngõ thủ đô miền Nam.

Cha Jean Marie Trần Văn Phán, Dòng Phanxicô ở Đakao, đã dịch rất nhanh tập sách với tựa đề “Tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông”. Câu này lấy từ Thư Rôma chương 4 câu 8, bản dịch tiếng Anh là: “Who in hope believed against hope”, bản dịch tiếng Pháp là:“Espérant contre toute espérance, il crut”, bản dịch tiếng Việt của Nhóm CGKPV là: “Mặc dầu ông Abraham không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin”. Xem ra cách dịch thoát ý của cha Phán tuy không theo sát các bản dịch Tân Ước nhưng lại lột tả được tinh thần toàn bộ bài giảng của tác giả Bernard Bro.

Tập sách được quay “roneo chui”, phổ biến ngay trong giới Linh Mục Tu Sĩ Sàigòn dạo ấy. Dù vậy, hình như cha Phán chưa hài lòng, ngay sau ngày mất Sàigòn, khi mọi người còn đang ngơ ngác, thậm chí có phần hoảng loạn vì diễn tiến lịch sử quá nhanh, quá bi đát và tàn bạo, cha sang nhà chúng tôi chỉ cách Nhà Thờ khoảng 300m, gặp ba tôi, ông Lê Văn Lộc, để bàn về một bản dịch mới, chu đáo cẩn trọng hơn. Chỉ trong khoảng mấy tháng, ba tôi đã dịch xong, nhanh nhưng rất kỹ lưỡng. Và thật bất ngờ cho tôi là thằng bé út 17 tuổi, học giỏi môn Văn, được ba tôi giao một trách nhiệm hết sức nặng nề mà vinh dự là giúp ông biên tập câu văn lại cho nó ra văn phong tiếng Việt, xuôi chảy mà không phản nghĩa nguyên tác. Ba tôi chọn dịch tựa đề ngắn hơn, mạnh hơn, lúc đầu là “Niềm cậy trông bất chấp tuyệt vọng”, rồi sau ông lại đổi ngắn hơn nữa, mạnh hơn nữa “Niềm cậy trông bất khuất”.

Và tôi đã may mắn được tiếp cận với một bộ bài giảng tuyệt vời, không chỉ về ý nghĩa Thần Học sâu xa độc đáo mà còn về cả những minh họa sống động của cuộc đời cho những giá trị Tin Mừng Chúa Giêsu đem đến cho nhân loại khốn khổ bi thương ở mọi thời và ở mọi nơi, ám hợp ngay cả với hoàn cảnh đất nước quê hương Việt Nam chúng ta vừa lọt vào tay những người CS vô thần.

Bản dịch được chính ba tôi đánh máy lưu giữ trong nhà như một di sản trong khoảng năm 1978. Sau khi ba tôi mất năm 1988, tôi đi TNXP để đủ điều kiện vào Đại Chủng Viện Giuse, nhưng rồi cũng không xong, tôi xin chuyển sang DCCT. Tôi đã mang theo 6 tập sách đánh máy chữ này vào Nhà Tập năm 1991 để dùng như sách thiêng liêng. Đến 1998, làm Phó Tế về phục vụ ở vùng quê Vĩnh Long và Đồng Tháp, tôi bắt đầu mỗi ngày một chút, lọ mọ gõ mổ cò bằng bàn phím computer rồi đem đi photo, đóng bìa như một cuốn sách ấn hành đẹp.

Hôm nay, tôi xin trích một đoạn ngắn trong tập sách dịch tuyệt vời ấy để tỏ lòng biết ơn và để tôn vinh những con người Việt Nam nhỏ bé, gầy gò, hiền hòa, bình dị, đàn ông và đàn bà, còn trẻ hay đã già, còn nhanh nhẹn đi lại hay đã phải ngồi xe lăn, ở khắp mọi miền đất nước quê hương trong nhiều năm qua, và đặc biệt trong những ngày tháng đầu xuân này, đã hầu như “tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông”, phải nói họ đã có được một “niềm cậy trông bất khuất” trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người đời, để trở thành “những người sẵn sàng chịu chết” cho Lẽ Phải.

.

Xin trích bài giảng của cha Bernard Bro:

Văn hào Nga hiện đại Andrei Siniavski ( 1925 – 1997 ) đã từng mang án khổ sai, phải sống lưu vong và dạy học tại Pháp. Với nhãn quan của một người không có tín ngưỡng, ông đã viết về niềm tin Kitô giáo của các tín hữu xuyên qua các cuộc bách hại mọi thời và mọi nơi trên thế giới như sau:

Trong đội ngũ của họ, hạng người khôn ngoan không có là bao. Tiểu sử của họ là một chuỗi dài những cuộc tuẫn đạo và tử vong nặng nề của một đoàn quân chỉ biết noi gương Thiên Chúa của họ. Đó là những chiến sĩ phô bày trước thế gian những vết sẹo và thương tích như những dấu hiệu hiên ngang, tự hào và vinh quang.

Họ thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội, cả giới hạ lưu bần cùng, cả bọn trọng phạm. Thế nhưng, họ đều đã nhận lấy thập giá. Bất cứ ai cũng đều có thể gia nhập đội ngũ của họ, người dốt nát cũng như kẻ đã từng phạm tội, chỉ với một điều kiện là sẵn sàng nhảy vào lửa.

Đó là thứ tôn giáo của một niềm hy vọng lớn nhất phát sinh từ cảnh tuyệt vọng. Không một tôn giáo nào trên thế giới này lại có được sự tiếp cận mật thiết nhất với tử thần nhiều như Kitô giáo. Mà không phải là họ không biết sợ hãi đâu ! Họ không hề chiêm ngưỡng sự vĩnh cửu, nhưng họ chiếm lấy sự vĩnh cửu bằng cách phấn đấu với một thứ vũ khí duy nhất; đó là sẵn sàng chịu chết !”

Lm. QUANG UY, DCCT, đêm 16.2.2017

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay